THÔNG BÁO (2): Làm lại litviet & lại làm người viết văn chương

Từ khi thông báo ngưng làm litviet như một tạp chí công cộng đến nay đã gần hai năm. Tôi dự định chuyển litviet thành một blog cá nhân nhưng rốt cuộc không viết được mẫu blog nào, ngoại trừ đoạn duy nhất về các phim cũ ở Thư Viện Quốc Hội Mỹ. Không phải tôi không có gì để nói, ngược lại là khác. Tôi chỉ không muốn viết blog, tôi không muốn trở thành một blogger. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của blog như một phương tiện truyền thông trong thời đại hôm nay. Blog là cách rất tốt để nối kết nhanh rộng trong sinh hoạt chính trị, xã hội, giải trí, hay tâm tình. Trong bối cảnh đặc biệt của Việt Nam, blog còn là lối thoát của tự do ngôn luận và vận động dân chủ. Chỉ có điều, cách viết của blogger không phải là cách viết của nhà văn, và ngược lại. Hãy để cho hàng triệu người viết blog, nhưng những nhà văn cần tiếp tục viết văn, dù đôi khi để góp tiếng cho tự do của những người viết blog.

Văn chương lúc này có vẻ như đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi cái gọi là truyền thông xã hội (social media): các trang blog, Facebook… Nhà văn có thể ngồi đó than thở về điều này như cách đây vài chục năm đã than thở về sự áp đảo của truyền hình đối với văn chương, hay mươi năm nữa sẽ than thở về sự tuyệt chủng của ruồi, vốn là bạn đường của loại nhà văn thường viện cớ. Thật ra người ta đã, đang, và sẽ không bao giờ ngừng ca cẩm về số phận của văn chương nếu cứ tiếp tục so sánh nó với những thứ khác, tiếp tục trông chờ vào văn chương để đạt được quyền lực, tiền bạc, và danh vọng. Nhà văn sẽ không bao giờ có quyền như một người làm chính trị, không kiếm được nhiều tiền như một nhà buôn, và hoàn toàn không có khả năng đua tranh danh tiếng với bất cứ ca sĩ nào, dù Tuấn Ngọc hay Trường Vũ. Nhà văn thật ra là kẻ có vị trí xã hội hơi khiêm tốn, cỡ một chủ vườn cây ăn trái nho nhỏ. Hắn trồng vài gốc mít, dăm cây xoài, mươi bụi chuối, nhiều rau cải lặt vặt. Nếu những cây trái hắn trồng ngon ngọt, tiếng lành đồn xa, thiên hạ đến mua, rất tốt. Nếu những thứ hắn trồng không ai biết đến, hắn vẫn loay hoay cuốc xới, chứ ít khi đi bán thuốc mãi võ Sơn Đông. Nhà văn Việt Nam hôm nay, trước áp lực của các phương tiện truyền thông xã hội và tình trạng chính trị sôi động, có vẻ như không có thời gian để suy nghiệm và không gian yên tĩnh để viết. Có quá nhiều điều phải nói liền, quá nhiều người phải chìu chuộng hay đối phó, và quá nhiều những thứ na ná như văn chương để theo đuổi một cách không nhọc sức mà vẫn được chú ý. Thời đại internet khiến nhà văn có cảm tưởng mọi thứ đã quá tải và văn chương hoàn toàn không cần thiết. Văn chương chưa bao giờ cần thiết, nhưng cũng sẽ luôn cần thiết, chỉ với những người yêu thích nó, như hội họa. Nhà văn hôm nay vẫn phải sống, phải đi, phải viết, một cách kỹ lưỡng và có tính nghệ thuật như từ bao đởi, nếu hắn vẫn còn muốn làm một nhà văn. Nếu không, hắn có nhiều chọn lựa hơn để làm một cái gì đó khác, na ná một nhà văn. Và đó là điều khác biệt duy nhất so với trước đây.

Tôi làm lại litviet chủ yếu chỉ để bắt chính tôi phải viết thường xuyên hơn, như một người làm văn chương. Tôi không quan tâm chuyện litviet có vị trí như thế nào trong sinh hoạt văn nghệ hay sẽ nhận được thật nhiều bài cộng tác. Sự thật thì tôi dự định sẽ đăng ít bài hơn trước đây. Mỗi thứ Bảy chỉ cần đăng một hai bài, nếu không có bài hay, có thể để trống. Tôi muốn litviet là nơi người đọc ghé vào để đọc tác phẩm chứ không phải lướt qua các tựa đề như nhật trình. Tôi cũng tắt luôn phần phản hồi dưới các bài viết. Tôi nghĩ các phản hồi kiểu blog chỉ khiến văn chương lao xao một cách mệt mỏi. Litviet trở lại lần này để đăng các tác phẩm văn chương thật chọn lọc, và thảo luận các vấn đề văn nghệ một cách thong thả.

22 tháng 6, 2011

Phan Nhiên Hạo