Phan Thị Lan Phương – Giữa Sài Gòn nghe Duy Khánh hát

Những ngày cuối năm, Sài Gòn quay nhanh hơn bình thường. Sài Gòn vốn đã chạy nhanh gấp đôi Hà Nội và gấp bốn lần Đà Nẵng, giờ nó tự nâng vận tốc lên gấp đôi vận tốc hằng ngày của chính nó. Những ngày này xe máy chở mai vàng, xe ba gác chở mai vàng, xe tải nhỏ chở mai vàng, xe tải lớn cũng mai vàng. Một cánh mai bị gió cuốn rơi vào cái giỏ kẹp trước xe làm tôi mỉm cười. Tự dưng miệng lẩm nhẩm: “Xác hoa tàn rơi trên báng súng, mơ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi…” Giờ này phải chi được ở nhà, được bứt lá mai rồi nghe Duy Khánh hát. Tôi quay xe về nhà, lên nhaccuatui.com làm một lèo Duy Khánh.

Mỗi lần nghe Duy Khánh hát là mỗi lần tôi nhớ đến ba. Tôi lớn lên cùng những bài ca cũ với cái máy cassette cũng đã cũ. Năm tôi mười tuổi, ba mua cái cassette. Thật ra lúc đó, nhà tôi chưa đủ giàu để mua một cái cassette nội địa giá năm phân vàng nếu không có chuyện thằng Út ngồi bờ rào dỏng tai nghe nhạc của nhà hàng xóm trong cái Tết năm 92. Cuối năm 91 điện về đến làng tôi. Trước đó, nhà tôi chỉ nghe cái radio ọt ẹt bỏ bằng hai viên pin Con Thỏ. Tết đó, hàng xóm sắm cái cassette thiệt bảnh và mở nhạc rình rang. Thằng Út mang đôi giày tây mà má sắm cuối năm, đóng thùng nghiêm chỉnh, ra ngồi ở hàng rào. Ba kêu nó vô nhà mà nó cứ biểu để nó nghe nhạc. Ra giêng, cô Ba đưa năm phân vàng để dành từ tiền đi hái cà phê mướn trên Đak Lak cho ba mượn. Ba mua cái máy hiệu Sharp màu trắng bạc.

Cái máy cassette trở thành trung tâm của gia đình. Ba mua về mấy cái băng, cái thì Chế Linh-Thanh Tuyền, album Con Đường Mang Tên Em, cái thì băng nhạc Trường Sơn Duy Khánh, rồi Thiên Trang, rồi Hương Lan-Tuấn Vũ. Cũng từ cái máy cassette, vốn từ vựng của nhà tôi nhiều lên. Những chữ “tua băng,” “đầu từ,” “hộp băng,” “tắt máy,” cho đến “thâu băng”, “ông Chín radio” cũng ra đời. Ông Chín radio cùng tuổi với ba, làm nghề thâu băng cassette, sửa radio. Cứ nghe băng nào lâu quá mà không có tiền mua băng mới thì lại đem băng cũ đến để ghi đè lên. Ông Chín radio trở thành một đề tài mới của cả nhà. Có hôm ba vô thị trấn mua lưỡi cưa, dũa, lưỡi bào thì nhét túi hai cái băng nào đó, ghé ông Chín. Lúc về ba hào hứng lắm, khoe bữa ni ông Chín radio nói có cái băng mới của Duy Khánh. Ổng cũng mê lắm, tìm hoài mấy năm ni mới ra. Ba là người được ổng sang băng này đầu tiên đó. Nhạc hay phải có người mê nghe mới ghiền. Tất nhiên là ba bỏ băng vô liền rồi cầm cuốc ra vườn, vừa đi vừa hát.

Giữa hàng chục ca sĩ đó, Duy Khánh là giọng ca tôi nhớ nhiều nhất bởi ba thích nhạc Duy Khánh. Tôi nhớ những mùa lúa đến, ba chặt cây tre thả trước hàng dừa. Ba xách cái đòn ngồi dạng cẳng vót lạt. Thằng Út ngồi xổm, thọt hai tay trước ngực ngồi dòm ba làm. Những lần như vậy ba lại mở Duy Khánh. Ba hát theo Duy Khánh, thằng Út hát theo ba. “Giữa xứ người biết hát với ai, hát với cây ư, cây gãy rồi…” Ba kéo chữ “với” cho dài, chữ “ư” phải ngân cho mềm, cho vừa lòng Duy Khánh chăng. Rồi ba ngồi bào gỗ, đóng giường đóng cửa cho người ta, ba cũng bật nhạc Duy Khánh. Từ “Đưa Em Vào Hạ” cho đến “Bài Hương Ca Vô tận”, từ “Biệt Kinh Kỳ” đến “Những Ngày Xưa Thân Ái”… ba đều thuộc.

Tụi tôi giữ bò từ trên đồng, còn nghe tiếng nhạc vẳng lên đến tận xóm lùm. Thời đó vắng vẻ, đường quốc lộ kế bên mà chẳng có mấy chiếc xe đi ngang. Bởi vậy, cả làng có mấy cái cassette là biết hết. Từ trên đồng mà nghe vẳng lên: “Trung tâm băng nhạc Làng Văn hân hạnh giới thiệu băng nhạc Trường Sơn Duy Khánh số 9…” là biết ba đang ở nhà. Chiều cho bò về nhà là cười toe toét, khoe với ba: “Cái cassette nhà mình hát to ba hè! Ở tuốt trên đồng mà cũng nghe!” Ba tự hào hết biết.

Mấy năm sau nữa, anh Hai đi bộ đội rồi ở nhà cũng sắm thêm cái loa thùng. Những bài hát của Duy Khánh tụi tôi thuộc hết. Ba cuốc khoai ngoài vườn, nhổ nước miếng cái phẹt vô bàn tay cho nó khỏi trơn tuột cán cuốc rồi lại hát theo: “Mình ba đứa hôm nay gặp nhau, nâng ly cà phê, ngát mùi hương ngạt ngào…” Những đêm cúp điện, vác cái chõng tre nằm giữa sân, ba nhịp chân hát: “Đời anh, đây đó mười phương, gặp em anh ước mơ gì hơn…” Rồi má cũng hát theo ba, cả đám con cũng đua theo hát câu được câu mất.

Tết năm nay là gần tròn hai mươi năm từ lúc thằng Út ngồi bờ rào nghe nhạc nhà hàng xóm. Anh Hai, tôi, thằng Út đều ở Sài gòn. Hai bà chị cũng lấy chồng hai nẻo. Nhiều người hỏi tôi nhạc vàng có gì hay, tôi nghĩ chắc nó hay là nhờ cái cassette năm phân vàng của cô Ba, nhờ ông Chín radio, nhờ những bữa giữ bò ngoài đồng về khoe với ba: “Cái cassette nhà mình hát to ba hè!”