Ta là Kụ!
Ka u ku nặng kụ.
Kụ!
4.
Về mặt không gian, ta đang sống ở thủ đô, giữa trái tim của cả nước. Về mặt tinh thần, ta đang sống giữa cái gọi là “hồn thiêng sông núi” của lịch sử dân tộc này.
Người ta gọi ta là di sản vô giá gắn liền với những truyền thuyết lịch sử và văn hoá linh thiêng. Sinh mệnh của ta gắn liền với sinh mệnh của cái kinh đô ngàn năm tuổi, gắn liền với những thay đổi theo các cái tên của nó qua nhiều thời kỳ.
Nhưng theo ta thì kinh đô này phải có tên là Trầm Quy mới đúng. Thật vậy đó, vì thật ra có con linh thú nào nhấc thân bay lên trời cao đâu, ngoài một mình ta? Ngoài một mình ta bao lâu nay là một con rùa rúc đầu xuống đáy bùn cơ chứ?
Thật ra, ta đã sống dưới lòng hồ này đã lâu lắm rồi. Ta không ý thức được độ dài ngắn của thời gian. Với ta, thời gian vô thủy vô chung, thật ra nó có một cái mốc để khởi đầu ở đâu đó lạc trong trí nhớ và kéo dài đến vô tận. Ta không thể nhớ được hết thời thơ ấu cũng như biết bao biến thiên mà mình đã chứng kiến diễn ra trên đất nước này. Giờ đây ta biết thời gian của mình đã sắp hết, ta cần an nghỉ.
Người ta kính cẩn gọi ta là “cụ”, trong hai dấu ngoặc kép như thế này: “Cụ Rùa”, nhưng riêng ta, ta thích gọi mình là “Kụ” hơn. Cùng cách phát âm, nhưng khác nhau ở chỗ chữ K thay vì chữ C, và không nằm trong hai cái dấu ngoặc kép ám muội ấy.
Ta muốn được gọi như thế để được phân biệt minh bạch giữa cá nhân mình với những thứ Cụ khác mà thiên hạ vẫn gọi hay thậm xưng lâu nay. Ta không muốn có sự đánh đồng, hay sự nhầm lẫn, hay sự tiếm danh.
Thật ra, ta chỉ là một con rùa sống lâu. Lâu cho tới nỗi trí nhớ ta lần hồi chìm vào cõi mù sương lú lẫn.
Lâu cho tới nỗi có khi ta quên rằng mình là một cá thể thuộc một loài động vật hoang dã như hàng trăm ngàn loài khác.
Lâu cho tới nỗi ta ngỡ rằng có một thứ ánh sáng của huyền thoại bao phủ lên thân xác ta, bao quanh sự tồn tại của ta trên cõi đời này.
Ta quá dư thừa huyền thoại, mà thiếu một chút sự thật.
Điều làm ta khác với mọi sinh thể khác là ta sống, ta ăn, ta thở, ta bơi, ta ngủ, ta bài tiết, tóm lại là, với tất cả mọi hành vi của ta, đều nằm trong huyền thoại; ngoại trừ một việc mà đã lâu rồi ta không làm, đó là hành vi sinh hoạt tình dục. Lâu rồi ta không làm chuyện đó.
Ta e rằng không còn thời gian để ta kịp cơ cấu một đứa con đứa cháu nào vào cái huyền thoại này để thừa hưởng nó.
Ta là loài máu lạnh, thân nhiệt ta có thể thay đổi theo môi trường. Trong mùa đông ta thường ngủ đông và không có nhiều hoạt động như trong những thời gian khác của năm. Mùa đông ở đây lạnh, gió lùa từng cơn lồng lộng trên mặt hồ rét cóng; ta trú trong các hốc cây, hốc đá, lấy lá cây và rác rưởi làm tổ, vùi mình trong đó. Tuy là loài máu lạnh, nhưng ta có nhiều cảm xúc, ta cô đơn vô cùng.
Ta đang sống những ngày cuối cùng của mình trong bệnh hoạn, và cô độc. Ta mang vô số chứng bệnh, từ sự lão hóa của các bộ phận, chúng dần dà mất đi khả năng khiển dụng, đến các chứng viêm nhiễm do môi trường nước trở nên ngày càng tệ hại. Chúng nói đúng, ta bị chứng ghẻ lở, nhưng nói như thế cũng chưa đủ, cái nguy hại nhất là sự chán chường đến nỗi không còn thiết tha gì việc kéo dài sinh mệnh này.
Con người thường nói về, và bị ám ảnh bởi sự cô độc, nhưng ta nói thật cho mi biết nhé, lũ người bọn mi không cảm nhận được hết cảm xúc của sự cô độc là như thế nào đâu.
Thử hình dung mi sẽ sống như thế nào khi phải luôn mang ý nghĩ nặng trĩu về một cái chết không bao giờ đến, mà không thể chia sẻ cùng ai,?
Oái oăm thay, trong những ngày này, ta lại là kẻ được nhắc đến nhiều nhất trên mọi thứ diễn đàn báo chí dưới đất, internet trên trời, và trong những câu chuyện trên bàn nhậu, bàn cà phê trên khắp đất nước này.
Bọn chúng quan tâm đến sự sống và cái chết của ta.
Chúng gọi ta là công dân đặc biệt, là biểu tượng văn hóa của kinh đô; chẳng những thế, mà còn là anh linh sông núi của quốc gia, của tổ tiên, của dân tộc… Thậm chí có kẻ bàn đến việc tổ chức một lễ quốc tang nếu ta qua đời.
Những ngày này có những luồng ý kiến khác nhau về ta, có cả những luồng ý kiến đồng thuận lẫn trái ngược với nhau. Có kẻ phát ngôn một cách bất kính rằng cả dân tộc tự hào có ngàn năm văn hiến mà lại đi tin thờ mù quáng vào một con rùa già ghẻ lở; ngược lại cũng có kẻ cho rằng khi “Cụ” quy tiên thì phải tẩm ướp di hài để bảo quản, cho “Cụ” vào nằm trong lồng kiếng để nhân dân đến cúng vái và chiêm ngưỡng. Chúng dự định sẽ xây cho ta một cái lăng to đến cả hàng mẫu đất ngay giữa trung tâm thủ đô, có cả đội vệ binh nghiêm trang bồng súng đứng gác, rồi bán vé cho khách vào tham quan, để mỗi khi có dịp, các bậc phụ huynh thay vì đưa con cái đi xem xiếc thú thì đưa bọn trẻ vào xem di hài của ta, chúng gọi những chuyến tham quan ấy là việc nuôi giữ truyền thống.
Ta không hề muốn sau khi chết thì thân xác này bị biến thành một cái tiêu bản nằm trong lồng kính trưng ra cho bọn giả dối, vờ thương cảm ta, ngắm nhìn; như cái tiêu bản hiện nay nằm trong cái đền trên hồ kia. Dù cao vời hay lấp lánh huyền thoại đến đâu thì rốt cục cái xác phàm tục chỉ là cái xác từ từ phân hủy; mà lẽ ra nó chỉ đáng được tiêu hủy và biến mất trong quên lãng của dòng chảy thời gian, phải vậy không nào?
Ta biết, tuy nằm yên không còn chút sinh khí như thế nhưng vong hồn không siêu thoát của cái tiêu bản ấy vẫn bay phơ phất, bảng lảng dật dờ trên đầu bọn người đến xem. Và nó nhận biết được tất cả những ý nghĩ bất kính, giễu cợt trong đầu bọn người đang nhìn ngắm bái vọng nó. Ta vẫn thấy cái vong hồn ấy thi thoảng lao ra nôn thốc tháo xuống mặt hồ, vì sao ư? Vì nó bội thực sự giả dối.
Ta có cần đến những thứ vinh danh phù phiếm của bọn trí trá ấy đâu? Cái ta cần là một tay bác sĩ thú y lành nghề giúp ta bớt đi nỗi đau đớn thể xác trong những ngày cuối cùng này, và giúp ta cái tâm thế thư thái để đón nhận giờ phút ra đi về cõi vĩnh hằng.
5.
Ta là loài không bị mù màu. Ngược lại, ta bị màu sắc cuốn hút. Những ngày lễ
hội, khi màu đỏ chói chang được treo đầy trên đường, cùng vô số đèn hoa và bảng hiệu điện tử đủ màu sắc được giăng mắc quanh hồ, thì ta thích nổi lên nhìn ngắm. Chính cái thói mê đắm ánh sáng và màu sắc lòe loẹt là sai lầm lớn nhất của đời ta.
Có lần vì thói mãi mê nhìn các thứ ánh sáng muôn màu đó mà ta dính phải một chùm lưỡi câu sắc lẻm của bọn đi câu trộm. Ba lưỡi câu, một lưỡi móc vào cổ, hai lưỡi móc vào dưới bụng. Ta ngỡ mình không thể sống sót. Vậy mà rồi cũng qua. Ta phải chung sống với những mảnh kim loại ấy nằm trong cơ thể; mà đâu chỉ có chừng ấy, ngay dưới cái mai trên lưng ta còn có cả một phần của lưỡi gươm gãy, nó nằm yên ở đó đã lâu lắm rồi. Ta dần quen với những dị vật ấy cho tới nỗi chúng trở thành những phần không tách rời ra khỏi thân thể, như thể khi ra đời ta đã mang theo chúng.
Khởi thủy, ta là kẻ tạo ra những duyên cớ để con người từ đó xây lên những huyền thoại, và ta an tâm sống với chúng, ngỡ rằng mình sẽ muôn đời sống mãi trong thứ ánh sáng ma mị đó. Cho tới khi bọn người được vũ trang mớ huyền thoại thoát ra khỏi sự kiểm soát của ta, chúng trở thành bọn âm binh dấy loạn. Chúng kềm tỏa, truy bức ta. Ta bị cô lập và lợi dụng. Những khả năng của ta dần dà bị vô hiệu hóa một cách tinh vi. Không gian sinh hoạt và sự tự do của ta bị tước đoạt dần và vây tỏa. Ta nhận ra sự tồn tại của mình trở thành món trang sức dởm trong các lễ hội của bọn mù màu. Những khao khát đời sống như một sinh thể bình thường, ra đời – sống – rồi chết đi, của ta không được chúng cho phép. Sự cô độc phi lý và rủi ro, ngược lại với bản năng thiên nhiên, bị biến thành màn quảng cáo cho thứ đạo đức lẩm cẩm, tệ hơn nữa, thành thánh tích để phục vụ cho một màn xiếc thú quy mô.
“Hãy bơi và tịnh khẩu như Cụ!” Chúng đã ra rả quảng cáo cho cái di-hài-sẽ-là của ta như vậy.
Cay đắng vậy đó, “Hãy bơi và tịnh khẩu như Cụ!”
Thật ra tịnh khẩu không phải là một biểu hiện của đức nhẫn, mà là biểu hiện của sự sợ hãi, sự tê liệt khả năng suy nghĩ và phát biểu. Đây là một đất nước nhỏ bé, nằm kế bên một dân tộc khổng lồ có những chính thể mang truyền thống ăn thịt người. Cội nguồn sự sợ hãi trong tâm thức cộng đồng phát sinh từ đó.
Giá mà có thể, ta sẽ cho mi sờ. Hãy sờ vào đây, ngay chỗ này, đúng rồi, ngay trên vết thương, do sự phản bội, ở chính giữa mặt phẳng trên mai ta đó, vết thương do một nhát gươm cắm phập xuống từ tay kẻ mà ta đã cho mượn gươm – chỗ mà lâu lâu lại có những bọt máu phì phèo trào ra đó, để chứng nghiệm điều này:
Ta là Kụ!
Chính ta là Kụ!
Chứ không phải là Cụ.
Sài Gòn 6.2011
(Trích truyện vừa đang viết Con Rùa Bò Ngang Mặt Đất)