Trần Thiện-Đạo – René Char, tưởng niệm một trăm năm ngày chào đời

Ngoài ông ra, chắc trên thi đàn Pháp và ngoại quốc chẳng hề có một Toàn tập của nhà thơ nào mới vừa phát hành mà bán hết 62.000 ấn bản, mà 200.000 cuốn thi phẩm in trong loại bỏ túi sạch trơn mau lẹ, mà nhiều thi phẩm khác của mình được thường xuyên tái bản; nhứt là vào thời buổi mà các loại hình thính thị như âm nhạc (thính) và phim ảnh (thị) lần hồi lấn chiếm gần trọn hết thị trường văn hóa như hiện nay. Nhà thơ nào vậy? Toàn tập nào vậy? Thi phẩm nào vậy? Xin thưa, đó là nhà thơ René Char (1907-1988), Œuvres complètes (Toàn tập) in năm 1983 lúc ông còn sống, tái bản năm 1995, lại sắp tái bản lần nữa, trong tùng thư Pléiade (Tao đàn) của Nxb Gallimard – một điều hiếm thấy, và thi phẩm Fureur et Mystère (Thịnh nộ và Bí ẩn – 1948) trong số 22 tập thơ khác của ông.

Còn vài hôm nữa là kỉ niệm một trăm năm ngày ông mở mắt chào đời. 

Ân phúc thoảng qua

Trong thời gian một thế kỉ này, ông là nhà thơ đương đại được nhắc tới nhiều nhứt, bình chọn nhiều nhứt, giảng dạy nhiều nhứt và  thưởng thức nhiều nhứt. Thu hút giới phê bình, giáo chức và độc giả qua con người và nghệ thuật của mình, chớ không nhờ ở thủ thuật đánh trống rao hàng. Thể như thi ca và cuộc đời của ông đan cài vào nhau trở thành một khối rắn chắc bất phân, tạo nên gương mặt không thể thiếu cho đời sống tâm tình và tinh thần – khiến chúng tôi không khỏi nghĩ tới chẳng hạn một Nguyễn Du (1775-1820) ngót hai trăm năm mươi năm qua ở nước ta. Sanh thời ông là một con người ẩn dật, cực cùng kín đáo, chỉ hoạt đầu những khi buộc phải ra tay. Thinh lặng cùng với thiên nhiên, ít chịu tiếp xúc ngoại trừ phái đẹp, “ân phúc thoảng qua trên cõi đời này”. Cho tới ngày nhắm mắt, ông luôn từ chối phỏng vấn, tranh luận, hội thảo, vinh dự và bất kì vai trò công cộng nào. Bởi, với ông, thi ca là một điều thiêng liêng không thể để cho chuyện ngoài đời vấy bẩn, và tình yêu không thuộc loại phàm tục nhớp nhơ.

Vì vậy thân thế được biết đương nhiên hết sức ngắn gọn – trừ phi sau này có nhà báo câu khách nào khai thác khoảng đời tình ái của ông. Độc có vài ba chặng đường biểu hiện rõ rệt tánh khí và quan niệm thi ca của ông mà thôi. Sanh ngày 14/06/1907 ở L’Isle-sur-la-Sorgues nằm trong vùng đất đặc thù Provence miền nam nước Pháp – ba năm trước, chúng tôi có ghé thăm Nhà lưu niệm ở đây. Nàng thơ rù quến ông rất sớm trên mảnh đất này: “Vào khoảng 11, 12 tuổi tôi bỗng bị ánh chớp thiêng liêng (le grandissime éclair) vồ lấy mình”. Năm 1926, ông cho ra mắt thi phẩm đầu tay Les Cloches sur le cœur (Trái tim rủng rỉnh), một  nhan đề nhắc tới mấy đồng tiền vàng do bà cụ bỏ vô túi ông làm chi phí in thơ. Ba năm sau, tập Arsenal (Kho tàng – 1929) ra đời, ông gởi tặng một bản cho nhà thơ Paul Eluard (1895-1952). Họ gặp nhau, thế là ông dấn bước trên con đường siêu thực, cùng với những André Breton (1896-1966), Louis Aragon (1897-1982), René Crevel (sanh năm 1900 – tự vẫn năm 1935 như một tác phong siêu thực) và nhiều gương mặt khác. Nhưng chẳng mấy chốc là ông đà xa lánh, không hợp với cung cách của họ, rồi tuyệt giao vào năm 1934. Không trống không kèn. Cả khi họ không ngớt hô hào ngày mai trời lại sáng trong lúc ông tin rằng ngày mai cũng vậy thôi và trong thâm tâm ông chê trách họ, đặc biệt là Louis Aragon đã sử dụng tài thơ phục vụ một đảng phái chánh trị. Chê trách, chẳng phải vì thành kiến, mà vì, dưới mắt ông, họ đã làm hoen ố tánh chất thiêng liêng của thi ca.

Rồi nước Pháp bị Đức xâm chiếm. Năm 1941, ông từ bỏ Paris trốn về vùng Provence. Nơi đây, dưới bí danh đại úy Alexandre, ông cầm súng đóng quân ở khu làng hẻo lánh Céreste, tiếp nhận võ khí do Đồng minh thả dù cho Kháng chiến. Nhà thơ trở thành nhà hoạt động cho chánh nghĩa trong “rường học khổ cực và hi vọng” này, đòi khi cũng phải tự mình ra tay thủ tiêu bè lũ phản quốc – những hình ảnh mà ông không thể nào quên suốt trọn cuộc đời. Chiến tranh chầm dứt, các trang nhựt kí ghi vội trong thời kì máu lửa hóa dạng thành thơ trên các tập Feuillets d’Hypnos (Cảo thơm từ giấc Nam kha – 1946) và Thịnh nộ và Bí ẩn. Sau đó là một chuỗi ngót 20 thi phẩm khác nối tiếp nhau, cho tới tập cuối cùng Eloge d’une soupçonnée (Ca tụng dây oan – 1988) xuất bản trước ngày ông nhắm mắt. 

Thi nghiệp René Char, như chúng ta vừa thấy, đại khái trải qua hai giai đoạn mấu chốt, siêu thực và kháng chiến. Thảy đều được ông biến thành bàn đạp vươn tới tinh thần hòa hợp giữa vạn vật và nguyện vọng của con người. Nhờ ở những “ân phúc thoáng qua’” và tình yêu muôn thuở.

Tình yêu muôn thuở 

Phục tùng

Trên đường thành phố tình tôi lang thang. Về đâu tôi nào hay biết giữa thời điểm rẽ bầy. Em chẳng còn là tình tôi nữa, với mọi người em thì thầm khôn dứt. Chẳng còn nhớ; ai là kẻ đã yêu mình.

Em đi tìm đồng cánh trong ánh mắt cầu nguyện. Không gian em trải qua là cả mối chung tình anh dành cho em. Em vẽ nên ước vọng rồi nhẹ bỗng xóa nhòa. Hờ ơ xâm chiếm trái tim anh.

Tôi nằm dưới đáy vực như thân tàn ắp đầy hạnh phúc. Em nào có hay nỗi niềm cô quạnh anh đang cảm nghe chính là kho báu của em. Giữa quĩ đạo rộng lớn xoay vần nơi này tôi tìm thấy tự do cho mình.

Trên đường thành phố tình tôi lang thang. Về đâu tôi nào hay biết vào thời điểm rẽ bầy. Em chẳng còn là tình tôi nữa, với mọi người em thì thầm khôn dứt. Chẳng còn nhớ ; ai là kẻ đã yêu mình và từ xa chiếu rọi để mình khỏi ngã nghiêng.

René Char

Mùa xuân thi ca  

Vậy là năm nay Mùa xuân Thi ca (Printemps des Poètes), tương đương với Ngày hội thơ tổ chức ở Văn miếu vào rằm tháng Giêng mỗi năm, đương nhiên mượn nhan đề thi phẩm Lettora amorosa (Tình thư – 1952 ; tái bản mới đây, đà vèo hết 40.000 tập) của René Char làm tiêu đề. Vừa để tôn vinh nhà thơ tình số một vừa để tưởng niệm một trăm năm ngày ông mở mắt chào đời. Một cách trọng thể khắp nơi : chiều ngày 30/03/2007 ở Hà nội, Trung tâm văn hóa Pháp Espace đã tổ chức một buổi nói chuyện dưới tiêu đề này, với nhà thơ (tình, tất nhiên rồi) André Velter là người biên tập tùng thư Thi ca Nxb Gallimard, bà Sophie Naulau là người tuyển chọn và ông Hoàng Hưng là người chuyển dịch. Trước một cử tọa đông đảo khoảng chừng 150 người thích thú lắng nghe và đối thoại sôi nổi. 

Mới hay thơ tình vẫn là đầu đề thu hút mọi người. Và René Char vẫn là nhà thơ tình số một, dẫu rằng thơ ông không phải lúc nào cũng nắm bắt được dễ dàng.

 Trần Thiện-Đạo
(Paris, 01/06/2007)

 

 

 

Ý kiến

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.