Phan Nhiên Hạo: Chào Phan Thị Lan Phương. Cuộc sống của chị mùa hè này có gì vui, buồn, đang bận rộn chuyện gì? Như nhiều người trẻ ở Việt Nam hiện nay, chị từ miền Trung vào Sài Gòn sống tự lập sau khi tốt nghiệp đại học. Chị lại là người làm văn nghệ: viết kịch bản, viết văn, làm nghệ thuật trình diễn.Sống và làm việc được ở Sài Gòn có lẽ không dễ dàng đối với chị?
Phan Thị Lan Phương: Chào anh Phan Nhiên Hạo. Cuộc sống của tôi ở đây cũng buồn vui đều đều. Buồn vì mới họp quốc hội xong mà vàng đã tăng rào rào. Thủ tướng nắm quyền bốn năm thì giá thịt giá rau cũng tăng lên gấp bốn lần (bấn… loạn). Vậy nên với tình trạng thủ tướng tiếp tục nắm quyền bốn năm nữa, chắc chắn là tôi không có cơ hội mua nhà trú thân ở Sài Gòn rồi. Nhưng cái gì cũng có cái hay cái dở, tính ra thì cũng không tồi. Chính vì không mua nhà nổi, tôi lại đi thuê nhà, chuyển từ cái nhà to sang cái nhà nhỏ, cái nhà nhỏ sang cái phòng nhỏ. Từ đó, kỹ năng sắp xếp đồ đạc của tôi cũng giỏi lên trông thấy. Vậy nên nếu một mai, giá rau, giá thịt, giá gạo, giá thuê nhà tăng lên gấp mười sáu lần, thề với anh, tôi vẫn sống sót với cái phòng rộng chừng 4m2! Để chuẩn bị cho việc đó, chắc tôi sẽ thực tập trước bằng màn trình diễn ở Khoan Cắt Bê Tông mới được. Cuộc sống nhập cư có nhiều điều hay lắm. Đó là những lúc đi lang thang tìm chỗ ăn mì quảng, bánh canh. Tìm được thì vui như gặp người yêu, không tìm được thì cũng tạm bợ cho đỡ nhớ. Tôi viết được một vài tùy bút nho nhỏ, khi nào đủ sẽ in thành một tập “tùy bút người nhập cư.” Đó là chuyện vui vậy.
Trong ba việc anh vừa nêu thì có hai việc làm không công rồi: viết văn và làm nghệ thuật trình diễn. Còn viết kịch bản thì không tồi, tôi kiếm sống bằng nghề đó. Bạn bè tôi ở đây có người sống bằng nghề viết báo, đạo diễn, vẽ quảng cáo… Nói chung thì tiền kiếm được không bao nhiêu nhưng chi tiêu thì rất bao la. Ngoài mấy trò này, tôi còn một trò khác cũng tốn “quân nguyên” lắm: làm phim tài liệu. Đời sống ở đây cũng không tệ lắm. Tôi làm nghề tự do nên lúc thì bận rộn, khi lại thất nghiệp, nhưng nói chung là vẫn sống được để theo đuổi những điều mình yêu thích.
Phan Nhiên Hạo: Nghệ thuật trình diễn ở Việt Nam hiện nay hình như cũng lan sang những người viết văn, những người vốn xuất thân không phải là hoạ sĩ. Chị có thể giải thích nguyên nhân vì sao không? Bản thân chị đến với nghệ thuật trình diễn trong trường hợp nào?
Phan Thị Lan Phương: Ờ, anh nói đúng đó. Có vẻ nghệ thuật trình diễn nó lây lan nhanh chóng thông qua con đường nhậu nhẹt. Tôi là dân học kinh tế nên lại càng không liên quan gì tới các thể loại nghệ thuật, vậy mà tôi cũng nhiễm. Sự vụ là trong một lần người bạn tôi trình diễn ở Khoan Cắt Bê Tông và hậu trình diễn là nhậu. Tôi nói ra vài ý tưởng của mình. Tiểu Anh (nhà thơ) bảo tôi lắm ý tưởng mà chả bao giờ làm. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể làm trình diễn. Mọi người bảo hãy làm như những gì tôi vừa mô tả, vậy là làm thôi. Và khi tôi chuẩn bị ý tưởng, nhiều anh chị em đã đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm của họ. Nhờ vậy, lần trình diễn đầu tiên cũng khá thành công. Tôi đang chuẩn bị cho những tác phẩm tiếp theo.
Tôi có biết một vài người không xuất thân từ dân mỹ thuật nhưng họ vẫn tham gia làm trình diễn. Vì trong hoàn cảnh này, người ta không nhất thiết phải dùng một hình thức nghệ thuật duy nhất để biểu đạt ý tưởng của họ. Với ý tưởng này mình viết tùy bút thì tốt, nhưng ý tưởng khác thì phải làm phim tài liệu, và ý tưởng nọ thì phải làm trình diễn mới thể hiện được. Và tất nhiên là còn nhiều loại hình khác để biểu đạt ý tưởng. Tôi nghĩ không nên câu nệ mọi người là ai, nghề gì, background ra sao. Mà chính vì những background khác nhau đó, những tác phẩm được sáng tạo ra mới phong phú, đa chiều được.
Phan Nhiên Hạo: Có thể nói đây là một mùa hè rất “nóng” ở Việt Nam, trong ý nghĩa chính trị, xã hội: những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, vụ án Cù Huy Hà Vũ… Theo quan sát của chị, giới văn nghệ trong nước, đặc biệt những nghệ sĩ trẻ như chị, có quan tâm về những vấn đề này không? Họ bày tỏ sự quan tâm đó như thế nào?
Phan Thị Lan Phương: Đúng vậy, nóng nực muốn chết. Tôi không biết nhiều người trong giới văn nghệ nên tôi cũng không rõ họ có quan tâm hay không. Tôi có kết nối với một số bạn bè nghệ sĩ trên facebook, cũng có vài người bày tỏ quan điểm qua những status, comment, ghi chú nhưng cũng có một số không nói gì. Có thể họ quan tâm nhưng không tiện nói ra hoặc có thể không quan tâm. Trong số những người quan tâm, nhiều người tỏ ra đồng lòng, ủng hộ với hành động biểu tình ôn hòa của thanh niên trong nước và phản đối một cách trực tiếp, thẳng thắn những hành vi đàn áp biểu tình. Với vụ Cù Huy Hà Vũ, nhiều người tỏ ra không bất ngờ, họ chỉ thấy đây là trò hề vụng về. Vậy nên có một số khác, họ giễu nhại những chuyện này thay vì nói thẳng thái độ bất bình của họ. Chính trị ở Việt Nam hiện nay là một trò hề lớn, những người quan tâm cũng giống như khán giả, họ ngồi và đợi coi màn kịch tiếp theo liệu có lởm bằng trò hề trước đó hay không. Sau đó họ viết và bình luận. Xét cho cùng thì chính trị cũng là một trò giải trí. Có điều nó nguy hiểm hơn phim truyền hình soap opera ở chỗ: nó ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của chúng ta, cuộc sống chúng ta, trường học con cái chúng ta. Vậy nên cứ coi kịch, cứ cười, rồi lại chua chát, lại quay về tất bật đấu tranh sống sót trong xã hội này.
Phan Nhiên Hạo: Với tư cách một người viết văn, bản thân chị muốn viết gì trong bối cảnh thời sự chính trị và xã hội Việt Nam mùa hè này?
Phan Thị Lan Phương: Nhiều người viết văn trong nước than thở họ không có tự do để được viết, được xuất bản những điều họ nghĩ. Tôi thấy họ cũng đúng. Nhưng riêng bản thân tôi, tôi lại cho rằng đó là điều hay. Một cuộc sống bấp bênh, một nền văn chương chính thống một chiều, bảy trăm tờ báo một lề và một bối cảnh chính trị buồn cười như vậy quả là một nguồn cảm hứng bất tận và phong phú cho người viết. Mùa hè này, tôi chủ yếu vẫn viết kịch bản phim kiếm sống và tiếp tục viết tùy bút người nhập cư thôi. Thỉnh thoảng, tôi vẫn viết về vài chủ đề khác khi nó đủ buồn cười và kích thích tôi, ví dụ như vụ hai cái bao cao su chẳng hạn, có thể phải viết cái gì đó về chuyện tình hai cái bao cao su đã qua sử dụng.
Phan Nhiên Hạo: Cảm ơn Phan Thị Lan Phương.
(Thực hiện bởi Phan Nhiên Hạo qua email, 8.2011)