Những ai đã sống ở Mỹ Tho khoảng thời gian hai năm 78 và 79 đều có chung nhận xét: trọn thị xã nhỏ bé hiền hòa, nổi tiếng nhờ món hủ tíu này đã biến thành một chợ người hỗn độn dân tứ phương trở về sinh sống, đầy dẫy bon chen. Hai chữ “bon chen” được vay mượn từ nhóm từ vựng mới sản sinh sau Cách mạng, càng làm nẩy bật thêm lên tình cảnh tranh sống giữa Người và Người.
Người, tuy thế ở đây không giản dị như trong quy định năm thành phần kinh tế xã hội của nhà nước, thời kỳ đánh Tư sản. Người phức tạp từ đứa trẻ nhỏ bán trà đá chanh đường, đến bà lão còm lưng gánh cháo lòng rao bán trong chợ. Người rắc rối từ chị hàng xạp vải may đo, đến gã thanh niên chuyên móc ngoặc với chính quyền, và dĩ nhiên luôn cả đội ngũ Công an vũ trang thường hay chạy xấn vào các hẻm chật vây bắt nhân dân cũng góp mặt tạo thành cái tập hợp Người xô bồ kỳ lạ ấy. Nhưng có lẽ phải kể đến diện Người đột xuất hơn hết chính là những đám đông tuôn đổ xuống từ bến xe lôi thị xã, nằm bãi chờ đi vượt biên theo diện người Hoa đăng ký bán chính thức.
Tháng Năm 1979, trong số những người Hoa rời Mỹ Tho, có những người Việt buồn bã nhìn thị xã yên lành ngày nào đã đánh mất hẳn nét an hòa, bình dị của một tỉnh lỵ nửa chợ nửa quê. Thay vào đó là bầu không khí mờ ám lấp lửng đầy bất trắc của một bến cảng miền Tây chuyên xuất khẩu Người.
*
Buổi chiều 28, sau bữa cơm chiều ăn qua loa trong lòng chợ, anh em Đường và Dzũng thả bộ về ngôi nhà lầu bốn tầng thuê bao gần đó. Theo lời dặn từ hôm xuống Mỹ Tho, họ không được ra ngoài sau 8 giờ tối. Lúc về đến biệt thự, Biên, em Đường nhìn tòa villa ngán ngẩm. Ngôi nhà mà gia đình ông Trương Hồng chủ tàu thuê từ sau Tết, làm chỗ ở tập trung cho ba trăm diện người Hoa đi tàu của ông, mỗi ngày một thêm đông người xuống ở. Tối nay, bốn tầng lầu chật cứng người từ trên xuống dưới. Dù đã bị hụt mấy lần vì công an đình chỉ ngày đi và cũng mấy bận lê thê lếch thếch kéo nhau về lại Sàigòn vì chủ tàu tự ý dời ngày “xuất ngoại”, đêm nay chừng như “diện” nào cũng có mặt đầy đủ. Không ai muốn bị hụt chuyến đi ngày mai, trên chiếc tàu đăng ký số MT.603, sáu “lốc” cùng hai máy kéo phụ mà ông Trương Hồng đã hãnh diện tuyên bố với mọi thân chủ là bảo đám nhất vùng Bốn!
Ba người thanh niên đứng tần ngần trong sân vườn nhìn tòa nhà cũ từ thời Pháp đang chìm từ từ vào trong nền trời chiều chạng vạng của tỉnh lẻ. Một lúc sau, theo thói quen Đường giục em mình đi kiếm chỗ ngủ. Thằng Biên hơi bất bình anh nó đêm đó, không chịu nhìn thấy “khó khăn chung của cả nước” đang nằm ngồi ngổn ngang la liệt tràn lan từ trên lầu thượng xuống đến bếp. Làm sao tranh được chỗ ngủ trên sàn gạch bông đã được cắm dùi kỹ luỡng và tận tình giăng mùng màn xùm xụp thế kia? Nhưng trái với tính tình thường ngày bướng bỉnh ở Sàigòn, tối đó Biên lẳng lặng vâng lời anh bước vô nhà. Lý trí niên thiếu của Biên hiểu đang sống những giờ phút nghiêm trọng, cần tuyệt đối vâng lời anh. Nó loay hoay tìm chỗ đặt bàn chân, len lỏi men qua đám đông người đang nằm nhoài trên đất. Cái bóng lanh lợi của thằng Biên vàng vọt một lúc dưới ánh đèn măng-xông, rồi biến mất ở chân cầu thang. Còn một mình, Đường rủ bạn ra ngồi ở bậc tam cấp. Cả hai không buồn ngủ và cũng không có ý định ngủ đêm nay.
– Đêm-Xã-hội-Chủ-nghĩa cuối cùng, thức để nhớ mình đã uống nước suối “Vi-xi”. Dzũng khôi hài đen khi ngồi bệt xuống nền xi-măng.
Đường yên lặng tìm trong túi hai điếu Đà Lạt, chia cho bạn một rồi châm lửa. Lúc nãy khi đuổi em đi ngủ, Đường biết anh có hơi vô lý. Thằng nhỏ kiếm đâu ra chỗ đặt lưng trong hộp cá mòi. Nhưng hình như Đường sợ nếu cho phép đứa em ngồi lại với mình, nó sẽ đọc được hết những tâm tư của anh trên vỉa hè này. Những suy tư mà Đường chợt thấy yếu đuối và thụ động trong khoảng thời khắc cuối cùng của hai anh em trên quê hương.
– Hồi gom vàng hô đi hai trăm, cận ngày đi kêu hai trăm rưỡi, bây giờ “đóng bến” ba trăm mạng. Điệu này là cha Trương Hồng có đặt mua máy ép dầu cho mình rồi!
Dzũng vừa bập điếu thuốc, vừa cằn nhằn. Đường đồng ý với bạn là chuyến tàu rồi sẽ chật như nêm cối, nhưng anh không bàn góp gì thêm. Nơi nào trên đất nước thời buổi này không có người bị lừa? Điếu Đà Lạt Dzũng vừa kéo được vài hơi đã tắt lịm. Người thanh niên lại làu nhàu. Loại thuốc phân phối, sợi thuốc “dỏm” không tự cháy nổi một mình khiến Dzũng phải đánh diêm châm lại. Đường nhìn đốm lửa soi mông lung khuôn mặt bạn. Dzũng là sinh viên năm thứ ba cùng học khoa Kế-Tài-Ngân ở đại học Kinh tế, trường Luật cũ với Đường. Quen nhau tình cờ khi cả hai đi học môn Xác suất Thống kê. Rồi Dzũng trở thành người giới thiệu dắt mối cho hai anh em. Dzũng thẳng tính nên không thích ai “cong” với mình. Cuộc vượt biển nào cũng thẳng ít cong nhiều. Đường cầu mong sao cho chuyến đi sẽ êm xuôi trót lọt, vì nếu không sẽ chẳng còn chuyến nào nữa cho anh em anh. Bóng đêm đã buông tuồng xuống thị xã từ lâu, mà dường như Đường vẫn còn trông thấy trong những lùm cây đang tối mờ đầu ngõ, hình ảnh ngôi nhà toang hoác trống trơn của gia đình. Đường nhớ đến chiếc honda dame của mình, đến chiếc xe đạp course của thằng Biên, đến đài truyền hình hiệu National của nhà, bàn máy may Singer của chị cả, tủ lạnh Panasonic và những chỉ vàng, nữ trang cuối cùng của mẹ lần lượt ra đi để gom góp cho đủ số hăm bốn cây vàng.
Khu xóm về đêm mới thê lương. Những đường hẻm đối diện mới hồi chiều tấp nập người ra vô, đầy dẫy những quán tiệm cơm hàng, cháo chợ, trời vừa xụp tối đã vắng tanh vắng ngắt. Hai người bạn sinh viên không hiểu có phải vì Công an cấm lai vãng ban đêm khu nhà của “kẻ xấu người Hoa”, hay giờ giới nghiêm ở Mỹ Tho sớm hơn Sàigòn, nhưng họ cảm nhận rõ rệt khu phố cúp điện, thưa người chìm tối âm u đến thê thảm.
– Dzũng, sao ông đi lần này?
Đường bỗng chợt hỏi bạn khi anh búng tàn thuốc xuống lạch cống.
– Thì cũng như ông, ngán đi chui! Đi “tu nghiệp” kiểu “hợp doanh ngoại thương” như vầy an tâm hơn.
– Không, ý mình muốn hỏi Dzũng sao chọn ra đi kìa?
Đường vội ngắt lời bạn khi thấy Dzũng hiểu sai ý anh. Hỏi Dzũng nhưng thật ra Đường hỏi cho chính mình. Anh muốn duyệt xét lại lần nữa câu trả lời thao thức từ nhiều năm qua. Đường, trong một giây ôn lại tâm tư của chính anh. Một tâm tư đã biết chia sẻ với Soljénitsyne, Pasternak, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ… Trước 75 đọc Một Ngày Trong Đời của Denissovitch, Tầng Đầu Địa Ngục, Bác Sĩ Jivago, Dòng Sông Định Mệnh, Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử của những nhà văn ấy, Đường không ngờ có một ngày miền Nam nơi ấp ủ tuổi thơ, dung dưỡng tuổi niên thiếu, nẩy nở tuổi trẻ của anh bỗng vụt trở thành thực tế kinh khủng ê chề của những cuốn tiểu thuyết kia. Và Trại Đầm Đùn của Trần Văn Thái rõ ràng là đang hiện diện trong nhà giam Phan Đăng Lưu, nhà tù Đại Lợi ngay giữa lòng Sàigòn.
– Sao chọn ra đi? Dễ hiểu lắm, không muốn mỗi tối họp tổ dân phố, không muốn mỗi chủ nhật đi lao động Xã hội Chủ nghĩa, không muốn mỗi tam cá nguyệt đi thủy lợi, không muốn phải chạy tiền Phường để khỏi bị gọi nghĩa vụ chết dấm dúi một xó xỉnh nào đó bên Kampuchia. Và quan trọng nhứt, là không muốn suốt cuộc đời chỉ được đọc có hai tờ nhật trình của nhà nước…
Sau phút hơi ngạc nhiên vì câu hỏi bất ngờ của bạn, Dzũng chậm rãi trả lời. Một sự thật quá hiển nhiên mà nhiều người đã không cần tự hỏi khi ra đi. Nhưng Đường và Dzũng đang ở lứa tuổi của một thế hệ vừa bước chân vào đời, sớm biết suy nghĩ, băn khoăn vì cuộc sống vây quanh. Đêm khuya dần và vầng trăng sáng treo cao trên đầu cả hai. Họ còn tự đặt cho nhau nhiều câu hỏi khó khăn khác, về khả tín của học thuyết Darwin, về câu nói bất hủ của Lénine “Chính quyền trong tay Sô-Viết”, về những bế tắc của cấu trúc kinh tế Mác-xít ứng dụng ở Việt Nam, về các ca khúc mới của Trịnh Công Sơn trình diễn ở Hội Trí thức Yêu nước, cùng cả về cái chết bí mật của Thanh Nga. Hai người thanh niên không tìm ra giải đáp nào thỏa đáng với câu hỏi đầu tiên vì sao phải ra đi, họ chỉ cùng đồng ý phải thoát ra khỏi Việt Nam, cái hộp sắt bưng bít giam nhốt đang làm chết ngạt tất cả những giá trị tư tưởng. Tương lai ở ngoài hộp sắt.
Dzũng châm thêm điếu thuốc. Anh rít mạnh vì thuốc Hoa Mai sợi đen, cũng như Đà Lạt lúc nãy dễ tắt. Đường và Dzũng thức thật khuya đêm ấy, cả hai không để ý đến vài người Hoa đi cùng chuyến cũng còn chưa ngủ, bắc ghế ra sau hè bàn tán. Những chú Sìn, chú Cẩm, chú Hổi của Chợ Lớn không sõi tiếng Việt, chưa đọc Tư Bản luận, chưa đọc Lénine toàn tập và cũng chưa đọc Trại Đầm Đùn của Trần Văn Thái. Song họ vẫn biết rõ vì sao mình phải ra đi. Vì thực tế phũ phàng người Việt dành cho họ, vì kinh nghiệm máu xương của kỳ đánh Tư sản năm ngoái hãy còn quá gần? Đó chỉ là một phần của lý do khiến sau nhiều ngàn năm giao tình với dân tộc phương Nam, người Trung Hoa đành nhìn nhận hồi kết đã đến. Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa, Hoa kiều bị cấm mười tám ngành nghề, đến Đệ nhị Cộng hòa họ chung lưng chịu trận chiến tranh, nhưng vẫn vui vẻ sống, vẫn vui vẻ mỗi sáng nở nụ cười cầu tài đầu tiên. Hình ảnh dân tộc Việt trong lòng Hoa kiều là hình ảnh anh bản xứ hiền hòa, cần cù vui tính, dù đôi khi có hơi lì lợm. Nhưng từ 75 đến 78, chỉ cần vài năm một thứ người Việt khác, đã xóa bỏ hoàn toàn một hình ảnh sẵn có, xây dựng từ bốn ngàn năm qua trong lòng Hoa kiều để xua họ ra biển.
Vầng trăng của bốn ngàn năm trước tối nay vẫn còn treo lơ lửng, ngọn gió của thời Lạc Hồng vẫn còn đang lùa nhẹ qua sân, những hậu duệ của các tổ phụ di dân phương Bắc vẫn còn đang trò chuyện. Tiếng Quảng xì xầm xì xồ của họ râm ran, nhưng là những lời an ủi khích lệ nhau may mắn trên đất tự do với một dân tộc khác.
*
Biên thức giấc thì trời đã sáng bạch. Giấc ngủ rời rạc, chập chờn mộng mị trên bao lơn lầu hai làm Biên không được tươi tỉnh lắm. Thực tình Biên cũng không rõ mình thiếp đi lúc nào, nó nhớ cả đêm đã không ngừng đuổi muỗi. Một tay móc vào lan can, một tay phẩy đuổi đám muỗi mòng vo ve. Nhưng có lẽ chính những suy nghĩ người lớn đầu tiên đêm qua đã làm thằng Biên bần thần. Hồi tối lúc vâng lời anh Đường lên lầu, Biên đã muốn được tự do một mình viết thư từ biệt bạn bè. Nhưng nó cũng chỉ biên được vài dòng rồi xé bỏ. Nếu chẳng may lại dời ngày đi, trở về Sàigòn thì ngượng chết! Kinh nghiệm của mấy lần vượt biên hụt khiến thằng Biên quyết định không viết thư từ giã. Nhưng lúc cất bút cùng mẩu giấy, Biên lại nhớ bạn bè nó kinh khủng. Cái phù hiệu học sinh trường phổ thông cấp ba Lê Thị Hồng Gấm, Couvent des Oiseaux cũ, còn đính trên túi áo không kịp thay lúc tất tả từ Sàigòn xuống Mỹ Tho, như giữ rịt lấy nó với khung trời trường lớp hôm qua. Biên chưa bao giờ hình dung cuộc sống nó thiếu đám bạn thân gặp nhau mỗi ngày từ tiểu học cho đến đệ nhị. Nhưng khác với những lần đi chui trước, trong chuyến đi này Biên bị xúc động dữ dội. Lúc chiếc xe Ford Taunus của ông Hỏa, em rể ông Trương Hồng rồ máy lăn bánh, thằng Biên quay lại bắt gặp mẹ và chị cả nó đứng dưới gốc me ràn rụa nước mắt. Trưa nắng chan chan trên khuôn mặt bà Long và chị Ngân đầm đìa nước mắt, Biên cố níu kéo hình ảnh cuối cùng của mẹ và chị nó đứng khóc trên vỉa hè. Khoảng lề đường vàng kệch xa dần mà Biên còn nắm chặt trong tay miếng bánh dày của chị nó dúi vào tay lúc lên xe. “Mày nhớ ăn sáng trước khi đi học”, chị cả chỉ dặn được nó ngần ấy rồi lặng lẽ khóc. Biên trông thấy lúc đó tất cả những giọt nước mắt ấy. Nó chồm lên kính xe để nhìn mẹ và chị đến phút chót. Đến ngã tư Hiền Vương–Hai Bà Trưng, chiếc Taunus quẹo trái để vòng xuống Phan Thanh Giản-Điện Biên Phủ ra xa lộ rước thêm người, thằng Biên chợt hốt hoảng nhìn khu phố Đakao nhà nó mờ xa. Bức tường nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi băng trôi vùn vụt, bỏ xa dần mẹ và chị thằng Biên đứng sững lại trong quá khứ vừa thành hình. Đêm tối trên lan can lầu hai, Biên biết gia đình nó đã sa sút để mẹ không còn nổi một trăm bạc mua vé xe lôi đưa anh em nó đi như nhiều bà xẩm ở đây. Mẹ cũng không làm nổi bữa cơm tươm tất để đãi hai anh em ăn lần chót dưới mái ấm gia đình. Ra đi, thằng Biên chưa ý niệm rõ ràng về ý thức hệ Quốc-Cộng, chưa biết thao thức cho hiện tình đất nước như anh Dzũng và anh Đường, nhưng nó đã biết phải ra đi để có thể kiếm tiền gởi về nuôi mẹ và chị, mà cảnh túng quẫn đã đập vào mắt.
Thanh thiên bạch nhật, tỉnh lẻ thức dậy với không khí xô bồ, bon chen giành giật hôm qua, làm như không hề gián đoạn bởi màn đêm thê lương hồi tối. Biên là người cuối cùng xuống lầu. Mọi người đã ra hết ngoài sân. Tiếng Quảng Đông xì xà xì xồ như trong Chợ Lớn. Biên gặp anh Đường và anh Dzũng ở góc vườn. Lúc đó Đường hỏi nó có muốn ăn sáng tô mì gì không, thằng Biên lắc đầu mặc dù những chú ba đứng chung quanh làm nó thèm một đĩa mì xào dòn có lần được ăn ở Hải ký Mì gia trong khu La Kai. Thấy em lắc đầu Đường cũng không ép, hai anh em không muốn tiêu phạm vào số tiền tám mươi đồng còn lại mẹ cho dằn túi. Ngay hôm đầu xuống Mỹ Tho, Đường đã nói với em ráng đừng ăn quà, khi xuống tàu sẽ gởi tất cả tiền dư về trong bao thư cho nhà. Tám mươi đồng, mẹ có thể đi chợ một tháng. Thằng Biên vâng lời anh, tránh nhìn những gánh xôi chè và bánh cuốn thanh trì bên lề. Thấy anh em Đường không ăn sáng, Dzũng cũng tế nhị không đi ăn một mình, chỉ chạy mua ba ly cà phê xây chừng cho ba anh em. Trong sân Hoa kiều ăn hủ tíu, chan húp xì xụp.
Gần trưa một chiếc Peugeot 504 sơn trắng đỗ trước cổng. Một viên Công an bước xuống nói chuyện với ông Trương Hồng. Sau đó có lệnh tập họp di chuyển. Không khí tự nhiên nao nức cả lên. “Đi, đi… xuống tàu”. Ba trăm người chia thành mười lăm tổ, đi bộ qua phố chợ xuống bến sông. Đoàn người đi “xuất ngoại” tay không, theo hàng một. Mười ký hành lý quy định cho mỗi đầu người đã được cân ký cho xuống trước. Trẻ con, bạn hàng bu bám theo cố giành giật khách Sàigòn.
– Chú, chú, mua thuốc hút chú.
– Cám ơn có hai bao rồi.
Dzũng đẩy thằng nhỏ bán thuốc dạo đang dính bên mình. Thằng nhỏ trì kéo, dai hơn đỉa nhất định “thu hoa lợi” mới thôi:
– Có Dunhill và ba con năm từ Thái Lan qua nè chú!
– Đã nói có mua rồi mà. Dzũng đẩy thằng nhỏ ra lần nữa.
– Hai bao đâu có đủ. Mua thêm để “trữ lượng” đi chú, đi tàu có khi cả tháng mới tới!
– Thôi được rồi, nhiêu bao ba số năm?
– Tám mươi lăm đồng, chú.
Không dứt nổi thằng nhãi, Dzũng định mua một gói thuốc để tống khứ đứa cháu ngoan bác Hồ, nhưng giá thuốc làm anh chới với. Năm 79, công nhân viên nhà nước lãnh có ba mươi hai đồng và sinh viên như Dzũng lãnh có mười tám đồng một tháng. Trước cửa rạp Bến Thành, Mini Rex cũ, giá một gói ba số năm cũng chỉ có bốn mươi lăm đồng. Dzũng cảm thấy chua chát. Bây giờ thì anh hiểu tại sao những người dân ở đây chưa thèm vượt biên. Thêm một loại “ký sinh trùng sống bám phi lao động” nảy sinh từ những tế bào của nền kinh tế mà trên lý thuyết “nặng về sản xuất, nhẹ về cá thể tư doanh”. Dzũng chua chát nghĩ những gì anh học trong trường Đại học Kinh tế là một mớ giấy lộn.
Đi sau lưng Dzũng, anh em Đường cũng bị níu kéo, nhưng vì họ không trả lời nên cũng đỡ vất vả mua bán như những người khác. Đường chỉ ngượng ngùng khi phải đi bộ ngang lòng chợ, thấy dân chúng hai bên đường đang chăm chăm nhìn mình. Khác hẳn sự hồi hộp cải trang, lo sợ bị bắt khi đi chui, Đường vừa khám phá ra sự yên tâm đến lạnh lùng trong lòng anh. Xen kẽ hàng Công an, Dân phòng và Phường đội, Đường không tài nào đoán nổi những ý nghĩ trong đôi mắt dân chúng Mỹ Tho, thương hại hay mừng giùm, ganh tỵ hay thông cảm? Những ánh mắt hời hợt, ngộ nghĩnh như đang xem xiệc. Ra đến bến, Đường vẫn còn thắc mắc.
Một đoàn xuồng máy đuôi tôm đậu san sát nhau, lúp xúp dưới bến sông. Cứ mười người xuống một xuồng chở họ ra cồn. Mặt nước sông xanh lá cây, lấp lánh nhấp nhô theo nắng buổi trưa. Chiếc xuồng của ba anh em chao đi khi ra đến sông lớn. Sóng gờn gợn từng đợt xẻ ra từ những đuôi tôm phía trước đập thùm thụp vào lườn ghe.
– Trời “lất” ơi, sao ghe nghiêng quá “chòi”!
Mấy bà xẩm ngồi trong khoang mặt cắt không còn giọt máu. Xuồng chòng chành đến sợ, nước sông bắn tung từng chập làm ai nấy ướt nhẹp. Mọi người nín thinh nhìn hai bên sông đột ngột tách rời, mở rộng ra thành cửa sông lớn bát ngát. Tiếng máy đuôi tôm rầm rào xoáy át hẳn mọi tiếng động. Thằng Biên trông thấy anh Đường đang cố quay người nhìn thị xã Mỹ Tho lần cuối cùng sau lưng. Biên chợt nhớ cách đây ba hôm, cũng vào giấc trưa như hôm nay, nó cũng đã xoay đầu nhìn con đường Hiền Vương ngập nắng… Lúc thị xã mất hút thì cái cồn hiện ra, xanh rì im lìm như cái mu rùa nổi bật lên giữa trời trong vắt. Cái mai rùa rõ dần, đến gần cây cối um tùm. Tiếng máy đuôi tôm phụt tắt, trả lại xôn xao của sóng nước. Tiếng nước dập vào lườn gỗ nghe như thúc giục. Mặt nước chênh chao, mấp mênh, làm tăng những phân vân trong lòng mỗi người. Còn chừng hai mươi thước, ông già lái ghe lên tiếng:
– Xuồng không cặp sát bờ đâu, cây cầu bị nước cuốn trôi rồi, bà con chịu khó lội vô bờ đi.
Mặc kệ mấy bà xẩm phản đối, ông lão lái ghe thản nhiên cắm cọc neo xuồng tại chỗ. Hai mươi thước sông lung linh nắng.
– Đâu có sâu gì cho cam, nước nông tè tới đầu gối nhìn xuống coi.
Ông già nói như ra lệnh sau cái nhổ toẹt xuống mặt nước. Thằng Biên chồm người ngó xuống, mặt nước cạn thiệt, nó trông thấy đất mùn với thân cây củi mục dưới đáy. Xung quanh những xuồng khác cũng neo xa xa bờ, không có chiếc nào cặp hẳn vào cồn. Ba anh em Đường, sau khi vén quần tới bẹn, quyết định nhảy xuống.
Mặt nước vỡ tung lúc thằng Biên rơi tõm xuống sông. Sức rơi nhận nó lún xuống sình tới đầu gối. Hốt hoảng Biên đạp tứ phía cố rút chân lội vào bờ. Nhưng nó dẫm xuống một mặt sình lỏng khác, lần này lún tới đùi. Mặt nước trở nên đục ngầu vì đất mùn bị khuấy động. Càng cố đi tới Biên càng lún sâu xuống, lúc này thì nó đã ở nguyên người trong sình lún tới bụng.
– Chúa ơi! Anh kéo dùm em với, chết mất!
Một người cùng nhóm đã lên được bờ, trườn người vươn tay kéo thằng Biên lên cồn.
– Sợ một mẻ hả em?
Thành, tên người đàn ông, cười vỗ vào vai thằng Biên còn chưa hoàn hồn. Dzũng và Đường cũng vừa lên tới bờ, người ngợm họ dính đầy sình.
– “Nông tà tới đầu gối thôi hà!”
Dzũng cằn nhằn mỉa mai. Mọi người vội vã đi kiếm nước rửa chân. Mùi sình tươi nhờn nhợn, tanh tanh làm ai nấy váng vất. Dân thành thị đâu có quen lội bùn. Những chiếc xuồng máy đuôi tôm tiếp tục thải người lên bờ. Sình dơ dính nhơm nhớp bó lấy ống quần nên mạnh ai nấy túa đi tìm nước rửa chân. Không ai muốn trở ra vũng nước đục ngầu bùn lầy, đầy ối người đang ngụp lặn lội vô cồn nên họ ùa nhau ra những lạch nước gần đó.
– Ê, ai cho mấy người ăn cắp nước ở đây.
– Tụi tôi xin chút nước.
– Muốn mua nước thì đưa tiền đây, một đồng một lon gui-gô. Thằng nào tự tiện tao dộng bể mặt!
Những người dân trên cồn đứng chực sẵn hai bên con lạch, người vác rựa, kẻ đòn gánh, toàn dân dao búa. Trong lúc nhóm người Việt đăng ký kỳ kèo xin trả giá năm mươi xu một lon, những Hoa kiều lên sau vung tiền ra mua nước. Mấy bà xẩm mua đong cả thùng phuy tắm gội ngay tại chỗ. Đường nghĩ chính cách xài tiền phí phạm này của Hoa kiều đã thúc đẩy những người lái ghe hồi sáng toa rập với dân trên cồn, bắt bọn Đường lội sình để bán nước. Anh và đứa em, số tiền còn dư đã gởi về cho nhà, chỉ còn đúng mười đồng phòng thân nên chỉ dám mua hai lon guigoz rửa qua loa. Thằng Biên cởi phăng quần dài xanh, mặc xà lỏn phơi chân trần ướt nhèm nhẹp, mọi người lại bàn nhau mượn chiếu trải nằm đỡ, vì đến tối tàu lớn mới ra.
– Chiếu lớn mười bốn đồng một giờ, chiếu nhỏ tám đồng.
Chị đàn bà quấn khăn rằn kiểu “Nguyễn thị Định” thản nhiên đáp. Dzũng vừa đếm tiền vừa bực tức:
– Coi quê mùa vậy chớ máy chém hiện đại dữ.
Nhóm của Đường bây giờ thêm anh em anh Thành, cựu Thiếu úy Bộ binh. Cả bọn hùn tiền mướn một chiếc chiếu nhỏ đủ đặt mông cho sáu người. Lát sau có thêm anh Vĩnh, cựu Trung úy Thủy quân Lục chiến và chị Lan em gái anh nhập bọn. Rồi thêm chị Hương với hôn phu là anh Công. Thời gian mướn chiếu được kéo dài ra theo tiền quyên góp của những người đến sau. Buổi chiều 29 ở trên cồn, nhóm người Việt ít ỏi này tách rời ra khỏi tập thể người Hoa đang tiêu xài cho hết những đồng bạc cụ Hồ sắp trở thành vô giá trị. Thật ra cũng còn nhiều gia đình Việt mua giấy khai sinh giả khác nữa, nhưng nhóm của Đường trẻ nhất và quy tụ phần lớn độc thân nên họ dễ dàng thành bạn nhau. Đường, Dzũng và Công – đang học năm chót ở Tổng Hợp, nói chuyện về tính biến dị tập nhiễm từ môi trường ngoài theo học thuyết Darwin, giải thích hiện tượng “thỏa hiệp” của một số bạn bè kết nạp đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, rồi họ cùng nhau tính xem trong số mười lăm cây vàng đóng giá người lớn cây nào là “cây giá trị thặng dư”, họ cũng đố nhau giải vài bài toán còn nhớ trong cuốn Toán Cao Cấp và bàn về dự tính theo đuổi việc học ở xứ người. Anh Vĩnh và anh Thành kể chuyện đi cải tạo của họ, nhắc những kinh nghiệm đau thương chiến tranh. Chị Hương và chị Lan tâm sự đàn bà với nhau, cả hai đều mừng vì không bận bịu gia đình con cái trong hoàn cảnh hiện tại. Thằng Biên mừng như bắt được vàng từ khi gặp Phương, em út anh Thành và Tuân, em chị Hương. Cả hai đều bằng tuổi nó, cũng vừa học xong lớp 11. Tuân học Chu Văn An sau giải thể đổi sang Lê Hồng Phong, Pétrus Ký cũ, Phương học ở Nguyễn Thị Minh Khai, Gia Long cũ. Ba tên con trai mới lớn hăng hái nhắc chuyện thầy cô, trường lớp và phê bình đám nữ sinh bạn gái đầu tiên của chúng. Lâu lâu Biên nhìn xuống chân còn dính bùn khô, chợt nẩy sinh ý nghĩ lãng mạn là ra đi đem theo sình lầy của quê hương. Chỉ có Hoàng, em kế Thành là cô đơn hơn hết, anh lớn tuổi hơn Công, Dzũng, Đường và cũng không còn đi học, nhưng lại nhỏ tuổi hơn các anh Vĩnh, Thành, chưa bao giờ đi lính. Buổi trưa nắng chói chan vỡ rợp từng mảng da trời, ngồi dưới tàu lá chuối xanh rờn trên đầu Hoàng thầy lạc lõng không tìm ra thế hệ của mình, lạc lõng như cồn nước lợ nổi trơ vơ giữa dòng sông.
*
Suốt cả buổi chiều trên cồn, nhóm của Đường tâm sự vãn và ăn uống dè sẻn những bánh ú, trái mận roi đường bán với giá cắt cổ. Trời chiều ngả dần từ màu vàng võ sang cam tuyền của những đám mây xa. Lúc chị Hương rút năm chục cuối cùng ra mua ba trái dừa xiêm cho cả bọn uống đỡ khát, tiếng reo hò chợt dậy vang trên cồn.
– Dậu xuyền lại!
– Có tàu, tàu tới, tàu tới!
Mọi người không kềm chế được vui mừng chạy ùa ra bãi đất trống hồi sáng lúc lên cồn. Trong ráng chiều buông chầm chậm, Đường trông thấy ngoài sông ba chiếc tàu cây đang chậm chạp tiến vô.
– Đâu, chiếc nào là MT.603 đâu?
– Chiếc sơn đỏ dưới lườn đó.
– Trời ơi! Nhỏ xíu vậy làm sao vượt đại dương đi Úc!
Những người lần đầu tiên vượt biển thất vọng kêu trời. Tàu vượt đại dương trong đầu họ là hình ảnh những chiến hạm, tàu thủy đậu trong bến cảng Bạch Đằng. Những người đã cay đắng nhiều lần rồi thì bình tĩnh hơn.
– Vậy là khá rồi, hồi tui đi chui ở Cà Ná ghe dài chỉ bằng ba chiếc giường ngủ nhập lại.
– Thôi chết rồi, lão Trương Hồng lừa mình rồi.
– Dưới Rạch Giá tàu cũng chỉ cỡ vầy…
Đường nghe rõ những mẩu đối thoại chung quanh, anh không có ý kiến vì đã ra đến đây ghe xuồng tàu bè lớn nhỏ cỡ nào cũng phải lên thôi. Ba chiếc tàu cây ngừng lại ở giữa sông. Hóa ra có hai chuyến đăng ký khác đi cùng ngày mà Đường không biết. Đường cũng vừa khám phá thêm qua lời đối đáp giữa ông Hỏa em rể chủ tàu và những người vây quanh, là chiếc MT.603 dự định đi Úc. Người tổ chức tự tin chiếc tàu của họ đủ sức hải hành xuống tận vùng nam Thái Bình dương. Có lẽ lý do chính là vì từ mấy tháng qua, đài BBC không ngừng loan những bản tin về nạn hải tặc ở vịnh Thái Lan, điểm đến gần nhất. Mã Lai, Nam Dương, Tân Gia Ba thì đài VOA loan tin tàu tỵ nạn bị kéo đuổi ra khơi. Đường suy nghĩ nhưng không tài nào đoán ra lý do khiến các nước Đông Nam Á trong vùng xua đuổi làng xóm đang lâm nạn. Chỉ mới hôm qua, họ hãy còn là đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa. Đường cảm thấy cay đắng, đồng thời ba chữ Úc Đại Lợi vừa nhú mầm nẩy lên trong anh. Đường cố hình dung ra vùng đất lạ của nhà sinh vật học nổi tiếng Darwin, nhưng cũng như bóng đen về sự xua đuổi thuyền bè của các nước láng giềng, Đường không mảy may ý niệm gì được về mảnh đất lục địa chờ đón sắp đến. Nhưng lần đầu tiên từ lúc xuống Mỹ Tho, anh nôn nao khó tả.
Hơn tiếng đồng hồ sau, hai tàu tuần giang PCF chở đầy Công an hộ tống một đoàn ghe đông đảo người ngồi trong khoang cặp vào cồn. Lần này những chiếc đuôi tôm cặp hẳn vào bờ. Công an và đám người lạ mặt tuần tự lên cồn. Viên Công an lúc nãy tái xuất hiện, nói chuyện hồi lâu với chủ tàu rồi quay sang ra dấu đem loa phóng thanh đến.
– Các anh chị chú ý! Các anh chị chú ý! Tôi thay mặt tỉnh ủy, thay mặt đội ngũ công an nhân dân thị xã quán triệt với các anh chị một vài điều trước khi các anh chị lên đường…
“Quán triệt” vắn tắt, kêu gọi mọi người phấn đấu lao động ở xứ người tiếp nối phát huy truyền thống anh hùng của hai dân tộc Hoa-Việt tự ngàn xưa. Không ai cảm giác kỳ dị và cũng không ai tự hỏi vì sao chính quyền tổ chức cho họ ra đi, tất cả đã quen với ngôn từ chính thức và quen với sự im lặng, riêng Đường càng lúc càng nôn nóng.
– Sau đây là danh sách các anh chị có tên thuộc diện người Hoa đăng ký theo tàu MT.603. Anh chị nào có tên thì đứng lên ra tập họp xuống ghe để ra tàu lớn. Tổ Một: tổ trưởng Lâm Huê, tổ viên các anh Trương Liêu, Đặng Cẩm, Trịnh Vũ Vương, Phùng Hội, Phùng Tảo… các chị Trương Tố, Vương Huệ, Tú Diệp Anh…
– Dzũng, ông có tên kìa, đứng lên đi! Đường bật dậy.
– Đâu? Gọi hồi nào? Dzũng hớt hãi.
– Phùng Tảo! Tên trên khai sinh Tàu của ông là Phùng Tảo. Nhanh lên! Đường đẩy Dzũng.
– Phùng Tảo có mặt!! Dzũng lật đật.
Biên mang túi đeo vai giùm anh Dzũng, nó vừa kích động, vừa nghĩ đến cái tên Mã Siêu trên khai sinh Tàu của mình. Tự nhiên Biên nhớ đến cha đã mất, nhớ đến ông Long buổi trưa 30 tháng 4 đốt vội vàng thông hành của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc khiến bà Long phải mua khai sinh giả cho hai anh em Đường với giá một chỉ vàng. Tàu thật trở thành Tàu giả, hay Tàu lai trở lại làm Tàu thật? Biên thật sự thắc mắc. Cho đến buổi trưa Mỹ Tho, Biên vẫn tin nó là người Việt, mà chỉ đến buổi trưa này Biên mới ý thức cái tên thật Lưu Gia Biên của nó đầy Tàu, nhưng là một thứ Tàu không được công nhận, giản dị vì là Tàu quốc gia. Quốc gia? Biên hãy còn quá trẻ để hiểu. Nó đứng xếp hàng sau lưng anh Dzũng, nhìn mọi người trút hết tiền Giải Phóng còn thừa vào chiếc rổ mà anh Công an trẻ đang cầm.
– “Giải Phóng” đến đây là hết giá trị. Dzũng thì thầm.
– Cái gì của âm phủ trả cho âm phủ. Đường gật đầu.
Công an tiếp tục đọc tên: Các anh Vưu Di, Chiêu Cấm, Triệu Hỷ… Đến tên Mã Siêu, Mã Sinh, Đường hô “Có mặt”.
– Em mang tên Mã Siêu luôn hả anh?
Biên vẫn còn thắc mắc, ý nghĩ trở lại làm người Tàu làm thằng Biên không vui. Nó nghĩ đến đám bạn người Việt trong trường, nghĩ đến chỉ mới cách đây vài tháng khi chiến tranh biên giới nổ ra, thầy chủ nhiệm đã kín đáo khuyên nên khai lại lý lịch vì gốc Hoa sẽ cản trở học vấn. Đường nhìn em ngạc nhiên, tự nhiên anh thấy thằng Biên lớn hẳn, nó có vẻ ưu tư.
– Qua đến trại tỵ nạn khai lại.
– Khai người Việt hay người Tàu?
Biên nhìn anh. Đường nhìn thằng Biên, anh thấy rõ ràng thằng bé đang lớn lên, làm như xa gia đình ba ngày đã khiến nó ý thức phải tự lập và đã khiến nó hiểu những quyết định sắp đến của anh vô cùng quan trọng. Đường muốn trấn an em nhưng chính câu hỏi của thằng Biên làm anh phân vân. Tàu hay Việt? Chính gốc Hoa của Dzũng và Đường đã khiến ông Trương Hồng trở nên dễ dãi và tin tưởng. Cũng chính gốc Hoa này đã giúp bà Long xin bớt hai lạng vàng. Nhưng Tàu hay Việt, Đường chưa bao giờ tự đặt câu hỏi, vì trong thâm tâm anh luôn nghĩ mình là người Việt. Bên cạnh, Dzũng cũng nghe thấy và chờ đợi đáp án của bạn mình. Chính Dzũng cũng đang phân vân, sau cùng, Dzũng nói nhỏ: Sang tới trại tỵ nạn rồi tính, nhưng Đường đã trả lời em: Khai người Việt. Mẹ là người Việt, anh em mình là người Việt. Đường nghe giọng nói của anh thật chắc chắn. Biên cảm thấy an tâm, nó nhìn ra những thước sông bây giờ đã sẫm.
*
Bảy giờ tối, trong ánh đèn pin quét ngang dọc của Công an, mọi người lần lượt xuống tàu lớn. Dzũng, Đường và những người đàn ông trong nhóm bị đẩy xuống hầm dưới cùng.
– Chết rồi bây ơi, không có cửa sổ!
Anh Vĩnh la làng khi cả bọn chui xuống hầm. Khoang tàu tầng dưới tù mù trong ánh đèn bão mắc ở đà ngang. Chưa gì mọi người đã ngộp thở, hầm tàu bít bùng thiếu dưỡng khí. Mùi dầu Ma-zút xông lên hăng hắc.
– Xuống, xuống! Tổ một dồn ra đắng mũi đi! Nị tỳ hôi sườn pìn!
Mấy thằng thủy thủ gốc Triều Châu to con vạm vỡ, xô đẩy nhóm Đường. Người trên boong tiếp tục dồn xuống.
– Ngồi sát vô nữa! Mỗi băng mười người! Xập cô dành!
Bọn thủy thủ tiếp tục la hét quát tháo. Mặt anh Vĩnh và anh Thành đanh lại. Những người đàn ông ngồi chật đến độ không thể cựa quậy. Trong bóng đèn bão vàng vọt, vang lên vài tiếng “Tiểu lụ mụ” của các thanh niên người Hoa cũng đang bị dồn ép như cám. Người trên boong vẫn tiếp tục được đẩy xuống. Đường có cảm tưởng hai xương vai và ba sườn mình sắp vỡ vụn.
– Tôi nói ông rồi, máy ép dầu xuất khẩu mà!
– Nghe đâu Công an gởi một trăm người, cánh ra sau hồi nãy là người của Công an đó.
– Không cửa sổ, ngồi ép mỡ kiểu này tàu lật là đi đái…
– Ê mấy cậu nhỏ đó, đi đường xa đừng có nói gỡ. Hết chuyện đùa rồi sao!
Mấy ông già lớn tuổi ném cho bọn trẻ cái nhìn quắc mắt không mấy thiện cảm. Đám thanh niên nín thinh, hầm tàu chỉ còn tiếng chân xô đẩy quờ quạng tìm chỗ ngồi. Không ai nói gỡ nữa, nhưng hình ảnh cái quan tài tập thể đã lởn vởn trong đầu mọi người.
Phần Biên, dưới 18 tuổi nên được ở tầng nhì, có cửa sổ ngồi chung với đàn bà con gái. Tầng thượng dành cho thân nhân gia đình chủ tàu và tài công. Khoang tàu của thằng Biên cũng chật không kém, nó bị năm con xẩm ép dính vào vách. Không phải một hộp cá sardine nhưng là một hộp thịt pâté. Thằng Biên cố an ủi được ngồi kế cửa sổ không sợ ngộp thở. Nó đo lường bằng mắt cái khung cửa hẹp liệu xem thân hình ốm của nó có chui ra được khi gặp biến. Thõng một tay qua cửa sổ, Biên giật thót mình vì cánh tay nó chạm ngay vào dòng nước lạnh toát. Mực nước mấp mé chỉ cách chừng hai mươi phân. Đúng lúc đó thằng Biên chợt nghe tiếng mái chèo khua nhẹ, rẽ trên mặt nước. Rồi tiếng chạm nhẹ vào vách, rồi có tiếng đụng mạnh hơn vào lườn tàu, tò mò nó nghiêng đầu qua cửa sổ. Một bàn chân rơi bịch bất ngờ ngay trên thành cửa trước mũi thằng Biên. Một bóng người từ chiếc ghe tam bản cặp bên hông chiếc MT.603 bay vụt lên boong. Tiếng súng nổ chát chúa liền tức khắc. Liên tiếp là tiếng đạn AK rít rít trong gió. Năm ngón chân của cái bàn chân trần bấu quặp vào thếp gỗ run rẩy rồi rơi tõm xuống, nước bắn ướt vào trong khoang. Nhiều tiếng động, tiếng chạy trên boong. Đến khi âm vang của tiếng súng dứt hẳn, hồi lâu sau trong bầu không khì sợ sệt im phắc, một giọng đàn bà mới lắp bắp thều thào:
– Trời ơi… đi “hôi” bị bắn rồi.
Đã gần nửa đêm tàu vẫn chưa chạy, không ai rõ chừng nào mới “nhổ neo”. Ông Trương Hồng và tài công đã trở vô thị xã ăn chia tay với Công an. Tất cả chìm trong bóng đen đặc, cây đèn bão gã thủy thủ đã lấy đi. Mùi Ma-zút xông lên đến ngộp thở, in mùi hắc ín tráng nhựa đường. Thằng Biên nhắm mắt cố ngủ để lấy sức, mỗi lần giật mình bừng tỉnh, nó ngó ra ngoài đêm quê hương mịt mù. Tàu vẫn đứng yên một chỗ.
(…)
(trích trung thiên truyện Biển San Hô, trong tập Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu, đăng lần đầu trên nguyệt san Làng Văn số tháng 11-1988.)