Trần Tiến Dũng – Sài Gòn không ngẩng đầu ngóng mưa

Mỗi khi đi trên đường dẫn về hướng nhà thờ Đức Bà, cái nhìn tôi đều được mở ra. Nếu đi bộ thì toàn cảnh không gian quảng trường Vương Cung Thánh Đường cho tôi cảm giác nơi này như một vịnh biển thoáng rộng. Những nhà phố, những rừng cây, dòng người và xe như những bờ bãi dài đang chuyển động, chuyển động để mời gọi con người đi ra khoảng không lớn.

Tôi luôn muốn chạm tay vào màu gạch đỏ của Thánh Đường, tôi luôn muốn đứng để được nhìn lâu cái đồng hồ bự trước cửa bưu điện thành phố. Đó là cái đồng hồ duy nhất ít khi chết, ít khi sai, và tôi tự nhủ rằng: Tại sao nhiều cái đồng hồ công cộng ở đô thị này lại thích chạy, thích dừng vô tổ chức như vậy. Ngày tôi còn nhỏ, thường hay bị  ba má tôi mắng là đứa hay mơ tưởng  viển vong, bây giờ tôi biết thêm ý nghĩa của từ viển vong khi sống trong  cộng đồng thị dân không có cái đồng hồ chung chỉ thời gian chính xác .

Tôi từ nhỏ ưng ngẩng đầu hết cở nhìn suốt tháp chuông nhà thờ Đức Bà. Kiếp sau nếu tôi là một tín đồ, tôi sẽ gọi tầm cao chót đỉnh của tháp chuông là bậc thềm cuối cùng đưa tôi đến thiên đường, nơi tôi có thể coi Thượng Đế mang dép hay mang giày.

Nhưng bây giờ tôi cũng như nhiều người Sài Gòn khác không quen đi bộ, không quen ngẩng đầu ngóng mưa, ngóng nắng, ngóng mây, không quen ngó quanh tìm nhận người thân cũ, người quen mới. Ai cũng biết Sài Gòn là một đô thị lớn quá cỡ so với kích thước lúc mới định hình, nhưng không ai tự hỏi: Mình có khi nào lạc đường chưa, cảm giác lạc đường ngay trong nơi chốn mình đang sống ra sao? Và xin quí vị hiểu thêm dùm, khái niệm lạc đường ngày nay đã được mở rộng, đơn cử như lạc đường ý thức, lạc đường văn hoá, lạc đường đạo đức, và vô duyên nhất là lạc đường do bị độc quyền thông tin.

Nhiều thành phố lớn trên thế giới có những tháp quan sát cao cho “con tàu đô thị ” của mình trên chuyến hải hành suốt giòng thời gian tồn tại. Tháp chuông nhà thờ Đức Bà hay tháp bưu điện thành phố là điểm nhấn tầm cao có từ thời người Pháp xây dựng thành phố. Người Pháp và văn minh Pháp vốn được hình thành từ những nhà hàng hải lớn. Họ muốn tạo những điểm nhấn tầm cao. Nhưng các hoa tiêu kiến trúc ngày xưa dựng những chóp đỉnh cho Sài Gòn không phải để các ngài chủ tịch thành phố thời nay nối nhau leo lên đó, người sau ngó đít quần người trước rồi cãi lộn vì mỗi một chuyện: Bao giờ chủ nghĩa tư bản giãy chết!

Thành phố này cho tới tận hôm nay cũng chỉ lo chăm chăm tô-xây-mới các biểu tượng chiến tranh và chính trị. Gần đây, theo chỗ biết hạn hẹp của tôi, Sài Gòn có thêm tháp truyền hình mới, một số cao ốc văn phòng cho mướn. Và chỉ có vậy, dù suốt thời gian hơn ba mươi năm qua, con tàu thành phố này đã lớn hơn nhiều, chở nặng hơn nhiều.

Bởi vậy có người nói Sài Gòn ngày càng lùn và chậm!

Bạn có thể cho là tôi thiếu thông tin. Bạn chỉ cho tôi tầng thượng tòa nhà Saigon Trade Center như là nơi cao nhất. Đầu năm 2011 lại có người nói với tôi toà nhà Bitexco Financial Tower hình búp sen là kỷ lục tầm cao. Tôi cũng được biết những chỗ cao cao của Sài Gòn đều có mở quán, nơi nhiều người  mới phất đến ăn sáng, uống cà phê tối, có khi buồn buồn làm vài chai bia, hưởng thụ tầm cao Sài Gòn. Bạn cho rằng rồi tới đây sẽ có nhiều tòa nhà cao hơn nữa. Tôi làm sao có thể cãi được. Đúng là rồi đây chỉ cần có thói quen trưởng giả là có quyền leo thang máy đến tận nhiều đỉnh cao của Sài Gòn và ngồi đó hưởng thụ khoái cảm được ăn trên ngồi trước thiên hạ. Thật sướng!

Một bộ phận cư dân mới phất của đô thị này đang có thứ khoái cảm muốn được ngồi xổm trên trời. Với họ, mọi sản phẩm tinh thần của con người nếu không là thị phần chính trị thì cũng là thị phần thương mãi. Khi một xã hội có thứ đặc quyền đặc lợi ngự trị ở trên mọi tầm cao văn hoá-văn minh thì thứ quyền lực đó chỉ có thể là thứ quyền lực rừng rú.

Với tôi, khi tuyệt vọng chỉ cần tầm cao tự tử của cầu Bình Lợi hay lầu chín bệnh viện Chợ Rẫy là đủ, nhưng mỗi khi ngước nhìn tháp chuông nhà thờ Đức Bà, tháp bưu điện Sài Gòn… tôi lại được những tầm cao không thể với tới ấy lôi ra khỏi vũng lầy cá nhân bé mọn buồn thảm. Điểm nhấn tầm cao của một đô thị chính là điểm để đặt tầm nhìn về hy vọng làm người không bị lường gạt, không bị tóm bỏ vô tù. Hy vọng cũng bị tù à? Ở xứ này nếu bạn mở miệng hỏi như vậy bạn chắc chắn bị té đó, té ngay trên cái nền thấp nhất, cái nền đầy bóng tối mà chân bạn đang đứng.

Chỉ khi mọi công dân có đầy đủ quyền làm người, tầm cao của Sài Gòn mới cao hơn, nhưng những kẻ quyền lực đầu đầy cứt chim cứ cho rằng không gì được phép cao hơn đỉnh đầu của họ.

Trần Tiến Dũng