Hoàng Mai Đạt – Giữa Hai Miền Mưa Nắng (5)

Những bức hình không chụp

Ngoài thuốc trị tiêu chảy, món quan trọng nhất trong hành lý của tôi chính là máy chụp hình. Tuy chưa đến tuổi phải chống gậy, tôi không còn tin tưởng ở trí nhớ đầy ắp, chật cứng như một chuyến xe đò về miền lục tỉnh. Ở Biên Hòa, mỗi khi bước ra ngoài đường tôi thường khoác cái máy Canon Rebel trên vai. Máy dễ sử dụng, nhờ đó tôi cũng bấm được mười bốn cuộn phim trong gần hai tuần lễ. Đó là trung bình một cuộn phim hai mươi bốn tấm cho mỗi ngày, tổng cộng ba trăm ba mươi sáu bức hình. Tuy từng dùng máy từ ngày mới đến Mỹ, tôi chưa bao giờ bấm phim nhiều lần như ở Việt Nam.

Ba trăm ba mươi sáu tấm hình, hầu hết là hình người trong nhà. Đây má ngồi trên võng, tròn mắt nhìn vào ống kính của chàng rể đang loay hoay zoom tới zoom lui cho vừa khung hình; kia má Sáu đang lui cui nấu ăn trong bếp, cười cười và nói đừng chụp hình nữa, bữa nay má không đẹp; này vợ con tôi đứng trước sân nhà, con đang tròn miệng ngáp trong khi vợ nhắm mắt đúng lúc bấm hình; đó gia đình mấy anh chị em đứng xếp hàng ngay ngắn, nhỏ trước lớn sau như một lớp học, người đang nhón gót, người giở nón để lộ mái tóc xẹp; đây nữa mộ anh Sáu chìm lẩn trong rậm cỏ cao ngang đầu người; kia kìa sông Đồng Nai đang vỗ nước nhè nhẹ vào chân cầu; và nè ba con chó Đốm, Lu và Luốc đang nằm dài trong góc bếp.

Mỗi lần chụp xong một cuộn, tôi nôn nao mang phim đến tiệm rửa hình ở ngã năm Biên Hùng. Tôi vẫn rủ Cường đi theo cho vui. Cường ít có dịp được ra ngoài đường, và khi nghe tôi hỏi “Con muốn đi bộ với dượng không?”, thằng bé liền tươi tỉnh và nhảy thoát ra khỏi thế giới trong góc bếp của nó. Thấy nó vội vã thay quần áo, tìm đôi dép, và toe toét cười chờ đợi trong lúc đội nón, tôi thương hại Cường và những đứa trẻ bị chậm khôn như nó.

Tôi thương những buổi trưa nóng trên con đường Trịnh Hoài Đức từ chợ Biên Hòa đến ngã năm Biên Hùng, những buổi trưa hai dượng cháu đi bên nhau trong sứ mạng rửa hình. Dượng và cháu đội nón cáp, đi dép lẹp xẹp trên vỉa hè chật hẹp. Cường đi sát bên tôi. Mỗi khi băng qua đường tôi nắm tay và dắt Cường len lỏi giữa những dòng xe qua lại. Cháu tôi ngờ nghệch đã đành, mà tôi trông cũng ngớ ngẩn không kém. Hình như đi ngang cửa nhà nào tôi cũng xoay đầu như trẻ em mới bước vào tiệm đồ chơi. Tôi thoáng thấy ở bên này một người mẹ đang phe phẩy quạt cho đứa con nằm trên sàn nhà, đằng kia có người đàn ông ở trần đang lim dim ngồi ngủ dựa trên ghế, ở xéo góc có một anh công an đang hút thuốc trước cổng cơ quan, và ở đâu cũng có người nhìn lại tôi chằm chằm, như muốn hỏi “Thằng cha này là ai mà nhìn mình dữ vậy cà? À, Việt kiều, hèn gì.”

Giữa những lần tò mò nhìn người lạ, có lúc tôi ngỡ ngàng với cảm nhận rằng chung quanh tôi hoàn toàn là Việt Nam. Tất cả những âm thanh, hình ảnh và không khí bụi bặm đều là Việt Nam, không còn một chút hương vị hamburger với hành chiên onion ring trùm kín một ngã tư đông xe hơi đang chờ đèn xanh, không còn tiếng xe phóng ào ào như thác đổ trên những xa lộ bao quanh khu phố Bolsa, và không còn tiếng người ngoại quốc thăm hỏi nhau trong một siêu thị ngăn nắp, sáng loáng với nhiều món hàng hạ giá. Trong lúc lơ mơ giữa hai thế giới Biên Hòa và Bolsa như vậy, tôi suýt bước ngay vào những xe bán hàng hoặc vấp chân té trên vỉa hè lồi lõm với nhiều đường nứt bể.

Lần đầu tiên thấy hai dượng cháu tôi bước vào tiệm rửa hình Quốc Tế, cô chủ hỏi đáp trống không, rất lạnh lùng. Đến những lần sau thì cô ta có thiện cảm hơn, có lẽ vì lần nào tôi cũng rửa đôi và rửa thêm rất nhiều hình lẻ. Tiệm này có thể rửa xong hình trong vòng một tiếng đồng hồ. Khi trở lại lấy ảnh, tôi thường đứng ngay trong tiệm và xem xét từng tấm. Tôi lựa những bức hình có người thân trong gia đình, để rửa thêm tấm đó cho họ. Sứ mạng nhiêu khê giúp cho hai dượng cháu có lý do đi lại tiệm vài lần mỗi ngày. Đi vào khoảng trưa, giao phim xong về nhà, rồi trở lại lấy hình khoảng hai tiếng đồng hồ sau đó, xem xét mấy tấm ảnh cần in thêm, về nhà, rồi quay lại tiệm lần nữa trước khi trời tối. Sau vài ngày trở thành khách quen của cô chủ, tôi xin thêm được mấy tập đựng hình nho nhỏ và để lại một tập riêng cho mỗi gia đình người nhà. Còn tôi, tôi mang được ba trăm ba mươi sáu tấm ảnh về California và vẫn không tin mình đã bấm được nhiều hình như vậy.

Tôi có thể chụp được nhiều hơn, thêm vài chục hoặc vài trăm tấm, nếu tôi muốn. Tuy nhiên, có những bức hình mà tôi không thể chụp được. Hình những đứa bé tranh nhau ăn xin và bán vé số ở ngoài đường; hình ông già đứng ngửa nón và nói hoài cho đến khi xin được tiền trong tiệm ăn; hình mấy gia đình sống chen chúc trong một góc chợ, vừa đủ cho mỗi người có một chỗ nằm đằng sau một tấm ván hoặc một miếng vải che. Lương tâm không cho phép tôi giữ lại những hình ảnh như vậy. Trong một lần đi giao phim với Cường, tôi dừng chân và mua nước mía ở ngã ba Sông Phố. Đứa cháu chăm chú đứng nhìn một thiếu nữ đẩy những cây mía qua máy cán, trong khi tôi lấy máy Rebel ra khỏi túi đeo trên vai và tính tìm một góc cạnh nào đó, để chụp hình cô gái ép mía với cảnh vật ở chung quanh. Tôi chợt nhận ra xe nước mía đứng choáng gần hết cổng tiến vào một góc nhà, chứ không phải bên ngoài một bức tường dơ bẩn như tôi tưởng trước đó. Xe nước mía chỉ nhường lại một khoảng trống vừa đủ cho một người dắt xe đạp vào bên trong sân.

Tôi tò mò bước vào khoảng trống này, xem thử có gì ở đằng sau. Bên dưới một tàn cây lớn trong sân nhà rộng chừng mười thước dọc ngang, tôi thấy có những tấm lều và ván dựng lên, ngăn chia thành chỗ ở của bốn hoặc năm gia đình. Bên trong nhà hình như còn được phân chia thành phòng cho nhiều gia đình khác. Nơi góc tường sát bên cạnh xe nước mía, một phụ nữ đang nằm ngủ với hai đứa con trên tấm chiếu cũ, trong khi người chồng ở trần đang quạt đều tay, như cố xua đuổi không khí nóng bức ra khỏi góc tối. Gia đình bốn người này sống trong một mái lều chật hẹp và tối om. Người đàn ông liếc nhìn tôi và rồi ngoảnh mặt đi chỗ khác khi thấy máy chụp hình trên tay người lạ. Ông ta cũng trạc tuổi tôi. Tuy không nghe ông lầu bầu gì, tôi cũng cất ngay máy vào trong túi xách. Tôi không muốn chụp hình và xâm lấn thêm vào cuộc sống thiếu thốn của họ.

Vào một buổi chiều đi lấy hình một mình, tôi chú ý đến một thanh niên đang đạp xe ba bánh chở đầy chuối. Màu chuối vàng tươi rói nổi bật trên con đường ảm đạm Trịnh Hoài Đức chiều hôm ấy. Tôi rảo bước thật nhanh đến đầu đường, với ý định chờ đợi xe ba bánh đến thật gần và chụp bắt những nải chuối vàng đằng trước một khuôn mặt sạm nắng, dày dạn phong sương và khắc khổ của thanh niên. Tôi đưa ống kính lên trước mắt và chờ đợi xe chuối đến thật gần. Anh ta gầy ốm, đội nón vải và đạp ngược chiều về phía tôi, vừa đạp vừa nhìn quanh tìm người mua chuối. Thế nhưng vài giây trước khi tôi có thể bấm nút và giữ mãi hình ảnh người bán chuối vàng đến muôn đời, một chiếc xe jeep chở hai công an bất thần phóng đến trước mặt xe chuối và không cho xe đến gần tôi hơn. Trong lúc tôi bỏ máy xuống và chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, một công an quát tháo người bán chuối. Tôi thấy anh im lặng, mặt mày tái nhợt và miệng nói ú ớ, phân bua gì đó với công an. Người “bạn dân” thứ nhì thò tay vào xe ba gác và nhanh tay ném những nải chuối từ xe ba gác lên xe jeep, trong khi thanh niên đen đủi vừa sững sốt nhìn theo mớ chuối vừa sợ hãi nhìn anh công an còn la hét trước mặt.

Nhiều người chung quanh ngưng việc riêng tư, ái ngại nhìn công an đang hạch hỏi anh bán chuối. Đôi tay của công an thứ nhì không ngừng ném mất gần hai phần ba xe chuối. Đứng cách xe ba gác khoảng mười lăm thước, tôi thấy đôi mắt vừa sợ và vừa tức đến ứa nước mắt của thanh niên. Sau vài giây suy nghĩ, tôi quyết định cất máy hình trong túi xách. Tôi không thể chụp nỗi đau đớn trên mặt của người bán chuối. Anh ta đã mất quá nhiều trong một ngày sinh sống. Tôi không đành lòng chụp tấm hình và cướp thêm một tích tắc trong cuộc đời của anh, để làm tài sản riêng cho mình. Tôi quay tìm người đứng ở gần đó và hỏi tại sao công an lại làm dữ với anh bán chuối. Một người chạy xe ôm cho biết xe chuối không được phép bán trên con đường này. Đúng lúc đó có một xe chuối khác từ đằng chúng sau tôi tiến đến gần đám đông. Ông bán chuối này lớn tuổi hơn, chưa biết có vụ công an bắt bớ ở phía trước. Ông ta đang bận nhìn ai đó trên lề đường. Anh xe ôm đứng gần tôi nhanh nhẹn xuống xe, chạy đến cản đường xe chuối thứ nhì, và ráo riết ra dấu xua đuổi ông hàng chuối. Ngay sau đó ông này vội vàng vòng xe qua bên kia đường, cắm đầu cắm cổ đạp đi xa.

Khi trở lại gần tôi, anh xe ôm còn càu nhàu trong miệng, “Đ.M. ngu quá. Bộ không thấy công an hay sao mà còn mang xác tới.” Tuy chưởi thề trong lúc leo lên xe, anh vẫn ngoái cổ nhìn theo ông bán chuối. Cho tới khi xe chuối biến mất trong khúc quanh vào chợ Biên Hòa, anh ta mới yên tâm và quay lại theo dõi công an. Đến lúc này thì hai người bạn dân bắt đầu leo lên xe jeep. Họ nạt nộ điều gì đó mà tôi nghe không rõ. Tiếng Bắc nhão nhão của họ rất khó nghe đối với tôi. Thanh niên bán chuối chỉ nhìn hai công an và không nói gì. Hình như anh ta vẫn còn đau điếng vì bị mất gần hết số chuối trên xe. Trong khi ai nấy trở về với công việc của họ, anh cúi đầu đạp xe, lầm lũi đi tới trước như một người vừa bị đuổi ra khỏi nhà và chưa biết phải về đâu.

Đợi xe ba gác đến gần, tôi hỏi mua một nải chuối. Anh ta không có vẻ muốn bán hàng. Khi đứng gần tôi mới thấy thanh niên này gầy hơn tôi tưởng. Anh ta nhỏ con, với đôi má hóp sâu và ánh mắt long lanh như còn tiếc nuối những nải chuối vừa bị lấy mất quá mau chóng. Tôi chợt nhớ đến đám đông chen chân đứng đợi khách bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất. Khác với những thanh niên ở phi trường, anh bán chuối không có đôi mắt lanh lẹn, không chờ đợi với một chút hy vọng. Nếu phải sống qua mấy phút bị lấy mất tiền sống trong ngày, tôi cũng không khỏi ủ rũ như anh ta. Tôi chọn mua một nải chuối. Tuy anh nói giá có hai ngàn đồng, tôi cũng đưa một tờ mười ngàn từ trong mớ giấy tiền mang hình một ông già có râu đang mím môi cười. Trong bàn tay bẩn và gân guốc của người thanh niên, tôi không biết ông già râu có còn cười nổi nữa hay không. Anh nói nhỏ lời cám ơn khi nghe tôi nói khỏi thối lại tiền. Thấy tôi bước vào bếp và khoe mua nải chuối với giá hai ngàn đồng, má Sáu vừa cười vừa nói, “Thiệt là đàn ông, không biết đi chợ gì hết trơn. Hai ngàn là mua hớ rồi con. Chuối mùa này rẻ lắm, nải chuối đó chỉ chừng ngàn rưỡi thôi.” Tính ra tiền Mỹ, nải chuối không tới hai mươi xu. Tôi chưa bao giờ mua hớ mà lại thấy thương hại người bán hàng như hôm ấy. Về sau, đôi lúc ăn chuối tôi vẫn nhớ đến đôi mắt gần ứa lệ của anh hàng chuối gầy gò trên đường Trịnh Hoài Đức. Tôi nhớ đôi mắt đó và vẫn hài lòng rằng tôi đã không bấm máy hình.

(trích Giữa Hai Miền Mưa Nắng. Văn Nghệ phát hành năm 2000, Thư Hương tái bản lần thứ nhất năm 2004, California, Hoa Kỳ)

Ý kiến

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.