Như thường lệ, mỗi buổi sáng vừa thức giấc, chưa rời giường, tôi mồi điếu thuốc lá đầu ngày và mở máy đọc email.
Cũng thế, sáng nay, thứ Ba 22 tháng 9, 2009; sau khi xem email, tôi lướt qua trang web của nhà văn Lê Thị Huệ, để xem những bài mới vào mỗi tối thứ Hai, (tối hôm ấy “báo” ra muộn), nên tôi chưa đọc.
Trên trang chính của Gió-O, nhà văn Lê Thị Huệ báo tin buồn (qua thông tin của nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp), nhà văn Phạm Chi Lan đã qua đời hôm thứ Hai lúc 5h sáng, khi chị vừa 47 tuổi đời.
Tôi dụi điếu thuốc, như không tin ở chính mắt mình. Tôi lướt trên nhiều trang web bạn, để xem có “báo” nào thông báo cái tin quá buồn?
Cuối cùng, tôi vào DM, thấy “báo” này đăng lại bài tùy bút “Những giấc mơ trong bệnh viện” của nhà văn Phạm Chi Lan.
Cả ngày, tôi không muốn bước ra khỏi nhà, dù dự định, sáng nay sẽ đi mua một số vật dụng, sửa lại cái ống xối nhà.
Tôi bần thần cả người, xuống vườn ngồi uống ly café, đốt thuốc liên tục.
Đời một người sao ngắn quá?
Ở tuổi 47!
Ông Thiên có quá khắt khe: với một người đàn bà còn trẻ, tràn đầy sức sống và nhiều ước mơ; và với một nhà văn nữ có những nét bút nhẹ nhàng rung động, nhưng cũng đầy hiếu động trước cuộc sống luôn sôi nổi đến chóng mặt!?
Tôi không quen thân nhà văn, nhưng có cùng cộng tác chung trên tờ Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng thuở internet đang thịnh hành (năm 2000). Chị là chủ biên của “tờ báo” mang tính văn học gần như đầu tiên trên mạng. Và cũng chính Phạm Chi Lan là người kêu gọi những cây bút trẻ góp bài vở, gây sôi nổi một thời.
Tôi chỉ qua lại thư từ trên email vài lần với nhà văn. Và tôi nhớ, một lần Phạm Chi Lan có nhờ tôi viết tùy bút cuối tuần trên trang đầu của “báo”, cho vui, với anh em. Và tôi đã đồng ý tham gia cuộc vui, với sự biết ơn “nho nhỏ”. Đó là cách hành xử mẫn cảm của nhà văn, đối với mọi cộng tác viên, mà tôi chưa hề thấy bất cứ chủ biên nào làm được điều này. (Một bài viết mang một tâm trạng buồn và đầy chia sẻ, tôi không muốn đi xa hơn!).
Tôi sinh hoạt trên Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng (khoảng thời gian gần nửa năm thì phải), thì bị chụp mũ ở New York. Người ta đã kéo Phạm Chi Lan vào cuộc với tôi, vì chị có đi bài tôi (bị chụp mũ) trên Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng.
Không biết, chị có trả lời?
Vì khi hay tin bị chụp mũ, tôi đã không ngại ngần đem cái laptop ném vào sọt rác, và từ đó không bao giờ theo dõi văn chương!
Tôi không nên nhắc đến sự việc chẳng đáng nhắc này, nhất là lúc nhà văn vừa qua đời! Nhưng sự việc nhà văn bị kéo vào cuộc, mà tôi không hề theo dõi xem chị phản ứng thế nào, cứ ám ảnh tôi một thời gian.
Viết, là cả một nổi đau của đời sống hiện sinh đối với người cầm bút. Nhất là những người Việt ở hải ngoại xa xứ, luôn day dứt phần nội tâm.
Nổi đau đớn, sự thất vọng, lòng hoài nghi yếm thế, vẫn còn đọng lại đâu đó trong tiềm thức vĩnh cửu chúng ta, dù là, sau những ngày bỏ nước ra đi.
Nơi định cư mới, những người cầm viết luôn khát khao đi tìm cái mới, để cắt bỏ phần ung thư, để đi tìm một kiếp sống làm người, để quên đi những năm tháng bị trù dập, áp bức…
Ngoài mưu sinh cho cuộc sống, với những người cầm bút, được thảnh thơi viết vào những đêm khuya hay cuối tuần đã là những hạnh phúc lớn lao!
Không những được viết, mà chỉ cần nghe. Nghe thôi, các bạn ạ, tâm hồn dù đau đớn, ung thư đến đâu, họ vẫn cảm nhận sự sung sướng tuyệt vời!
Hãy nghe nhà văn Phạm Chi Lan nói với phu quân, anh Nhi:
“Cảm ơn Anh. Những bài thơ làm em tỉnh rồi nè…”
Có ai mà không đau cả tâm can, nghe nhà văn nói câu này, khi nằm trên giường bệnh ở nhà thương, và… anh Nhi, phu quân chị ngâm thơ. Và tôi ngạc nhiên hơn, trong hoàn cảnh này, nhà thơ phu quân, vẫn còn ngâm được thơ! Đủ biết ý chí, nghị lực và sự can đảm của họ cao đến dường nào, để chóng chọi một cái chết đang dần dần bào mòn hạnh phúc của họ.
Điều đó, dĩ nhiên…
Tình yêu và những con chữ, không thể thiếu trong đời sống của đôi vợ chồng cầm bút này.
Ông Thiên, thế mà thâm!
Không thâm, sao ông không nghe hay thấy những lời kêu ai oán trên những vần thơ của Phạm Chi Lan:
“Đời sống ơi. Sao mi vừa gần gũi vừa xa cách thế này?”
Có “vừa gần gũi vừa xa cách thế này” không?
Với tôi thì không!
Chữ và Nghĩa: đồng nghĩa với có và không hoặc không và có! Đó là đạo lý nhà Phật.
Nó là “Miền Lặng”!
Và tại sao, nhà văn Phạm Chi Lan, lại chọn tựa Miền Lặng?
Và chị lại viết, trong tùy bút “Những giấc mơ…”:
“Bình yên trong không gian của riêng mình, thêm một thời gian nữa thôi, bên cạnh những bạn bè, người thân yêu nhất của mình”.
Tấm thân tứ đại: phần đi và về. Có: có có, không không!
Tác giả Miền Lặng không là: “Đời sống ơi. Sao mi vừa gần gũi vừa xa cách thế này?”
Tôi tin như thế.
Đó là một lời tiên tri, từ tiền kiếp trong tiềm thức của chị.
Và, tôi xin gửi hương hồn nhà văn Phạm Chi Lan:
“Chị…
Hãy khoanh tay,
Ung dung…
Đi vào khung cửa hẹp
Cửa không hẹp, mà mở rộng
Ở đó, Ánh sáng đã phân màu
Cho kiếp mai sau
Nhưng nó lại hẹp,
Và ẩn rất mau, sau màu Ánh sáng
Nó càng nhiệm màu
Lại càng hẹp hơn.
Trong nghĩa thấm sâu!
Hãy… “bình yên, trong không gian của riêng mình”
Khi đó, Ánh sáng sẽ nhiệm màu
Và một kiếp lai sinh
Sẽ lại thành hình
Những gì: Chị ao ước muốn!
“Những giấc mơ trong bệnh viện”
Chỉ là những giấc mơ tự hủy diệt mình!
Sao gọi là Sinh?
Sinh lão bệnh tử là chuyện thường tình.
Âm ỉ, đất trời thầm lặng
Mười tám năm sau
Biết đâu một liệt nữ khác xuất hiện?
Với trang viết Miền Lặng
Một lần nữa
… Của Phạm Chi Lan”.
Chúc Nhà văn ngủ ngon cùng thế kỷ.
(Vancouver, Canada
Sept. 23-24, 2009)