Trần Thiện-Đạo – Đi tìm hậu duệ của Monna Lisa

natalia va irina strozzi

Bức chơn dung trưng bày ở viện bảo tàng Louvre, Paris Q. 1, mà mọi người đều nghe nói tới qua tên gọi La Joconde, mà du khách có dịp đặt chơn đến thủ đô nước Pháp đều một mực đòi xem cho bằng được, quả là một kiệt tác hội họa – vừa kì diệu vừa kì lạ. Kì diệu ở chỗ, ngoài mặt nghệ thuật điển hình cho tài năng của Leonardo da Vinci (1452-1519), bức họa còn mặc nhiên tượng trưng, tuy một cách phiến diện, cho sự nghiệp của tác giả vốn rất ư đa dạng(*). Kì lạ ở chỗ, ngoài những chi tiết được biết (tương đối) chắc chắn về số phận của nó, nhơn vật làm mẫu cho bức họa vẫn còn là một bí ẩn đối với nhiều người.

Từ La Joconde…

Thật tình nói thì cho tới nay, sau hơn nửa thiên niên kỉ, mọi hiểu biết chung quanh bức họa thảy đều bắt nguồn từ lời kể của nhà văn kiến trúc sư Giorgio Vasari (1511-1574), tác giả tập sách Le Vite dé più eccellenti pittori, scultori e architettori (Sự nghiệp các họa sĩ, điêu khắc gia và kiến trúc sư tài hoa – 1560-1568). Tập sách lịch sử nghệ thuật đầu tiên này phác họa cuộc đời nhiều nghệ sĩ thuộc trường phái Firenze mà Pháp gọi là école florentine, thành phố Firenze này vốn là một công xưởng qui tụ hầu hết các nhà nặn tượng, điêu khắc và vẽ tranh cách tân kể từ thế kỉ XIII khai mào thời kì gọi là Phục Hưng cho tới thế kỉ XVI, trong đó nổi bật hơn hết là những Giotto di Bondone (1266-1337), Leonardo da Vinci, Michelangelo Buonarroti (1475-1564 – thường gọi theo Pháp là Michel-Ange)… Theo nhận xét của các nhà viết sử nghệ thuật sau này, thì những chi tiết trình bày trong tập sách, nói chung, đều khả tín, dẫu rằng, ngoài nó ra, chẳng có tác phẩm tương tự nào khác để đối chiếu và kiểm chứng.

Riêng về bức họa với nụ cười mím (mím, với dấu sắc) bí ẩn của nhơn vật trong tranh, tác giả tiết lộ: người phụ nữ do Leonardo da Vinci phóng cọ trong bức họa tên thật (tên cha mẹ đẻ) là Monna Lisa Gherardini. Năm 1495, vừa lên 16 đà lấy chồng, hay đúng hơn, cha mẹ gả cô cho người con nối dõi tông đường một gia đình thương gia buôn lụa, tên là Francesco di Bartolomeo del Giocondo lớn hơn cô những 19 tuổi. Bức họa do chính ông chồng đặt hàng đầu năm 1503 lúc Monna Lisa đà 24 tuổi, nhưng chỉ được hoàn tất trên thớt gỗ bốn năm sau. Chắc vì vậy, chắc vì quá thời hạn mà Leonardo da Vinci không giao hàng cho đương sự, giữ lại bức họa. Cho tới khi ông được vua François 1er (François đệ nhứt – 1494-1547) vời qua Pháp vào năm 1516, ngụ ở trang trại Clos-Lucé kề cận cung điện Amboise, bên bờ sông Loire. Nơi đây ông được cung cấp đầy đủ phương tiện để thử nghiệm phát minh khoa học của mình, cho đến ngày nhắm mắt ba năm sau. Tuy được mời với tư cách kĩ thuật gia – ông chẳng là nhà khoa học khét tiếng bấy giờ đó sao – ông cũng mang theo trong hành lí nhiều họa phẩm, đặc biệt có bức chơn dung (sau này vin theo tên Giocondo, mới gọi là) La Joconde. Điều lạ là, để tậu nó, nhà vua đã bỏ ra 4.000, vâng, bốn ngàn ducati (tiền vàng eurobấy giờ ở châu Âu), một số tiền khổng lồ chưa từng thấy có mạnh thường quân nào bấy giờ đài thọ cho nghệ nhơn.

Còn về người mẫu, thì chẳng có bao nhiêu chi tiết cụ thể đáng tin cậy cho phép chúng ta dựng lên một bức chơn dung khác, bằng da bằng thịt thiết thật hơn. Chỉ biết rằng Monna Lisa đã trải qua một cuộc đời ẩn náu trong khuôn khổ gia đình, nhốt mình trong ngôi nhà nằm trên đường della Stufa. Sanh cho chồng ba con, hai trai một gái. Qua đời ngày 15 tháng 07/1542, hưởng thọ 63 tuổi, mai táng trong khuôn viên nữ tu viện Sant’Ortola. Theo gia phả bên nội còn giữ đến nay cho biết, thì dòng dõi nhà họ del Giocondo tuyệt chủng ngay từ cuối thế kỉ XVII. Thể như từ bấy, ngoại trừ bức chơn dung, Monna Lisa Gherardini không còn để lại chút máu mủ nào nữa trên đời : mọi người đều tin như vậy cho tới vừa đây.

… tới công nương Strozzi

Một nhà phả hệ học trẻ sanh trưởng ở thành phố Firenze, Domenico Savini, vừa đây bỗng sực nhớ rằng Monna Lisa có một đứa con gái: Maddalena. Ông bèn khảo sát theo hướng đó, để cuối cùng quyết đoán rằng dòng máu La Joconde hiện nay vẫn còn chảy trong huyết quản của hai công nương nhà họ Strozzi. Kết quả của nhiều năm tháng cất công cần mẫn soi tìm tư liệu, đặc biệt là các gia phả bên ngoại còn lưu trữ, dính líu tới Maddelena del Giocondo, đứa con gái độc nhứt của Monna Lisa.

Nhờ đó, ông được biết rằng Maddelena thời ấy lấy chồng tên là Nicolo del Garbo, sanh một mống con trai. Đứa con trai sau này cưới cô Lizabetta de Mozzi làm vợ. Các tư liệu, mà hai gia tộc de Mozzi và del Garbo lưu trữ cho đến thế kỉ XIX, qua nhiều mối quan hệ giữa giới quí tộc với nhau, được chuyển cho nhà họ Bombicci-Pontelli, có nhắc tới bức chơn dung Monna Lisa treo cùng các bức chơn dung đồng tộc. Chính nhờ bà bá tước Maria Luisa Bombicci-Pontelli hiện nay là người thừa kế, tập trung và lưu trữ tư liệu các gia tộc de Mozzi, del Garbo, del Giocondo và hoàng tộc Strozzi mà Dominico Savini thiết lập quan hệ huyết thống giữa Monna Lisa và hai công nương Strozzi. Ông quyết đoán: 

“Điều khiến tôi lấy làm sửng sốt và sảng khoái là ở chỗ các tư liệu de Mozzi và del Garbo có nói tới bức chơn dung Monna Lisa bấy giờ còn nằm trong tay họ cho tới tận thế kỉ XIX. Nó chứng tỏ rằng dòng máu Monna Lisa vẫn còn chảy trong huyết quản của họ. Cứ theo lời bà bá tước Maria Luisa Bombicci-Pontelli, thì gia tộc de Mozzi là đầu mối giao hợp giữa hai gia tộc del Giocondo và quí  tộc Strozzi, và dòng máu Monna Lisa chắc chắn hiện nay còn chảy trong huyết quản hai công nương nhà họ Strozzi”.

Hai công nương này là Natalia, 29 tuổi, và Irina, 24 tuổi, tôn nữ của hoàng thân Gerolamo Strozzi. Cả hai đều độc thân, sống thanh bình trong bầu khí gia đình và ngoài đời. Cô em Irina tốt nghiệp khoa kinh tế đại học Boccino – Milano, rồi thực tập trong các văn phòng chánh phủ ở London (Anh quốc) và thủ tướng Cộng đồng châu Âu ở Bruxelles (Bỉ), biết chơi dương cầm một cách tài hoa và nói được bảy thứ tiếng. Còn cô chị Natalia thì chỉ nói được năm thứ tiếng, nhưng cũng tài hoa chẳng thua gì cô em khi đánh đương cầm, mà lại còn là diễn viên xuất sắc trong các bộ phim của Alberto Sordi (Italia) hay của Claude Lelouch (Pháp), và đó là không nói tới việc cô đang tập tành đeo đuổi nghiệp văn chương. Hai chị em thay phiên nhau quản lí và điều hành đồng ruộng nho bạt ngàn Cusano miền Toscano, là nơi sản xuất loại chianti (rượu chát đỏ) nổi tiếng từ một ngàn bốn trăm năm nay, mà những Dante Alighieri (1265-1321), Giovanni Boccacio (1313-1375) hay Michelangelo Buonarroti (nhắc tới trên) và nhiều nữa đã hết lời tán thưởng.

Nụ cười bí ẩn

La Joconde
Nụ cười bí ấn của La Joconde do Leonardo da Vinci phác họa hơn nửa thiên niên kỉ trước (xem bức họa), cho tới nay, vẫn còn là một bí ẩn chưa ai giải thích được một cách thỏa đáng. Liệu rồi năm trăm năm sau, vành môi rạng rỡ nở  trên gương mặt hiện nay của hai hậu duệ (xem ảnh Natalia và Irina chụp trước tháp thủy tinh viện Bảo tàng Louvre đầu tháng 03/2007 này) có hé mở chút nào tấm màn che phủ đó chăng ?

Hãy đợi thời gian giải đáp.

(Roma/Paris, 11.03.2007)

____________

 (*) Xem “Triễn lãm Leonardo da Vinci – tranh vẽ và bản thảo” trong Văn Nghệ – Những Nụ Cười Giòn, Trần Thiện-Đạo (nxb Hội Nhà văn, 2004), tr. 152-158. Ngoài ra, Leonardo da Vinci còn được xem là một nhà khoa học.

1 bình luận về “Trần Thiện-Đạo – Đi tìm hậu duệ của Monna Lisa

  1. Pham quang Vinh 23 Tháng Chín 2009 / 6:47 chiều

    Y kien ve bai viet cua tac gia Tran Thien Dao .

    Truoc day toi da doc nhung bai dich thuat cua tac gia Tran Thien Dao tu truoc nam 75 , tren tap chi Van cua ong Nguyen dinh Vuong .

    Tac gia Tran thien Dao duoc gioi thuong ngoan van hoc dich thuat danh gia va khen ngoi . Dieu do rat dung .

    Da lau nay moi lai duoc doc ong .Theo doi qua may bai viet cua ong vua duoc pho bien tren Litviet , toi nhan thay van phong va but phap cua ong nay rat xua cu , giong nhu van phong va loi viet hoi dau the ky 19 , 20 . Thoi chu quoc ngu con phoi thai . Lai nua , van viet cua ong giong nhu van noi cua nguoi nong dan Nam bo . Thi du: chon dung , nhon vat , co nuong , sanh linh , tinh nhon , thau hut .v.v. Theo toi nhung tu nhu the , khong dung van pham cho cach hanh van nhu da hoc o nha truong .

    Nhung bai viet moi day cua ong ve cac van nghe si nuoc Phap rat cong phu . Song voi loi dung but phap va ngon tu nhu the , toi doc khong thay hung thu gi . Co phai la tac gia muon tro ve voi loi viet cu chang ? Hay day chi la cach lap di vui choi cho do buon ?

    Mong duoc tac gia chi bao cho . xin cam on .
    Va cung xin ta loi , neu y kien cua toi co lam nha van phat long , vi tanh toi ua noi thang .
    Xin kinh chao .

    Pham Quang Vinh

Ý kiến

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.