Có những tiền lệ, thông lệ hay định luật, lề luật bất thành văn đại loại, để những kẻ còn sống phối trí và phối hợp mà thi hành và cử hành sau khi một nhà văn (hay nhà thơ) có ít nhiều (tai hoặc tăm) tiếng qua đời.
Thường thì là những bài diễn từ hay diễn văn và đôi khi là tế văn (hoặc văn tế) để đọc lên mà bày tỏ những nỗi niềm thương tiếc đối với một “người cầm viết” vừa nhắm mắt xuôi tay.
Những câu kiểu “ông mất đi là một mất mát lớn cho văn học Việt Nam nói riêng và văn học thế giới nhân loại nói chung”, tôi đã nghe đến ứ cả hai lỗ tai từ những năm qua. Từ những ngày còn con nít thích tắm mưa và dĩ nhiên là phải tắm truồng.
Còn sự vụ “nhân ngày tang lễ”, tức ngày chết của đương sự, rồi viết những tùy bút hay tạp bút tạp văn gì đó, tỏ tình thân thiết và thương tiếc kẻ mới qua đời thì vốn là chuyện dĩ nhiên. Thậm chí, tôi còn biết có những trường hợp mà đương sự thuộc loại lúc còn sống thường “làm phiền hàng xóm”, nên khi anh ta xuất hiện ở đâu, thì hầu hết mọi người không rủ nhau mà cứ lần lượt rút lui lẳng lặng và âm thầm. Nhưng bỗng một hôm anh ta đùng đùng lăn ra ngưng thở! Thế là bao nhiêu văn thơ thương tiếc, ngậm ngùi cứ thế mà đăng rùm lên các báo cứ như là bươm bườm chào xuân.
Nguyễn Tất Nhiên là một điển hình. Với tính khí thất thường, lại hay chửi bới tùm lum và nhìn ai cũng thấy là người ta đang “âm mưu” hại mình, Nhiên thường bị mọi người mà đa số là trong giới văn nghệ viết lách né mặt. Nhưng sau khi Nhiên tự tử chết trước cổng chùa của sư Pháp Châu ở Los Angeles, tôi đọc trên rất nhiều báo, thấy bỗng nhiên hầu hết văn nghệ sĩ đều là “bạn thân” của Nhiên. Thậm chí, có bà nhà văn ở vùng Washington D.C. mà tôi biết chắc là chưa từng giao thiệp cũng như có chút cảm tình nào với Nhiên, cũng có viết bài “Nhiên ơi Nhiên à” và than tiếc sự mất mát của văn học vì Nguyễn Tất Nhiên đã chết!
Truyền thống quan hôn tang tế trong văn học Việt Nam là như vậy! Xin quý độc giả đừng hiểu lầm là tôi “chống phá” việc bày tỏ sự phân ưu hay lòng quan hoài của người sống đối với người chết! Có điều, nó phải là lòng phân ưu và quan hoài thật. Còn những màn, lớp trình diễn theo công thức (để làm gì không biết, hay là để cáo tri với thiên hạ là mình có liên quan tới nhân vật nổi tiếng vừa nằm xuống), thì tôi xin cứ thực lòng mà phát biểu là tôi… rất tởm!
Một lần tình cờ vào internet tôi đọc được một bài viết ký tên là Trúc Quỳnh từ trong nước gửi ra. Bài viết có tít “Về Một Cái Chết”, và nhân vật làm “nguyên nhân” của bài viết là một tên tuổi rất lớn trong văn học Việt Nam: Nguyễn Tuân.
Nguyễn Tuân nổi tiếng trên thế giới chỉ thua Hồ Chí Minh chừng chút xíu! Ông Nguyễn có bạn là những nhà văn Nga, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Ba Lan v.v… Sau Tản Đà, Nguyễn Tuân là nhà văn nghệ thích (ham) ăn ngon và ăn uống cầu kỳ vào bậc nhất.
Tôi là một người ăn uống rất xuề xòa. Tôi vẫn nghĩ đời một con người ăn để mà sống. Và quan trọng là sống sao cho ra… sống. Một người quá bận tâm về chuyện ăn uống phải ngon như thế này, phải đúng cách như thế kia… thì còn thì giờ đâu mà làm… người!.
Tôi mê sách (hay) và cái đẹp mà không nhất thiết phải cổ. Do đó, những bài viết về đồ cổ hay “phương pháp” ăn món gì cần phải có gia vị và phụ tùng gì của ông Nguyễn thì tôi chẳng lấy chi để tâm cho lắm. Chỉ nhớ khi đọc ông viết về môn ném bút chì và sau đó có tìm hiểu về môn này, thì tôi công nhận là ông tả rất tới.
Trở lại bài viết “Về Một Cái Chết” của Trúc Quỳnh, tôi liếc đọc vì tò mò và khi thực sự đọc thì bắt đầu thích thú. Thích thú vì trước hết cái tính “ra ngoài truyền thống” của nó. Hơn nữa, từ bài viết của Trúc Quỳnh, cho tôi nhiều thông tin mà tôi chưa từng nghe qua.
Nguyễn Tuân chết đã 17 năm (ông mất ngày 28 tháng 7 năm 1987). Bài của Trúc Quỳnh thực ra, đã được tác giả viết rất sớm, chừng chưa tới một năm sau ngày ông Nguyễn Tuân lìa đời. Trúc Quỳnh mở đầu như sau:
“Ở cái thành phố vài triệu dân này, ngày nào chả có người chết. Khu chết trọ Văn Điển cho mườn từng m2 đất để các cư dân chờ nhập cảnh vào đại đế quốc Vĩnh Hằng, ba năm mới có thị thực. Thời chiến tranh B52, tôi có dịp dạn dĩ với những cái chết đổ đồng, chết ngả rạ, ruột gan lòng thòng trên cây, tay chân di tản khỏi mình vô trật tự khắp các cống rãnh Khâm Thiên, chết trong hộp cầu thang bêtông, chết trong ống trú ẩn than xỉ, chết tức chết tưởi trong một Guernica ảo giác.
Vậy nên phải nói về một cái chết lẻ nhiều chữ nghĩa quá, tôi thấy phiền”.
Viết về cái chết mà với một giọng văn như vậy, thì quả là không đúng khuôn phép. Nhất là cái chết của Nguyễn Tuân! Nhưng qua vài câu mở đầu của Trúc Quỳnh, tôi được biết là ở Hà Nội, người chết cũng cơ khổ chẳng thua gì người sống! Bạn đã có bao giờ nghe qua hai chữ “chết trọ” chưa? Trúc Quỳnh vừa dùng hai chữ “chết trọ” để chỉ cái khu Văn Điển cho người chết mướn từng m2 chờ được nhà nước “thị thực”, tức là chứng nhận “cho phép chết” rồi mới được mang đi chôn! Mà thời gian để có được cái giấy “thị thực” cho phép chết ấy, theo Trúc Quỳnh là… phải ba năm.
Trúc Quỳnh đã từng tiếp xúc với các kiểu chết: chết đổ đồng, chết ngả rạ, chết… tứ chi phân li, chết trong Guernica ảo giác v.v… Nên thấy phiền khi “phải” viết về một cái chết “lẻ” lại nhiều chữ nghĩa quá!
“Cụ Nguyễn Tuân, bậc danh sĩ Giao Chỉ qui tiên chưa kịp giỗ đầu mà tôi khai quật uy thế của cụ, chẳng để tôn vinh người sống lẫn người chết, chẳng để truy phong truy tặng cụ danh dự này mỹ hiệu nọ, chẳng để làm gì hết, chỉ để bàn về một cái chết, nguyên văn. Cụ Nguyễn sinh thời hiền lành, chẳng giết chóc áp bức ai, khí tiết nho phong đáng trọng, văn chương bay bướm tài hoa, đáng mặt bậc tiên chỉ trong làng ngoài xã. Nay phải ai điếu muộn mằn cho cụ bằng những lời lẽ thiếu phần long trọng, kẻ hậu sinh thật lấy làm chua chát”.
Trúc Quỳnh quả là tay đâm hơi có hạng. Ngay trong lời mào đầu đã có dụng ý gùn ghè. Sau đó thì a thần phù vào hất mặt kiếm chuyện ngay. Tất nhiên là không phải kiếm chuyện với Nguyễn Tuân. Hồi ông Nguyễn còn sống, không kiếm chuyện với ông ta thì thôi. Bây giờ, thì… nói gì! Ông Nguyễn, nói cho cùng, chỉ là một cái cớ. Cũng như tôi mượn bài của Trúc Quỳnh làm một cái cớ để viết bài hôm nay. Lắm lúc, hậu quả hay kết quả cái cớ của một người này, sẽ thành ra một cái cớ tuyệt hảo cho người khác, là vậy!
Câu cuối của phần mào đầu là than phiền phải viết về một cái chết lẻ nhiều chữ nghĩa. Chấm xuống hàng xong, bèn phân bua là chỉ viết về một cái chết (nguyên văn). Dù là cái chết của Nguyễn Tuân. Sau đó, lại nhắc về Nguyễn Tuân là bậc danh sĩ nho phong và hiền lành, sinh thời chẳng giết chóc áp bức ai, đáng bực khí tiết nho phong khả kính!
Trời ạ! Viết về một nhà văn hóa lừng lẫy như Nguyễn Tuân, mà câu khen “quan trọng” nhất là “hiền lành, chẳng giết chóc áp bức ai” thì có khác gì đánh domino mà đi cú triệt buộc không? Câu khen này cứ như là một lí giải nghịch lí rằng Nguyễn Tuân nổi tiếng là khó tính, khó chịu, khinh thế ngạo vật nhưng chỉ là với lớp đàn em văn nghệ thôi! Đối với “quy chế” của “trên”, ông lại rất hiền lành, chả khi nào dám “bức hiếp hay giết ai”. Viết về một nhà văn hóa thành danh lớn, mà khen là chẳng “giết chóc hay bức hiếp”! Làm người ta cứ tưởng là tác giả đang viết về một nhà cai trị phó vương vậy! Suy ra, câu này chỉ mượn Nguyễn Tuân như là một cái cớ (tôi đã nói ở phần trên), để cho thấy là một người ngạo cốt “khí tiết nho phong” như Nguyễn, mà vẫn phải yên lép một bề trong bàn tay của “quyền lực”. Tiếp đó, lại mỉa ngay một câu chua còn hơn củ cải ngâm dấm muối: “văn chương bay bướm tài hoa”, rồi thì “đáng bậc tiên chỉ trong làng ngoài xã”. Một người mà theo Trần Đăng Khoa, đã được các nhà văn Nga La Xô Viết xem là biểu tượng của văn hóa Việt Nam, nay, Trúc Quỳnh lại khẳng định chỉ là bậc tiên chỉ của làng xã thôi!
Viết như vậy, để rồi kết câu là “kẻ hậu sinh thật lấy làm chua chát!”
Chua chát cho Nguyễn Tuân. Hay là chua chát cho nguyên cả một cái truyền thống văn hóa làng xã Việt Nam? Nguyễn Tuân được các nhà văn Nga La Xô Viết nể trọng, kính phục nhưng đối với Đảng và nhà nước thì … chẳng ra làm sao!
Nguyễn Tuân cả một đời sống theo phong cách riêng của ông. Giới văn nghệ sĩ Hà Nội e dè, kiềng mặt ông. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Cái phong cách riêng của Nguyễn Tuân, nó có được thể hiện “đúng như là” khi ông đối diện với Đảng và nhà nước?
Xin chú thích ở đây, Nguyễn Tuân không chỉ là một nhà văn, ông còn là một huyền thoại. Những cung cách, câu nói của ông thường được truyền tụng trong giới văn nghệ sĩ trí thức. Một trong những câu rất nổi tiếng của ông là, tôi chỉ ghi theo trí nhớ, đại khái: “Tôi còn sống đến ngày hôm nay, là vì tôi biết sợ!”
Những chuyện Nguyễn Tuân từng thắt giây thòng lọng, treo cổ (?) Vang Bóng Một Thời, Tùy Bút Nguyễn Tuân… khước từ những đứa con từng được người đọc và văn học tiếp nhận một cách nâng niu nồng nhiệt. Và câu nói “biết sợ” của Nguyễn, phải chăng là “cái cớ” để Trúc Quỳnh phải viết bài “Về Một Cái Chết”?
Tôi nghĩ đây có thể là một trong những lí do thôi. Lí do lớn và chính vẫn là ông Trúc Quỳnh nào đó, qua bài viết về Nguyễn Tuân, thực ra là muốn “ý tại ngôn ngoại” vài điều, về cái xã hội mà ông ta đang sống trong nó.
Xin đọc tiếp Trúc Quỳnh:
“Cụ khôn thiêng xin chứng giám lòng thành, bát cơm quả trứng luộc không đủ bữa rượu âm cho đấng ăn chơi một thời lừng lẫy. Nhưng thôi, xin cụ liệu cơm gắp trứng, bớt giận làm lành để cháu con vịn vong linh cụ mà bầy chuyện dương gian.
Ô hô, phục duy, thượng hưởng!”
À! Thì ra Trúc Quỳnh đang viết “điếu văn” cho Nguyễn Tuân đây. Quả là một bài điếu văn độc đáo và xem ra cũng độc nhất (thuộc loại như thế này, cho đến bây giờ, trong những bài văn điếu cho Nguyễn), và thêm phần độc hại nữa.
Nổi tiếng là ăn chơi lừng lẫy, là ăn uống phong lưu cầu kỳ. Nhưng thực chất, qua một số bài ký mà tôi đọc được của vài người viết về “gặp gỡ Nguyễn Tuân”, thì ông “ăn nhậu” cũng đạm bạc lắm! Một chai rượu ngọt (rẻ tiền) của Ba Lan, một bát canh dấm… cũng là xong một bữa rượu. Nhập gia tùy tục. Nhập giang tùy khúc. Ông Nguyễn đã co cụm để vừa với “cái nhà” ông đang sống, để qua cái khúc sông ông đang bơi qua và, để tồn tại? Có thể lắm! Vì như đã dẫn, Nguyễn Tuân từng thú nhận ông sở dĩ vẫn sống… phây phây, vì ông… biết sợ!
Biết sợ là điều thiên kinh địa nghĩa.
Vấn đề là con dân, lại là một con dân “đặc biệt” như Nguyễn Tuân, tại sao phải biết sợ mới sống tồn tại được trên đất nước của mình? Xem chừng, lúc sống Nguyễn Tuân cũng đã dầy phen phải “đóng tuồng” để “nhắm mắt qua sông”!
Thử xem, cái đoạn chót trong vở kịch đời ông nó ra làm sao:
“Tôi đã bất đắc dĩ dự tang lễ cụ, chỉ vì chiều ý một người bạn tò mò, muốn biết người ta thao diễn lòng thương tiếc trước một chuyến đi không khứ hồi theo kịch bản phân cảnh nào? Tôi đã dại dột góp bản mặt cô hồn của mình vào bộ sưu tập ủ dột của các thứ nhăn nhó trong một đám rước lễ. Tô đậm cái lạc lõng của tâm trạng bực bội vì thiên hạ nhiễu sự, tôi không còn lòng dạ nào mà quan sát mà xúc động mà suy tưởng về Nguyễn lẫn tất cả những gì vo ve xung quanh mớ hình hài đã bắt đầu quá trình tan rữa”.
Chẳng phải chỉ có đám thiên hạ nhiễu sự. Cái ông Trúc Quỳnh cũng là trong cái đám thiên hạ nhiễu sự, chứ bộ không à? Dù cho rằng chỉ vì lòng tò mò của người bạn, Trúc Quỳnh nhà ta cũng đã gia nhập vào đám đông. Mà thường thường theo tôi, thì đám đông ắt phải là… đám ngu dốt bất tài! Cứ nhìn xung quanh xã hội mà chúng ta đang sống, ở bất cứ đâu, đặc biệt là trong lãnh vực văn học văn chương, những kẻ ngu dốt bất tài thường… khoái tụ tập để củng cố tinh thần và… xây dựng niềm tin.
Những người thông minh, tài hoa tài ba thực sự, họ tách biệt ra khỏi… đám đông.
Ông Nguyễn cũng từng đứng riêng ra khỏi đám đông, ở một chừng mực nào đó. Tất nhiên là ông chẳng dám đứng tách ra khỏi Đảng. Mà Đảng, là một loại đám đông “vô hình khuất mặt” với chủ trương đảng viên càng ngu dốt càng tốt. Càng biết vâng lời và chỉ biết thi hành chứ không có ý kiến.
Trúc Quỳnh viết tiếp:
“Cụ nhấm nháp gần 80 năm sống như một miếng giò lụa tan ra trong cái tâm thể vặt vãnh của một nền văn chương vặt vãnh. Cụ biểu trưng cho giấc mơ lai tạp nữa hủ nho nửa tiểu thị dân mà xã hội Giao Chỉ đã chuẩn hóa trong thẩm mỹ, trong hành vi, trong từ vựng, nhất là trong văn phong của cụ. Cụ được tôn vinh rất mực là chí phải!”
Đến đây, Trúc Quỳnh mới nói về cái mục đích thực sự cho bài viết của ông ta. Một tâm thể vặt vãnh… “háu ăn ngon”, một văn tài vặt vãnh chuyên miêu tả chi li về những cái… chẳng lấy gì làm cần thiết lắm cho cuộc đời, cho văn chương nữa. Nhưng lại đúng tiêu chỉ nửa nho phong, nửa kia chẳng phải thị dân mà là kiểu cách phong lưu Đông Tây khế hiệp nhưng đã được xem là khuôn thước thẩm mỹ trong xã hội chậm tiến nông nghiệp của Việt Nam bốn năm ngàn năm văn hóa… làm ruộng!
Cụ được tôn vinh như vậy là thậm chí phải! Xin tiếp lời Trúc Quỳnh như trên.
Hãy xem tiếp vài màn trình diễn khác của nền văn hóa văn hiến làng xã đã được đúc thành khuôn vàng cho những tuân thủ cần thiết:
“Vô số đấng văn nghệ nửa mùa khắp ba kỳ đã vươn xúc tu tới cái chết nổi tiếng để kiếm tìm những thực phẩm tâm lý. Người ta nhận họ nhận hàng với danh sĩ trên mọi thang bậc xã hội học. Ai cũng thấy vinh dự vì đã khề khà trà rượu với Nguyễn, đã huyên thuyên lý sự với Nguyễn, đã được Nguyễn xoa đầu véo tai, ít nhất cũng đã tự véo tai xoa đầu mình sau khi hân hạnh gặp Nguyễn. Tóm lại, người ta thấy mình rất Nguyễn.”
Đọc đến đoạn này, thì tôi thấy những con người Việt Nam ít ra, trong một tiềm thức giới hạn của sự ù lì và chậm tiến, cả ba miền và ngay cả những con người Việt Nam đã lưu vong ra hải ngoại hàng ba chục năm, cùng hùng hồn có một điểm chung. Đó là căn bệnh ồn ào nhận họ hàng với danh sĩ vừa qua đời. Như câu chuyện về Nguyễn Tất Nhiên mà tôi viết ở phần đầu. Bao nhiêu người bỗng hốt nhiên thành thân nhân hoặc bạn thân của Mai Thảo, của Trịnh Công Sơn, của Bùi Giáng… vừa ngay sau khi mấy ông này từ giã cuộc đời! Đọc Trúc Quỳnh “ngợi ca” Nguyễn Tuân, mà tôi chẳng đặng đừng thấy tội cho Nguyễn:
“Nguyễn quả là một tâm hồn Việt Nam 100%. Còn hơn tấm giấy gắn trên thập giá kẻ chịu nạn đóng đinh 2000 năm trước, cụ phải được tấn phong xứng đáng theo tinh thần sôvanh.
Đóng góp của cụ cho chữ nghĩa xứ này ra sao là một chuyên đề chắc chắn sẽ gây tranh cãi, nhưng cụ đã để lại cho đám hậu sinh ấn tượng về một bảo vật bằng gỗ gụ, chạm trổ tinh xảo những dơi gậm chữ thọ, sóc leo cành nho, lưỡng long tranh châu, mai lan cúc trúc… Người ta lại gần tác phẩm đó với một niềm kính cẩn xa lạ, xuýt xoa bái phục rồi thờ ơ quên lãng. Nguyễn sành đồ cổ, chơi đồ cổ trong tâm hồn và trên giấy mực, cụ đã thành một đồ cổ hiếm hoi mà giá trị tăng tiến theo thời gian. Nhưng không một ai sáng mắt sáng lòng vì một thứ đồ cổ, không một ai nguyện suốt đời sẽ trở thành đồ cổ. Thời gian sẽ đẩy tất cả những tán dương, những tụng niệm vào một không khí bảo tàng. Người ta đến thăm viện bảo tàng nhưng người ta không sống trong viện bảo tàng…”
Chẳng riêng gì Nguyễn Tuân, mà ngay cả một ông Nguyễn khác còn lừng danh hơn là Tiên Điền Nguyễn Du, cũng cần phải được phong kín trong viện bảo tàng của quá khứ, của nền văn minh nông nghiệp bán khai. Nếu, thực sự những con người Việt Nam muốn vươn lên và bước tới.
Sự suy tôn tiền nhân danh nhân hay cổ nhân cần phải được đặt để đúng tầm nhìn lịch sử và xã hội. Quan điểm của tôi là, con người càng về sau, càng “ngày nay” tất nhiên phải giỏi hơn, hiểu biết hơn những con người… “cổ tích”.
Thường, “cổ tích” chỉ có chức năng làm công việc của ngụ ngôn.
(Virginia đầu năm Ất Dậu 2005)