Hợp âm
Con chim gió đã bay qua hồ lửa
Rừng cháy xanh. Ngun ngún. Thời gian
Chuyển cảnh.
Khung cửa mùa Đông. Những chùm hoa sứ
Tiếng đàn. Tiếng gió hoang mang
Mưa trắng. Những cành cây đen xám
Oằn mình trong mưa. Nỗi hạnh phúc dịu dàng
Con chim nào tiếng hót để rơi trong giông bão:
Một vệt xanh mềm trên khung vải thời gian
Gió ẩm thấp. Gió đi vào mộng mị
Chiếc bàn. Chiếc ghế. Và một bình hoa
Bông hoa nhỏ lãng du về cánh rừng xa thẳm
Người lãng du về những nỗi nhớ xót xa
Tiếng sóng biển. Tiếng rì rào lá gọi
Vỗ hoang mang một hợp âm mềm
Trắng. Xanh. Vàng.
Những hợp âm vươn mình trên khung vải
Trong góc tranh buồn chiếc lá chết. Nâu
Tảng đá xanh. Âm u tia lửa
Những thế kỷ dài im lặng nghe mưa
Tấm chăn mầu xám. Nỗi buồn mầu đỏ
Ly nước trong. Trong như mắt ai xưa
Đêm bùng lên một mầu đen hoang
Cành hoa thức. Mùa xanh vẫy gọi
Mưa trắng. Những cành cây đen xám
Tiếng nhạc loang mềm như rượu ngọt
Hợp âm gió. Tiếng biển và lá
Hợp âm trầm không một âm vang.
10.1996
Mùa xưa
Đi trong rừng gió giật. Trời mưa
Bầy ngựa đen sải qua đồi chớp
Những lá cây rụng đầy ảnh lạ
Chớp lóe. Tiếng gió rền im bặt âm xưa
Con chim gai phục trong bụi lửa
Những đóa hồng giấu tắt nụ cười
Tiếng chim hót. Trời xanh đập trong lồng ngực
Mùa xưa. Mùa xưa còn dấu chân người
Những tàn tro. Những con đường gió giật
Hồ nước xanh một chất trần gian
Những bông hoa trắng. Mùi thơm bay trong trí nhớ
Lũ thời gian như ngựa sải qua ngàn
Tiếng trống đập. Trời thu bật máu
Những chớp lửa rền không một âm vang
Mùa xưa. Mùa xưa thao thiết
Hương đầy nỗi nhớ trần gian
Cánh cửa lay. Con trăng bạc lạnh
Chùm hoa vàng. Nỗi nhớ. Sương mù
Một ngọn lửa rung rung máu đỏ
Gió trả về những tiếng gọi không
Những lá cây rụng đầy ảnh lạ
Chớp lóe. Tiếng gió rền im bặt thinh không.
11.1996
Quá khứ
Buổi chiều. Buổi chiều không mầu
Một dòng sông lạnh nát nhầu tiếng mưa
Hôn em một nụ hôn xưa
Nghe trong mùi tóc những mùa gió bay
Môi ta ngậm cuộc tình này
Mà nghe nằng nặng trên tay bóng sầu
Hôn em một nụ hôn đau
Mà nghe tơi tả trên cầu tiếng mưa
Mưa dầm chan, mưa đò đưa
Mưa đâm thấu, mưa thổi lùa xót xa
Hôn em một nụ hôn nhoà
Trên da thịt ngỏ bao la giọt cuồng
Mưa quấn quít, mưa dầm tuôn
Mưa nghe mằn mặn, mưa buồn buồn tan
Hỏi em giữa cuộc chan chan
Có nghe vẳng một tiếng đàn bên sông.
09.1978
9/13/09
Kính gửi ông Lam Truong Phong,
Cám ơn ông đã đưa ý kiến. Về thơ Tô Thuỳ Yên, tiểu luận dài của tôi, gồm nhiều phần, với tên chung là “Tô Thuỳ Yên: Thơ, như một vinh dự lầm than của kiếp người”, kể từ năm được viết là 1992 cho đến nay, đã được đăng trên nhiều báo in cũng như báo mạng, và trong sách “Lý Luận và Phê Bình / Hai mươi năm văn học Việt ngoài nước” của tôi. Tôi nghĩ người đọc có thể thấy rõ được thái độ trân trọng của tôi với chủ đề này, nên, ở đây, tôi nghĩ không cần nói gì thêm về nó nữa. Tôi chỉ muốn cám ơn những trang báo đã phổ biến tiểu luận này để vinh danh một tài thơ Việt, một tài thơ mà chị Phan Duỵ và anh Cao Đông Khánh, khi làm cuốn băng thơ Tô Thuỳ Yên, đã quý báu trích đọc một số điều tôi đã viết về thơ TTY, mà một trong những điều đó là nhận định của tôi cho rằng TTY là “một giọng thơ đặc thù, có một, và vô cùng u hiển của nền thi ca Việt Nam trong dòng văn học Việt Nam kể từ Sáng Tạo.” Những độc giả quan tâm có thể xem lại tiểu luận này, đăng làm bốn kỳ, tại http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5411&rb=06 .
Điều có lẽ nên nói đôi chút về quan tâm của ông là, khi tôi viết tiểu luận đó vào năm 1992, nhà thơ TTY vẫn còn ở Việt Nam. Đúng như nhà thơ nghĩ, nhiều bài thơ của TTY lúc đó là được nhớ lại từ thân hữu, bạn bè, và những người yêu thơ TTY. Nhiều bài thơ của TTY cũng đã được nhà văn Mai Thảo đọc cho chúng tôi nghe, cho dù đối với một số bài, một số câu, có thể có đôi chút khác biệt trong những lần đọc khác nhau. Ông là một người đặc biệt yêu quý thơ TTY. Một số thơ TTY, lúc đó, đã được thân hữu cho phổ biến lại trên báo chí ngoài nước. Một số tài liệu tôi sử dụng khi viết tiểu luận của mình là từ sưu tập riêng của tôi; ngoài ra, đa phần những bài còn lại là do nhà văn Mai Thảo, nhà lý luận phê bình Nguyễn Hưng Quốc, và một vài thân hữu nữa chia sẻ. Tôi xin cám ơn tất cả những thân hữu, đặc biệt là hai vị tôi vừa nêu tên, đã chía sẻ những bài thơ TTY mà họ có với tôi.
Tôi không biết nhà thơ Đỗ Quý Toàn, khi dẫn câu thơ của TTY, đã dùng tài liệu nào. Tôi chỉ biết, ông là một người yêu thơ, có một trí nhớ tốt, và một sự duyên dáng cũng như một kiến thức rộng rãi khi bình thơ. Còn tôi, tôi thấy rằng việc văn chương (đặc biệt là thơ) có những dị bản (nhiều khi các dị bản chỉ khác nhau một hai từ thôi) cũng là một chuyện ta có thể gặp. Sự khác nhau có thể là do lỗi in ấn, có thể là do “tam sao thất bản”, mà cũng có thể là do chính nhà văn hay nhà thơ đã sửa lại văn chương mình và cho phổ biến lại. Chẳng hạn bài thơ “Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm, những dị bản khác nhau đã khiến ta phải suy nghĩ, không biết nên coi dị bản nào là chính thức, vì hai dị bản được quan tâm nhất cho thấy chúng khác nhau ở chỗ chúng thừa ra, hay thiếu đi, cả một đoạn thơ (đoạn cuối cùng). Nghiên cứu thơ văn, ta đã thấy chuyện các dị bản khác nhau đã tạo ra những khó khăn cho người nghiên cứu, đồng thời cũng tạo ra những chia sẻ hay những tranh luận nhiều thú vị. Tôi nghĩ, khi nói hay viết về thơ TTY trong giai đoạn đó, trong giai đoạn TTY còn ở lại Việt Nam, và mọi thứ tài liệu văn học lúc đó là còn rất ít ỏi, tất cả mọi người, kể cả tôi, đều là phát xuất từ lòng yêu, quý nhà thơ và thơ của ông. Tôi nhớ , khi viết về hai câu thơ đó trong bài “Tội Nghiệp”, tôi đã có hai dị bản, một là “… Bầy ngựa chứng hàng thuỳ dương gió bão / Biển theo trăng lăn vào đá tiếng ru”, và, bản kia, “… Bầy ngựa chứng hàng thuỳ dương vó bão / Biển theo trăng lăn vào đá tiếng ru”. Tôi đã phải suy nghĩ và chọn “VÓ bão”, thay vì “GIÓ bão”, chính vì tôi thấy được hình ảnh rất đẹp của “bầy thuỳ dương tung vó như bầy ngựa chứng trong lũ cuồng phong”, như tôi đã viết trong tiểu luận của mình. Cũng như nhà thơ đã giải thích sau này, là, trong câu đó, “vó” đi với “ngựa”. Tôi không suy nghĩ gì về câu sau với “biển theo trăng”, vì , ở đây, không có vấn đề khác nhau. Thì ra, câu sau của bài thơ đã được in sai ở cả hai dị bản mà tôi có. Đúng ra phải là “Biển đưa trăng lăn vào đá tiếng ru”. Lời giải thích của nhà thơ TTY cho thấy ý nghĩa vừa thơ mộng vừa chặt chẽ của hình ảnh và từ ngữ trong câu thơ. Chắc chắn tôi sẽ cho sửa lại như thế nếu cuốn sách phê bình của tôi có dịp tái bản, hay nếu tiểu luận đó có dịp dùng lại trong một cuốn sách khác của tôi sau này. Văn học Việt Nam có nhiều nhà văn, nhà thơ có tài, và nếu có dịp nhắc hay viết về những người đó, tôi viết với sự trân trọng của mình.
Tóm lại, không có vấn đế “sửa thơ” ở đây. Chỉ là sự sai sót của tài liệu. Sự chia sẻ của nhà thơ để đính chính lại vấn đề từ ngữ là điều đáng quý. Cho người nghiên cứu, phê bình. Và cho tất cả các bạn đọc yêu thơ.
Bùi Vĩnh Phúc
Dưới đây là trích dẫn từ trang 111 và trang 112 của cuốn sách “Tác Giả, Với Chúng Ta”, tác giã Lê Quỳnh Mai, do nhà xuất bản Khôi Nguyên ấn hành năm 2004 tại Canada:
Lê Qùynh Mai: Bùi Vĩnh Phúc trong cuốn Lý Luận Và Phê Bình trích dẫn bài “Tội Nghiệp”: “Bày ngựa chứng hàng thùy dương VÓ bão / Biển THEO trăng lăn vào đá tiếng ru” Đỗ Qúi Toàn trong cuốn Tìm Thơ Trong Tiếng Nói trích dẫn bài “Tình Yêu”: “Bày ngựa chứng hàng thùy dương GIÓ bão / Biển ĐƯA trăng lăn vào đá tiếng ru”. Xin tác giả Tô Thùy Yên cho biết đâu là nguyên tác ?
Tô Thùy Yên: Tôi thiển nghĩ có lẽ trong thời điểm hai cuốn sách đó được hình thành ở hải ngoại, hai vị đó đều thiếu những tài liệu chính xác Tất cả những câu thơ trích dẫn đều được lục rút ra từ trí nhớ lâu ngày Thành thử thất bản cũng là chuyện bình thường dễ hiểu thôi . Nguyên bài thơ đó tựa là Tội Nghiệp và hai câu thơ đó đúng như sau: “Bày ngựa chứng hàng thùy dương vó bão / Biển đưa trăng lăn vào đá tiếng ru” . Trong câu đầu, chữ vó đi với chữ ngựa . Trong câu sau, chữ đưa như đưa võng đi với chữ tiếng ru . Những chữ như vậy nằm trong cùng một khu vực tư duy cảm xúc liên lạc làm lộ hiện mãnh liệt hơn cái thi ảnh cũa câu thơ
Lê Quỳnh Mai: Việc in ấn sai nguyên tác thường xảy ra trong báo chí . Ông là người xử dụng “mọi thứ ngôn ngữ đầy chất u hiển (theo Bùi Vĩnh Phúc), ông nghĩ sao về hai hiện tượng trên ? Sửa và Sai, thơ của ông
Tô Thùy Yên: Thơ được chủ yếu làm bằng chữ chứ không phải làm bằng ý . Những chữ trong một câu thơ thành công hẳn phải là những chử đắc, chử độc tôn không thể thay thế bằng những chữ tượng tự nào khác được . Thành thử việc trích sai hay in sai thơ không châp nhận được . Tôi nhớ một trò chơi tao nhã mà nhà văn Nguyễn Tuân đã mô tả trong một truyện ngắn danh tiếng: đó là trò chơi thả thơ . Đại khái người ta bôi trắng một chữ nào đó , một chữ cột trụ trong một câu thơ đễ người chơi thả thơ chọn lựa trong số những chữ đưa ra, chữ nào chữ đúng cũa nguyên tác . Oscar Wilde có một câu nói đùa, tôi không nhớ rõ nguyên văn, đại ý: nhà thơ là kẻ có thể chịu đựng được mọi thảm hoạ, ngoại trừ thảm hoạ thơ mình bị in sai , tri’ch sai
Xin nhà phê bình và lý luận văn học Bùi Vĩnh Phúc vui lòng, nếu có thể được, cho độc giả hải ngoại một số phản hồi về nhận định cũa nhà thơ Tô Thùy Yên khi ông trích dẫn sai và sửa hai câu thơ cũa bài thơ TỘi NGHIỆP Thành thật cảm ơn ông