Mấy tấm hình này chụp từ năm 2008, lúc ấy con bé lớn, Yi Yi, được sáu tháng tuổi. Tôi chở hai mẹ con vào rừng, lên hồ Shasta (California) cắm trại. Hồ Shasta lúc ấy vừa trải qua một trận cháy rừng lớn, cả một vùng mùi khen khét, khói vẫn lám xám lờ nhờ suốt cả chục dặm liền. Tôi chẳng biết mình chui lên đấy làm gì, nhưng nó gần như là thông lệ. Dạo ấy mỗi năm tôi lại đưa gia đình đi cắm trại vài lần ở nhiều nơi khác nhau. Chỉ mấy tháng sau lần đi ấy, mua nhà ở bìa rừng trên núi, chúng tôi mới ít đi dần. Lần ấy, hôm đầu tôi chỉ ở quanh trại nướng thịt, uống bia rồi chui vào lều nhìn con bé con. Hôm sau tôi vác máy ra hồ, chẳng có ai ngoài ấy, chỉ có một hai cái thuyền máy, như thấy ở trong hình.
Cái máy tôi xài, Nikon D40, giá sáu trăm, loại xoàng nhất trong nhóm máy DSLR. Trước đây tôi xài Nikon FM2, chụp phim, đến năm 2003 thì hỏng mãi, thôi dùng. Tôi lôi máy đi khắp nơi, hết Machupichu (Peru) lại đến Tây Tạng. Chụp khá nhiều, thấy cái máy được việc. Khi không có máy, mình chỉ đi qua cảnh vật với cảm nhận hời hợt. Khi bấm máy, sự quan sát trở nên nhậy cảm, chi tiết hơn, cụ thể hơn.
Trở lại câu chuyện về những tấm hình. Nó làm cho tôi có cảm giác khó chịu, gần như tàn nhẫn. Sự đối chọi của hình ảnh thì rõ ràng, không dấu diếm, không khó hiểu. Vật thể thì cắt cúp tối giản. Không hiểu sao, những tấm hình cũng làm cho tôi nghĩ đến sự chết.
Có một hình ảnh tôi nhớ mãi, không nhớ do ngủ mơ thấy hay tưởng tượng ra thế. Ngày còn bé, bố tôi bắt ngủ trưa, nhưng tôi khó ngủ, thường nằm nhắm mắt và tưởng tượng đủ thứ. Tôi thấy một lần vào buổi tối, tất cả mọi người tắt đèn, lớn bé già trẻ rời khỏi nhà. Tất cả đều nằm xuống đất, gần với nhau. Tất nhiên gió hơi man mát. Mọi người xầm xì chuyện gẫu. Tôi nằm gần con bé lối xóm. Tôi thích con bé đấy lắm, thích nhiều năm khi còn bé. Giá mà có một lần mọi người ra đường nằm với nhau như thế. Kinh nghiệm như thế là đủ. Mối quan hệ với đất cát, từ trong thâm sâu là một trong những điều cơ bản. Người ta rất ít khi còn biết nằm xuống mặt đất. Sự bận rộn đem lại nhiều tàn phá. Tôi chẳng biết người ta cưỡi trên những chiếc thuyền máy ấy làm gì, họ đang cưỡi bên trên những gốc cây cụt đầu. Tôi cũng hay chơi thuyền, nhưng là thuyền chèo. Tôi hay chèo một mình ở những vùng vịnh yên tĩnh, thấy cơ man chim và cá. Tôi cũng như cọng rong biển trong cả đám đấy, màu nâu dài và đứt dở dang vài đoạn, chẳng hơn chẳng kém bất cứ con vật hoặc tảng đá nào trong toàn cảnh ấy.
Rồi đây sẽ có đến bẩy tỷ người sống trên mặt đất. Những quốc gia đang phát triển sẽ khá hơn. Người ta tiêu dùng, hưởng thụ. Có thêm bao nhiêu trăm triệu người nữa muốn cưỡi thuyền máy? Có thêm bao nhiêu cánh rừng nữa biến mất. Có vài lần tôi thấy mình như có cái bụng khổng lồ, đang ăn dần những quả đồi rộng lớn. Đó là một hình ảnh cực kỳ tồi tệ.
Làm sao những suy nghĩ riêng tư, cá nhân trở thành vấn đề xã hội? Và làm thế nào để những vấn đề môi trường, xã hội trở thành vấn đề cá nhân?