1.
Ta là ai?
Ta là một con rùa bò ngang qua mặt đất.
Ta vừa là thần thánh vừa là một con rùa ghẻ đang sống những ngày cuối cùng trên cõi đời này.
Ta ăn xác chết.
Ta giống lịch sử. Không phải lịch sử cũng là câu chuyện được kể lại của những kẻ ăn xác chết hay sao?
Khi trở nên quá già nua, không còn sức lực và ý chí để săn bắt con mồi sống nữa thì chỉ còn mỗi cách tìm ăn xác chết. Những cái xác ta ăn thường là trong tình trạng đang phân hủy. Ta đang sống trong môi trường nước nên chúng phân hủy rất nhanh, nhanh hơn là trên cạn nhiều. Chỉ chừng hai ngày là giòi bọ nhung nhúc cùng bọn tôm cá rỉa rói, nhất là bọn cua đá đông vô kể, dăm ngày là thịt da của xác tróc hết, chỉ còn lại cái khung xương.
Phần ta thích nhất trên thân thể của xác chết là con mắt. Xác chết của một con vật hay con người giống nhau ở chỗ chúng thường mở mắt khi chìm dưới nước. Ta chưa hề gặp một cái xác nào nhắm mắt. Đẹp nhất là những cặp mắt của kẻ trầm mình tự tử, khi nổi lên thì ngửa mặt nhìn lên trời. Có khi ta thấy cả bầu trời lãng đãng mây trôi hiện lên trên đồng tử. Khi gặp những đôi mắt như vậy thì ta chỉ muốn ăn chúng một cách từ tốn. Rỉa từng chút một quanh hốc mắt rồi moi nguyên con mắt ra; khi ngậm nó vào miệng ta có cái khoái cảm như mình đang cho cái bầu trời của kẻ ấy tan dần trong miệng của mình. Ta ăn mây, ăn gió, ăn sương. Chút mây chút gió chút sương sau cùng của một sinh thể đã từng sống như ta. Giá mà có đủ thì giờ thì ta sẽ ăn con mắt này rồi đến con mắt kia, ăn từng chút một. Nhưng thường thì ta phải nuốt rất vội vì phải ăn tranh với đủ loại chúng sinh quanh đây, chỉ chậm giây phút thì chúng giành hết, không còn phần. Tuy nhiên rất nhiều lần ta ăn xong cặp mắt thì cái xác được người ta kéo lên. Có lẽ cũng có kẻ thắc mắc vì sao những cái xác vớt được ở cái hồ mênh mông này thường không còn mắt, chúng chỉ còn hai cái hốc sâu hóm. Người ta kể rằng trong nhiều đêm mưa, họ từng thấy những đoàn người bước đi vật vờ trên mặt hồ, những con ma mù, chúng lặng lẽ dắt díu nhau thành đoàn tiến vào thành phố. Chính ta cũng thấy một dạng thức tồn tại như vậy. Câu chuyện đó thành một thứ huyền thoại mang dấu vết của ta, và chỉ có mình ta biết.
Xác người ngày xưa rất nhiều, sau này ngày càng hiếm. Có khi cả một thời gian rất dài, dài hàng chục năm ta không có cơ hội nếm lại món này. Không phải là do con người chết ít đi, nhưng ta biết chúng không còn thú vị để chọn chỗ chết ở cái hồ này nữa. Và nhiều phần là chúng được phát hiện và vớt lên rất nhanh, không kịp trở nên thứ thực phẩm dành cho ta.
Có nhiều cách để biến một con người đang sống trở thành một cái xác dưới đáy hồ. Có lần ta thấy một cô gái còn sống bị trói chặt chân tay, ngang hông có một cái cối đá nặng cột vào đó. Cô tuyệt vọng quẩy đạp kinh hoàng khi thấy ta bơi tới gần. Ta cũng muốn cứu cô nhưng không thể. Suốt trong nhiều ngày ta quẩn quanh bên cô quan sát. Những cúc áo của cô bung dần ra để lộ một thân thể đầy các vết thương chí tử. Lần đó, vì một nỗi thương cảm kỳ quặc làm ta không thể ăn cô; tuy nhiên ta cũng không thể ngăn giữ được xác cô khỏi bị tấn công bởi bọn cua đá hung hãn rỉa rói. Cô vĩnh viễn không nổi lên khỏi mặt nước vì bị cái cối đá níu lại. Lâu ngày, những lóng xương cũng rời ra rồi tan rữa hư mất. Cái cối đá vẫn còn nằm dưới đáy bùn đó; thi thoảng ta bơi đến áp bụng lên nó, cọ phần mai bụng lên nó. Để làm gì ư? Chẳng để làm gì cả, nhưng ta không cưỡng lại được việc đó, nó cho ta một thứ khoái cảm kỳ lạ khi phần mai dưới bụng cọ vào mặt đá gây nên một rung động do sự ma-sát mang lại. Có phải hành vi nào cũng cần có nguyên cớ cả đâu. Cũng đôi lần thì con người không bị cột đá mà bị trói co quắp trong một cái bao tải. Con người có khi biến mất khỏi cõi đời một cách vô tăm tích như vậy đó mà không ai biết. Chỉ mình ta biết. Ta là kẻ giữ những bí mật.
Sau con mắt, phần ngon kế đến của một cái xác là phần bụng. Ta thích các món nội tạng. Chúng đậm vị hơn thịt. Nhất là bụng của xác người. Ta moi một cái lỗ vừa đủ để chui đầu vào đó rồi cắn gặm. Trong cái khoảng không chật hẹp đó ta không thể nhìn thấy gì. Đầu ta ngập vào các thứ dung dịch như máu, dịch vị, cứt, mỡ. Ngay từ cái xác đầu tiên ta đã phân biệt được vị cứt còn lại ở cuối ruột già với các phần còn lại. Khoái cảm có từ vị giác thốc lên tới tận óc.
Ta cũng thích vị nhân nhẫn của lá gan và vị đắng của mật. Bọn người ăn thịt người cho rằng ăn mật người nhiều làm cho mắt chúng sáng hơn, một ánh xanh lạnh có uy lực trấn áp tinh thần kẻ đối diện. “Ăn mật người nhiều cho mắt nó xanh!”, chúng nói thế. Những tên thiện nghệ khi bắt được người, thường là tù binh trong thời chiến, chúng xử lý rất nhanh gọn. Chỉ một nhát dao lê rọc ngược bên hông là đủ rộng cho bàn tay thọc vào lôi mật ra, cho vào bát rượu trắng, lắc vài cái rồi uống ực. Cái khoái cảm trong chuyện này còn có ở phần tâm lý, khi được nhìn cái cảnh diễn ra trước mắt, con-mồi-người đã bị lấy mất mật đang giãy chết đành đạch rồi thở hắt.
Dạo ấy ta còn trẻ; xác người nhiều lắm, cái sấp cái ngửa, nổi ken dày đầy mặt hồ cho ta tha hồ lựa chọn. Ta bơi từ cái xác này qua xác khác, chỉ chọn ăn mỗi món mắt, bụng ta đầy những mắt người. Lúc nào muốn đổi món thì lại cắn rứt vào một cái bụng đã trương phềnh nào đó. Khi cắn thủng làn da mềm thì một luồng khí lẫn máu mỡ từ bên trong xì vọt ra thật mạnh. Cái xác trần truồng, tóc tai xõa xượi, tứ chi dang rộng, bất ngờ bật dựng lên khỏi mặt nước loang loáng ánh trăng khuya chừng một thước, rồi rơi xuống lại đánh ùm. Bữa tiệc của ta bắt đầu.
Có đôi lần ta ăn được xác những con vật lớn. Có lần là một con voi trận. Ta chui rúc trong cái bụng khổng lồ của nó chọn những miếng ngon nhất. Ta chưa ăn xong thì người ta kéo phần còn lại của nó lên mang đi chôn.
Những năm lụt nước dâng cao tràn bờ, mưa không dứt hết ngày này qua ngày khác; đầy mặt nước lềnh bềnh đủ thứ vật dụng của người và xác súc vật, mèo chó và cả trâu bò. Đó là những thời hoàng kim của cuộc đời ta, thời mà ta chưa từng biết đến cái cảm giác đói và lạnh là gì. Khi một sinh vật không bị đói lạnh thì nó cũng ít, hay không, phải chịu đựng đến một cảm xúc siêu hình là nỗi cô độc. Có lẽ ở con người cũng vậy.
Bây giờ, thời hoàng kim đó đã qua. Nó lặng lẽ trôi qua lúc nào ta không biết. Nó trôi qua cùng với sự giảm thiểu sức khỏe của ta. Ta không còn đủ sức để đuổi bắt lũ cá nhép hay làm những cuộc bơi dạo chơi vòng quanh hồ như ngày xưa. Ta phải chịu đói thường xuyên. Nhiệt độ của nước hồ xuống thấp trong những ngày mùa đông khiến ta lạnh. Máu trong thân thể ta tuần hoàn thật chậm. Ta thở ngắn và dồn dập hơn, ta không thể trầm mình lâu dưới đáy hồ. Ta lười biếng suy nghĩ. Cái khao khát được thỏa mãn tính dục trong ta cũng nguội đi rồi chết hẳn từ bao giờ ta không nhớ. Thậm chí ta còn không nhớ giới tính của mình là thuộc giống nào, đực hay cái.
Khi một sinh vật không còn ham muốn gì khác ngoài cái ăn thì về cơ bản nó đang chết dần. Mà khi cái miệng của nó chỉ dùng để ăn thôi thì cái chức năng còn lại, là chức năng nói, cũng dần dà trở nên thoái hóa rồi biến mất. Mi ăn là mi tồn tại. Mi tồn tại mà mi không nói nữa. Mi tồn tại mà mi không nói nữa là mi đang thoái hóa. Vô số kẻ bằng lòng với sự thoái hóa trong thứ hạnh phúc lười lĩnh đó. Thi thoảng ta lười biếng lập ngôn một mình như vậy cho đỡ buồn, và cho rằng mình đang suy nghĩ. Thật ra là cứt! Cái thứ triết lý vặt đó chỉ đáng là cứt!
2.
Khuya qua ta ăn một con cá chết.
Ta biết chắc nguyên do của cái chết của nó. Ta nói cho mi biết nhé: nó chết vì chứng trầm cảm!
Khi mi ăn một con cá, hay một con gà, hay một con bò, hay bất cứ một con vật nào khác bị chết vì chứng trầm cảm thì mi có nguy cơ bị lây nhiễm cái xung lượng trầm cảm ấy. Ta biết thế, nhưng ta bất chấp. Con cá, không, cái xác cá thì chính xác hơn, trắng bệch, nằm phơi bụng, nổi phập phềnh trên mặt nước cạn. Dưới ánh đèn đường ngoài xa hắt lại, ta thấy dường như nó vẫn còn sống. Ta quan sát nó một chặp lâu. Ta thấy một hơi thở phập phồng, mong manh thoát ra cái miệng há hốc của nó, thành một cái bọt khí – một cái bong bóng nhỏ tí – rồi vỡ tan. Bụng nó máy động thật nhẹ. Cái bong bóng khí vỡ ra tan vào làn sương nhạt nhòa trên mặt nước bốc mùi thối khẳm. Ta bắt được cái vị thối khẳm của làn gió thoảng.
Ta bơi thật nhẹ tới gần rồi lựa thế cắn ngang thân cá. Cắn ngay ở bụng. Ta táp hơi mạnh. Răng ngập vào thịt, day nghiến. Nó giãy nhẹ. Cơ thịt giật khẽ một cái rồi nó duỗi thân ra. Vị máu tanh ngấm xuống cổ họng ta. Ta gặm từng miếng thịt nhỏ rồi nuốt dần.
Ta ăn con cá thật lâu. Những cọng rong trơn nhớt vướng vào mép ta. Khi nuốt xong miếng cuối cùng thì đúng hai giờ khuya.
Ta biết hai giờ khuya vì ngay lúc đó hai tiếng chuông trầm trầm âm u vọng lại.
Ta trầm mình lặn xuống đáy bùn. Ta tiêu hóa cùng lúc con cá và âm thanh của tiếng chuông.
Vị tanh của những tế bào thịt thấm dần vào cổ họng rồi cái dưỡng chất đó lan ra khắp thân thể ta; còn tiếng chuông thì xuyên qua tai rồi thốc lên óc.
Ngay lúc đó, ta hiểu ra lý do của sự có mặt dai dẳng của mình trên cõi đời này. Đúng rồi, lý do tồn tại của ta là chờ đợi để làm chuyện này: lúc hai giờ khuya, ăn một con cá chết vì chứng trầm cảm và nuốt cho hết tiếng chuông hắt hiu vọng lại từ xa xăm và xa xưa kia.
Chỉ mình ta biết được điều đó.
Chỉ mình ta.
Sài Gòn 6.2011
(Trích truyện vừa đang viết Con rùa bò ngang mặt đất)