Phan Nhiên Hạo – “Thơ cóc” Nguyễn Đăng Thường, tào lao hay trào phúng?

Nguyễn Đăng Thường bắt đầu đăng thơ ở Sài Gòn năm1970, và từ đó đến nay đã viết khá nhiều thơ. Thông thạo tiếng Pháp và Anh, ông cũng dịch một số thơ văn của các tác giả phương Tây ra tiếng Việt, có thời gian cộng tác với nhà thơ Diễm Châu làm nhà xuất bản Trình bày. Nhắc qua vài dòng tiểu sử để thấyNguyễn Đăng Thường là một tác giả thành danh, có kiến thức văn học rộng, chứ không phải một cây bút tay ngang. Vài năm gần đây, tuy vậy, Nguyễn Đăng Thường viết nhiều bài thơ có vẻ bông phèn — những bài thơ mà khi gởi đến tôi ông gọi là “thơ cóc” — với nội dung giễu cợt những kệch cỡm của xã hội Việt Nam và đả kích nền chính trị độc tài trong nước. Giọng điệu cợt nhả, sử dụng nhiều ngôn ngữ đời thường, chen với một số không nhỏ các “từ tục”, những bài thơ này dễ tạo ấn tượng với nhiều người rằng tác giả đang viết lách tào lao. Nhưng tôi đề nghị một cách nhìn khác. Tôi nghĩ Nguyễn Đăng Thường đang làm thơ trào phúng, như những nhà thơ trào phúng trước đây của Việt Nam.

Lần sau cùng văn chương Việt Nam có một nhà thơ trào phúng là khi nào? Ít nhất cách đây cũng đã mười năm, với cái chết của Tú Kếu[1] năm 2002. Tú Kếu là nhà thơ trào phúng nổi tiếng ở miền Nam trước 1975, sau 30 tháng Tư bị chính quyền Cộng Sản giam 18 năm tù vì tham gia “tổ chức phản động.” Ở miền Bắc, Bút Tre[2], nhà thơ trào phúng ngoài lề có ảnh hưởng rộng rãi trong đại chúng, qua đời năm 1987. Trước đó nữa, Tú Mỡ[3], một người có vị thế chính thống trong nền văn chương Xã Hội Chủ Nghĩa, mất năm 1976. Tú Xương[4], bậc thầy của thơ trào phúng cổ điển Việt Nam, thì đã qua đời từ năm 1907. Nhìn lại cả một thế kỷ 20, văn chương Việt Nam chỉ có được dăm ba người làm thơ trào phúng nổi tiếng.

Tồn tại từ thời Hy Lạp cổ đại, văn chương trào phúng phát triển mạnh ở Âu Châu khoảng cuối thế kỷ 17 và thế kỷ 18, với những tên tuổi như Jonathan Swift (1667-1745), Alexander Pope (1688-1744), Voltaire (1694-1778)… Thời hiện đại, tuy vậy, lại thiếu những gương mặt trào phúng lớn. J.A. Cuddon trong Tự Điển Thuật Ngữ và Lý Thuyết Văn Học giải thích điều này bằng hai nguyên nhân:

Thứ nhất, thế kỷ 20 là thời bất an và bạo lực, tương phản với thế kỷ 17 ở Âu Châu là thời văn hoá phát triển, và một xã hội văn hóa cao sẽ sản sinh ra nhiều nhà thơ trào phúng, “những người mà nhu cầu và mục đích là nhằm bảo vệ văn hóa khỏi sự lạm dụng, sai lạc, và đồi bại.”

Thứ hai, sự phát triền của công nghệ tranh biếm họa trong thế kỷ 20 làm cho thơ trào phúng không còn được chú ý.[5]

Ý kiến của Cuddon, tuy vậy, không thuyết phục lắm. Nếu một xã hội có văn hoá sẽ sản sinh ra nhiều nhà thơ trào phúng để bảo vệ văn hoá, điều này chỉ đúng với loại trào phúng nhẹ nhàng, mang tính xây dựng: trào phúng Horatian. Một xã hội bát nháo thật ra cũng là mảnh đất trù phú cho loại trào phúng khác, cay độc và có tính tấn công hơn: trào phúng Juvenal. Cho rằng vì tranh biếm họa phát triển nên thơ trào phúng không có chỗ đứng, cũng không mấy chính xác ở một nước như Việt Nam, nơi người vẽ biếm họa vẫn hiếm và công nghiệp truyện tranh còn rất yếu ớt. Số lượng ít ỏi của những người làm thơ trào phúng Việt Nam, tôi nghĩ, còn do những nguyên nhân sau đây:

Thơ trào phúng khó viết, hay nói đúng hơn, khó viết hay. Bên cạnh những đòi hỏi kỹ thuật như mọi loại thơ khác, thơ trào phúng cần sự sắc sảo và thái độ xã hội, chính trị rõ ràng. Trên hết, thơ trào phúng phải có khả năng gây cười. Đạt được cùng lúc tất cả những yêu cầu này là chuyện khó khăn. Thường người ta có thể viết những bài thơ châm chích nhưng không cười nổi, hoặc những bài vần vè buồn cười nhưng thiếu tính văn chương. Làm thơ trào phúng, nếu không có tính nghệ thuật, dễ bị coi là đang viết tào lao. Phần đông người làm thơ không muốn đi vào con đường trào phúng là vì vậy.

Thơ trào phúng tấn công cái cái xấu, cái ác, và đặc biệt thói đạo đức giả; nhà thơ trào phúng dù muốn hay không, mặc nhiên phải đứng trên cái nền đạo đức để phát ngôn. Dưới vẻ ngoài đùa cợt, thơ trào phúng thật ra nghiêm trang, đề cao những giá trị nhân văn: tự do, dân chủ, trung thực. Nói như Kiley và Shuttleworth, thơ trào phúng mang tính “bảo thủ” [conservative][6]. Tuy người đọc không hoàn toàn đồng nhất tác phẩm với tác giả, làm một nhà thơ trào phúng là phần nào tự chấp nhận vị thế của một nhà đạo đức xã hội, thậm chí một người phản kháng chính trị.

Do đặc tính tấn công của thơ trào phúng, người làm thơ trào phúng thường tạo nhiều kẻ thù. Tú Kếu làm thơ châm chích xã hội miền Nam trước 1975, sau 30 tháng Tư lại tiếp tục làm thơ “chui” chỉ trích chế độ Cộng Sản, thời nào ông cũng có kẻ thù. Tú Mỡ trước 1945 cũng làm thơ châm biếm xã hội thực dân, rất tiếc sau 1954 lại trở thành nhà thơ phục vụ bộ máy thống trị. Về mặt này, ít ra Bút Tre khá hơn Tú Mỡ, khi dám đem những nhân vật lãnh đạo miền Bắc ra làm trò cười, tuy là cái cười có vẻ ngây ngô, nhưng không phải không nguy hiểm trong chế độ toàn trị:

Hoan hô đồng chí Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về

hoặc

Bỗng đâu sấm nổ ầm vang
Bác Hồ đang sống chuyến sang từ trần

Bản chất chuyên chế của nhà cầm quyền trong nước hiện nay khiến nó không chịu được bất cứ sự phê phán nào, dù trong văn chương, và đây là một lý do quan trọng khác khiến thơ trào phúng tắt tiếng.

Thơ trào phúng hiện nay, nếu có, nhiều phần sẽ xuất hiện ở hải ngoại, nơi người viết có tự do. Tự do sáng tạo, tuy vậy, mình nó không đủ để tạo nên thơ trào phúng. Thơ trào phúng có tính xã hội cao, người làm thơ trào phúng cần đi sát thực tế đời sống, dùng các tin tức thời sự làm nguyên liệu sáng tác. Mươi năm trước đây, tin tức nội địa ra hải ngoại ít và chậm, người ở ngoài này biết tin trong nước phần lớn qua báo chí hải ngoại. Tình trạng đó đã thay đổi. Với số lượng ngày càng nhiều những tờ báo điện tử trong nước, cộng với các blog cá nhân như một loại truyền thông quần chúng, người ở hải ngoại giờ đây có thể cập nhật tin tức trong nước nhanh và nhiều không thua gì người đang sống ở Việt Nam. Nội dung tin tức mà người hải ngoại tiếp cận cũng phong phú hơn, không chỉ những tin chính trị, mà còn đủ loại tin tức đời thường, từ thi hoa hậu đến án mạng, từ chuyện đứng đắn đến lá cải. Có được nguồn tin thời sự dồi dào như vậy, một người muốn làm thơ trào phúng mới có thể, và có hứng, để viết.

Như đã nói, gần đây Nguyễn Đăng Thường làm loại “thơ cóc” với số lượng khá nhiều. Điều này chứng tỏ tác giả viết loại thơ này với một ý thức sáng tạo nhất quán, chứ không phải chỉ ngẫu hứng nhất thời.

Khác với vần vè tếu lâm đường phố, thơ loại này của Nguyễn Đăng Thường chứa đựng nhiều yếu tố văn chương. Trong khi thơ tếu lâm dân gian thường chỉ dùng thể lục bát, Nguyễn Đăng Thường dùng thể tự do, với những cách ngắt câu phức tạp và nhịp điệu biến hoá:

đầu năm tân mão — đúng — không tét không chưng tớ chỉ húp xúp gà
bị mắc xương cá
— chuyện đời cũ củ chi quá dĩ nhiên chả có củ gì mới lạ đâu bạn ta ạ

(Tính Sổ Cá Nhân Đầu Năm Con Mèo)

Người đọc có thể thấy trong những bài thơ này kỹ năng sử dụng ngôn ngữ thuần thục:

và bầy tiên nữ một ngàn năm thăng long
thướt tha rời hang động
y phục sơn cước – headband
giả gái hmông
múa quạt lông trung cộng
trong festival văn hóa chiêng còng

(36 Năm Tiến Bộ)

Những hình ảnh siêu thực giàu tính văn chương đôi khi cũng được Nguyễn Đăng Thường sử dụng, tuy là trong sự tương phản với những hình ảnh có vẻ thô tục, làm tăng hiệu ứng giễu cợt, gây cười:

sáng sáng
không cần xin phép thượng đế
nhặt một miếng trời bể
nhâm nhi với tách cà phê
rồi xổ đề

nếu siêng mà làm vậy
bạn sẽ thấy khi rặn
cục thơ của bạn sẽ bớt nặng
và toàn một màu trắng
thơm mùi măng
(Bí Quyết)

Việc nhào nặn lại những câu thơ nổi tiếng trong văn chương — hay lối viết “liên văn bản,” nói theo kiểu thời thượng — là một dấu hiệu khác để phân biệt thơ trào phúng của Nguyễn Đăng Thường với thơ tếu lâm đường phố. Những câu thơ sau chẳng hạn, đòi hỏi người đọc phải biết thơ Thanh Tâm Tuyền, tuy là thơ nổi tiếng, nhưng chưa đến mức phổ biến ngoài đời như lời nhạc boléro:

ngoài phố mưa chửa khô
nó gọi tên tui cho đỡ khổ
nguyễn ố hồ

(Tiếng Gọi Xuống Đường)

Như một người làm văn chương có ý thức, Nguyễn Đăng Thường cũng tự “chiêm nghiệm” về chính thơ trào phúng của mình, dĩ nhiên với giọng bông đùa:

vì chả dám chơi khôn nhảy tòm xuống đáy mương
hay phi thân lên thiên đường của hố thẳm tư tưởng
thẩn thờ ngâm vịnh
trên tột đỉnh tuyệt vọng cho ngôn ngữ thơ chόi chang rực rỡ

nό cứ tà tà mần thơ – nhại giọng ếch – nhái nhạc cόc
đêm đêm ra rả bên tai người đọc
tiếng đục tiếng trong tiếng tục tiếng thanh tiếng nhỏ tiếng to
biết đâu cό kẻ sẽ giựt mình còn tưởng tiếng ai gọi bò
(Tâm Sự)

Châm biếm xã hội với giọng điệu hài hước, được viết với kỹ thuật và ý thức văn chương rõ ràng, những yếu tố này tôi nghĩ đủ để “thơ cóc” của Nguyễn Đăng Thường được cân nhắc như những sáng tác trào phúng mang tính nghệ thuật.

Đề nghị nhìn Nguyễn Đăng Thường như một nhà thơ trào phúng, tôi không có ý thuyết phục tất cả người đọc phải thích những bài thơ gần đây của tác giả. Những từ tục trong thơ Nguyễn Đăng Thường chẳng hạn, có lẽ không hợp với khẩu vị của nhiều người, mặc dù đối với những người khác, chúng cần thiết để phản ảnh cái thực tại tục tĩu [obscene] của chính trị và xã hội Việt Nam hôm nay. Đề nghị nhìn Nguyễn Đăng Thường như một nhà thơ trào phúng, tôi chỉ muốn đặt vấn đề một cách “nghiêm túc” về những sáng tác độc đáo và có thể gây tranh cãi của một tác giả. Hy vọng điều này sẽ dẫn đến những thảo luận xa hơn.

7.2011

Chú thích:

[1] Tên thật Nguyễn Huy Nhiên, sinh năm 1937

[2] Tên thật Đặng Văn Đăng, sinh năm 1911

[3] Tên thật Hồ Trọng Hiếu, sinh năm 1990

[4] Tên thật Trần Tế Xương, sinh năm 1870

[5] J.A. Cuddon. A Dictionary of Literary Terms and Literary Theory. Third Edition. Cambridge: Blackwell Reference, 1991. Trang 827-832

[6] Satire from Aesop to Buchwald. Edited by Frederick Kiley and J.M. Shuttleworth. New York: The Odyssey Press, 1971. Trang 1