Bài 1
Sáo ấp trứng nơi cột cờ, lưỡi không ngớt kêu la: Nghĩa quốc chủ! Nghĩa gia chủ! Thấy cú tha chuột chết bay ngang, sáo cũng réo theo: Gia chủ quốc! Quốc chủ gia. Nghe tin rắn nuốt cóc mắc nghẹn, sáo tức thì bay đến trước hang đọc thần chú: Quốc chủ quốc! Gia nghĩa gia!
Chúng vật bực mình họp mật, đi đến nhận định: Sáo bị tâm trí vì lỗi cột cờ! Hội nghị cử vẹt đi cấp cứu. Vẹt cõng bạn đến nhà quạ. Quạ phán liên tục về tính giả lập của ngôn ngữ và ý nghĩa biện chứng của cột cờ. Sau ba ngày ba đêm, óc nhủn như chuối sọ mềm như bún sáo lăn ra hấp hối, lưỡi mấp máy lần cuối: Quốc chủ chủ! Nghĩa gia gia!
Bài 2
Cuối tuần đi nhuộm lại lông trên đường về nhà gặp sáo, vẹt cao giọng hỏi: Mi thấy cặp cánh ngũ sắc của tao thế nào, hậu hiện đại hay toàn cầu hóa? Cũng vừa mới lột lưỡi xong sáo lắp bắp không thành lời: ại… ầu… ậu… ại…
Tưởng sáo giễu nhại vẹt tức giận hét: Tao hỏi thiệt sao mi đùa? Sáo ú a ú ớ: ori… sori. Mất kiên nhẫn vẹt moi túi đưa ra cái Blackberry: Đồ ù ù cạc cạc, text messaging nhanh lên! Sáo chụp máy di động bấm gõ liên hồi; vẹt giật lấy đọc nhanh và biến sắc: Mi cực kỳ lạc hậu ! Nhuộm lông là còn tin vào sắc tướng, chưa nhìn thấy sự phá sản của các trường phái biểu thị. Tao lột lưỡi mới thức thời; nói ngược nói xuôi gì cũng xong. Vừa cải tạo tu từ pháp vừa tung hứng mọi tự sự như bọt xà phòng. Nghĩa lý gì đám học đòi toàn cầu hóa với bọn làm dáng hậu hiện đại!
Được giác ngộ vẹt đồng tình: Mi đưa tao đến chuyên gia lột lưỡi nhanh lên!
(trích từ bản thảo Thơ Chuồng Thú)