Phan Nhiên Hạo – Đi trong bồn cá cảnh

Mùa xuân miền Trung Tây cuối cùng rồi cũng đến, dù muộn. Giữa tháng Năm, nơi khác đã hè, đây chỉ mới ấm vài hôm. Những câu hát kiểu “xuân xuân xuân, xuân đến rồi” nghe giả tạo ở một nơi quanh năm nắng rát như Sài Gòn, ở xứ này hoàn toàn hợp cảnh. Chỉ vài tuần trước nhiều cây còn trơ cành đen đủi sau mùa đông băng tuyết, nay lá đã xanh non, rạng rỡ. Những cây đào trắng và hồng nhạt hoa nở bung như vội vã tận hưởng ngày nắng ấm. Bốn mùa rất thực nơi đây.

Sinh nhật đến không nhớ làm Loan rất bực mình. Loan lúc nào cũng quan trọng những ngày kỷ niệm trong gia đình, những ngày lễ. Tôi thì ngược lại, luôn cảm thấy gò bó, gượng ép mỗi khi phải thực hành những quy ước. Hơn bốn mươi tuổi, mới đó ở Mỹ vừa đúng hai mươi năm. Thời gian coi bộ lếch lếch mà đi cũng mau tới. Đầu tuần đi làm thoáng cái đến thứ Sáu. Hai ngày cuối tuần loay hoay việc gia đình, con cái. Thứ Hai đi làm lại, công việc một phần, một phần tiêu phí cho những cái đọc vớ vẩn trên internet. Tối lên giường lại tiếp tục đọc tin tức trên internet bằng điện thoại cho đến khi buồn ngủ. Internet cũng là một trò lười, như tivi. Cần thay đổi nếu không muốn trí não phì độn.Thỉnh thoảng đọc vài nhà văn cũ miền Nam và hôm rồi đọc Tom Wolfe, cha đẻ của trường phái Báo Chí Mới. Đọc những bài báo dạng bút ký của ông này, đặc chất Mỹ. Tôi thích những nhà văn đặc Mỹ như vậy vì dù ở Mỹ đã hai mươi năm và từng học văn chương Mỹ, tôi vẫn chưa biết mấy về xứ xở này. Trong khi văn hóa châu Âu không hiểu sao cứ có cảm giác đã biết nhiều, chắc là tại lớn lên ở Việt Nam, một xứ mà giới trí thức chịu ảnh hưởng Tây rất đậm, và ai cũng thông tuệ. Ở đây không bạn bè, không giao tiếp. Cuộc sống này có lẽ hơi tẻ nhạt. Nhưng tôi sẽ không muốn đổi lấy cuộc sống khác. Mỗi lần về Việt Nam phấn khích một hai tuần vì không khí quán xá và những cuộc gặp gỡ bạn bè nhưng rồi mau mệt. Lần nào ngồi uống rượu về nhà cũng thấy chán chính mình. Ba hoa quá. Những giờ phút hạnh phúc nhất của tôi là ngồi một mình trong sân bay tỉnh lẻ ở Miến Điện, Indonesia, hay Lào, đợi một chiếc phi cơ nhỏ mang tôi đến một thành phố khác. Tôi thích ở giữa những người không cùng tiếng nói với ánh nhìn thân thiện. Họ giữ cho tôi một khoảng cách, họ ở cạnh tôi nhưng không có ràng buộc nào: lịch sử, bổn phận, những câu hỏi. Tôi với họ chỉ có một tình đồng loại trừu tượng, ngồi bên nhau tại điểm dừng chốc lát, rồi đi. Tôi muốn được đi mãi từ phi trường này sang phi trường khác. Phi trường là cửa ngỏ thiên đường, và phi cơ là sinh vật đẹp nhất trên đời. Hãy quan sát một phi cơ, quý vị sẽ thấy nó được cấu tạo hoàn hảo như thế nào trong sự cân đối và dáng vẻ hiện đại. Cái cách một phi cơ nhấc đầu lên khỏi phi đạo hay chạm bánh đáp xuống mới dũng mãnh và kiêu hãnh làm sao. Khi bay trên không, quyền lực của phi cơ là tuyệt đối, không thỏa hiệp dừng lại bắt khách chở thêm heo gà.

Ba tháng trước tôi đi Singapore và Indonesia, ghé qua Nhật một chút. Đó là một buổi sáng đầu tháng Ba còn lạnh, chỉ khoảng một độ C. Xe limousin đến nhà đón ra phi trường O’Hare, Chicago, lúc sáu giờ sáng. Thành phố tôi ở cách phi trường khoảng một tiếng lái xe, nhưng không có taxi, muốn ra sân bay phải dùng limousin. Thường họ dùng loại xe bốn chỗ ngồi ghế da bệ vệ như Lincoln Town hay Cadillac, vậy là vừa thoải mái. Nhưng có hôm hết xe, họ dùng loại xe dài ngoẵn có bar rượu bên trong, kiểu thường thấy trong đám cưới hay để chở các nhân vật Hollywood. Tôi luôn bối rối và cảm thấy rất khôi hài mỗi khi bước ra khỏi chiếc xe cầu kỳ này ở sân bay. Nhưng đây là một trong nhiều điều thú vị của đời sống thành phố nhỏ, nhờ vậy mới biết bên trong một chiếc limousin dài như thế nào.

Đến Tokyo khoảng ba giờ chiều địa phuơng sau khi ngồi trên máy bay mười ba tiếng. Máy bay với màn hình cá nhân trước mặt, ghế ngồi giữa trống, và một quyển sách dễ đọc, ba điều này giúp chuyến bay không đến nỗi quá lê thê. Trên máy bay coi phim Rừng Na Uy của Trần Anh Hùng. Như thường lệ, theo kiểu Trần Anh Hùng, phim chậm chạp, với những nhân vật lầm lì. Tôi không phải là không coi được loại phim “khó”. Vấn đề với phim của Trần Anh Hùng là sự quá liều của một chủ nghĩa duy mỹ lộ liễu, như một người đàn bà dùng quá nhiều son phấn, và mọi thứ có vẻ giả tạo. Phan Đăng Di hình như chịu ảnh hưởng của Trần Anh Hùng nhưng nhanh nhẹn và tiết chế hơn, “cool” hơn. Bi, Đừng Sợ là một cuốn phim tuyệt diệu, gợi nhớ sự tinh tế của Knife in the Water của Roman Polanski và sự rời rạc đầy thi vị trong những phim của Fedellico Fellini. Dù sao Rừng Na Uy cũng không đến nỗi nhễu nhão như những phim truớc đây, có lẽ vì phải tôn trọng nguyên tác tiểu thuyết của Murakami. Với tôi, đây là phim được nhất trong những phim của Trần Anh Hùng.

Đi tàu điện nhanh JR NEX vào trung tâm Tokyo. Tàu rộng rãi, êm ái, sạch bóng. Sạch sẽ là dấu hiệu của văn minh. Xây một tòa nhà lớn không khó, khó là làm sao bảo trì như mới, giữ nó được sạch sẽ năm này qua năm khác. Đây là điểm khác biệt giữa những nước phát triển và những nước nghèo. Những nước như Việt Nam cũng có thể xây những công trình lớn, thậm chí rất lớn để phô trương, nhưng xây lên chỉ dăm ba hôm là rệu rã, bẩn thỉu. Xe điện JR NEX là một biểu tượng của sự chính xác và văn minh Nhật. Một tàu điện chạy năm này qua năm khác, chở không biết bao nhiêu người, vậy mà mọi thứ như mới làm hôm qua, không hạt bụi hay vết bẩn từ trần đến sàn tàu. Mất khoảng một tiếng để đi từ sân bay Narita vào trung tâm Tokyo, ngang qua những thửa ruộng hẹp như ở miền trung Việt, mùa này đã gặt xong, trơ gốc rạ vàng. Khu cận ô Tokyo không lem luốc chữ sơn xịt như những thành phố Mỹ hay châu Âu, nhưng chật chội và cũng cũ. Nhưng ngôi nhà rất bé. Những con đường vắng người. Kinh tế Nhật một hai thập kỷ gần đây trở nên trì trệ, ngập trong nợ nần. Nhật là một cường quốc đã thấm mệt. Muốn tìm sự mới mẻ, hào nhoáng, giờ đây phải đến những nước mới nổi lên như Singapore, Đại Hàn.

Xuống trạm Shinjuku, trạm xe điện được coi là bận rộn nhất thế giới. Khách sạn cách đó chỉ mười lăm phút đi bộ nhưng phải hỏi hai lần vì những bảng tên đuờng toàn tiếng Nhật. Tháng Ba Tokyo lạnh không kém Chicago, thành phố sẫm áo choàng đen. Dân số Nhật già cỗi nhưng nhìn vào dòng người đông đảo ở khu Shinjuku người ta dễ có ấn tượng ngược lại. Rất nhiều thanh thiếu niên tụ tập đi lại từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Khu Shinjuku có lẽ còn nhộn nhịp hơn cả Times Square ở New York. Đại lộ Yasukuni Dori dày đặc những cửa tiệm và quán xá rực rỡ đèn màu, nhưng sau lưng đại lộ vẫn còn những phố hẹp với các ngôi nhà hai tầng kiểu cổ, cửa nhỏ mở vào cầu thang dốc, phất phơ màn lửng đỏ. Đây là những quán rượu chỉ đủ chỗ cho dăm ba người ngồi, chắc bán cho khách quen. Người lạ, nhất là người không nói được tiếng Nhật sẽ cảm thấy mất tự nhiên trong một không gian thân mật quá mức như vậy. Vào một quán rượu lớn hơn có bảng ghi giá thức uống bằng tiếng Anh ngoài cửa. Quán hẹp nhưng khá dài, khách uống đứng, không bàn ghế. Hai người Mỹ trung niên và một thanh niên Nhật đang thay nhau hát karaoke. Ngay trong cái bar nhỏ có vẻ tây ba lô này cũng không tránh khỏi karaoke. Những cuốn danh mục karaoke dày cộp như niên giám điện thoại chất thành chồng cao hơn một thước trong góc tiệm. Mấy cuốn bìa bọc nhựa của các quán karaoke chuyên nghiệp Sài Gòn chẳng thấm vào đâu so với chồng sách khổng lồ của tiệm rượu này. Nhật là xứ phát minh ra karaoke nên trò này dĩ nhiên phải dẫn đầu thế giới. Tôi không hiểu tại sao người ta có thể ngồi hát karaoke với nhau hàng giờ đồng hồ. Nghe một ca sĩ chuyên nghiệp hát lắm khi đã mệt mỏi huống hồ nghe những người hát loàng xoàng, thường cũng lè nhè vì rượu. Thật ra trong những chỗ hát karaoke ai cũng chán nghe người khác hát, nhưng đến lượt mình cầm  micro ai cũng tin rằng người khác đang nghe mình một cách đầy ngưỡng mộ. Khi hát karaoke tập thể, người ta vỗ tay không phải để khen ngợi người khác mà để mừng vì sắp đến lượt mình. Uống hai ly bia, tay phục vụ tặng thêm một ly rượu địa phương như saké nhưng nặng hơn. Quán mở rộng cửa để hút thuốc, đứng bên trong phải mặc nguyên áo khoác, lạnh như đứng ngoài đường. Những điếu thuốc đầu tiên của chuyến đi như thường lệ khiến nôn nao. Rời quán rượu vì lạnh, ăn mì Udon nóng ở một quán nhỏ rồi về lại khách sạn.

Khách sạn yên tĩnh, tiện nghi, nhưng rất hẹp, bồn tắm sâu và nhỏ như bồn nuôi cá cảnh. Đầu giường vẫn còn hệ thống radio và đồng hồ báo thức cồng kềnh thời những năm tám mươi. Có đồ nấu nước sôi và vài gói trà xanh, hút thuốc trong phòng được, nhưng tôi cố thổi khói ra cửa sổ. Cửa sổ kính đục và chỉ có thể mở ra khoảng một gang tay, chắc sợ thiên hạ nhảy lầu tự tự. Tôi chẳng bao giờ có ý định tự tử, nhất là vào một buổi tối dễ chịu như thế này, và tôi còn một chuyến đi dài phía trước xuống phương Nam, đến những đất nước nhiệt đới mà tôi luôn cảm thấy gắn bó.

Tôi thích những thành phố tạm dừng, những trạm trung chuyển, chúng cung cấp hứa hẹn và đặt ta ở biên giới của hạnh phúc mà không tiêu dùng nó, như những ngày cận Tết hồi nhỏ. Ước chi cuộc đời mãi mãi là những ngày cận Tết. Nhưng mà như vậy thì thời gian sẽ thiu.

Tháng 3 và 6, 2011