Phạm Viêm Phương dịch
(trích bút ký İstanbul: Hatıralar ve Şehir)
Từ lúc còn rất nhỏ, tôi đã ngờ rằng có nhiều thứ đối với thế giới của tôi hơn mức tôi thấy được: đâu đó trên những đường phố Istanbul, trong một ngôi nhà giống căn của chúng tôi, có sống một Orhan khác giống tôi đến độ người ta có thể lầm hắn là anh em sinh đôi của tôi, hay thậm chí kẻ song trùng với tôi. Tôi không nhớ được mình lấy ý nghĩ này từ đâu hay nó đến với tôi thế nào. Hẳn nó đã xuất phát từ một mạng lưới những lời đồn đãi, hiểu lầm, ảo giác và sợ hãi. Nhưng trong số những ký ức xa xăm nhất của tôi, cái việc tôi đi tới chỗ cảm thấy thế nào về bản sao ma quái kia của tôi thì đã rõ.
Khi lên năm, tôi được gửi tới sống ít lâu với bà dì ở khu Cihangir gần đó. Treo trên tường trong căn nhà này, nơi tôi được đối xử với sự tử tế tột đỉnh, là bức ảnh một đứa bé. Thỉnh thoảng, dì hoặc chú tôi lại chỉ vào nó và mỉm cười nói, “Xem kìa! Chính cháu đó.”
Cậu bé dễ thương có đôi mắt thỏ trong khung hình trắng nho nhỏ đó trông hơi giống tôi, quả thật thế. Nó còn đội kiểu mũ lưỡi trai mà đôi khi tôi vẫn đội. Tôi biết mình không phải cậu bé trong ảnh (một biểu trưng huê dạng về một “đứa bé dễ thương” mà ai đó đã mua từ châu Âu về). Và tôi vẫn cứ tự hỏi – phải chăng đây là Orhan đang sống trong cái nhà khác kia?
Dĩ nhiên bây giờ tôi cũng đang sống trong một ngôi nhà khác. Chuyện cứ như tôi đã phải dọn tới đây trước khi gặp được người anh em sinh đôi của mình, nhưng vì tôi chỉ muốn trở về ngôi nhà đích thực của mình, nên tôi chẳng thích thú gì với ý tưởng làm quen với hắn. Mỗi lần dì chú chọc ghẹo tôi về chuyện là thằng bé trong ảnh, tôi lại cảm thấy tâm trí mình sáng tỏ ra: những ý nghĩ của tôi về chính mình, ngôi nhà của tôi, bức ảnh của tôi và bức ảnh tôi giống, thằng bé trông giống tôi, và ngôi nhà khác kia thường lướt quanh trong một cảnh lộn xộn mà nó khiến tôi lại càng mong được về lại nhà mình, ở giữa gia đình tôi.
Rồi ước mơ của tôi thành sự thật. Nhưng bóng ma của tên Orhan kia trong căn nhà khác ở đâu đó tại Istanbul này chẳng bao giờ rời bỏ tôi. Suốt tuổi thơ của tôi và tới tận tuổi thanh niên, hắn cứ ám ảnh những ý nghĩ của tôi. Vào những đêm mùa đông, đi bộ qua những con đường thành phố, tôi thường nhìn vào nhà của người khác qua ánh sáng màu cam nhạt của mái ấm và mơ tới những gia đình bình yên, hạnh phúc sống những cuộc đời thoải mái. Rồi tôi thường rùng mình, nghĩ rằng tên Orhan kia có thể đang sống ở một trong những ngôi nhà đó. Khi lớn hơn, bóng ma đó trở thành một hoang tưởng và hoang tưởng đó trở thành một ác mộng cứ trở đi trở lại. Trong một số giấc mơ tôi có thể chào tên Orhan này – luôn luôn trong một ngôi nhà khác – bằng những tiếng rú kinh hoàng; trong mấy giấc mơ khác hai đứa tôi có thể nhìn nhau chằm chằm trong sự im lặng kỳ dị, tàn bạo. Sau đó, khi chập chờn trong giấc ngủ, tôi thường bấu víu dữ dội hơn bao giờ hết vào gối, vào ngôi nhà, con đường, nơi chốn của tôi trong thế giới này.
Đến đây chúng ta tới cốt lõi của vấn đề: Tôi chưa từng ra khỏi Istanbul – chưa bao giờ rời khỏi những ngôi nhà, đường phố và những khu lân cận của tuổi thơ tôi. Mặc dù thỉnh thoảng tôi sống ở những khu khác, nhưng năm mươi năm nay tôi vẫn trở lại nơi tôi chụp những bức ảnh đầu tiên và nơi mẹ tôi lần đầu tiên ôm tôi trong tay bà để cho tôi thấy thế giới. Tôi biết sự dai dẳng này này ít nhiều là do người bạn tưởng tượng đó, và do niềm an ủi tôi có được từ mối ràng buộc giữa hai chúng tôi.
Nhưng chúng ta sống trong một thời đại của di trú ồ ạt và những di dân đầy sáng tạo, và thế nên đôi khi tôi thấy khó mà giải thích tại sao tôi cứ không chỉ ở cùng một chỗ, mà còn ở cùng một ngôi nhà. Giọng nói rầu rĩ của mẹ tôi vọng đến với tôi, “Sao con không ra ngoài ít lâu, sao con không thử thay đổi khung cảnh, du lịch đâu đó…?”
Conrad, Nabokov, Naipaul – đó là những nhà văn nổi tiếng vì đã xoay xở để di chuyển được giữa những ngôn ngữ, nền văn hóa, quốc gia, lục địa, thậm chí cả những nền văn minh khác nhau. Những tưởng tượng của họ được nuôi dưỡng bằng sự lưu đày, một dưỡng chất rút ra được không phải qua những cội rễ mà qua tình trạng phi cội rễ; tuy nhiên, sự tưởng tượng của tôi lại đòi hỏi tôi ở nguyên trong thành phố ấy, trên con phố ấy, trong căn nhà ấy, nhìn ra cùng một quang cảnh ấy. Số phận của Istanbul là số phận của tôi: tôi bị gắn với thành phố này bởi vì nó đã biến tôi thành con người tôi hiện nay.
Flaubert, người đã ghé thăm Istanbul 102 năm trước khi tôi ra đời, đã ngạc nhiên trước tính đa dạng của cuộc sống trên những con phố đông đúc của thành phố này; trong một lá thư ông đã tiên đoán rằng trong vòng một thế kỷ nữa đây sẽ là kinh đô của thế giới. Điều ngược lại đã thành hiện thực: sau khi đế quốc Ottoman sụp đổ, thế giới hầu như quên rằng Istanbul từng tồn tại trên đời. Thành phố nơi tôi sinh ra đã nghèo hơn, tồi tàn hơn, và cô lập hơn bao giờ hết trong lịch sử 2000 năm của nó. Với tôi nó luôn là một thành phố của những phế tích và của nỗi u hoài kết-thúc-đế-chế.
Những căn hộ của chúng tôi được xây ở rìa một lô đất rộng tại Nisantasi, nơi từng là khu vườn thuộc dinh thự của một tổng trấn. Tên gọi “Nisantasi” (tảng đá đích) phát sinh từ thời của những tiểu vương cải cách, Âu hóa vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 (Selim III và Mahmut II) người đã đặt những tấm đá trên các ngọn đồi trọc phía trên thành phố tại những bãi đất nơi họ tập bắn súng và bắn cung; những tấm đá này đánh dấu vị trí một mũi tên rơi xuống hoặc nơi một món đồ gốm bị vỡ tung vì một viên đạn và thường có khắc ghi một hai dòng mô tả chuyện đã xảy ra.
Những trường học đầu tiên của tôi nằm trong dinh thự Tổng trấn Yusufizzeddin, và dinh thự Đại tể tướng Halil Rifat. Mỗi tòa dinh thự rồi đều bị cháy và tiêu hủy khi tôi còn học ở đó, ngay cả khi tôi đang chơi bóng đá trong vườn. Thực tế, dinh thự bằng đá duy nhất còn đứng vững ở khu lân cận của tôi là tư dinh cũ của một đại tể tướng vốn được chuyển giao cho chính quyền thành phố sau khi đế quốc Ottoman sụp đổ và thủ đô được dời sang Ankara. Những khu còn lại – các dinh thự nơi quan chức Ottoman vẫn mua vui cho các sứ thần ngoại quốc, và các dinh thự của các con gái của tiểu vương Abdulhamin II hồi thế kỷ 19 – tôi chỉ nhớ được hình ảnh của chúng như những bộ khung bằng đá đổ nát với những cửa sổ toang hoác và những cầu thang gẫy đổ chìm trong bóng những cây dương xỉ diều hâu và cây vả không được chăm sóc; nhớ lại chúng là cảm thấy nỗi buồn sâu thẳm mà chúng gợi lên trong tôi lúc còn nhỏ xíu. Đến cuối thập niên 1950, hầu hết những dinh thự này đã bị thiêu rụi hoặc phá hủy để dọn chỗ cho những tòa chúng cư.
Nhìn những dinh thự của các tổng trấn cháy rụi, gia đình tôi vẫn giữ vẻ bình thản lạnh lùng – y như thái độ của chúng tôi trước những câu chuyện về các ông hoàng điên loạn, những con nghiện thuốc phiện trong hậu cung hoàng gia, những đứa trẻ bị nhốt trên rầm thượng, đám con gái của vị tiểu vương phản trắc và những đại thần bị ám sát hoặc lưu đày – và sau cùng là sự suy stàn và sụp đổ của chính đế chế. Và khi chúng tôi ở Nisantasi nhìn nó, nền cộng hòa đã phế bỏ các tổng trấn, hoàng thân và đại thần và, thế cho nên, những dinh thự trống rỗng họ bỏ lại chỉ là những đống kỳ dị đổ nát.
Tuy vậy, nỗi u hoài của nền văn hóa hấp hối này vẫn đầy quanh chúng tôi. Có thể khát khao muốn Âu hóa và hiện đại hóa là rất lớn, nhưng có vẻ như ước mong tuyệt vọng hơn là muốn thoát khỏi mọi ký ức cay đắng về đế quốc đã sụp đổ: tựa như một tình nhân bị phụ bạc vất bỏ những áo quần, vật dụng và hình ảnh của người yêu đã mất của mình. Nhưng chẳng có gì, của phương Tây hay bản xứ, đến để lấp đầy khoảng trống, nỗ lực Âu hóa quyết liệt chủ yếu lại đi tới việc xóa bỏ quá khứ, ảnh hưởng đối với văn hóa lại có tính rút giảm và kềm hãm, khiến những gia đình như gia đình tôi, thường ra thì hoan hỉ với tiến bộ của nền cộng hòa, lại trang bị nhà của họ như những viện bảo tàng. Điều mà sau này tôi hiểu là nỗi u hoài bao trùm và điều bí ẩn, thì ở tuổi thơ tôi thấy nó là nỗi chán chường và u ám, một sự buồn nản tẻ ngắt mà tôi đồng hóa với loại nhạc alaturka cổ truyền mà bà ngoại tôi thường đánh nhịp chân theo: tôi chạy trốn khỏi tình trạng này bằng cách nuôi dưỡng những giấc mơ.
Cho đến khi lên mười, tôi đã có một hình ảnh rất rõ ràng về Thượng đế: tàn tạ vì tuổi tác, quấn trong những tấm khăn trắng, Thượng đế có lớp vỏ đại khái giống một phụ nữ cực kỳ đáng kính. Tuy Bà Thượng đế tương tự một con người, nhưng lại giống các bóng ma tràn ngập trong các giấc mơ của tôi hơn: tuyệt chẳng giống bất kỳ ai mà tôi có thể gặp trên phố. Bởi vì khi xuất hiện trước mắt tôi, Bà thường bị lộn ngược và hơi xoay qua một bên. Những con ma trong thế giới tưởng tượng của tôi bẽn lẽn nhòa vào hậu cảnh ngay khi tôi nhận ra chúng, nhưng rồi đến Bà cũng vậy: sau một đoạn hình ảnh đẹp đẽ về thế giới xung quanh mà bạn vẫn thấy trong một số phim ảnh và mẩu quảng cáo trên ti vi, hình ảnh của Bà thường rõ nét hơn và Bà bắt đầu thăng thiên, mờ dần khi Bà lên tới chỗ của riêng Bà trong đám mây. Những nếp gấp trên khăn trùm đầu của Bà cũng rõ nét và tỉ mỉ như những nếp gấp tôi nhìn thấy ở các bức tượng và tranh minh họa trong sách lịch sử, và chúng che phủ toàn thân Bà – nên tôi không thấy được chân hay tay Bà. Mỗi khi hình ảnh mờ ảo này hiện ra trước mắt, tôi lại cảm thấy một sự hiện diện mạnh mẽ, uy nghi và phấn khích, nhưng lại ít sợ hãi đến ngạc nhiên. Tôi không nhớ mình có bao giờ cầu xin Bà giúp đỡ hay hướng dẫn không. Tôi chỉ ý thức rất rõ rằng Bà không quan tâm lắm đến những người như tôi: Bà chỉ ưu tư về người nghèo.
Những người trong nhà tôi hứng thú với bóng ma này chỉ gồm những bà đầy tớ và đầu bếp. Tuy tôi cũng mơ hồ hiểu rằng, ít nhất về lý thuyết, rằng tình thương của Thượng đế vượt khỏi những người này để đến với mọi người dưới mái nhà chúng tôi, nhưng tôi cũng biết rằng những người như chúng tôi đã đủ may mắn để không cần đến điều đó. Thượng đế có mặt để giúp những người đau khổ, đem lại thoải mái cho những người nghèo đến độ không thể dạy dỗ con cái, để giúp những kẻ ăn mày trên phố luôn kêu gào tên của Bà và giúp đỡ những kẻ ngây thơ có tâm hồn thuần khiết trong những giờ phút khó khăn. Bởi thế cho nên, nếu mẹ tôi nghe nói một cơn bão tuyết đã cắt mọi con đường dẫn đến những ngôi làng xa xôi, hoặc tin tức về những người nghèo rơi vào cảnh vô gia cư vì động đất, bà thường nói, “Cầu Thượng đế thương xót họ!” Nó ít có vẻ một lời cầu xin giúp đỡ mà giống như sự diễn tả một mặc cảm tội lỗi thoáng qua mà người khá giả thường cảm thấy trong những lúc như vậy; nó giúp ta vượt qua sự trống rỗng của nhận thức rằng chúng ta chẳng làm gì để cứu trợ họ.
Là tạo vật của lý luận, chúng ta tin chắc một cách hợp lý rằng sự hiện diện dịu dàng và lâu đời vốn che giấu vẻ rực rỡ của nó sau vô số những lớp khăn quàng trắng đó thường không thích lắng nghe chúng ta. Rốt cuộc, chúng ta đã chẳng làm gì cho Bà. Trong khi những đầu bếp và đầy tớ trong chúng cư của chúng tôi, và tất cả người nghèo quanh chúng tôi, đã phải làm việc cật lực, nắm lấy mọi cơ hội, để tiếp xúc được với Bà; họ thậm chí ăn chay cả một tháng mỗi năm, mỗi khi không hầu hạ chúng tôi, bà đầy tớ Esma Hanim của chúng tôi lại chạy về căn phòng nhỏ xíu của bà để trải thảm ra và cầu nguyện; mỗi khi cảm thấy hạnh phúc, buồn bã, vui sướng, sợ hãi hay giận dữ, bà đều nhớ tới Thượng đế: bất cứ lúc nào mở hay đóng cửa, làm bất cứ việc gì lần đầu tiên hay cuối cùng, bà đều gọi tên Bà rồi thì thầm một vài điều khác nữa.
Ngoài những giây lát đó khi chúng ta buộc phải nhớ tới mối liên hệ bí ẩn giữa Bà với người nghèo thì Thượng đế không quấy rầy chúng ta một cách thiếu chính đáng. Bạn hầu như có thể nói quả là nhẹ nhõm khi biết rằng họ trông chờ một ai khác cứu vãn đời họ, rằng có một quyền năng khác có thể giúp “mang đỡ gánh nặng của họ.” Nhưng sự dễ chịu của ý nghĩ này đôi khi bị tan mất vì nỗi e sợ rằng một ngày kia người nghèo có thể dùng mối quan hệ đặc biệt của họ với Thượng đế để chống lại chúng ta.
Tôi nhớ nỗi bồn chồn mình cảm thấy đôi lần – do tò mò hơn là do buồn chán – khi tôi nhìn bà đầy tớ lớn tuổi của nhà tôi cầu nguyện. Nhìn qua khung cửa mở hé, Esma Hanim của nhà tôi trông thật giống Thượng đế theo tưởng tượng của tôi: hơi quay nghiêng đi trên tấm thảm cầu nguyện, bà thường chậm rãi gập người xuống để chạm trán vào thảm, bà thẳng người dậy chỉ để cúi xuống lại và lúc này, khi phủ phục ở đó, bà trông cứ như đang van xin, chấp nhận vị trí hèn kém của mình trong thế giới này; không biết rõ lắm tại sao, tôi đã cảm thấy bồn chồn và hơi giận dữ. Bà chỉ cầu nguyện khi không có công việc gì thúc bách và không có ai khác ở nhà, và sự im lặng, chốc chốc lại bị phá vỡ vì tiếng cầu kinh thì thào, khiến tôi lo sợ.
Thỉnh thoảng, khi Esma Hanim đang cầu nguyện, điện thoại có thể reo, hoặc mẹ tôi, chợt cần đến đầy tớ vì việc gì đó, có thể cất tiếng gọi bà. Lúc đó nhiệm vụ của tôi là chạy thẳng tới mẹ tôi để báo rằng bà ấy đang cầu nguyện. Đôi khi tôi làm việc này là do thiện tâm, và đôi khi là do bị thôi thúc vì cảm giác bồn chồn kỳ lạ đó, cảm giác ghen tị đó, khát khao muốn gây lộn xộn đó, chỉ để xem coi có gì xảy ra. Có một khát khao nào đó muốn biết cái gì mạnh hơn: lòng tận tụy của bà đầy tớ đối với chúng tôi, hay lòng tận tụy của bà đối với Thượng đế: một phần trong tôi kiên quyết gây hấn với với cái thế giới khác đó, nơi bà ta trốn vào, rồi đôi khi rút về với những lời đe dọa giận dữ.
“Nếu cậu kéo khăn quàng của tôi khi tôi đang cầu nguyện, tay cậu sẽ bị hóa đá!” Tôi cứ kéo khăn của bà mà chẳng có gì xảy ra. Nhưng giống những người lớn tuổi trong nhà, tuy tuyên bố đừng tin bất cứ điều nhảm nhí nào như thế, và vẫn cư xử dè chừng – phòng khi thời gian chứng tỏ rằng họ đã sai – tôi biết có một giới hạn mà vượt khỏi đó tôi không dám chọc ghẹo bà: chỉ vì tôi chưa hóa đá lần này… Giống mọi người khác trong cái gia đình thận trọng của mình, tôi hiểu ra rằng, nếu bạn vừa chế giễu tôn giáo hay tỏ ra mình chẳng quan tâm gì chuyện đó, thì luôn luôn là khôn ngoan khi chuyển đề tài ngay lập tức; chúng tôi đồng hóa lòng mộ đạo với nghèo khổ nhưng chẳng bao giờ ồn ào quá về điều đó.
Chuyện này có vẻ như thói nhạo báng cay độc vô nguyên tắc, nhưng trong cơn phẫn nộ thế tục của nền cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại do Kemal Ataturk thành lập, lìa xa tôn giáo lại là hiện đại và Âu hóa; đó là một sự tự mãn trong đó thỉnh thoảng lại lập lòe ngọn lửa của chủ nghĩa duy tâm. Nhưng đó là chuyện nơi công cộng; trong đời sống riêng tư, chẳng có gì xuất hiện để lấp đầy khoảng trống tâm linh. Bị xóa sạch tôn giáo, ngôi nhà trở nên trống trải y như những dinh thự đổ nát bên bờ Bosporus của thành phố và cũng ảm đạm như những khu vườn đầy dương xỉ quanh đó.
Nên trong ngôi nhà của chúng tôi, các bà đầy tớ được mặc tình lấp đầy khoảng trống (và thỏa mãn trí tò mò của tôi – nếu Thượng đế chẳng có gì quan trọng thì sao người ta xây nhiều đền thờ thế?). Chẳng khó khăn gì cái việc nhìn ra sự ngớ ngẩn của thói mê tín. Tất cả những mẩu vải mà người ta cột vào lăng mộ của các thủ lãnh tôn giáo, những ngọn nến họ đốt cho Sofu Baba ở Cihangir, những “phương thuốc của các bà vợ già” mà các bà đầy tớ bào chế bởi vì chẳng ai đưa họ tới bác sĩ, và di sản của bao thế kỷ của các dòng khổ tu đã tìm được đường chen vào gia đình cộng hòa, thuộc châu Âu của chúng tôi dưới hình thức những tục ngữ, ngạn ngữ, răn đe và gợi ý; tất cả chúng có thể là vô nghĩa, nhưng chúng vẫn để lại dấu ấn trên đời sống hằng ngày như thường.
Rất nhiều những giáo lệnh như vậy trở nên rối mù trong tâm trí tôi lẫn với những luật lệ của mẹ tôi (tựa như “Đừng chỉ trỏ”). Hoặc, khi bà bảo tôi đừng mở một cửa sổ hay cửa lớn vì nó có thể sinh gió lùa, tôi đã tưởng tượng rằng gió lùa là một vị thánh giống như Sofu Baba với linh hồn không nên quấy rầy.
Nên thay vì xem nó như một hệ thống trong đó Thượng đế dạy bào chúng ta qua các tiên tri, kinh sách và lề luật, chúng tôi lại đơn giản hóa tôn giáo thành một bộ luật lệ kỳ cục và đôi khi khôi hài mà các tầng lớp hạ tiện phải dựa vào đó; sau khi bóc sạch quyền năng của tôn giáo, chúng tôi có thể chấp nhận nó trong ngôi nhà của mình, như một thứ nhạc nền kỳ lạ để phụ họa cho những giao động giữa Đông và Tây của chúng tôi. Bà nội tôi, mẹ tôi, cha tôi, các chú các dì tôi – không người nào từng ăn chay được một ngày, nhưng vào dịp lễ Ramadan họ cũng chờ mặt trời lặn với bụng đói y như những người ăn chay. Vào những ngày mùa đông, khi trời mau tối và bà nội chơi bài với mấy người bạn, việc kết thúc đợt ăn chay có thể là cái cớ cho một bữa tiệc, điều đó có nghĩa là có nhiều món thiết đãi hơn từ bếp lò.
Nhưng vẫn có những nhượng bộ: vào bất kỳ tháng nào khác trong năm, những bà già thích đàn đúm này có thể nhấm nháp liên tục trong khi chơi bài, nhưng trong mùa Ramadan, khi gần tới hoàng hôn, họ thôi ngấu nghiến và nhìn thèm khát vào cái bàn gần bên chất đầy những giăm bông, pho mát, ô liu, bánh nướng nhân mặn và xúc xích tỏi; khi tiếng sáo trên máy thu thanh báo hiệu sắp tới giờ kết thúc tuần chay, họ thường nhìn cái bàn một cách đói khát cứ như họ, giống mọi người Hồi giáo bình thường vốn chiếm đến chín mươi lăm phần trăm dân số đất nước, đã chẳng ăn miếng gì từ lúc bình minh. Họ có thể hỏi nhau, “Có thêm bao nhiêu nữa?” Khi nghe tiếng súng thần công, họ thường chờ đầu bếp Bekir ăn một miếng gì đó trong bếp, trước khi đến lượt họ tấn công mớ thức ăn. Ngay cả đến hôm nay, mỗi khi nghe tiếng sáo, tôi lại chảy nước dãi.
Lần viếng thăm đầu tiên một đền thờ đã góp phần khẳng định những thành kiến của tôi về tôn giáo nói chung và Hồi giáo nói riêng. Đó hầu như là một dịp tình cờ: một chiều nọ khi không có ai ở nhà, bà đầy tớ Esma Hanim dẫn tôi tới một đền thờ không cần hỏi xin phép ai – chẳng phải bà sôi sục với nhu cầu muốn thờ phượng mà chỉ vì mệt mỏi với việc lẩn quẩn trong nhà.
Tại đền thờ Tesvikiye, chúng tôi thấy có khoảng 20 hoặc 30 người – phần lớn là những chủ cửa tiệm ở những con phố nghèo hoặc đầy tớ, đầu bếp và người giữ nhà làm công cho các gia đình giàu có ở Nisantasi; khi tề tựu trên những tấm thảm, họ trông không giống một cộng đồng thờ phượng lắm mà cứ như một nhóm bạn họp mặt để trao đổi ý kiến. Trong khi chờ đến giờ cầu kinh, họ thì thào tán gẫu với nhau. Khi tôi lang thang giữa bọn họ trong buổi cầu kinh, chạy tuốt tới những góc xa của đền thờ để chơi những trò của tôi, không ai trong số họ tạm ngừng để quở trách tôi; thay vào đó họ lại mỉm cười với tôi bằng vẻ dịu dàng mà hầu hết người lớn vẫn cười với tôi khi tôi còn nhỏ xíu. Tôn giáo có lẽ là khu vực của người nghèo, nhưng bây giờ tôi thấy rằng – trái với những hí họa trên báo chí và trong gia đình theo cộng hòa của tôi – những người mộ đạo là vô hại.
Tuy nhiên tôi thường có dịp, qua lối chế giễu kẻ cả trong nhà tôi nhắm vào họ, để hiểu ra rằng sự thuần khiết thiện tâm của họ có một cái giá: nó khiến giấc mơ về một nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, phồn vinh, Âu hóa trở nên khó đạt tới hơn. Là giới chủ nhân Âu hóa, có tinh thần duy nghiệm, chúng tôi có quyền cai quản những người ít học này, và chúng tôi quan tâm đến việc giữ cho họ đừng lậm quá vào những thói mê tín của họ – không chỉ vì điều này phù hợp riêng với chúng tôi mà bởi vì tương lai đất nước tùy thuộc vào việc này. Nếu bà nội tôi biết được một tay thợ điện lại bỏ việc đi cầu kinh, thì ngay cả tôi cũng có thể khẳng định rằng những nhận xét gay gắt của bà nhắm vào công việc sửa chữa lặt vặt mà anh ta bỏ dở dang thì ít, mà nhắm vào “những truyền thống và tập quán” đang cản trở “đà tiến bộ quốc gia chúng ta” thì nhiều.
Những đệ tử trung thành của Ataturk đang thống trị báo chí, biếm họa của họ về những phụ nữ trùm khăn đen và những tay phản động râu rìa đang lần tràng hạt cầu kinh, những nghi lễ trong trường học nhằm vinh danh những thánh tử đạo của cuộc cách mạng cộng hòa – tất cả nhắc tôi nhớ rằng nhà nước- quốc gia thuộc về chúng tôi hơn là những người nghèo ngoan đạo với lòng sùng kính đang kéo những người còn lại trong chúng tôi tuột xuống cùng với họ. Nhưng cảm thấy hòa hợp với những phép tính toán và những người cuồng tín cơ giới trong ngôi nhà của chúng tôi, nên tôi có thể nói ra rằng ưu thế của chúng tôi không dựa trên của cải mà dựa trên tầm nhìn hiện đại, Âu hóa của chúng tôi. Và do đó tôi coi thường những gia đình cũng giàu có như chúng tôi nhưng không Âu hóa bằng.
Lúc còn nhỏ, tôi cảm thấy tội lỗi vì không đủ sợ hãi trước người phụ nữ trùm khăn trắng thỉnh thoảng vẫn bước vào những cơn mơ mộng ban ngày của tôi, vì đã không đủ tin vào Bà. Và cũng có tội lỗi của việc tách mình khỏi những người thực sự tin vào Bà. Nhưng – giống như việc tôi chấp nhận cái thế giới tưởng tượng mà tôi thường trôi vào đó – tôi cũng chấp nhận mặc cảm phạm tội này bằng tất cả năng lực trẻ con của mình, nỗi bất an nào đó của tôi có thể làm linh hồn tôi sâu sắc hơn, mài bén trí thông minh của tôi và đem thêm màu sắc vào cuộc sống của tôi. Còn với tên Orhan hạnh phúc hơn kia trong ngôi nhà khác nọ ở Istanbul – trong những cơn mơ mộng ban ngày, tôn giáo chẳng gây cho hắn bất kỳ bồn chồn xao xuyến nào. Mỗi khi thấy mệt với tội lỗi tôn giáo, tôi lại muốn tìm được hắn, tay Orhan ấy, tuy biết rằng hắn sẽ không phí thì giờ cho những ý nghĩ thế này và sẽ bỏ đi xem phim ngay thôi.
(Phạm Viêm Phương dịch theo bản tiếng Anh, Istanbul, của Maureen Freely)