Nguyễn Quốc Chánh, Trịnh Cung, Phan Nhiên Hạo, Chân Phương, Nguyễn Viện, Trần Vũ – Văn chương hôm nay nhìn từ ngoài lề (2)

Thảo luận bàn tròn (tiếp theo phần 1)

Nguyễn Viện: Với tư cách một người viết, cá nhân tôi không đặt nặng vấn đề lý thuyết, nhưng thật sự cần một kiến văn rộng và vốn sống phong phú. Trong một trả lời phỏng vấn trước đây trên Tiền Vệ và cả Da Màu, tôi có phát biểu đại ý rằng: Tôi không quan tâm đến việc tác phẩm của mình thuộc trường phái nào. Vấn đề cốt yếu với mỗi tác phẩm, là diễn đạt như thế nào là tốt nhất, kể cả việc nó phải vượt ra ngoài các ước lệ. Vì thế, một vị thế như anh Hạo hỏi về nhà văn Việt Nam trong bối cảnh tương tác giữa “toàn cầu hóa” và “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, theo tôi nó cũng vẫn luôn luôn là một chọn lựa và khả năng cá nhân. Dù vậy, nó cũng không dễ với nhiều người. Bởi vì cái “định hướng” nó cụ thể và chặt chẽ hơn cái “toàn cầu hóa”.

Trời đất bao la, biết cái gì nên hay không nên. Sự tiếp thu kiến thức hay lý thuyết nói chung, tôi nghĩ cũng giống như món ăn, cái nào nó hợp với tạng của mình thì có thể bổ khỏe, còn ngược lại thì tháo chảy như chơi. Cái khó cho đại đa số người trong nước là sự tiếp thu ấy thường bị lọc qua lăng kính của người khác. Do đó cái nguy cơ càng cao. Tóm lại, điều tốt nhất là chẳng nên tôn thờ cái gì. Điều này không có nghĩa là “bảo hộ mậu dịch”. Tôi vừa tìm được cụm từ để diễn tả sự học ở đây: “Một tinh thần thế giới mang tính tham khảo”.

Trịnh Cung: Trong năm vừa qua tôi có viết một tham luận theo lời mời của Viện Mỹ Thuật Hà Nội về “Văn Học và Nghệ Thuật Việt Nam trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa”, trong suốt chiều dài của tiểu luận tôi dành cho việc giải hoặc mặc cảm lai căn(g) là chính. Trong hoàn cảnh một xã hội từ phong kiến đến Cộng sản nay Việt Nam lại còn bị dự báo  là một trong số các nước phải chịu ảnh hưởng nghiệt ngã của biến đổi khí hậu thì việc cảnh báo của Chân Phương (và của nhiều người khác ở hải ngoại) về việc các bạn văn như Chánh, Viện ở Việt Nam đang viết theo cách của chủ nghĩa Hậu Hiện Đại sẽ bị coi như là “cái đuôi” của một chủ nghĩa văn học nghệ thuật thời thượng Tây phương, mà ở chính nơi sản sinh ra nó đang đi dần vào quên lãng, là thiếu chia sẻ, và lại còn vô tình làm dấy lên cái mặc cảm ngàn đời lai căn(g) của người làm văn học nghệ thuật Việt Nam. Trần Vũ, Phan Nhiên Hạo và Chân Phương có cách thế hòan tòan khác với Chánh, Viện, nên các bạn đủ tỉnh táo, đủ thanh thản, và nhất là dư thừa an ninh bản thân để bằng một ngôn ngữ lịch lãm, bằng một trí tuệ tài năng viết về cuộc thám hiểm trở lại quá khứ giải hoặc cho lịch sử dân tộc đã bị thủ tiêu oan nghiệt bởi một thứ lịch sử khác được thao túng bởi kẻ thắng thế. Trường hợp các bạn trong nước, tôi tin rằng ở đâu con người còn bị tước đọat quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ chính kiến, thì ở đó phương tiện nào trở nên hữu dụng nhất để làm văn chương phản kháng đều có lý để được chọn lựa, bởi đây là một vùng phi lý thuyết.

Trần Vũ: Sáng tác ở Sài Gòn tựa vào hệ thống lý luận của Hậu Hiện Đại để đương đầu với hệ thống chính quy mà nền tảng là phương pháp phê bình Marxist của Georg Lukács. Lukács đưa ra lý thuyết: Khi khảo sát một tác phẩm phải khảo sát bối cảnh lịch sử hình thành tác phẩm, tìm đối cực và phải đứng về phía “nhân dân tiên tiến”. Trong thực tế, phê bình chính thống đứng về phía chính ủy. Sáng tác Sài Gòn dùng Hậu Hiện Đại để hóa giải Lukács. Vì không thể dùng tiên đề của một hệ thống này để phê phán một hệ thống khác. Do vậy, vừa là “tinh thần”, vừa là phương tiện. Qua trình bày của Nguyễn Viện và họa sĩ Trịnh Cung, tôi hiểu vậy. Vùng phi lý thuyết trở thành Vùng vay lý thuyết, vì cần điểm tựa. Nếu tôi hiểu sai, các anh hãy đính chính.

Tôi chia sẻ quan điểm của Nguyễn Viện “chẳng nên tôn thờ cái gì”. Chúng ta dùng bất kỳ thứ gì cần thiết. Nói như Võ Phiến: “Thích là viết”. Hay nói như Mai Thảo: “Không mặc cả gì cả!”

Cánh Đồng Bất Tận của Nguyễn Ngọc Tư ghi được thân phận của cả một vùng đất, là một thành công. “Tư thế nhà văn rất ‘tròn trịa’ của Nguyễn Ngọc Tư” mà Hạo đánh giá, có thể vẽ tranh: Một cô gái có giọng hát đậm đà của dòng văn chương hương thổ được nhiều bạn sông nước chú ý, vì giọng hát của cô vang xa qua cánh đồng mà ai nghe cũng thấy thật ngọt; tuy sau khi nghe rồi sẽ cảm vị đắng trong cuống họng mình. Hậu vị buồn bã vì con gái quê phải bán thân kiếm sống. Một ngày, ban tuyên giáo đem Ngọc Tư tiến cung. Có thể bỏ trốn, song Ngọc Tư chấp nhận vào Nội. Chúng ta cầu chúc tiếng hát vẫn chân thật và Ngọc Tư sẽ không chết già trong Khiêm Lăng.

Lúc nãy anh Trịnh Cung hỏi: “Nếu hai bạn thử hoán vị mình vào hoàn cảnh của Chánh và Viện như hiện nay thì giải pháp nào để hai bạn chọn cách viết. Tôi thiết nghĩ chỉ có ba cách, một là ‘đi tu’, hai là tự tử, ba là chửi thề như điên”.

Tôi thấy còn cách nữa: ẩn dụ thật tinh vi, kỹ càng và bí hiểm. Vì sao Chánh và Viện không chọn con đường bí hiểm này?

Chân Phương: Trong cuộc thảo luận bất cân đối về thông tin và học thuật này, bản thân tôi đã cố gắng chừng mực và từ tốn. Tôi chỉ muốn nhân dịp này trình bày với các bạn một vài nét đáng chú ý của sinh hoạt chữ nghĩa Âu Mỹ mà tôi đang tìm hiểu, hi vọng mở ra một chân trời nhận thức mới và đáp lại thắc mắc của Phan Nhiên Hạo: Mình nên học cái gì từ bên ngoài? Và theo cách nào?

Cũng như Hạo, tôi từng sống nhiều năm dài dưới chế độ Mafia toàn trị Việt Nam và hoàn toàn thông cảm nỗi bức xúc vì dồn nén chính trị, cộng thêm sự bất mãn kinh niên về thói đạo đức giả của văn hoá Khổng Mạnh đối với tính dục, của các ngòi bút như Chánh, Viện, nhóm Ngựa Trời… Tôi còn lạ gì sự tức khí khiến con người phải văng tục như điên (theo lời Trịnh Cung) như phản ứng đề kháng cuối cùng.

Nhưng sức mạnh của một người cầm bút đâu chỉ thuần dựa vào cảm tính, và có thể giải thích sự sa sút uy tín khó cứu vãn của Postmodernism made in USA vì nó chống phá lý tính, nhất là chống tinh thần khoa học. Khi bị giới khoa học chính xác ở Mỹ và Pháp, khởi đầu là Alan Sokal, tấn công và phê phán vào năm 1996, thuyết Hậu Hiện Đại lâm nguy và thoái trào nhanh, dù có cố gắng chống chọi bằng ngụy biện. (Nếu thật sự quan tâm đến vụ án văn hoá tư tưởng này, các bạn chỉ cần vào Google tra hai chữ “Affair Sokal”).

Cái thói duy cảm tính của dân Việt còn giải thích thêm bệnh tự tôn tự ái dân tộc mà Chánh đã nêu ra một cách chí lý. Vì không có truyền thống tự do tư tưởng và thiếu độc lập tư duy nên đại bộ phận nhà văn nhà thơ Việt Nam đã qui hàng lá bùa dân tộc chủ nghĩa của Hà Nội. Vậy thì câu trả lời của tôi đối với thắc mắc của Hạo sẽ là: Học gì cũng được, học từ đâu cũng được, nếu sự học hỏi đó nâng cao lý trí và óc phê phán để thăng hoa cảm tính, vốn nhạy bén và dễ rơi vào phản ứng cực đoan, nhất là trong giới văn nghệ.

Tối nay tôi chuẩn bị bay qua Madrid, ghé thăm Tây Ban Nha. Xin hẹn gặp lại các bạn khi tôi trở lại Boston, trở lại với thời sự Hoa Kỳ để tiếp tục sinh hoạt hội thảo bàn tròn lý thú này.

Nguyễn Viện: Tôi hoàn toàn ý thức được rằng, “hữu chiêu” như tôi và Chánh thì không an toàn bằng “vô chiêu” kiểu ẩn dụ. Mặc dù vô chiêu có thể thắng hữu chiêu. Thế nhưng, chúng tôi vẫn chấp nhận sự nguy hiểm của tính trực diện trong văn chương của mình, bởi vì hơn ở đâu hết, Việt Nam cần sự minh bạch. Trong một xã hội bưng bít và giả dối, mà văn chương cũng bít bùng thì chẳng khác nào tự hư vô hóa. Sự ẩn dụ kín đáo sẽ mất đi tính chân thật.

Trịnh Cung: Tôi có hai ý với Vũ và một ý với Chân Phương :

Với Vũ:

Về việc có liên quan đến phép ẩn dụ “bí hiểm”, tôi xin tiết lộ một nhà lý luận phê bình văn học có tiếng ở Việt Nam (tôi xin không nói tên) đã tâm sự với tôi về việc anh cảm thấy bế tắc và không muốn viết gì cả dù có những tờ báo như Tuổi Trẻ, Tin Sáng luôn muốn đặt bài với anh. Tôi hỏi vì sao như thế, anh giải thích: “Mình đừng có ảo tưởng về chữ nghĩa của mình là rất đắt, rất nặng ký, rất thâm sâu, sẽ làm thay đổi được cái tệ hại đang xảy ra. Văn chương ẩn dụ là một thứ hàng xa xỉ đối với tình thế hiểm nghèo của dân tộc và là cái vỏ bọc an tòan của anh trí thức muốn mình ngồi cả hai mâm”.

Về vùng phi lý thuyết và vùng vay mượn lý thuyết, tôi đồng ý có giới hạn với ý nghĩa mà Vũ nêu ra. Tuy nhiên, trong thực tế ở Việt Nam, không chỉ bây giờ, chỉ có chính trị là 100% vay muợn lý thuyết trực tiếp, còn trong văn học nghệ thuật, sự vay mượn lý thuyết ngoại bang chỉ thông qua con đường liên cảm hoặc qua trung gian của học đường và báo chí là chính. Ví dụ đọc đâu đó một bài thơ của Rimbaud, Apollinaire, thấy trên báo một bức tranh của Picasso, Soulage hay Francis Bacon, mình thấy sao nó hay thế và muốn viết như thế hoặc vẽ như thế, mà không biết rõ lý thuyết tại sao nó phải được làm như vậy. Đây là kinh nghiệm của cố họa sĩ lập thể Tạ Tỵ khi ông kể với tôi việc lần đầu ông thấy một bức tranh của Picasso in trong tờ báo Pháp thời 1943, và tức khắc bị nó quyến rũ mà không cần biết đến lý thuyết. Đến thời bọn tôi cũng thế, cảm nhận là chính và cứ thế cắm đầu vẽ, lý thuyết tính sau. Bây giờ Hậu Hiện Đại trong văn chương và nghệ thuật đương đại của các văn nghệ sĩ trong nước tôi thấy cũng không khác gì chúng tôi ngày trước, (có thể sẽ có một lý thuyết gia Như Huy trong tương lai), vì thế tôi mới gọi ở Việt Nam là Vùng phi lý thuyết.

Với Chân Phương:

Không phải vì cuộc nói chuyện giữa chúng ta mất cân đối về thông tin và học thuật mà không thú vị. Nhờ sự va chạm giữa hai vùng phi lý thuyết và vùng lý thuyết nên các vấn đề được nêu ra đã bổ sung một cách hấp dẫn nhờ có nhiều kịch tính. Tôi nghĩ bạn nên lấy đó làm vui và anh em chờ bạn mang về món “ngầu pín Tây Ban Nha” cho anh em một bữa quắc cần câu nhé, nhưng nhớ xem cho kỹ kẻo bị đánh tráo ngầu pín của tên đấu bò bị húc chết thay cho cái của qúy thật của con bò tót đấy!

Nguyễn Viện: Tôi có thêm ý kiến với anh Chân Phương. Trong cuộc thảo luận này, tôi ghi nhận những đóng góp của Phương, Hạo, Vũ về những thông tin bổ ích. Tuy nhiên, tôi cũng cần nhắc lại: đây là cuộc thảo luận giữa các nhà văn (nói chung) về quan điểm sáng tác và kinh nghiệm văn chương của mình, chứ không phải của những nhà nghiên cứu hay lý luận phê bình. Bởi vậy có nên đặt ra vấn đề “bất cân xứng về thông tin và học thuật”, và có nên đặt câu hỏi: Với một nhà văn, cần học thuật hay cần có những tác phẩm giá trị?

Trần Vũ: Sự va chạm giữa sáng tác vẫn thường xảy ra. Virginia Woolf từng phán James Joyce là một “tai họa văn chương”, còn Borgès thẳng thừng phê: Sách của Dostoïevski chỉ cần đọc một quyển, các quyển sau lập lại mà không khai sáng. Sartre xem thường Borgès, vì phía Hiện Sinh rất thực tế không ưa huyền ảo, và ngược lại phía Huyền Ảo xem Hiện sinh là lũ kên kên rỉa xác mà không biết nhấc bổng con người lên khỏi mặt đất. Hemingway xem Faulkner là đàn bà… Các số chủ đề về Woolf, Borgès, Hemingway của Magazine Littéraire kể những giai thoại này. Nhưng rồi Woolf và Joyce cùng tồn tại, Dostoïevski không suy xuyển, Sartre và Borgès chiếm ngự các đền đài, Hemingway và Faulkner hùng cứ… Như vậy các trường phái hay lý thuyết sẽ vô nghĩa nếu không có tác phẩm và cá nhân các nhà văn. Chính tác phẩm chinh phục rồi định hướng các nhà văn tương lai, mà không phải lý thuyết. Kinh nghiệm của Tạ Tỵ hay của Trịnh Cung là hiển nhiên. Và điều Nguyễn Viện vừa nêu cũng hiển nhiên. Chính quan điểm sáng tác và kinh nghiệm của sáng tác mới thực sự quan trọng chứ không phải lý luận phê bình, vì phê bình đến sau, là sản phẩm của sự tổng hợp sau khi tất cả đã định hình. Nếu phê bình vượt qua sáng tác, tự cho phép “hướng đạo” hay “dẫn đường”, vẽ ra lý thuyết rồi vẽ thêm mũi tên “đúng hướng”, có nghĩa sáng tác đang yếu kém, đánh mất chức năng dự báo, đánh mất khả năng sáng tạo, chứ không phải phê bình vụt là chân lý. Sáng tác phải mang trong mình chức năng đẹp nhất: sự chống đối của sáng tác. Chống đối hệ thống chính quy áp đặt và cả hệ thống phê bình. Nếu sáng tác không làm được, có nghĩa nền văn học đó lâm bệnh. Đây là tình trạng văn học Việt Nam hiện giờ.

Chữ “văn chương bít bùng” hay. Tôi cũng thấy như vậy: nhà văn dùng tấm khiên ẩn dụ bí hiểm để che thân, nhưng tấm khiên này cũng che khuất suy nghĩ thật của nhà văn. Bí hiểm đưa đến rối rắm, không rõ ràng, ai muốn hiểu sao thì hiểu, một cách gián tiếp chứng minh hệ thống đã vô hiệu hóa sáng tác. Ẩn dụ hay hoán dụ trong chi tiết, nhưng tư tưởng truyện cần minh bạch. Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh của Phùng Cung là một cách ẩn dụ minh bạch.

Nhìn trên khía cạnh vượt thoát, chúng ta không khác nhau nhiều. Khác nhau trong phương tiện mà không khác trong “tinh thần”: mỗi người đều muốn đến nơi mình muốn thoát. Chắc chắn không phải Bắc Kinh, càng không đi chung với cụ già. Nơi nào? Chúng ta không thật sự biết rõ, nhưng phải thoát. Phóng đi nơi khác, phải có phương tiện, vì cụ già bên kia đường vẫn bám sát và càng cố đi nhanh hơn để kêu dân phòng chận đường. Chúng ta tự túc tìm phương tiện, không ai muốn lên chuyến xe đò Hiện Thực Phải Đạo, càng không muốn đi tàu cánh ngầm định hướng Biền Ngẫu. Chánh và Viện nhảy lên chuyến tàu hỏa cao tốc vì trong toa tàu hỗn độn cho phép “đánh hàng” văn chương của mình ra khỏi thành phố, rồi đứng trên mui toa chông chênh ngược gió khiêu khích cụ già: “Ê, tao đây!” Hạo tự chế chiếc xe thi ca đã phát họa khung khi còn học đại học ở Sài Gòn, tự xoáy xi-lanh để nếu cụ già kêu cảnh sát giao thông, sẽ không rượt kịp. Tôi ngồi ở trạm xe buýt, trông thấy chuyến tàu cao tốc của Chánh và Viện khởi hành. Vẫn chưa có xe. Vé Hiện Sinh của Sartre, Camus hay Tân Tiểu Thuyết của Alain Robbe-Grillet, Nathalie Sarraute và Michel Butor, tôi đã vất xuống sông cho nhẹ túi đeo vai. Tôi chỉ còn giữ lại Nhất Linh và Remarque, nhưng tôi không muốn chen lấn lên chuyến xe buýt Hiện Thực, nên cuối cùng lên cuốc xe ôm Kỳ Ảo vì thấy lạ. Tự nhiên mình tự do thênh thang, không còn phải xuất hiện trong tư thế mà Thượng Đế áp đặt. Không đứng hai chân trên mặt đất mà bay la đà qua mái nhà. Khi tìm cách thoát, tôi khám phá cần “phi hiện thực” và thêm Luận Đề của Nhất Linh để truyện ngắn của mình rõ mục đích. Tuy Nhất Linh đã từng vất Luận Đề, nhưng tôi nhặt lại, vì thấy quý.

Còn trường hợp của Chánh và Viện?

Nguyễn Viện: Ở Việt Nam chưa có tàu hỏa cao tốc, bởi thế chuyến tàu của tôi trở thành siêu thực. Và bởi cũng chưa có cơ sở hạ tầng cho con tàu ấy, nên chuyến tàu của tôi trở nên phi tuyến tính, phi thời gian và không gian. Chuyến tàu không có ga dừng, cho nên mọi ngữ nghĩa, biểu tượng tự trương nở cho đến khi nó phá vỡ con tàu. Điều hy vọng là tôi không chết.

Nguyễn Quốc Chánh: Tôi nghĩ chúng ta khác nhau. Hiện tại khác nhau, quá khứ khác nhau và tương lai cũng khác nhau. Trong mỗi sự khác nhau đó, tôi thấy có một điểm chung, là tính ảo tưởng. Và trong mê cung của ảo tưởng, tôi cố lấy thăng bằng từ một điểm tựa trong hiện thực bằng cách một chân duỗi sát đất một chân trượt patanh. Lý luận rạch ròi là để rọi sáng tình trạng chứ không biến tình trạng thành tôi đòi cho lý thuyết. Có một lý thuyết do Hồ Chí Minh nhập về sau ba mươi năm làm Việt Kiều yêu nước đã giết hàng triệu người. Còn lý thuyết văn chương, kẻ nào dại thoát ly theo nó chỉ có méo miệng. Sử dụng lý luận từ những mảnh vỡ của lý thuyết làm cái kèo cho loài ong của tình trạng làm tổ và tích mật. Tính chất chuyên chế của lý thuyết thường có bóng dáng của một tên đồ tể, và thực tế hỗn độn đã cuốn sợi thòng lọng của tên đồ tể vào ống cống và tống nó ra sông làm chỗ dung thân cho loài rêu tảo. Chân Phương trong phát biểu mới đã núp bóng đồ tể và ra vẻ khoan hồng. Với những thông tin mà Chân Phương bày ra không đủ để trở thành công cụ lý luận soi sáng vấn đề đang bàn, nhưng đã vội lật thế thành học thuật để nhấc mình cao hơn trong một cuộc trò chuyện giữa những người viết văn làm thơ. Với cái gọi là học thuật mà Chân Phương trưng ra qua đối thoại này, làm tôi nhớ bài Kỷ Vật Cho Em, Phạm Duy phổ từ thơ Linh Phương, anh trở về trên đôi nạn gỗ, anh trở về đại tướng cụt chân… anh trở về dang dở đời em. Mong Chân Phương cứ làm học giả uyên thâm vĩnh viễn ở Huê Kỳ chứ đừng đem học thuật về mà dang dở đời em.

Cái tội lớn của Vũ là biên truyện mà ít dòm ngó thơ. Đã ít dòm ngó thơ còn đinh ninh rằng thơ đã chết. Vũ có nhớ lời của bài nhạc sến nào đó, anh không chết đâu em, không? Nhờ cái sở trường bí hiểm mà anh (thơ) vẫn sống đó cưng (truyện), nhưng sau khi nuốt vào, nén lại, dồn cục thì đến lúc phải khạt ra, bùng lên “chửi thề như điên” như anh Cung vừa nói. Lại mới nghĩ thêm, chửi thề là một liệu pháp kép, vừa làm tức dái đối phương, vừa gây tê cho chủ thể tái mét. Trước khi chửi thề, tôi đả ẩn dụ, sau khi ẩn dụ, tôi cũng đã bí hiểm, và sau khi văng tục tứ tung, tôi lại từ tốn và khép nép, như Thúy Kiều, sau khi đĩ thõa đã đời, làm điêu đứng cả tá tay chơi, nàng bèn ngôn hạnh với chàng, em vẫn còn trinh. Sau khi theo chân Kiều, tôi bèn giác ngộ chữ trinh theo cách của nàng, trinh là làm cho kẻ khác và bản thân nát bét. Trinh của Kiều tức là Dám, viết cũng là Dám. Và thơ là trinh, nghĩa là không có gì là không Dám.

Phan Nhiên Hạo: Đối với nhà văn, dĩ nhiên điều quan trọng sau cùng là tác phẩm. Cách đặt câu hỏi của tôi rằng “lý thuyết có thể giúp” nhà văn đến đâu đã cho thấy quan niệm về vai trò có tính phương tiện, chứ không phải mục đích, của lý thuyết trong sáng tác. Điều tôi muốn tập trung nói đến là phương cách mà lý thuyết du nhập vào Việt Nam. Và tôi nghĩ đến những vấn đề thực tế chứ không có ý sa đà vào những tranh cãi trừu tượng. Tôi muốn đề cập mấy điểm sau:

Trước hết, nhà văn là con người văn hóa, vì vậy anh ta nên có kiến thức chung càng nhiều càng tốt. Nhà văn cũng là người làm chuyên môn về văn chương, vì vậy anh ta nên có kiến thức văn học, bao gồm kiến thức về lý thuyết văn học. Kiến thức nhiều hay ít tùy thuộc vào vào nỗ lực cá nhân, nhưng quan trọng hơn, tùy thuộc vào môi trường giáo dục chung của xã hội, vào mức độ tự do tư tưởng mà cái xã hội đó cho phép. Và đây là điểm tôi thấy không giải quyết được trong xã hội toàn trị với một nền giáo dục vô cùng “phản giáo dục” ở Việt Nam hiện nay.

Lý thuyết văn chương, nếu được dạy một cách tự do và đầy đủ trong các khoa văn đại học, được dịch phong phú và chính xác, được thảo luận dân chủ bởi một tầng lớp học giả thật sự có kiến thức và phương pháp, nó sẽ góp phần kích thích sáng tác, và quan trọng hơn, nâng cao cái “văn trí” của văn chương. Ở Việt Nam hiện nay, tất cả những điều kiện tôi vừa đề cập gần như là những con số không to tướng. Đại học không dạy lý thuyết văn học đương đại, sách dịch lèo tèo, tầng lớp hàn lâm đại đa số cách rất xa cái tiêu chuẩn tối thiểu của giới đại học phương Tây. Tất cả những điều này làm cho vấn đề lý thuyết ở Việt Nam nó vừa có vẻ hấp dẫn của một thứ hàng lậu, vừa có nguy cơ là những đồ giả.

Đây mới chính là những điều tôi quan tâm.

Trần Vũ: Người viết truyện cần một bản năng mạnh và sự linh cảm, ngoài ra không cần gì khác nữa. Đời sống sẽ đem đến cho anh ta những gì cần thiết. Với điều kiện anh ta phải sống thật và viết thật. Sự giàu có tâm hồn phải tự tìm lấy. Thông thái, không chắc sẽ viết ra truyện hay. Tuy vậy, đồng ý với Hạo là việc khống chế tư tưởng đưa đến tình trạng khuyết tật trong mọi lĩnh vực. Thấy rõ nhất trong lĩnh vực sách chiến tranh.

Cuốn Trận Điện Biên Phủ Dưới Con Mắt Người Pháp do Bùi Trân Phượng, phó tiến sĩ sử học, phó chủ nhiệm khoa sử trường Đại Học Sư phạm, dịch từ La Bataille de Dien Bien Phu của Jules Roy, hay cuốn Điện Biên Phủ, 170 Ngày Đêm Bị Vây Hãm do Lê Kim dịch từ 170 Jours à Dien Bien Phu của Erwan Bergot, rồi Điện Biên Phủ, Một Góc Địa Ngục do Vũ Trấn Thủ dịch từ Un Coin d’Enfer của Bernard Fall, cả ba đều bị cắt cúp, biên tập, sửa chữ, hoặc cố tình dịch thuận lợi cho phía Việt Minh, hay bỏ hẳn cả chương như trường hợp Fall. Trong bản Pháp văn, chương bị cắt là chương thống kê phần lớn tù binh không được trao trả sau hiệp định đình chiến, tỉ lệ tử vong cao hơn trong các trại tập trung Đức, còn tù binh Việt Nam biến mất. Chương sách này cho thấy “chính sách khoan hồng” giấu trong mình sự dã man.

Rồi các bản dịch này lên trang web quansuvietnam.net, tuổi trẻ Việt Nam không biết họ đang tham khảo một phiên bản đã được chỉnh sửa. Bản dịch cắt xén của một phó chủ nhiệm khoa sử trường Đại Học Sư phạm T.P. Hồ Chí Minh, như quansuvietnam.net giới thiệu, nói lên nhiều điều: dân Việt khó tiếp cận thông tin trung thực, và lịch sử bị biên tập trên đất nước này.

Trịnh Cung: Thật ra anh em như Chánh, Viện, Dũng… đều không nghĩ khác Hạo hay Vũ về vai trò tích cực của lý thuyết đối với người làm văn học hay nghệ thuật. Có sự “bỗng dưng muốn đéo” của Chánh, Viện là do vừa bị shock khi Chân Phương đem vấn đề học thuật ra để kéo dài cái “chủ nghĩa Apartheid” mà Nelson Mendela đã “đại thắng mùa xuân” ở Nam Phi đối với “các người anh em cùng khổ” tại quê nhà.

Trở lại chuyện lý thuyết về văn học và nghệ thuật, theo tôi có hai hình thức lý thuyết, thứ nhất, nó nằm gọn trong sáng tác của nhà văn hay nghệ sĩ; thứ hai, nó được viết ra thành tuyên ngôn, bài bản bởi những nhà lý luận. Vậy nói văn nghệ sĩ trong nước thiếu lý thuyết, thiếu học thuật cho tất cả là nặng lời và vô tình dựng nên một hình ảnh đặc trưng cho văn nghệ sĩ Việt Kiều bảnh bao về cả kiến thức trong đầu và nhiều đô la trong túi mỗi khi đứng cạnh các bạn trong nước. Tôi nghĩ Chân Phương và các bạn như Hạo và Vũ không bao giờ là người như vậy, đây chỉ là một phút cao hứng của con người hàn lâm trong Chân Phương mà thôi.

Phi lý thuyết là một số phận cho Việt Nam chứ không phải điều dân Việt muốn, khi tôi tìm hiểu vấn đề này qua nhóm Hàn Thuyên thành lập ở Hà Nội những năm 40 của thế kỷ trước bởi bộ tứ gồm Nguyễn Đức Quỳnh, Trương Tửu, Lê Văn Siêu và Đặng Thái Mai. Những người này ôm giấc mộng đưa văn học và nghệ thuật Việt Nam đi trên một con đường riêng giữa Đông và Tây. Sau sư kiện 1954 kẻ ở người đi, Nguyễn Đức Quỳnh vào Nam mở Đàm Trường Viễn Kiến ở Sài Gòn để tiếp tục xiển dương giấc mơ lớn cho dân tộc Việt, như nhà văn Nguyễn Mạnh Côn đã nhận định sau cái chết của ông năm 1974: “Ông Quỳnh mất là chấm dứt một thế hệ người theo đuổi những mộng tưởng vĩ đại. Những thế hệ sau, khi đứng trước những vấn đề thực tế quá dữ dội, không còn biết đến những giấc mơ vĩ đại như thế nữa”. Còn nhà văn Phan Lạc Phúc thì ví Nguyễn Đức Quỳnh như ông trùm Vitor Corleone (Godfather) nhưng chỗ khác là: “Godfather nặng về kinh doanh, Nguyễn Đức Quỳnh nặng về tư tưởng. Một bộ óc bách khoa đã mất, một ông trùm đã từ giã cuộc đời”. Và đặc biệt hơn, Mai Thảo gọi Nguyễn Đức Quỳnh là nhân vật huyền thoại, và ông đã viết: “Huyền thoại tỏa chiếu từ trí tuệ siêu việt”.

Như thế đấy, giấc mơ lập thuyết ấy đã bất thành, và còn những giấc mơ khác của trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam như nhà triết học Nguyễn Văn Trung, nhà thơ Phạm Công Thiện, họa sĩ Nguyễn Trung, và nhất là của nhóm Sáng Tạo, nhưng tất cả đều bất thành cho một lý thuyết văn học nghệ thuật Việt Nam độc lập bản sắc. Đó là chuyện thời còn tự do và dân chủ, có một nền giáo dục nhân bản hoàn chỉnh chứ không phải một nền giáo dục giáo điều như bây giờ, mà vấn đề lý thuyết còn què quặt, nói chi đến lập thuyết cho văn học và nghệ thuật ở trong nước hiện nay.

Tôi có một đề nghị với Chân Phương và các bạn có điều kiện hơn anh em trong nước về lý thuyết, nên dựa vào những gì mà văn học và nghệ thuật ngoài luồng ở Việt Nam đang tạo ra, các bạn phân tích và đưa ra cho nó một lý thuyết như nó phải có và đáng phải được như vậy, các bạn nghĩ sao? Có một lý thuyết gia cho nền văn học của mình, dù thế nào, cũng hơn là phải nhập cảng bất cứ một thứ “hàng hiệu” nào.

Trần Vũ: Cá nhân tôi không say mê các lý thuyết văn học, tôi không cảm thấy sách nghiên cứu văn học hay lý luận hoặc học thuật là cần thiết. Gần như tôi không đọc chúng vì chúng rất nặng nề. Chính tiểu thuyết của các nhà văn đem đến cho tôi các khái niệm về cấu trúc, kỹ thuật, trường phái hay bút pháp. Rồi đọc các phát biểu của họ, tôi thấy rõ hơn một chút cách họ xây dựng tác phẩm. Đôi khi tôi ngã vào một tập sách phê bình như cuốn phê bình tiểu thuyết lịch sử của Lukács, vì bốn chữ “tiểu huyết lịch sử” chứ không vì hai chữ “phê bình”. Đọc Lukács để hiểu cách thẩm định tác phẩm của các chính ủy xuất phát từ đâu và xem các mặt hàng Âu châu, giản dị có vậy. Márquez, Cortázar, Fuèntes, hay Pérutz thì tôi theo họ cũng đã lâu nên tương đối hiểu cách họ tạo nhân vật, tuy tôi không đọc lý thuyết Siêu Thực của André Breton hay định nghĩa Hiện thực Huyền Ảo của Franz Roth. Tôi biết đến tên họ thôi. Márquez phóng đại mọi chi tiết. Cortázar bắt nhân vật trở về Nam Mỹ qua những hành lang vũ trụ bất chợt. Fuèntes nhồi vào bụng nhân vật chứng đau ruột thừa vì khúc ruột thừa là nỗi đau xã hội. Pérutz thảy bí ẩn qua tiếng kêu loảng xoảng của các đồng tiền vàng hay sự dậy hương của thức ăn thừa mứa… Tác phẩm thường được viết ra từ sự cảm thụ chung về lịch sử và xã hội vây quanh người viết, chứ không phải có lý thuyết rồi mới lấy lý thuyết đó để diễn đạt cảm thụ đó, dựa trên các tiêu chí của lý thuyết này. Chính sự cảm nhận của người viết vô tình tạo ra kỹ thuật, vì hắn không thể diễn đạt khác cách hắn đã cảm. Bản năng và sự linh cảm làm nên tất cả. Bản năng tiêu hóa kiến thức của người viết, còn sự linh cảm đánh thức ý thức. Vai trò của lý thuyết không quan trọng mà chính sự khai sáng từ chính tác phẩm của các nhà văn khác mới quan trọng.

Phan Nhiên Hạo: Bây giờ tôi cũng không còn thích đọc lý thuyết như cách đây mươi năm, dù nếu cần tranh luận hay tìm hiểu điều gì, tôi vẫn lôi sách lý thuyết trong thư viện ra đọc. Tôi nghĩ người sáng tác khi đã trưởng thành không còn thấy lý thuyết hấp dẫn như khi họ còn trẻ. Bước vào tuổi bốn mươi, người ta nhận ra mình không còn nhiều thời gian, phải lo viết cái của mình ra, thay vì ngồi tiêu hoá những ý tưởng của thiên hạ. Tuy vậy, tôi nghĩ khi còn trẻ, nếu mình đọc lý thuyết và học văn chương, mình sẽ có nhiều tự tin và cân bằng hơn trên con đường lâu dài sau này. Tại sao phần lớn họa sĩ phải qua trường lớp một cách rất căn bản trong khi phần lớn nhà văn lại không học văn chương?

Tôi ước gì khi hai mươi tuổi tôi được sống trong một Việt Nam tự do, sách vở nhiều, no đủ, được đi đây đi đó như những người trẻ tuổi Âu Mỹ, có lẽ tôi đã lập nhóm văn chương, ra tuyên ngôn. Còn bây giờ thời giờ và năng lượng đâu mà làm mấy chuyện đó. Cho nên cái ý của anh Trịnh Cung nói những người hải ngoại nên đưa ra lý thuyết gì đó là không có tôi. Đó là chuyện của những người làm nghề lý luận, học thuật. Những người sáng tác như tôi mà đi làm chuyện đó nó vừa dở cho thiên hạ, vừa hỏng cho tôi. Tuy nhiên khi có hứng, dù không phải theo kiều hàn lâm, tôi vẫn thích viết những tiểu luận, chỉ để nói những quan niệm của mình một cách trực tiếp. Đôi khi tôi thấy thơ truyện nó lòng vòng quá.

Trần Vũ: Tất cả dân Việt đều ước mơ một hệ thống đại học hoàn hảo cho đất nước mình. Nguyên Ngọc từng vận động xây dựng một trường đại học “đẳng cấp quốc tế” cho đất Quảng, quê ông. Hệ thống đại học hoàn chỉnh sẽ nâng cao dân trí và “văn trí” như chữ Hạo dùng. Ngay cả khi nhà văn không nhất thiết phải qua cánh cửa đại học để viết truyện, nhưng một khi trình độ xã hội nâng cao, yêu cầu của người đọc sẽ lên cao, và sự tiếp xúc của nhà văn với tập thể có kiến thức sẽ tác động vào tác phẩm của hắn, vì phẩm chất tác phẩm song hành với xã hội hắn sinh sống. Nhưng không thể có một hệ thống đại học “đẳng cấp quốc tế” với một thị trường sách “đẳng cấp địa phương”. Vấn đề không duy nhất ở đại học yếu kém mà trước nhất ở chính sách kiểm duyệt sách báo. “Hải quan” trên tất cả mọi lĩnh vực, thì thư viện “đẳng cấp quốc tế” của nhà văn Nguyên Ngọc sẽ chung số phận. Các giáo sư quốc tế thuê từ Yale, Harvard, Stanford sẽ không đủ sức thay thế kho sách của nhân loại. Nâng cao dân trí phải đi qua sự tháo bỏ kiểm duyệt này. Cũng vì sự kiểm duyệt mà nhà văn Việt ít viết tiểu luận, vì tiểu luận sắc bén phải đặt vấn đề. Thẳng và mạnh. Các tiểu luận này rất hiếm.

Nguyễn Quốc Chánh: Cuộc trao đổi của chúng ta đã đặt ra vấn đề lý thuyết, nhưng người tham dự trao đổi lại không chuyên môn về lĩnh vực này. Chúng ta chỉ nói về nó qua cảm quan của người sáng tác muốn ý thức về công việc của mình chứ không thể lý luận về nó bằng công cụ khái niệm của lý thuyết. Trong khi công việc của lý thuyết là nhận biết vấn đề qua kỹ xảo tạo khái niệm và sử dụng khái niệm. Chúng ta có một thực tế sáng tác ngoài luồng hẳn hòi, tôi đồng ý như anh Cung nói, và tôi không muốn đóng ngoặc đơn khái niệm này, vì trong bối cảnh chính trị Việt Nam, khái niệm này hoàn toàn cần thiết và qua sáng tác của một số ít ở trong và ngoài, tôi nghĩ nó đủ thực tế khêu gợi lý luận biện luận cho khái niệm còn mơ hồ này. Công việc của lý thuyết là dùng lý luận để tạo ra khái niệm, trong khi sáng tác dùng ngôn ngữ tạo ra hình tượng. Trong quá trình tạo hình tượng, người sáng tác phải trải qua giai đoạn nhận thức bằng ý niệm, và trong quá trình hình thành ý niệm, nhà lý thuyết phải nhai rất nhiều hình tượng. Lý thuyết là đám chuyên dùng răng để ăn, còn sáng tác là đám chuyên dùng lưỡi để bú. Tương quan giữa sáng tác và lý thuyết, một bên bị nhột và rát, một bên bị đứt và nát.

Trong lịch sử văn học Việt Nam, có hai nhóm sáng tác, Tự Lực Văn Đoàn và Sáng Tạo. Tự Lực mở ra một thời kỳ với một số tác giả, còn Sáng Tạo trong bối cảnh khác, không thể mở ra một thời kỳ như Tự Lực và dường như chỉ có một tác giả Sáng Tạo là Thanh Tâm Tuyền. Nhưng lý thuyết của cả hai nhóm cũng rất mờ nhạt, còn bây giờ, tôi không nghĩ là cơ hội để có một loại lý thuyết dẫn dắt hay một nhóm sáng tác trung thành với một loại lý thuyết nào đó. Công việc của lý thuyết chắc chỉ có thể đưa ra những khái niệm nhỏ lẻ nhằm cung cấp ánh sáng hiu hắt cho những khe nhìn. Công việc sáng tác bên lề hay ngoài luồng hiện nay ở Sài Gòn và hải ngoại, nếu có ai nhìn thấy nó như nó đang là, thì con mắt sắc của lý thuyết sẽ ló ra. Kêu đòi lý thuyết chiếu vô tình trạng hỗn độn của mình, chẳng khác gì gái đĩ đêm khuya ngoắc khách làng chơi. Văn chương hải ngoại vừa ngoài luồng chính quốc vừa bên lề cố quốc, tự nó thừa tình trạng cho lý thuyết của khách làng chơi nhai nuốt, sao chưa thấy tay chơi nào nhai và phun ra khái niệm nào hết? Tôi ghen với các anh Hạo, Vũ, Phương vì tình trạng lưu vong của các anh là tình trạng sống trong lòng người đẹp Tô Châu, nhưng sao trong tác phẩm của các anh rất ít dấu vết khoái lạc và đau đớn trong khi ăn nằm với nàng? Sống trong lòng Tô Châu nhưng diện mạo Thị Nở vẫn ám ảnh, các anh có định làm một cuộc giải phẫu nhan sắc Thị Nở, vì lưu vong có thể sẽ vòng trở về?

Phan Nhiên Hạo: Trước 1975 ở miền Nam, một số nhà văn may mắn có dịp chu du ra ngoài hoặc du học rồi trở về. Đó là những cuộc ra đi để hồi cố. Còn bây giờ với người Việt hải ngoại, con cái, nhà cửa, công ăn việc làm của họ ở bên này, chết cũng chôn bên này. Nên sự ra đi của họ là đi thiệt, đi luôn chớ không phải cỡi ngựa xem hoa để quay về khoe chút hương xa. Đời sống lưu vong tuy chứa nhiều quá khứ nhưng rất khác với đời sống ở quê hương. Cái khổ tâm của người ra đi là khi trở về, họ nhận ra họ đã là kẻ xa lạ. Khi tôi về thăm nhà lần đầu, người nhà khuyên tôi ra đường phải mang giày da mặc áo sơ-mi bỏ vô trong, chớ mình ở nước ngoài về mặc áo thun mang dép người ta nói mình Việt Kiều dỏm. Tôi nghe vừa thương vừa buồn. Nhưng biết không thể giải thích được. Cái này một phần cũng do những Việt Kiều tạo ra, lúc nào cũng cố tỏ ra mình thế này thế nọ. Ra đi thật sự là để được sống trọn vẹn cái đời sống của mình, chứ đâu phải để chứng minh với người ở lại.

Kinh nghiệm lưu vong là một kinh nghiệm rất dễ gây ngộ nhận khi giải thích, hoặc người trong nước sẽ cho là mình biện hộ cho sự thất bại, hoặc cho là mình lên mặt hãnh tiến dạy đời. Đằng nào cũng phiền. Nhà văn lưu vong thật ra không có Tô Châu và cũng không còn Thị Nở, trong sâu thẳm anh ta là kẻ độc thân.

Chân Phương: Rời Madrid về lại Hoa Kỳ sau gần một tháng Âu du, tôi ngủ li bì vì jetlag. Tỉnh giấc mở laptop đọc email lại thấy mình bị jetlag lần nữa vì bị gián đoạn mấy ngày qua với cuộc hội thảo hào hứng này. Trịnh Cung ơi, không có ngầu pín với cặp sừng để mang về vì con bò mộng kinh tế thị trường Tây Ban Nha đang thọ bệnh nặng chỏng cẳng lên trời, còn tay đấu bò thất nghiệp sắp bị ngân hàng tịch thu cái nhà mới tậu mấy năm trước nay đang sụt giá quá nhanh!

Madrid, cũng như Paris và Âu châu nói chung, đang ế du khách. Hàng quán thưa thớt, các phi trường cũng đìu hiu.

Hạo đã đề ra sáng kiến hay vừa lôi cuốn chúng ta vào cuộc bàn tròn vừa làm bật ra nhiều ý kiến thẳng thắn không xã giao kiểu sáo hót vẹt gật gù như trong một bài thơ gần đây của tôi trên litviet. Nhưng tôi cũng khám phá ra giới hạn to tát của nó, không thể nào sánh được với một cuộc trà đàm tửu thoại khi bạn bè có thể nghe nhìn thấy nhau và thấu đạt nội dung cuộc đàm thoại qua nét mặt giọng nói, tránh sự hiểu lầm đáng tiếc như đã xảy ra giữa tôi và Chánh. Khi tôi viết “trong cuộc thảo luận bất cân đối về thông tin và học thuật”, hoàn toàn tôi không có ý nhấc mình cao hơn anh em hay mượn sức mạnh chuyên chế của học thuật để thiết kế một chủ nghĩa Apartheid về tri kiến giữa chúng ta. Lời phát biểu của tôi trái lại ngụ ý một thực tế văn hoá thê thảm — con đẻ của chính sách khủng bố trí thức và nạn bế quan tỏa cảng lâu năm của chế độ Hà Nội — mà sự tham dự của tôi trong cuộc hội thảo này không có mục đích nào chủ yếu hơn là tố cáo và góp phần phân tích các tác hại của nó. Nói cách khác, trong xứ sở của những người mù về thông tin và kiến thức như Việt Nam hôm nay, bọn chột lý luận sẽ làm vua. Bản thân tôi không có nhu cầu tranh giành cái ngai sơn mài của họ, vì tôi khinh ghét tính chất a tòng đục nước béo cò của họ. Chánh đã nhìn lầm kẻ thù, cũng như các bạn, tôi chỉ muốn xuyên kích hoặc tháo gỡ cái chuồng trại văn hoá văn nghệ đang giam lỏng tim óc cả nước hôm nay. Dù chúng mình chưa có dịp bắt tay uống rượu với nhau, giữa Chánh và tôi có một điểm tương đồng quyết định, đó là ý thức không mơ hồ về quan hệ văn chương-chính trị ở Việt Nam.

Tôi đã mất khá nhiều câu chữ để đấu với cối xay gió của sự hiểu lầm. Chúng ta hãy cụng ly cạn bối với nhau một cái rồi thay đổi đề tài, trở lại với nội dung chính của cuộc hội thảo, là nhà văn chúng ta nghĩ gì, viết gì, trong cái bối cảnh văn học bị phân hoá, đầy hàng giả và trò bịp của đất nước hôm nay?

Từng làm thơ viết văn hơn ba chục năm với ý thức phản kháng chống mọi khủng bố tinh thần và độc quyền tư tưởng, sống thật viết thật vẫn là tôn chỉ cho tôi như Trần Vũ đã đề cao. Tôi cũng nghĩ như Vũ hay Viện là quan điểm sáng tác và khuynh hướng sáng tác mới thực sự quan trọng, chứ không phải lý luận phê bình (Trần Vũ), chẳng nên tôn thờ cái gì, vượt ra ngoài các ước lệ để tìm cách diễn đạt tốt nhất (Nguyễn Viện). Hai bạn làm tôi nhớ lại mấy câu của Octavio Paz khẳng định nguyên lý của văn chương như sau: “La vraie littérature est indifférente aux lois… La rébellion fait partie de la littérature” (Văn chương thứ thiệt không quan tâm đến lề luật… Nổi loạn là một thuộc tính của văn chương). Và tôi rất thích câu đúc kết tương tự của Vũ: “Sự chống đối của sáng tác”.

Đồng thời tôi muốn quay lại với ý kiến tôi đã phát biểu bên trên, đại khái người cầm bút chỉ dựa vào cảm tính tinh nhạy chưa đủ mà còn cần có lý trí và óc phê phán. Hai món này không thể trúng nhờ mua vé số mà phải học hỏi tu luyện mới làm chủ được. Ở điểm này Phan Nhiên Hạo đã có mấy ý nghĩ bổ sung cần thiết cho cuộc thảo luận: “Tôi nghĩ khi còn trẻ nếu mình đọc lý thuyết và học văn chương, mình sẽ có nhiều tự tin và cân bằng hơn”. Chẳng cần phải điều tra lý lịch lẫn nhau, tất cả chúng ta quanh bàn tròn này không ai ưa trò lý thuyết suông, lý luận để mà lý luận hoặc lý luận để kiếm mảnh bằng câu cơm. Và tôi nghĩ không có ai trong chúng ta cực đoan đến mức phủ nhận tính phương tiện của lý thuyết trong sáng tác, nó kích thích sáng tác, nâng cao cái “văn trí” của văn chương (Phan Nhiên Hạo).

Chẳng lẽ văn thi sĩ chỉ cần bản năng và linh cảm trong khi nhạc sĩ hay họa sĩ phải học hội họa, nhạc lý và lịch sử mỹ thuật?

Lời Trịnh Cung đề nghị chúng tôi vận dụng tri thức về học thuật thế giới để xây dựng lý thuyết cho sáng tác trong nước là một yêu cầu hơi nghịch lý. Bất cứ thời nào sáng tác cũng là sản phẩm do sự đánh vật giữa nhận thức tâm tình với hoàn cảnh xã hội-lịch sử đặc thù của từng tác giả. Không thể có thứ “lý thuyết hàm thụ” vay mượn (các bạn chắc còn nhớ giai thoại cây quít Giang Nam). Phải sống chết với bà con trong nước, phải “ba cùng” mới có thể ngộ ra một lý thuyết nằm vùng (local knowledge) tương ứng với sáng tác ngoài luồng hoặc phản kháng hôm nay, điều mà chúng tôi ở hải ngoại không có điều kiện đáp ứng. Do đó chẳng hạn du nhập Postmodernism kiểu Hoa Kỳ vào Việt Nam để chỉ đường dẫn lối cho sáng tác là một điều tréo cẳng ngỗng. Trong khi chờ đợi một thiên tài lý thuyết gia made in Viet Nam cất lên tiếng nói tri âm với sáng tác Việt Nam, cái mà văn nghệ chân chính trong nước đang cần hơn hết là tự do tư tưởng với tự do ngôn luận (đi kèm với tự do xuất bản). Theo tôi đây mới là nguyên lý sống còn mà thiếu nó thì giới sáng tác Việt Nam sẽ trở thành một loại endangered species không có lý luận quốc tế tân kỳ nào có thể cứu nguy được!

Trần Vũ: Câu hỏi thứ nhất của Chánh đặt ra cho các viện sĩ của Viện Văn học đúng hơn. Bên ngoài thiếu khung quốc gia, nghiên cứu văn học di dân hay ngoài luồng mất thời gian hằng năm rồi đưa lên mạng tồn tại hai mươi bốn giờ?

Câu hỏi thứ nhì về người đẹp Tô Châu, nếu nhìn tổng quát, lượng truyện viết về hội nhập, xã hội di dân hay “tình yêu đất này” không hiếm. Trần Diệu Hằng với Mưa Đất Lạ, Hồ Trường An với Hợp Lưu, Ngô Nguyên Dũng với Lisa, Vũ Quỳnh Hương với Miền Vĩnh Phúc, Mai Kim Ngọc với Một Chút Riêng Tư, Mai Thảo với Cánh Tay Dịu Dàng Ở Một Đất Nước Xa, Kiệt Tấn với Em Điên Xõa Tóc, Phan Thị Trọng Tuyến với Mùa Hè Một Nơi Khác, Võ Đình với Lầu Xép, Nguyễn Xuân Quang với Hái Thận, Nguyễn Bá Trạc với Ngọn Cỏ Bồng, Phạm Thị Ngọc với Florence, Nam Dao với Trong Buốt Pha Lê, Đặng Thơ Thơ với Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối Cùng, hoặc các tác giả như Lê Thị Huệ, Nguyễn Thị Thanh Bình, Đinh Linh, Mai Ninh, Nguyễn Thị Ngọc Nhung… viết khá nhiều truyện ngắn lấy bối cảnh, nhân vật của vùng đất mình sinh sống. Dấu vết “khoái lạc và đau đớn khi ăn nằm với Tô Thị”, như Chánh nói, đã hiện diện. (Hiện diện đậm nét qua Diane trong Người Em Xóm Học của Kiệt Tấn).

Chánh đặt câu hỏi Tô Châu vì trong nước không nhìn thấy rõ diện mạo của văn học di dân. Các tập san Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến, Văn Học của Nguyễn Mộng Giác, Văn của Mai Thảo và Làng Văn thời kỳ này mang phẩm chất của một dòng văn chương thật, vì ghi được tâm trạng thật của biến cố 30 tháng 4, của phong trào vượt biên, của sự va chạm văn hóa của một bộ phận lớn dân Việt khi đặt chân lên các lục địa khác. Quý giá vì văn học quốc doanh thời bao cấp vẫn còn là một nền văn học minh họa.

Câu hỏi thứ ba: “Sống trong lòng Tô Châu nhưng diện mạo Thị Nở vẫn ám ảnh, các anh có định làm một cuộc giải phẫu nhan sắc cho Thị Nở, vì lưu vong có thể sẽ vòng trở về?”

Có thể trả lời câu hỏi này theo cách của trường phái biểu trưng symbolisme:

Chúng ta cùng một người Việt Nam mà lịch sử đã chặt làm hai khúc rồi quăng mỗi khúc một nơi. Chúng cố gắng ráp lại. Chưa ráp được nên ám ảnh. Hai lý do vì sao chưa thể ráp lại:

1. Hàng rào kiểm quyệt.

2. Khi lịch sử chặt chúng ta ra làm đôi, đã chặt quá thô bạo bằng dao phay, khiến nhiều mảnh xương bể vụn văng tứ tán. Khi ráp lại không khớp vì thiếu các mảnh xương này. Và chúng ta đang cố gắng đi tìm lại chúng với hy vọng tìm ra để ráp lại thành một người Việt Nam duy nhất, mà không phải hai khúc tàn tật vừa kinh dị vừa thảm thương.

Ráp lại, là đã tự giải phẫu nhan sắc.

Nguyễn Quốc Chánh: Tôi chia sẻ tình trạng “độc thân” của Hạo. Không những lưu vong mới độc thân, viết tới một mức nào đó, bất cứ trong điều kiện nào, độc thân là kết quả hiển nhiên của tình trạng tự do và độc lập, dù điều đó rất mong manh. Còn giải pháp “ráp lại” của Vũ, tôi nghĩ không thực tế, thậm chí còn làm phiền niềm hy vọng. Vì làm sao có “một người Việt Nam duy nhất” trong tình trạng chính trị độc tài và kinh tế toàn cầu. Giải pháp của tôi, nếu đứt đôi, thì cứ như loài đỉa, yên chí thành hai con, còn nếu đứt ba thì hãy thành ba con. Và mỗi con sau khi đứt ra cần có lý luận để biện minh cho tình trạng tàn tật, kinh dị, thảm thương của mình. Tôi không nghĩ như Chân Phương, “vận dụng tri thức về học thuật thế giới để xây dựng lý thuyết cho sáng tác trong nước là một yêu cầu hơi nghịch lý!” Có thể nói, bây giờ có nơi nào trên mặt đất đứng ngoài thế giới, thế giới ở đây là Tây phương, ngay cả thể chế chính trị hiện thời của Việt Nam cũng đến từ Tây phương, do đó lý luận của Tây phương được và bị sử dụng ở Việt Nam hay văn chương ngoài luồng ở Việt Nam là một điều hoàn toàn có thể, và qua quá trình phân tích những hiện tượng đặc thù, lý luận có thể tạo ra những khái niệm mới cho lý thuyết. Khả năng này nằm trong mối quan hệ biện chứng giữa văn bản và lý thuyết. Trong cuộc trao đổi giữa văn chương và lý thuyết, có lẽ chúng ta cần có thêm một người, Nguyễn Hương, vì Hương viết hư cấu bằng tiếng Việt và lý thuyết bằng Anh ngữ.

Phan Nhiên Hạo: Nhắc đến nhà văn Nguyễn Hương, tôi muốn nói thêm về vấn đề du nhập lý thuyết vào Việt Nam. Ở hải ngoại có vài người như nhà văn Nguyễn Hương, là giáo sư đại học thứ thiệt, làm nghiên cứu chuyên nghiệp trong môi trường hàn lâm Mỹ. Cuốn sách mới đây của chị Hương, để được một nhà xuất đại học in, phải qua sự thẩm định khó khăn của các học giả trong nghành, phải có đóng góp học thuật, dù ít dù nhiều. Nhưng tôi thấy những người như Nguyễn Hương lại không có nhu cầu, và có lẽ không có thời gian, để viết lý thuyết bằng tiếng Việt tương hợp với môi trường văn nghệ trong nước. Có lẽ vì họ đã đi quá xa chăng, quay về không được? Trong khi đó, trong văn nghệ hiện nay vài “học giả” nửa mùa lại cố làm ra vẻ “hàn lâm” với những bài viết thật ra chỉ theo dạng tổng hợp ý kiến ngoại quốc. Những bài viết như vậy, nếu dịch ra tiếng Anh sẽ không có giá trị gì trong giới học thuật bên này, vì nó chỉ dừng lại ở thao tác điểm tài liệu (literature review) có tính dẫn nhập trong nghiên cứu. Tuy nhiên, loại “lý luận tổng hợp” kiểu này vẫn có thể được ngưỡng mộ ở Việt Nam, vì nó du nhập những khái niệm mà người trong nước còn hoàn toàn xa lạ. Tôi nói ví dụ, vấn đề Toàn Cầu Hoá (Globalization) và Chủ Nghĩa Xuyên Quốc Gia (Transnationalism). Đây là những lý thuyết đa phức, bao gồm nhiều khái niệm cụ thể, nhưng quen thuộc với phần lớn người học các nghành xã hội và nhân văn ở Mỹ. Bên này khi đề cập đến những lý thuyết như vậy, người ta sẽ đề cập đến một khía cạnh nhỏ, nhưng đào rất sâu, và cố đóng góp điều gì đó mới mẻ, có thể bằng khảo sát thực tế (ví dụ làm một project nhân chủng học), có thể bằng lập luận công phu. Trong khi đó, những bài viết gọi là “lý luận” của người mình không cần tốn sức nhiều như vậy, họ chỉ việc tóm tắt vài khái niệm căn bản theo kiểu encyclopedia rồi đóng gói nhập về Việt Nam là đủ làm thiên hạ nể phục. Trong tình hình sách học thuật được dịch rất ít ở Việt Nam, loại “lý luận tổng hợp” như vậy không phải không có ích. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ, thông tin đi theo con đường này thường được chọn một cách phiến diện và vặn vẹo cho hợp với tham vọng của người truyền bá (ví dụ chúng luôn được rao giảng như kim chỉ nam của việc làm mới văn chương). Những nhà “lý luận” kiểu này thật ra sẽ được tôn trọng hơn nếu họ bằng lòng làm người dịch thuật và giới thiệu khách quan, chứ không phải cứ đòi dẫn đường cho văn nghệ, là chuyện vượt quá vai trò của họ.

Chân Phương: Tiếp theo ý kiến của Hạo tôi muốn bàn thêm về việc tiếp thu (hay tiếp nhận) học thuật hay lý thuyết mới lạ. Du nhập kèm theo dịch thuật tri thức và tư tưởng nước ngoài chỉ mới là phần đầu, sau đó là giai đoạn tiếp thu và tiêu hoá, phần này rắc rối hơn nhiều. Vì du nhập chẳng qua là công việc của vài cá nhân hoặc nhóm phái đọc được tiếng Tây, tiếng Tàu, trong khi tiếp nhận là cả một quá trình văn hoá-xã hội thấm lan vào quần chúng, một tập hợp phức tạp không đồng bộ về nhiều mặt, từ học vấn đến tập quán, nghĩ suy, v.v. Và quần chúng này còn là sản phẩm lịch sử của một vùng đất nhất định, một địa phương văn hoá đặc thù, một lề lối sinh hoạt vật chất thâm căn, v.v. Lịch sử Việt Nam hay Trung Hoa đã cho thấy nguy cơ của việc du nhập tư tưởng Marx vào một xã hội nông nghiệp kém phát triển nghiêm trọng như thế nào! Cũng như việc áp dụng Tân Lý Thuyết Thị Trường Tự Do kiểu Mỹ (neo-liberalism) vào một số nước Âu châu đã tác hại ra sao; điển hình là Iceland bị phá sản với nền kinh tế tài chánh, toàn bộ hệ thống ngân hàng tiền tệ hoá thành vàng mã nội trong mấy ngày! Cũng như trong sinh học người y sĩ không thể lắp ghép lung tung, trong văn học chúng ta cũng nên dè dặt trước các thử nghiệm đầu Ngô mình Sở như nhóm thi sĩ Tân Hình Thức Việt Nam trước đây không lâu.

Trần Vũ: Tất cả chúng ta đều cùng chứng kiến tận mắt cái chết của thể thơ Tân Hình Thức mà tạp chí Thơ đã bền bỉ quảng bá suốt mười năm. Bên Pháp chứng kiến cái chết của các phong trào Dada thập niên 20, Tân Tiểu Thuyết thập niên 60-70. Những cái chết vì đi ngược tự nhiên. Chính đời sống và nhu cầu của con người trong khoảnh khắc đời sống này định đoạt, chứ không phải tính ưu việt của lý thuyết. Trưng bày cuộc đời và con người luôn là mục đích, còn lý thuyết áp dụng, hoặc bất kỳ phương tiện nào đều không quan trọng.

Phan Nhiên Hạo: Những bất cập trong việc tiếp nhận lý thuyết như anh Chân Phương lo ngại, tôi nghĩ tự nó sẽ điều chỉnh dần dần khi dân trí được nâng cao. Nhưng muốn nâng cao dân trí thì phải cần đến kiến thức, trong đó có việc giới thiệu lý thuyết từ bên ngoài vào. Cái này nghe như chuyện con gà và quả trứng, cái nào phải có trước đây ? Theo tôi, vấn đề này chỉ có thể được giải quyết bằng một nền giáo dục đại học cởi mở và có chất lượng. Cởi mở theo nghĩa là cho phép dạy lý thuyết một cách đa dạng, thoải mái; còn chất lượng là nó được dạy một cách khách quan, đầy đủ, bởi những giáo sư đúng tiêu chuẩn tối thiểu của giới hàn lâm các nước phát triển (ví dụ trong hoàn cảnh đào tạo tiến sĩ cẩu thả trong nước hiện nay, các giáo sư nên có bằng tiến sĩ ở một đại học Âu Mỹ, hoặc nếu chưa có thì phải đọc được tiếng Anh thông thạo và có nguồn thư viện phong phú, cập nhật). Với một nền giáo dục đại học như vậy, việc du nhập lý thuyết sẽ diễn ra bình tĩnh và tốt đẹp, sẽ không có chỗ cho những anh chột múa gậy vườn hoang.

Tôi không nghĩ là trong văn chương có những thứ lý thuyết “đi ngược tự nhiên” như Trần Vũ nói. Mỗi lý thuyết và trào lưu có thời điểm của nó. Dada đã có thời của nó, và thật ra cái tinh thần phá cách của nó có ảnh hưởng sâu đậm trong lịch sử nghệ thuật hiện đại phương Tây. Tân Hình Thức cũng là một thể thơ nên được tham khảo, như nhiều trường phái thơ khác của Mỹ. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ “cái cách”, tôi nhấn mạnh, “cái cách” mà những lý thuyết và trường phái này được truyền bá và tiếp nhận trong văn nghệ Việt Nam. Người truyền bá thì vừa không vững vàng vừa không khách quan, trong khi người tiếp nhận thì chỉ a tòng mà không tự mình kiểm chứng được. Nếu Tân Hình Thức được giới thiệu một cách từ tốn trong khoa văn các đại học ở Việt Nam, nó đã có thể sống lâu hơn. Chính cái tham vọng ồn ào muốn làm khuôn mẫu cách tân cho thơ Việt, trong khi nó đã cũ ở Mỹ, đã khiến nhiều người hiểu biết dị ứng với Tân Hình Thức, vì họ không muốn bị coi là nhà quê. Và điều này thật ra đáng tiếc, vì lẽ ra một số kỹ thuật của Tân Hình Thức đã có thể được ứng dụng một cách sáng tạo vào thơ Việt.

Nguyễn Viện: Tôi thấy các bạn bàn về lý thuyết hơi nhiều. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tất nhiên Việt Nam cần biết mình đang ở đâu, như thế nào. Nhưng có một câu hỏi sát sườn hơn: Liệu văn học Việt Nam có cần nhập cảng một thứ lý thuyết nào không? Câu trả lời của tôi là không. Bởi vì văn học chính trực không được sinh ra từ lý thuyết, mà văn học đẻ ra lý thuyết. Mỗi nền văn học có một trạng huống thực tế của nó, bắt nguồn từ trạng huống xã hội và cảm thức của nhà văn. Những tác động thật đánh vào bao tử và cân não của nhà văn sẽ tạo ra hiệu ứng về nghệ thuật, tùy thuộc vào mức độ nhà văn đương đầu đến đâu. Chính cái cách thế hành xử của nhà văn trong trạng huống thực tế đó của tác phẩm, cơ may của lý thuyết mới xuất hiện. Tôi chia sẻ với anh Chân Phương về những bi kịch của sự du nhập không đúng chỗ. Tuy nhiên, tôi cũng cần nói lại về việc anh Chân Phương cho rằng cái cần nhất của nhà văn Việt Nam hiện nay là tự do sáng tạo. Hoàn toàn đồng ý, nhưng cái cần nói hơn là sự tự do sáng tạo không bao giờ là cái được phép. Tự do sáng tạo là một ý thức nội tại của mỗi nhà văn.

Chân Phương: Câu “Tự do sáng tạo là một ý thức nội tại của mỗi nhà văn” có thể sơn son thếp vàng treo trước cổng trường viết văn Nguyễn Du, vừa khiến tôi nhớ lại lời Milovan Djilas: “Lao tù là nơi tôi cảm thấy mình có tự do nhất”. Về tự do sáng tạo, suy nghĩ của tôi cũng chẳng khác Viện. Có điều là trong đoạn góp ý phần trên tôi đã đề cập đến tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do xuất bản, là những định chế chính trị phải được pháp luật Việt Nam bảo vệ (vì đã được khẳng định trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế năm 1948). Mặc dù có liên quan nhưng các khái niệm về tự do này không đồng nghĩa và chúng ta nên phân minh khi thảo luận về chúng.

Nguyễn Viện: Anh Chân Phương vẫn hoàn toàn đúng. Các khái niệm về tự do không bao giờ đồng nghĩa với nhau khi nó nằm trong những định chế khác nhau. Nhìn vào quyền xuất bản, ở Việt Nam hoàn toàn không có tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Nhìn vào thực tế sáng tác ở Việt Nam, cũng không thấy có hai thứ tự do căn bản này. Chính vì thế, trong hoàn cảnh này, nhà văn không thể chờ đợi sự cho phép được tự do mới có thể sáng tác (một cách tự do), vì xét cho cùng, cái tự do (được phép) đó vẫn chỉ là một khuôn khổ trong tâm thức nô lệ. Và bởi thế, nhà văn cần tự trang bị cho mình thứ vũ khí “bất khả hủy diệt” và tối thiểu là tự do tinh thần. Đây là điều, nếu anh muốn, không một ai cấm anh được.

Nguyễn Quốc Chánh: Ở phần trao đổi trước các anh có đưa ra hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Ngọc Tư là những tài năng văn chương, và trong phần trao đổi mới đây giữa Viện và Phương có đề cập đến vấn đề “ở Việt Nam hoàn toàn không có tự do tư tưởng và tự do ngôn luận”. Như vậy tài năng văn chương không mâu thuẫn với “tự do tư tưởng và tự do ngôn luận” hay chúng ta phải nhìn tài năng văn chương như thế nào trong điều kiện thiếu tự do tự tưởng và ngôn luận như ở Việt Nam hiện nay? Nếu không Ban Tuyên Huấn có thể cãi rằng, chúng tôi hoàn toàn có tự do tư tưởng và ngôn luận, bởi vì các anh thừa nhận những giá trị văn chương mà chúng tôi xiển dương?

Nguyễn Viện: Có vẻ như chúng ta mâu thuẫn khi cho rằng, các sản phẩm văn chương sẽ là hàng giả khi tách mình ra khỏi chính trị, lại đồng thời công nhận Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Ngọc Tư là những tài năng. Thật ra, bối cảnh ra đời những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp là bối cảnh của thời kỳ đổi mới, tràn đầy hưng phấn và có ít nhiều thông thoáng. Bản thân Nguyễn Huy Thiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu. Còn với Nguyễn Ngọc Tư, bản chất hồn hậu của nhà văn này dường như “vô nhiễm” với các vấn đề chính trị. Nhưng Nguyễn Ngọc Tư cũng từng chịu sóng gió với tác phẩm Cánh Đồng Bất Tận. Chúng ta đừng quên rằng, Liên Xô với sự cai trị của đảng Cộng Sản cũng đã cung hiến cho nhân loại hai nhà văn Nobel. Tài năng bao giờ cũng là biệt lệ. Vấn đề là anh viết thật hay không. Tôi tin là cả Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Ngọc Tư đều đã viết rất thật. Cũng có thể nói thêm, nếu tôi nhớ không lầm, Nguyễn Huy Thiệp đã từng tuyên bố khi ở Paris đại khái rằng, người Việt Nam chưa cần tự do. Có thể hiểu điều này thế nào? Khi đã quen với sự tròn ở trong bầu, có thể người ta không cần biết đến cái dài ở trong ống. Sự thật, có nhiều người Việt Nam, kể cả những người trẻ, hoàn toàn hài lòng với tình trạng “tự do” như hiện nay. Mỗi sáng, tôi đều uống cà phê ở vườn Tao Đàn, nơi những người nuôi chim mang lồng tới phơi (để nó khỏi quên bầu trời?). Và một trong những cái thú của người chơi chim là nghe chim hót. Tôi không biết con chim có quen và hài lòng với cái lồng không, nhưng tôi biết chắc chắn nhiều người Việt Nam quen và hài lòng với cái chuồng “tự do” của mình. Dù sao, con chim ở trong lồng hót vẫn hay đấy chứ.

Trần Vũ: Ban Tuyên Giáo không xiển dương Cánh Đồng Bất Tận và Tướng Về Hưu. Ngọc Tư phải làm kiểm điểm và có nguyên một văn bản của Sô Viết Cà Mau cảnh cáo rồi đề nghị “giáo dục” Ngọc Tư. Chưa đến mức trầm trọng khiến sách phải thu hồi, vì Ngọc Tư khảo sát bề mặt mà không truy tìm nguyên nhân của tệ trạng, Ngọc Tư chỉ vừa chạm đến vạch phấn và ngưng lại lập tức.

Thời kỳ Không Có Vua là thời kỳ trong suốt-Glasnost và tái cấu trúc-Perestroïka của Gorbachev, cho phép tự do ngôn luận nhằm đổi mới thể chế, sang đến Việt Nam thành “cởi trói”. Sự nới lỏng dây thừng này đã tạo nên một giai đoạn sôi nổi. Giai đoạn 1986-1989 hực lên với nhiều tác phẩm sắc sảo cùng sự xuất hiện của một lớp tác giả mới, cũng như sự liều lĩnh của nhiều nhà văn đột ngột tìm lại sinh khí. Chưa ai quên Dị Mộng của Cung Tích Biền, Con Gái Thủy Thần của Nguyển Huy Thiệp, Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài, Ác Mộng của Ngô Ngọc Bội, Những Mảnh Đời Đen Trắng của Nguyễn Quang Lập, Đi Về Nơi Hoang Dã của Nhật Tuấn, Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì của Phùng Gia Lộc, Phiên Chợ Giác của Nguyễn Minh Châu, Bước Qua Lời Nguyền của Tạ Duy Anh hay Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh, v.v. Một chút tự do sáng tác thôi đã xóa sạch bốn muơi năm Văn Học Minh Họa. Rồi trói lại, chậm rãi xiết chặt, leo lét thêm được Mảnh Đất Lắm Người Nhiều Ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến Không Chồng của Dương Hướng, rồi tắt lịm. Còn gì nữa? Có thể kể thêm vài truyện ngắn Đảo Ngụ Cư của Đỗ Phước Tiến, Giấc Ngủ Nơi Trần Thế của Nguyễn Thị Ấm, Đàn Sẻ Gi Bay Ngang Rừng của Võ Thị Xuân Hà, rồi là… truyện ngắn thị trường, tiểu thuyết chợ Đồng Xuân định hướng Hán Nôm. Tất nhiên, tài năng văn chương phải là tất yếu, vì những tài thơ lớn và những tài văn lớn biết vượt thoát, như trường hợp Pasternak sống suốt đời trên đất Nga, hay trường hợp Phùng Cung sáng tác trong âm thầm mà các truyện ngắn Mạt kiếp, Mộ Phách viết vào những năm 1957, 1958, chỉ được công bố ngoài nước năm 2003 vẫn giữ nguyên bút pháp rắn rõi của Phùng Cung. Nhưng thiếu truyền thông tự do, thiếu một thị trường xuất bản lành mạnh, các tài năng văn chương không được biết đến, vì phải chui rúc dưới cống, hay lên mạng chìm trong bát nháo của khối lượng sáng tác ô hợp khổng lồ trên internet, thay vì trở thành một giá trị và niềm tự hào của một xã hội. Và đây là trường hợp của xã hội Việt Nam đang tiêu thụ hàng giả của một nền văn học giả mà vẫn tưởng là hàng thật. Sự đánh tráo này nguy hiểm. Văn học chỉ là một góc của sự đánh tráo khổng lồ, từ lịch sử đến y tế, từ thực phẩm đến thực tế an ninh quốc gia.

Phan Nhiên Hạo: Chắc sẽ không ai phủ nhận Chế Lan Viên là một tài năng lớn của thơ Việt, nhưng cái tư cách trí thức của ông ta, ít nhất trong những năm sống ở miền Bắc sau 1954, là điều làm cho tài năng của ông ta méo mó đi rất nhiều. Cái tư cách trí thức đó đã dẫn đến những bài thơ bợ đỡ giả tạo rất đáng xấu hổ. Trong một xã hội vẫn đầy giả trá và ngạt thở như Việt Nam hôm nay, những nhà văn có tài như Nguyễn Ngọc Tư đến một lúc nào đó sẽ không thể tiếp tục “hồn hậu” và “vô nhiễm” với chính trị. Tôi nghĩ nhà văn lúc mới viết có thể “hồn hậu”, nhưng càng viết anh chị ta — ở đây tôi vẫn đang nói những nhà văn có tài — càng phải trở nên sâu sắc và can đảm. Nguyễn Huy Thiệp không viết được nữa phần lớn có lẽ vì ông ta đi theo hướng ngược lại, cái hướng của hưởng thụ và thỏa hiệp. Trong vòng vài năm nữa nếu Nguyễn Ngọc Tư không dấn thân hơn, tôi nghĩ cô ta sẽ trở nên nhạt nhẽo, mặc dù vẫn là một cây viết điêu luyện.

Nguyễn Quốc Chánh: Vũ đừng quên, Ban Tuyên Giáo là cơ quan chủ quản của Hội Nhà Văn và hai nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và Nguyễn Huy Thiệp đều nhận giải thưởng của hội nhà văn trung ương và thủ đô. Tôi nói xiển dương là trong nghĩa đó, chứ Ban Tuyên Giáo không trực tiếp xiển dương nhưng Ban Tuyên Giáo là ông trùm Sô Viết chuyên chính trị hóa mọi cuộc cài bông và huơ gậy. Và Vũ nhận xét chính xác về Nguyễn Ngọc Tư, “khảo sát bề mặt mà không truy tìm nguyên nhân của tệ trạng, Ngọc Tư chỉ vừa chạm đến vạch phấn và ngưng lại lập tức”. Đó có phải là tình trạng chung của tài năng văn chương trong điều kiện của tuyên giáo Sô Viết.

“Tài năng bao giờ cũng là biệt lệ. Vấn đề là anh viết thật hay không. Tôi tin là cả Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Ngọc Tư đều đã viết rất thật.” Viện đã nói vậy thì tôi hỏi Viện, ông viết có thật không? Nếu thật thì ông có tin rằng tác phẩm của ông cũng sẽ là tài năng văn chương trong điều kiện tuyên giáo Sô Viết?

Nhân đây cũng muốn hỏi thêm Vũ, Hạo và Phương nghĩ gì khi có nhiều nhà văn hải ngoại in sách trong nước? Sự xuất hiện của họ có làm thay đổi những khiếm khuyết của văn chương trong nước, những khiếm khuyết từ giáo dục và văn hóa Tây phương?

Nguyễn Viện: Các bạn thừa biết, viết thật mới chỉ là điều kiện cần và tiên quyết, chứ chưa phải là điều kiện đủ. Còn tài năng hay “phản động” trong “điều kiện tuyên giáo Sô Viết” lại là chuyện khác. Chắc không cần nói thêm.

Trần Vũ: Không quên đâu Chánh. Cũng không quên điều Chánh đã nhắc chừng khi gặp Chánh ở quán cà phê dưới cội đa: “Một số nhà văn của Hội Nhà Văn được chỉ thị để chơi với bên ngoài.” Chánh đã cảnh giác như vậy và bên ngoài đã nhận ra. Sau một thập niên hợp lưu tìm hiểu, bên ngoài đã quá chán các nhà văn phường tuồng của Hội Nhà Văn vì tính chất không thật, bài bản của họ, và ngay chính họ cũng biết không còn được tiếp đón nồng nhiệt, bị tránh mặt. Họ lợi dụng bên ngoài từ chuyện dịch thuật, quảng bá ra thế giới, đến xe cộ, ăn ở, đưa đón, mà không hề có một ước muốn hòa giải thực tâm, hay công nhận những giá trị của bên ngoài hoặc miền Nam cũ. Hợp lưu làm gì với những con người giả? Hợp lưu phải có điều kiện: tiếng nói thật của nhà văn cùng đi tìm lương tri của đất nước. Không hợp lưu với hàng giả. Việc hợp lưu hết mình vô điều kiện trong một thời kỳ dài là sai.

Trên đầu các nhà văn là Hội Nhà Văn, công cụ của Tuyên Giáo, như Chánh đã nêu. Nếu Hội Nhà Văn mất đi ít nhiều chức năng kiểm soát và cai quản vì bị thị trường cạnh tranh, bản chất của Hội Nhà Văn trong một thể chế Sô Viết vẫn là một sân khấu văn học của chế độ. Có nghĩa xiêm y, phông cảnh, đào kép… Làm tài năng văn chương trong điều kiện của Tuyên Giáo, tức là anh sẽ diễn tuồng ăn khách, bằng giọng ca mùi điêu luyện của anh, bên cạnh đào thương vờ phản kháng kịch trường và vờ tiết tháo dưới ánh đèn màu, trước tiếng vỗ tay hoan nghênh các “nghệ sĩ nhân dân ưu tú”… Tài năng phải đi kèm với điều kiện không-thỏa-hiệp, thì mới thực sự là một giá trị. Nhìn ở góc độ này, Phùng Cung là một giá trị. Phùng Cung không có được may mắn của Soljénitsyne và Pasternak được Tây phương quảng bá ngược trở về đất Nga, nhưng ông đã giữ được phẩm cách của một nhà văn cho đến chết, không trơ mặt nhận các giải thưởng “phục hồi”. Phùng Cung làm chúng ta nhớ đến George Sand đã viết nhiều mươi tiểu thuyết. Cuối đời bệnh tật, nghèo túng, bà được Pháp hoàng triệu vời vào cung ban thưởng hai mươi lăm nghìn quan tiền vàng cho sự nghiệp trước tác. Cả một gia tài. Nhưng George Sand đã thẳng thừng khước từ. Thông điệp của Sand gửi những người viết tiểu thuyết mai hậu vô cùng rõ ràng: Không bao giờ thỏa hiệp với quyền lực. Thông điệp này ít được các nhà văn Việt chú ý.

Nhìn chung, Sô Viết rất thành công khi kiểm soát tài năng các nhà văn. Đôi khi để lọt lưới tác phẩm đầu gây tiếng vang, Sô Viết đánh gục ngay tức khắc tác phẩm sau, như trường hợp Phạm Tiến Duật, sau Vòng Trắng không còn gì nữa.

In sách trong nước? Tôi không chống chuyện này, tự do cá nhân của từng người viết, ai muốn in đâu, đăng đâu, là tự do của họ. Tuy vậy, tôi từng chứng kiến tập Trăng Thuê Ảo Ảnh của Nam Dao bị in bìa phẩm lòe loẹt, rồi thi tập Lửa Hương của thi sĩ Huỳnh Mạnh Tiên phải cắt bỏ các bài thơ tâm đắc. Cần giữ tiêu chí không-thỏa-hiệp làm đầu. Nếu in nguyên bản, không sửa, không biên tập, không cắt xén, không sửa chữ, hay tác giả không phải tự kiểm duyệt hoặc tự viết “mềm” đi, thì có thể chấp nhận. Số phận tác phẩm sẽ tùy thuộc vào tài năng của tác giả. Ngược lại, không thể chấp nhận những điều kiện biên tập kể trên. Một khi chấp nhận, là tiếp tay với kiểm duyệt. Nhiều nhà văn nói với tôi: Thay vì chuyển tải về trong nước 100%, thì chuyển tải 80%, hay 70%, không nói được điều này, nói điều khác. Lập luận như vậy là rơi vào hội chứng “một nửa khúc bánh mì” và “một nửa sự thật”. Rơi vào việc lắp ráp tác phẩm dưới sự canh chừng của Tuyên Giáo. Tệ hơn nữa, sáng tác bằng đôi mắt của chính ủy. Thỏa hiệp từng bước sẽ dẫn đến tình trạng của Phạm Duy phải bán sự im lặng của mình.

Khi trong nước đề nghị in truyện ngắn trong các tổng tập thơ văn hải ngoại, tôi giữ quyết định không cho biên tập, và tất nhiên chìm xuồng. Cách đây vài năm, Thận Nhiên thực hiện một tuyển tập ngoài nước, rồi cũng chìm xuồng ở khâu kiểm duyệt. Nhưng phải sòng phẳng với chính mình: tôi đã không cho bất kỳ các tập san hay trang web nào ngoài nước biên tập, vậy thì lý do gì chấp nhận điều mình đã không chấp nhận đối với những chủ bút di dân, còn là bạn mình? Thậm chí với Hồng Lĩnh, Flammarion, Granta, Hyperion, Philippe Picquier là các nhà xuất bản và tập san đã trả tác quyền đàng hoàng khi in tác phẩm, tôi vẫn giữ điều kiện này. Việc gì phải quỵ lụy? Niềm tin vào tám mươi sáu triệu độc giả là một niềm tin ảo vọng.

Về câu hỏi của Chánh: “Sự xuất hiện của các nhà văn di dân có làm thay đổi những khiếm khuyết của văn chương trong nước…”

Câu trả lời là Không. Vì quá ít và dị dạng, do hệ thống kiểm duyệt đã thanh lọc những tác phẩm đặt vấn đề. Ngày nào trường thiên Mùa Biển Động in trong nước, khi đó mới có dấu hiệu thay đổi, vì sẽ phải đề cập công khai đến thảm sát Mậu Thân và nội chiến Nam-Bắc mà Nguyễn Mộng Giác đã ghi lại từ sự tan vỡ của biến động miền Trung.

Để tạo sinh khí mới, chỉ cần in lại toàn bộ văn học miền Nam còn lưu trữ rồi giới thiệu công khai nền văn học ngã đạn này cũng đủ tạo ra kích thích trong sinh hoạt. Vì sao các nhà nghiên cứu của Viện Văn Học như Phạm Xuân Nguyên hay Vương Trí Nhàn có thể tham khảo văn học miền Nam mà cả nước không được xem? Họ nghiên cứu điều gì sao không thấy công trình nghiên cứu? Tương tự, muốn thay đổi “những khiếm khuyết từ giáo dục và văn hóa Tây phương”, cần tháo hàng rào kiểm duyệt trên thị trường sách báo và truyền thông. Chỉ với điều kiện này, các trung tâm phát hành mới có thể nhập về khối lượng lớn sách báo của nhân loại, và các trường đại học mới có thể giảng dạy khách quan mà không bị khép tội “xuyên tạc lịch sử”.

Phan Nhiên Hạo: Anh Chánh hỏi chuyện nhà văn hải ngoại đem sách về in trong nước. Tôi nghĩ trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay, khi đang có dấu hiệu đàn áp trí thức, nhà văn hải ngoại không nên đem sách về in trong nước. Trước đây, người ta có thể làm điều này với hy vọng sẽ tạo tiền đề cho những cởi mở văn nghệ trong nước, nhưng rõ ràng qua thời gian, chuyện này đã chứng tỏ là ảo tưởng. Hiện nay, cần nhận rõ nhà nước họ chỉ xử dụng nhà văn hải ngoại cho mục đích chính trị lôi kéo “khúc ruột ngàn dặm” của họ, chứ không phải muốn tạo môi trường cho văn chương hải ngoại xuất hiện với bộ mặt thật trong nước. Điều tôi không thích là thái độ rất không hay của vài nhà văn hải ngoại đem sách về in ở Việt Nam. Ví dụ đem sách về in, nếu được báo chí bên trong “cài bông” — hình ảnh này của anh Chánh quá ngộ — thì vênh váo, còn nếu bị thu hồi gì đó thì la làng, tổ chức bàn thảo. Đã chơi bạc với Mafia thì “được ăn thua chịu” chứ còn la làng cái nỗi gì. Một nhà văn nữ khác, đem sách về in và được trao giải thưởng, khi được phỏng vấn đã nói những câu bỉ thử về cố gắng xuất bản của các nhà văn ở ngoài này, như họ phải tự bỏ tiền ra in rồi đem sách đi biếu không cho thiên hạ, v.v.  Khó khăn kinh tế của ngành xuất bản hải ngoại là một sự thật, nhưng nó vẫn là xuất bản tự do, và vì vậy nó đáng được trân trọng, ủng hộ, chứ không phải bị dè biểu.

Tôi nghĩ văn nghệ hải ngoại có những đóng góp rất tích cực vào văn chương Việt. Và sự đóng góp này đang diễn ra qua con đường văn chương xuất hiện trên internet và qua những cuốn sách in ngoài này rồi được gởi về trong nước, thậm chí qua quan hệ cá nhân giữa một số nhà văn hải ngoại và trong nước. Văn chương hải ngoại hiện nay không cần phải được in trong nước để có thể đóng góp vào văn chương Việt, mặc dù khi đất nước có tự do, tôi sẽ rất hạnh phúc để in sách trong nước, lãnh tiền nhuận bút đãi bạn bè, và đi ra mắt sách ở các trường đại học, thư viện, quán café.

Chân Phương: Vũ với Hạo đã nêu nhiều ý kiến xác đáng về văn nghệ hải ngoại và văn nghệ “Hội Nhà Văn”. Đến đây nổi cộm hai vấn đề:1. Tài năng và thoả hiệp; 2. Tự do sáng tạo và chế độ toàn trị. Cuộc thảo luận đã kéo dài nên tôi cố gắng nói ngắn, và hy vọng giải đáp phần nào đôi điều thắc mắc của Chánh. ( Lúc khác chúng ta có thể làm cuộc bàn tròn mới đào sâu hai vấn đề này).

1. George Sand, Victor Hugo, Solzhenitsyn, Vaclav Havel, và nhiều danh nhân khác đã không thoả hiệp với quyền lực chính trị để khỏi bẻ cong cây bút của tài năng và lương tâm. Nhưng đây chỉ mới là mối hiểm nguy trực diện dễ thấy nhất. Còn nhiều thứ khác vừa đe dọa vừa cám dỗ giới văn nhân thi sĩ: quyền lợi hữu hình (tiền bạc, thị trường, giải thưởng, quan hệ rượu thịt…) và vô hình (danh vọng,uy thế, sự ngưỡng mộ, lòng tự ái…). Ít ai hiểu rằng hào quang của thành đạt là một loại bẫy chuột cũng như cái tôi đáng ghét là kẻ thù truyền kiếp của từng con người, không riêng gì giới sáng tác.

2. Sáng tạo là xung lực nội tại không có gì ngăn chặn được, đặc biệt trong giới văn nghệ. Không bao giờ họ cần xin phép chế độ để sáng tác, dù viết xong phải chôn giấu hoặc học thuộc lòng như những kẻ ở trong tù! Và họ có trí khôn xuyên lịch sử biết rằng có ngày Tần-Hán cũng suy vong! Còn các chế độ toàn trị chẳng phải là khối núi từ trời rơi xuống mà cũng bị các chứng bệnh của quyền lực do khủng hoảng, mất phương hướng, xung đột nội bộ, đe dọa ngoại xâm, biến động quốc tế… liên tục gây ra. Những lúc đó tập đoàn cực quyền, vừa khôn khéo thủ đoạn vừa lưu manh cơ hội, sẽ ôm hôn thắm thiết giới văn nghệ sĩ để vô hiệu hoá đám người nhạy cảm nóng tính này đồng thời đánh bóng cái chuồng trại văn hoá gớm ghiếc của chế độ (thật ra, lâu lâu một lần cũng cần cho nó một lớp sơn giả cầy). Chắc các bạn còn nhớ vào cuối năm 1962 chính Krushchev và Trung Ương Đảng đã cho phép xuất bản Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovich của Solzhenitsyn, và tiểu thuyết này đã lọt vào vòng chung kết của giải văn học Lénin năm 1964. Nhưng có vài nhân vật trong tiểu ban trao giải đã vu cáo cho tác giả tội phản quốc để chống lại sự tuyển chọn của tiểu ban này. Và sau đó cũng chính Trung Ương Đảng Sô Viết đã cấm xuất bản và tịch thu bản thảo tiểu thuyết Tầng Đầu Địa Ngục vào cuối hè 1965, sau khi đã hạ bệ Krushchev và tái ổn định mọi chuồng trại của thiên đường đỏ. Và trò hề này cũng đã diễn đi diễn lại nhiều lần ở các nước cộng sản chư hầu, í a rằng í a…

Vậy bài học mà giới cầm bút Việt Nam cần đúc kết là: Trong chính sách cai thầu văn hóa của một đảng toàn trị, ôm hôn thắm thiết khi cần, trao tặng giải thưởng cũng nên, thậm chí dùng thượng sách kết nạp vào tổ chức đảng và ban phát quyền hành càng tốt; nhưng tuyệt đối không tháo khoán về mặt định chế, không bao giờ chấp nhận tự do tư tưởng với tự do ngôn luận như là quyền công dân bình thường vì các định chế này đe dọa sự sống còn của chế độ. Nói cách khác, trong cái lồng chim sơn son dù chị hát karaoke hoặc múa sex, dù anh đọc thơ Hậu Hiện Đại hay ngâm cổ phong, dù bác lý luận Âu-Mỹ rồi lập thuyết phương Đông… công an tư tưởng với mật vụ văn hóa đều hoan nghênh tất. Nhưng nếu ai đó có ý kiến thắc mắc về tự sự của lồng chim thì người ấy sẽ được nếm mùi thực tế của xà lim…

Phan Nhiên Hạo: Với ý kiến của anh Chân Phương, chúng ta đồng ý tạm dừng cuộc thảo luận ở đây. Chúng ta đã mở đầu cuộc thảo luận bàn về quan hệ giữa văn chương và chính trị, và chúng ta cũng kết thúc cuộc thảo luận với đề tài này, mặc dù không chủ định như vậy. Xem ra chính trị vẫn là quan tâm hàng đầu của chúng ta. Dĩ nhiên chính trị ở đây, như đã được đề cập, là chính trị trong ngữ cảnh văn chương, chứ không phải loại chính trị của những người “hoạt động chính trị”. Chúng ta là những nhà văn nói về chính trị từ khía cạnh trí thức, bày tỏ những quan tâm cụ thể đến tự do sáng tạo và xuất bản, đến cái môi trường văn chương Việt Nam mà không may cho đến lúc này vẫn bị khống chế bởi thể chế toàn trị. Dĩ nhiên nhà văn nên cố “tu luyện” tự do tinh thần nội tại, nhưng cái tự do này dù quan trọng đến đâu vẫn khác và không thay thế được tự do ngôn luận của một xã hội dân chủ. Tôi nghĩ chúng ta đã nói rạch ròi về điều này.

Một vấn đề nổi bật khác trong cuộc thảo luận là lý thuyết văn học. Tôi đã không hình dung chúng ta sẽ bàn nhiều đến đề tài này như vậy. Và cũng chính trong đề tài này, chúng ta đã cho thấy có những khác biệt, không như không khí tương đối đồng thuận khi bàn về quan hệ giữa văn chương và chính trị. Sự khác biệt giữa chúng ta trong vấn đề lý thuyết có nguyên nhân chủ yếu là khác biệt từ môi trường sống, từ đó dẫn đến những khác biệt trong điều kiện tiếp cận với các lý thuyết Tây phương. Trong vấn đề lý thuyết, có lúc dường như chúng ta đã chia làm hai “phe”, trong nước và hải ngoại. Tuy khác biệt, tất cả chúng ta lại có điểm chung là đang nói về lý thuyết từ góc độ của người sáng tác chứ không phải của người làm phê bình lý luận; chúng ta nhìn lý thuyết với tư cách là công cụ trợ giúp cho sáng tác, chứ không đi sâu vào bản thân các lý thuyết. Nhưng điều này tiềm ẩn một nguy cơ, nó khiến cho những ý kiến về lý thuyết của chúng ta có thể nặng cảm tính và dễ bị bắt bẻ nếu có người muốn làm như vậy.

Cuộc thảo luận khá dài, và tôi nghĩ chúng ta đã nói được nhiều điều quan trọng, một cách rất thẳng thắn. Có thể một số ý kiến của chúng ta sẽ bị người đọc xem là không đầy đủ hoặc thiếu chính xác. Nhưng tôi nghĩ tất cả đều là những ý kiến chân thành, mạnh mẽ, không lòng vòng màu mè, không hoạt đầu tính toán. Tuy có những khác biệt, chúng ta giống nhau ở chỗ đều là những người viết đã dứt khoát chọn cho mình vị thế “ngoài lề” trong tương quan với nền văn chương “chính thống” kiểu chuồng trại.

Cuộc thảo luận được thực hiện qua email. Đây là chuyện thú vị của thời buổi internet, giúp sáu người chúng ta vẫn “ngồi” lại được với nhau dù đang sống ở ba đại lục, thậm chí có người như anh Trịnh Cung và anh Chân Phương trong thời gian thảo luận cũng liên tục di chuyển. Nhưng một cuộc thảo luận qua email cũng có những bất tiện. Cái bất tiện lớn nhất như anh Chân Phương đã đề cập, là chúng ta không thấy mặt nhau, ngôn ngữ không đi kèm ánh mắt, tiếng cười, và điều này đôi khi đã tạo ra chút căng thẳng. Nhưng chính chút “đụng độ” này đã làm cho cuộc thảo luận sinh động, tự nhiên. Tôi hy vọng khi đọc bài này, đọc giả sẽ thấy đây là cuộc trò chuyện thoải mái giữa những người bạn sáng tác, chứ không phải một hội nghị hàn lâm. Tất cả những ý kiến đều được viết nhanh, và nằm trong ngữ cảnh một cuộc đàm thoại, là nơi không đủ chỗ cho việc trích dẫn, chứng minh, phân tích sâu vào chi tiết. Cuộc thảo luận cũng hoàn toàn không nhằm tuyên bố một cái gì có tính tập thể, tuyên ngôn.

Một lần nữa cảm ơn các anh Nguyễn Quốc Chánh, Trịnh Cung, Chân Phương, Nguyễn Viện và Trần Vũ đã tham gia cuộc thảo luận này, một cách nhiệt tình và kiên nhẫn. Hẹn ngày tất cả chúng ta cùng ngồi lại với nhau quanh một bàn café thực — chứ không phải bàn café ảo như hôm nay — đâu đó ở Paris, Boston, Chicago, Sài Gòn, hay Đà Lạt.

(tháng 7 và 8, 2009)

3 bình luận về “Nguyễn Quốc Chánh, Trịnh Cung, Phan Nhiên Hạo, Chân Phương, Nguyễn Viện, Trần Vũ – Văn chương hôm nay nhìn từ ngoài lề (2)

  1. Thương Nguyên 8 Tháng Chín 2009 / 4:16 chiều

    cái chết không thể phủ nhận sự sống
    “chết không phải là hết
    chết là chết”
    (diễm châu)
    tội nghiệp cho tân hình thức việt
    vẫn khoẻ mạnh nhưng đã bị khai tử
    tân tiểu thuyết cớ chi phải là cái gánh nặng
    mà không là một cái gì khác đẹp đẻ hơn
    đâu có ai bắt ta phải mang nó
    thiển nghĩ nếu là cái gánh
    thì chắc chắn cái gánh tiểu thuyết cổ điển
    kể một câu chuyện có đầu có đuôi
    từ đầu tới cuối
    sẽ trĩu nhiều hơn chứ
    thực ra tiểu thuyết mới không từ đất nứt
    chui lên
    mà là sự hút nhụy
    từ tác phẩm của joyce proust dostoievski
    kafka musil borges
    vân vân và vân vân
    dada nouveau roman có thể đã chết
    vì hiện giờ không có tác phẩm thuần túy
    nhưng có ai dám chối cãi
    ảnh hưởng của chúng trong ngày hôm nay
    tóm lại
    con phượng hoàng của văn nghệ
    luôn luôn tái sinh từ tàn tro của nó
    tân hình thức tiểu thuyết mới dada đã chết
    vạn tuế dada tiểu thuyết mới tân hình thức

  2. Lam truong Phong 6 Tháng Chín 2009 / 7:11 chiều

    Tôi đồng ý với nhà văn Trần Vũ về nghi vấn những tác phẩm của những người viết hải ngoại chắc gì được in nguyên vẹn khi ấn hành ở Viet Nam, bởi vì chế độ ở Viet Nam vẫn là chế độ toàn trị Đề nghị ban chủ trương litviẹtcom có thể mở một hội thảo bàn tròn vởi những nhà văn như: Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao, Đỗ Kh., Mai Ninh,.. nhà phê bình văn học văn học như Bùi Vĩnh Phúc, nhà viết sử như Tạ Chí Đại Trường đã từng có tác phẩm in trong nước, hầu đẽ làm sáng tỏ nghi vấn này với những độc giã tại hải ngoại Trân trọng cảm ơn trước

  3. Hải Đường 6 Tháng Chín 2009 / 2:08 chiều

    Sự khác biệt lớn nhất giữa 3 người viết trong nước và 3 người viết hải ngoại là sự khác nhau về địa lý, cùng đất VN nhưng ở trong lòng nó khác hẳn đứng ngoài nhìn vào. Bởi vậy 3 người trong nước thực ra đi tìm công cụ thể hiện văn chương của họ, còn 3 người hải ngoại lại đòi hỏi chất lượng văn chương khi viết. Nếu không nhấn mạnh sự khác biệt địa lý này thì hoặc…cãi nhau cả ngày,hoặc…ai cũng đúng.

    Chỉ người viết hải ngoại mới nâng cấp chất lượng văn chương theo thời đại được thôi, vì môi trường sống và ngoại ngữ buộc họ phải khái quát hóa và học hỏi từ văn dịch. Nhưng chỉ người viết trong nước mới tìm ra công cụ thể hiện phù hợp với cái văn hóa của một cơ thể xh VN sống hiện nay mà thôi, dân viết hải ngoại…nằm mơ cũng không có, dù hiện thực sống ấy nhố nhăng đến đâu.

    Tôi nghĩ rằng sau cùng sẽ dẫn đến viễn cảnh giống như mấy nước Đông Âu hậu cộng sản: thể chế chính trị thay đổi xong những gì bị cấm sẽ lập tức lên ngôi, còn dân trong nước ngấy tất cả những gì có liên quan đến chế độ cũ, họ sẽ vứt hết, đến nghe tên mấy người hay viết trước đó người ta cũng không muốn nghe.

    Bởi vậy người viết hải ngoại có thể làm việc cho tương lai, còn người viết trong nước chỉ đối phó với văn chương chính thống hiện tại thôi, định hướng cho người viết hải ngoại rộng hơn,sâu sắc hơn và khổ công hơn, trong đó cần khai thác mảng dịch như một lợi thế,nói chung chỉ cần họ nhìn rõ hướng đi của mình…

Ý kiến

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.