Thận Nhiên – Nhà văn nghĩ gì, làm gì mùa hè này

Phan Nhiên Hạo: Chào Thận Nhiên. Anh từ Mỹ về Việt Nam sống đến nay gần chục năm rồi, nếu tôi không lầm. Trong giới văn nghệ hình như chưa có nhà văn hải ngoại nào về trụ lại được trong nước lâu như Thận Nhiên. Cuộc sống của anh hiện nay thế nào: công việc kiếm sống và viết lách có gì khó khăn, thuận lợi, với tư cách một nhà văn Việt Kiều ở Sài Gòn?

Thận Nhiên: Chào Phan Nhiên Hạo. Vâng, có lẽ tôi là người về Việt Nam lâu nhất, thoắt cái mà đã chín năm rồi. Còn nhớ lần đầu tôi về, gặp anh, thì anh đã sống ở Sài Gòn gần hai năm, lúc đó là những ngày cuối trước khi anh trở về Mỹ. Té ra mình đổi ca cho nhau. Hiện nay có một vài người trong giới văn nghệ hải ngoại cũng sống ở Việt Nam, tôi muốn nói những người ở Bắc Mỹ và châu Âu, còn những người ở Đông Âu thì mình không biết. Tôi biết có anh Nguyễn Quý Đức hiện sống ở Hà Nội, anh Nguyễn Tiến Văn ở Sài Gòn, chị Mai Ninh ở Vũng Tàu.

Tôi sống một mình, giản dị, không có nhiều nhu cầu về vật chất nên cũng không vất vả lắm. Ở nhà trọ, ăn cơm bụi, có xu hào rủng rỉnh thì xài, không thì nhịn. Kiếm sống bằng nghề dịch sách, dạy Anh văn, viết báo và chạy mánh lai rai. Viết lách văn chương là một trò chơi, không phải là job kiếm tiền.

Hẳn nhiên sẽ có những khó khăn và thuận lợi. Một trong những khó khăn là phải cân nhắc đắn đo những điều mình viết vì an ninh bản thân, nhưng chính sự khó khăn đó cũng là một thứ kích thích, tạo hứng cho mình. Điều này không phải là vấn đề của riêng tôi, hay của các nhà văn Việt Kiều sống ở Việt Nam, mà là vấn đề chung của tất cả mọi người cầm bút hay làm nghệ thuật, có ý thức và khao khát tự do, đang sống trong các chế độ toàn trị, độc tài. Chuyện họa sĩ Ngãi Vị Vị bị chính quyền Trung Quốc bắt rồi thả cách đây mấy tháng là một ví dụ điển hình.

Tối hôm qua, tôi đi lai rai thịt cầy ở một quán khu Tân Sơn Nhất với các anh họa sĩ Đỗ Hoàng Tường, Lê Thánh Thư và Đỗ Trung Quân. Khi Quân đến thì có một người chạy gắn máy theo tò tò và đứng bên góc đường quan sát chúng tôi, có lẽ lý do là do mấy bài thơ của anh Quân viết trong thời gian vừa qua và cái áo in dòng chữ NO U chống cái lưỡi bò của Bắc Kinh mà anh đang mặc. Vậy đó, ban đầu thì thấy nó bất thường, lo sợ và khó chịu, nhưng riết rồi quen, không chừng không có những cái bất thường, trái khoáy kiểu đó thì lại nhớ. Nó giống như một trò chơi dại mà hồi bé tôi hay chơi, là kéo căng một sợi dây thun trước mặt ra mãi, nếu sợi dây đứt thì nó sẽ bắn vào mặt đau điếng, còn chưa đứt thì lại kéo thêm chút nữa, chút nữa, để có được cái cảm giác kích thích; và điều man rợ của trò chơi là mình không biết được cái giới hạn thật sự của độ bền sợi thun và lòng dũng cảm (hay sự điên rồ?) của mình.

Phan Nhiên Hạo: Làm một nhà văn viết tiếng Việt ở Mỹ và ở Sài Gòn thì có gì khác nhau?

Thận Nhiên: Có chứ. Trước hết là cái “chất tươi” của đời sống — nếu viết về vấn đề của Việt Nam — và “chất tươi” của ngôn ngữ. Tuy rằng với khả năng truyền thông hiện đại thì sống bất cứ ở đâu cũng không bị lạc hậu về thông tin nếu chịu sử dụng internet, nhưng tôi nghĩ rằng đối với người viết thì vấn đề không chỉ ở thông tin mà thôi, mà quan trọng hơn là cái tâm thế và sự trải nghiệm bản thân trong các sự kiện của đời sống. Tôi nghĩ đó cũng là sự thuận lợi cho việc viết văn của tôi. Ngoài ra, còn cái kinh nghiệm này nữa chắc anh cũng biết qua thời gian sống ở đây, là, với cái nhìn của một người đã sống ở một nền văn hóa khác, thì hắn sẽ dễ phát hiện những điều trái khoáy mà người trong nước không thấy vì chúng quen thuộc với họ quá, những trái khoáy từ quen thuộc rồi trở nên hiển nhiên, và tệ hơn, người ta vô cảm và còn thấy chúng hợp lý.

Phan Nhiên Hạo: Có thể nói đây là mùa hè rất “nóng” ở Việt Nam, trong ý nghĩa chính trị, xã hội: những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, vụ án Cù Huy Hà Vũ… Theo quan sát của anh, thái độ của giới văn nghệ trong nước về những vấn đề này như thế nào? Có sự khác biệt nào giữa giới văn nghệ ở Sài Gòn và Hà Nội, trong lề, ngoài lề, vân vân?

Thận Nhiên: Câu hỏi của anh rất thú vị. Ừ, mùa hè này nóng thiệt, kể từ sau cuộc biểu tình chống Trung Quốc bị dập tắt thật nhanh vào năm 2007 đến nay thì mùa hè này đã nóng lại. Tôi nhận thấy những điều sau đây:

Theo tôi, cái khái niệm trong luồng ngoài luồng hay lề trái lề phải là một khái niệm mơ hồ, khó phân định. Nếu chỉ cho rằng bất cứ ai đang là công nhân viên làm cho nhà nước là người đó thuộc trong luồng và lề phải thì không đúng. Tôi căn cứ vào những gì người đó viết hơn là nhân thân của họ.

Lần này, giới văn nghệ ngoài Bắc có những tham gia nồng nhiệt và mạnh mẽ hơn, như các ông Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Trọng Tạo, Bằng Việt, Hoàng Hưng… nếu không tham gia biểu tình thì cũng cất tiếng nói, hay có biểu hiện phản ứng với những hiện tượng xâm lược của Trung Quốc và vụ án Cù Huy Hà Vũ. Tuy nhiên, phải thấy rõ rằng đây chỉ là phản ứng của các cá nhân, hoàn toàn không có một động thái nào có tính tập thể, hay được chỉ đạo, hay có sự đồng tình của các hội văn nghệ, hội nhà văn; thật là hiếm khi bắt gặp một sáng tác văn nghệ nào có tính đối kháng Trung Quốc hay có tính thời cuộc chính trị xuất hiện trên các báo hay website chính thống.

Trong lúc đó, đoàn nhà văn Việt Nam do nhà văn Nguyễn Trí Hân, phó chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam làm trưởng đoàn, đã lên đường thăm và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 20 tháng 7 năm 2011, theo tin trên VanVN.net của Hội Nhà Văn.

Tôi tự hỏi trong lúc dầu sôi lửa bỏng này thì họ đang giao lưu với nhau về cái gì vậy? Các vấn đề thời sự liên quan tới những xung đột giữa hai nước có được đưa ra hay không?

Ở trong Nam thì các nhà thơ như Phạm Sĩ Sáu, Đỗ Trung Quân, Bùi Chí Vinh, Trần Mạnh Hảo, Trần Hữu Dũng… đều có những sáng tác nói lên phản ứng của họ về tình hình đất nước trước họa ngoại xâm. Nhưng đặc biệt hơn, đối tượng của họ không chỉ là Trung Quốc, mà còn với bọn phản quốc; họ phê phán và thất vọng trước sự mềm mỏng thái quá của nhà nước và cách ứng xử thô bạo của bộ máy công an đối với những người biểu tình yêu nước.

Hơi lạ là phản ứng của những nhà văn, nhà thơ được xem là ngoài luồng, tôi muốn nói đến những người thuộc lớp lớn tuổi, đã thành danh, lại không mạnh mẽ, sôi nổi như hồi năm 2007. Vào năm 2007, Tiền Vệ có hẳn một chuyên đề văn chương “Viết Cho Hoàng Sa & Trường Sa” với hàng trăm sáng tác nhưng năm nay không có, mà chỉ có đề tài “Chủ Quyền Lãnh Thổ” ở mục Đối Thoại.

Năm nay, ngoài các diễn đàn đã có ra, thì các sáng tác còn xuất hiện và phổ biến ở một sân chơi mới, sân chơi này rất thú vị và quan trọng, đó là facebook. Hiệu ứng của facebook thật nhanh chóng và rộng rãi; bạn đọc và người tham gia thuộc đủ thành phần, nơi chốn, lứa tuổi, trình độ, chính kiến… và điểm tuyệt nhất là nó hoàn toàn dân chủ và bình đẳng với mọi đối tượng.

Những ngày vừa qua, sự kiện cú đạp của một nhân viên an ninh vào mặt anh thanh niên yêu nước đi biểu tình ở Hà Nội đã gợi hứng và thành đề tài cho cả trăm bài thơ trên nhiều diễn đàn khác nhau. Từ sự kiện này, có rất nhiều nhà thơ mới xuất hiện; lúc này ai cũng muốn bày tỏ lòng phẫn nộ của mình, và cách nhanh chóng và khá dễ dàng/dễ dãi nhất là biến lòng phẫn nộ thành một tác phẩm văn chương, vậy là một mùa “thơ đạp mặt dân” ra đời. Thẳng thắn mà nói, tôi thấy mùa thơ này thừa nhiệt tình, phẫn nộ, dũng cảm, để có các dũng sĩ, nhưng lại thiếu cái tài hoa để có các thi sĩ.

Ngoài thơ ra, trong lúc này tôi nhận thấy còn có những bài tùy bút, nhật ký, nhận định về thời cuộc, nhiều phần là của các tác giả nữ như Thùy Linh, Võ Thị Hảo, Dạ Thảo Phương. Tôi đặc biệt thích các bài của Phan Thị Lan Phương (tức Mẹ Đốp) trên facebook, và của Nguyễn Thị Từ Huy trên website Bauxite Viet Nam.

Những tùy bút của Lan Phương có sự chân thành, nồng nhiệt, phẫn nộ và hóm hỉnh, chua cay, của tuổi trẻ, nhưng là một tuổi trẻ đầy ý thức trước một thực tại tan nát và đen tối của đất nước. Những bài nhật ký của Từ Huy sắc sảo, xác đáng, thu hút được sự chú ý của nhiều người. Những bài viết của hai tác giả này đều dễ dàng tìm đọc trên các website.

Trước tiên, tôi muốn gọi các sáng tác có nội dung xã hội, chính trị trong lúc này với một tên chung là “thời cuộc,” như “thơ trước thời cuộc” chẳng hạn. Và điều thứ hai, nếu tôi không lầm, thì chỉ hai thể loại văn chương có đề tài thời cuộc này xuất hiện là thơ và tản văn/tùy bút.

Trong khi các nhà văn, nhà thơ lớp lớn, trong lề, thường nhắc đến hay chiêu niệm quá khứ như một sự bảo chứng cho tinh thần dân tộc, cho lòng yêu nước. Họ thường nhắc đến Đống Đa, Bạch Đằng, chống Tây chống Mỹ, khi muốn nói lên các quá khứ hào hùng của dân tộc. Những người viết trẻ, lớp sau, ngoài lề, ít khi nhắc đến những quá khứ hào hùng ấy, nhưng họ thẳng thắn nói đến những điều đau đớn trong thực tại, đặt nghi vấn với những điều giả dối, và đòi định nghĩa lại những thứ linh thiêng như lòng yêu nước chẳng hạn. Thay vì nhắc tới quá khứ, họ nói về hiện tại và tương lai. Tôi đã viết về điều này trong bài “Thơ Trước Thời Cuộc” đăng trên Tiền Vệ. Hôm nay, để làm rõ hơn ý mình vừa nói ở trên, tôi muốn giới thiệu tiếp ba bài thơ của ba tác giả khác, cũng có cùng chủ đề thời cuộc. Lạ một điều là, theo tôi, tất nhiên không hẳn là tôi đúng, hầu hết những bài thơ hay nhất lại đều của những nhà thơ nữ. Tôi chú ý và thú vị với sự xuất hiện của một lứa người viết mới: Phan Thị Lan Phương, Đoàn Minh Châu, Lê Thị Thanh Tâm, Khương Hà Bùi, Chiêu Anh Nguyễn.

Bài thứ nhất là bài “I Am Sorry for Your Country,” một bài thơ chua xót, nghẹn ngào về “cái nhục cái hèn của đất nước mình” hôm nay, và dự phóng “lật những con đường lên/ đi tới” cho ngày mai, của nhà thơ Đoàn Minh Châu, đăng trên Tiền Vệ.

Bài thứ hai là của nhà thơ Lê Thị Thanh Tâm, “Mộ Gió,”đăng trên website của trường đại học Khoa học Xã hội Nhân Văn. [1]

Trong lúc những chiêu bài giả dối như “16 chữ vàng, 4 tốt” đang được ra rả xun xoe ca ngợi cho tình giao hảo Việt Nam-Trung Quốc thì Lê Thị Thanh Tâm đau đớn tự hỏi: “Tôi thường tự hỏi trên bãi Gạc Ma/ khi kẻ thù xả súng vào các anh/ từng đồng đội ngả dần trước mắt/ từng hồng cầu tan ra trong biển mặn/ các anh đã nguyện ước gì cho lãnh hải biên cương?” Nhà thơ gọi đích danh chúng là “kẻ thù.” Nhà thơ cũng không quên điểm mặt “những kẻ không còn trái tim/ phản bội giống nòi,” “bọn vong nô,” vì chúng đang thật sự hiện diện trên đất nước này.

Bài thơ sau cùng tôi muốn giới thiệu là bài “Việt Vị” của nhà thơ Phan Thị Lan Phương, đăng trên litviet tuần này. Thơ của Lan Phương, cũng như những tạp bút của cô, đầy cá tính và rất “vỉa hè,” một thứ ngôn ngữ ngang tàng không có chút nữ tính theo lối thông thường, đó cũng là một điểm khác biệt giữa người viết hôm nay với các thế hệ làm văn chương trước đây. Hình tượng “việt vị,” một lỗi trong môn bóng đá, theo tự điển thì: “Lỗi của cầu thủ bóng đá khi nhận bóng để tiến công ở sân đối phương mà phía trước không có hai cầu thủ của phía đối phương. Cầu thủ bị việt vị. Phạt việt vị,” cũng là một hình tượng rất mới trong thơ Việt.

Điểm chung của họ, các nhà thơ này, là, ngoài phẫn nộ với sự xâm lược của Trung Quốc, họ đều muốn gọi đúng tên của vấn đề, nhìn tận mặt thực trạng của đất nước, đối diện với sự thật, dẫu đau lòng thế nào đi nữa.

Phan Nhiên Hạo: Bản thân anh mong muốn điều gì, viết gì, trong bối cảnh thời sự chính trị và xã hội Việt Nam mùa hè này?

Thận Nhiên: Người viết văn cũng có những vấn đề, những mong muốn như mọi công dân bình thường khác. Mục tiêu của một quốc gia bao giờ cũng là độc lập, tự do, giàu mạnh, dân chủ, công bằng; đó là những gì tôi mong ước cho đất nước này, nhưng thấy chúng ngày càng trở nên xa vời. Tôi mong mỗi người Việt, dù đang sống ở đâu, hãy nỗ lực bằng cách nào đó, để đất nước không rơi vào tình cảnh Bắc thuộc lần nữa.

Tôi có hai tổ quốc, Mỹ và Việt Nam, ở nơi này thì nhớ nơi kia, nơi nào tôi cũng yêu và cũng ghét, nhưng ngẫm lại thì tôi không hài lòng với nơi nào cả.

Tôi khao khát nhưng không mang ảo tưởng về công việc văn chương của mình. Sau gần mười năm sống ở Việt Nam, những ảo tưởng và cả những hi vọng, dần dần tan biến.

Tôi đang viết những chương cuối truyện vừa “Con Rùa Bò Ngang Mặt Đất”, đăng từ từ trên litviet; phải viết cho xong nó, đó là chỉ tiêu của mùa hè này, nếu các bạn quởn, xin mời đọc.

Phan Nhiên Hạo: Cảm ơn Thận Nhiên.

(Thực hiện bởi Phan Nhiên Hạo qua email, 8.2011)

Chú thích:

[1]Vào thời điểm lên bài, không tìm thấy bài thơ “Mộ Gió” trên website ĐHKHXH-NV, litviet link đến website Việt Studies