
Trong cuốn Tùy Tưởng Lục của Ba Kim, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin ấn hành năm 1998, do Trương Chính và Ông Văn Tùng dịch, đã giới thiệu về nhà văn danh tiếng Trung Quốc này như sau:
Ba Kim tên thật là Lý Nghiêu Đường, tự Phế Cam, có nhiều bút danh, nhưng thường được biết với bút danh Ba Kim. Ông thuộc thế hệ sau Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn; nổi tiếng những năm ba mươi, cùng một lần với Lao Xá, Tào Ngu, Diệp Thánh Đào…
Ông người Tứ Xuyên, sinh năm 1904, tính đến nay (1998) đã ngoài 90…[1]
Ba Kim có lối viết sắc nhọn mỉa mai nhưng không cay độc như Lỗ Tấn. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm giá trị: hai bộ tiểu thuyết trường giang Ái Tình Tam Bộ Khúc gồm ba tập Lộ (Mây Mù), Vũ (Mưa), Điện (Chớp Giật) do nhà xuất bản Lương Hữu in năm 1936; tiếp theo là Kịch Lưu Tam Bộ Khúc cũng gồm ba tập Gia, Xuân, Thu (NXB Khai Minh). Đã có Ba Kim Tuyển Tập (1936), Ba Kim Đại Biểu Tác (1940)…
Sau ngày Trung Quốc giải phóng, có xảy ra tám cuộc đấu tranh văn hóa: một là phê phán phim Vũ Huấn (1951), hai là phê phán cuốn Nghiên Cứu Hồng Lâu Mộng của Du Bình Bá (1954), ba là phê phán quan điểm học thuật duy tâm của Hồ Thích (cũng vào năm 1954), bốn là đấu tranh chống tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong (1955), năm là đấu tranh chống phái hữu trên mặt trận văn nghệ (1957), sáu là “đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại” (1959), bảy là phê phán chủ nghĩa giáo điều (1960), tám là “đại cách mạng văn hóa”.
Ba Kim không bị dính gì trong bảy cuộc đấu tranh trước, nhưng ông vào tù bởi cuộc đấu tranh thứ tám.
“Và, như ông nói, đang là ‘người’, ông đã biến thành ‘bò’, bị nhốt vào ‘chuồng bò’ suốt mười năm. Đại cách mạng văn hóa chấm dứt, ông mới từ ‘bò’ trở lại làm ‘người’. Bấy giờ ông lại cầm bút”.[2]
Tùy Tưởng Lục là tác phẩm cuối đời của Ba Kim, gồm năm tập: tập đầu xuất bản năm 1978, tập cuối xuất bản năm 1986. Như vậy, Tùy Tưởng Lục tập một in năm Ba Kim 74 tuổi. Tập cuối in năm Ba Kim 82 tuổi.
Nhiều nhà văn ngoại quốc, Tây phương như Alberto Moravia, mà rất nhiều độc giả người Việt Nam biết đến qua bản dịch Gái Đĩ Thành Rome,Trung Quốc như Ba Kim, đến tuổi hơn 80 vẫn còn sức sáng tạo những tác phẩm quan trọng.
Còn nhà văn Việt Nam ta thì hầu như người nào “may mắn” lắm chỉ được một hai cuốn đầu… Sau đó là kiệt sức tàn hơi, hoặc cho ra những món uể oải không thành hồn xác. Đó là nói về những nhà văn thanh niên và trung niên. Rất ít nhà văn Việt Nam còn hành nghề, tức là còn sáng tác khi bước qua tuổi lão niên. Thảng hoặc có ông, bà nào vẫn còn muốn chứng tỏ sự hiện hữu của mình ở tuổi xế chiều, thì những tác phẩm hình thành trong giai đoạn này thường chẳng lấy gì làm xuất sắc. Câu hỏi tại sao rất khó trả lời. Nhưng dù gì thì chúng ta cũng sẽ thử cùng nhau tìm một giải đáp, có thỏa đáng hay không lại là một chuyện khác!
Hôm nay tôi đã mang ông Ba Kim ra giới thiệu. Vậy chúng ta sẽ lấy Ba Kim, tìm hiểu xem Ba Kim nói, nghĩ về tuổi già của ông như thế nào, mà đến tuổi quá quan thất thập cổ lai hy, Ba Kim vẫn còn viết được một tác phẩm đáng suy gẫm là Tùy Tưởng Lục!
Mở đầu bài “Chiếc Gương Soi” ở trang 119, Ba Kim viết:
Trên tủ tường trong phòng của tôi, có gắn một chiếc gương lớn. Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, bọn tạo phản và Hồng vệ binh lần lượt đến nơi ở của tôi, nhiều lần khám nhà, đập phá khá nhiều thứ mà họ cho là “loại đồ cũ”, thế nhưng lại không đập vào cái gương này nhát nào. Cho nên nó mới được giữ lại. Bởi thế, tôi mới luôn luôn được soi gương.
Nói thật lòng, đứng trước gương tôi không hề cảm thấy vui, bởi cái “tôn dung” ánh lên trong gương khiến tôi đâm lo: tiều tụy, già nua, nhăn nheo, môi thì khô héo… Có đẹp, có ưa nhìn hay không, tôi không quan tâm, nhưng điều tôi cảm thấy khó chịu là nó luôn nhắc nhở tôi: “Mi đang mon men tới cái chết”. Vậy thì phải làm thế nào?
Đập quách ngay chiếc gương này đi, từ nay không tiếp xúc với những thứ như thế này nữa là xong. Những người tôi gặp thường bảo tôi: “Ông không thay đổi mấy, ông rất tươi tỉnh”. Những lời nói đó xem ra rất dễ nghe, nó chẳng dính dáng gì đến cái chết cả. Nuôi dưỡng bằng những lời nói tốt, liệu càng nuôi càng tốt hơn lên được hay không, tôi không dám quả quyết, nhưng cứ như thế này, ngày tháng trôi đi cũng không đến nỗi tồi. Tôi đã từng nghĩ như thế và cũng từng làm như thế. Có những thời kỳ, tôi thôi không soi gương nữa. Tôi không còn nhìn thấy “tôn dung” của mình, lại nghe những lời nói dễ nghe nên càng yên tâm. Chẳng những yên tâm, hơn thế, tự mình còn thêu dệt thêm những điều dễ nghe. Người khác bảo tôi “bỗng dưng trẻ lại”. Tôi hoàn toàn tiếp nhận, thậm chí còn ảo tưởng thêm rằng mình đã “phản lão hoàn đồng”. Giấy mời họp liên tục, thư đặt bài nhận luôn tay, tôi còn phải làm đủ các loại việc, làm đủ các loại công tác cho đủ các loại người. Nhiều thư từ như thế, nhiều bản thảo như thế, lại còn các buổi đi thăm, các buổi nói chuyện. Hình như mọi người bảo tôi “xây dựng chí hướng lớn lao” Tôi cứ thế mà quên cả bản thân mình.
Thế là đến một ngày tôi phát hiện thấy mình hỏng rồi. Cầm bút lên viết mà cũng thấy vất vả, lên xuống cầu thang thấy khớp xương đầu gối đau nhừ. Hơi bị cảm là y như viêm phế quản, ho mãi không thôi… Lúc ấy, tôi mới lại nghĩ rằng nên soi gương, Bèn đứng ra trước gương ngắm nghía. Đó là vào một buổi tối, vừa súc miệng xong, bỏ hàm răng giả ra, nên mình cũng chẳng nhận ra mình. Làm gì có cái vẻ “trẻ lại”? Y như vừa qua một giấc mơ. Tôi đã tỉnh lại rồi. Ở trong gương, tôi đã nhìn ra khuôn mặt thực của mình. Hôm kia nhìn thấy vẫn thế. Hôm qua nhìn thấy vẫn thế. Hôm nay nhìn thấy vẫn thế. Nhìn mình, nghĩ về mình, cảm giác của tôi, tình cảm của tôi… đều tương xứng với vẻ mặt của tôi, cũng có thể nói là phù hợp. Điều đó nói lên một sự thực: cái gương đã nói với tôi lời nói thật. Cho nên tôi có thể cân nhắc hiện thực một cách tử tế. Như thế, tôi mới vạch ra được một kế hoạch năm năm, tôi đã lập kế hoạch trên “nền móng tư tưởng” đó. Là nhà văn, thì phải dùng tác phẩm của mình để gặp gỡ bạn đọc. Trước khi đi khỏi thế giới này, thế nào tôi cũng để lại một chút gì. Tôi không cần điếu văn, tôi không muốn nghe người khác nói những câu dễ nghe trước hộp tro hài cốt của tôi. Gần đây thường có người tìm đến tôi nói chuyện riêng của tôi, họ muốn biết tình hình tư tưởng của tôi cũng như cách nhìn nhận của tôi về một vấn đề nào đó cách đây bốn năm chục năm trước….[3]
Ông Ba Kim đã thực sự viết lại được sau khi ông “thực sự” soi gương và “thực sự” nhận rõ “tôn dung” hiện tại của chính ông! “Là nhà văn, thì phải dùng tác phẩm của mình để gặp gỡ bạn đọc. Trước khi đi khỏi thế giới này, thế nào tôi cũng để lại một chút gì.” Ba Kim chẳng những đã để lại, chẳng phải “một chút” gì mà là một tác phẩm rất giá trị là cuốn Tùy Tưởng Lục gồm năm tập: tập một lấy luôn tên là Tùy Tưởng Lục Tập I, tập hai đề là Chân Thoại (Lời Nói Thật), tập ba đề là Sách Cầu (Tìm Kiếm), tập bốn đề là Bệnh Trung (Nằm Bệnh), tập năm Vô Đề.
Phải chăng, một nhà văn muốn sáng tạo được một tác phẩm có giá trị, trước hết, phải nhìn rõ ra chính mình là ai? Cái thời khoảng mà Ba Kim không muốn soi gương, ông đã sống, đã nhìn ông qua những lời “dễ nghe” của người khác! Có khi Ba Kim đã cố dấu hoặc không thèm kể ra là xen lẫn với những lời “dễ nghe”, đôi lần cũng kèm theo những lời “khó nghe” không chừng! Dù là những lời “dễ nghe” hay “khó nghe” của người khác dành cho mình, tôi vẫn thấy nó chẳng thể nào trung thực được như phản ánh trong cái gương soi tâm thức mà mình nhìn thấy bằng tận đôi mắt của mình cái “tôn dung” của chính mình.
Chắc phải qua một thời gian khá dài Ba Kim đã trốn tránh việc tự “soi gương”. Ông đã nhận diện mình qua lời nói, nhận xét của những người chung quanh. Trong một bối cảnh xã hội nào đó, con người ta sẽ vì hai chữ “lịch sự” và tự xếp hạng mình vào thành phần “có văn hóa” thì không thể nói lên những điều trông thấy hiển nhiên nhưng lại có vẻ gì như khiếm nhã, hoặc thô bạo… Đến lúc Ba Kim giật mình muốn nhận ra “bản lại diện mục” của ông: “Đó là vào một buổi tối, vừa súc miệng xong, bỏ hàm răng giả ra, nên mình cũng chẳng nhận ra mình. Làm gì có cái vẻ “trẻ lại”? Y như vừa qua một giấc mơ. Tôi đã tỉnh lại rồi.”
Ba Kim quả tình tỉnh lại rồi. Quá tỉnh táo nên ông đã viết được bộ Tùy Tưởng Lục dí dỏm, sâu sắc và cho đến ngày hôm nay chúng ta đọc lại vẫn thấy có rất nhiều điều để chiêm nghiệm và học hỏi.
Tuần rồi, có một chuyện xảy ra cứ làm tôi suy nghĩ. Hôm đó là thứ Tư, trong một quán cà phê. Tôi và vài ông bạn ngồi nói chuyện loanh quanh. Một ông nhắc tới một buổi tiệc họp mặt theo kiểu reunion một nhóm bạn cũ hồi trước 1975. Một ông bạn già khác đâu cũng đã “thất thập” buộc miệng:
“Chẳng biết con bé D. nó có đến không. Con bé ngày xưa đẹp kinh hồn!”
Phản ứng tự nhiên của tôi là trợn mắt với ông bạn già:
“Ông ơi! Dù cô “D.” gì đó có tới, thì hiện nay cũng đã phải là một bà già rồi ông ạ. Bà “D.” chứ còn con bé D. nào nữa ông!!! Gần ba mươi năm… dâu biển rồi, bộ ông quên sao?”
Mấy ông kia cười ngất trêu chọc ông bạn già. Tôi trợn mắt, lý sự với ông xong lại bâng khuâng nghĩ thầm: “Tôi có muốn gặp lại những người con gái đẹp hồi thời niên thiếu mà tôi từng quen biết?” Câu trả lời tức thì của tôi là “KHÔNG”.
Tôi không muốn gặp lại họ, những người con gái đẹp mà đã một thời làm xôn xao trái tim tôi. Tôi không đành lòng nhìn thấy những nhan sắc mà tôi từng mê đắm nay đã phai tàn…
Bởi vì, như Ba Kim lúc đã thức tỉnh, tôi từng ngày có tự soi gương để nhận diện chính mình trong phút giây hiện tại. Mặc dù không đến nỗi mang răng giả như Ba Kim, nhưng tóc tôi đã mất đi màu xanh mướt của thời thanh xuân và đã thưa đi nhiều vì mỗi ngày cứ dăm ba sợi rụng. Mặt mày thì sần sùi ngang dọc những nếp nhăn những luống cày của năm tháng…
Tôi như vầy thì những người đẹp thời niên thiếu của tôi giờ ra sao, khỏi luận bàn và khỏi giàu tưởng tượng, chắc ai cũng có thể hình dung được! Cho dù ở thời đại này người ta có thể đi mỹ viện để “chỉnh dung”, nhưng dù có “chỉnh” tới cỡ nào, lưỡi cày “thời gian” chắc chắn cũng sắc bén hơn, tàn bạo hơn đủ để lại những dấu vết làm đau lòng hiện tại.
Nhà văn Việt Nam, đa số không thích tự soi gương. Họ sống bằng “dư luận” tức là những lời “dễ nghe” của bè bạn và “khó nghe” của những kẻ không ưa họ. Những lời “dễ nghe” sẽ làm nhà văn hạnh phúc và hứa hẹn “sẽ cố gắng để không phụ lòng bạn đọc”, theo kiểu các cô ca sĩ sau mỗi tràng vỗ tay luôn tuyên thệ là “sẽ ngày càng tự trau giồi, để tiếng hát giải khuây và mua vui được cho khán thính giả, để đáp lại tấm thịnh tình của những người đã ra sức vỗ tay hôm nay, hôm qua và ngày mai v.v…”. Những lời “khó nghe” sẽ là chất xúc tác để các nhà văn không biết tự soi gương gầm gừ phản kháng và càng lúc càng tô đậm chân dung mình hơn theo những lời “dễ nghe” mà anh ta (hoặc chị ta) ưa thích!
Sơn Nam viết trong cuốn Dạo Chơi Tuổi Già:
Đọc sách của bà M. Duras, nhan đề “Écrire”, tạm dịch là Viết, là Chữ Nghĩa. Đáng chú ý đối với tây phương, nhưng nhìn lại Đông phương, ta thấy chưa nói điều gì lạ. Bà là người trực tính, dám chấp nhận sự hư vô của chữ nghĩa, bà nói với riêng bà, thành thật. Lứa trẻ không nên nghe theo bà. Cái hư vô của cuộc sống cá nhân. Đúng vậy, nhưng hậu thế cần những di sản cụ thể của người đi trước. Nhà giàu, khi hấp hối, khóc cho rằng mình vui vẻ mà chết với hai bàn tay trắng. Kẻ trụy lạc về tình yêu xác thịt bảo “tình là bể khổ”. Người quá no say rượu thịt dạy rằng rượu thịt là chất độc tố. Cũng như về già, sực nhớ “mối tình đầu”, nhớ thật thà, biết đâu nếu cưới được người yêu đầu tiên thì chàng trai (hoặc cô gái) sẽ thất vọng, đòi ly dị. Để rồi lại luyến tiếc…[4]
Hư vô chữ nghĩa hay hiện thực sống thở… ? Rõ ra, là nhà văn thì dù trẻ hay già, theo tôi, điều thiết yếu nhất là “sống”, “sống” tận tình và hết mình với chính cái hiện tại đang có của mình thì sẽ làm được công việc sáng tạo một cách trong sáng. Trong sáng trong sự làm việc. Ông Sơn Nam không thể gặp bà M. Duras. Tác giả “Hương Rừng Cà Mau”, “Vọc Nước Giỡn Trăng” chẳng thể nào mang mễnh theo “Écrire” hay “The Lover”…
Hãy đọc Ba Kim viết về những tác phẩm cũ của ông ta:
Có người còn muốn giúp đỡ tôi nữa, đứng ra biện hộ hoặc nói vài lời công bằng cho những tác phẩm cũ của tôi. Tôi nói: Ý tốt thì xin cảm ơn, cái gì đã qua rồi thì hãy để cho nó qua đi, bây giờ chẳng đang kêu gọi chúng ta nhìn về phía trước là gì? Tôi cũng phải nhìn về phía trước.[5]
Nhìn về phía trước là sống trọn vẹn với hiện tại. Là tự nhận diện chính mình một cách trung thực không “ảo tưởng” hoặc “phóng đại”… Ba Kim viết tiếp:
Mỗi lần đi ngang qua, tôi lại nhìn thấy “tôn dung” của mình, đã không oai vệ lại cũng chẳng có tướng tinh gì, đến quần áo còn luộm thuộm, đúng là tướng ù lì vốn có. Thôi thì cứ ngoan ngoãn ngồi nhà viết đi, viết đi! Đó là kết luận mà tôi tự rút ra cho mình.
Tôi cảm ơn chiếc gương trước mặt tôi. Khi đầu óc tôi nóng lên, chính là nó đã khiến tôi tỉnh táo lại. Tôi muốn nói một câu tự đáy lòng mình: “Xin hãy để cho tôi được yên tĩnh, tôi không là bậc lưu danh trong xã hội, tôi không phải là thứ tư liệu cần “cấp cứu”, tôi chỉ là một nhà văn, một nhà văn cho đến chết cũng không rời tay cầm bút. [6]
Ba Kim đã khẳng định ông chỉ là một nhà văn, và một nhà văn thì đến chết vẫn phải là một nhà văn. Nghĩa là vẫn sáng tác. Cho nên, tám chín mươi tuổi Ba Kim vẫn còn viết và viết rất sâu sắc, đầy nội lực.
Một người được đời công nhận là nhà văn, hay tự nhận mình là nhà văn, mà càng ngày càng không viết ra chữ thì chắc chắc là đã có vấn đề tự bản thân. Anh ta (hoặc chị ta) chưa chắc đã thực sự muốn làm nhà văn, và điều tất yếu là anh ta (hoặc chị ta) đã chỉ nhận diện bản thân qua những lời đa số là “dễ nghe” của người khác!
Những người này tất nhiên là không khi nào biết “soi gương”!
TNH
[1] Ba Kim, Tùy Tưởng Lục. Trương Chính & Ông Văn Tùng dịch. NXB Văn Hóa Thông Tin 1998. Trang 5
[2] Như trên. Trang 7.
[3] Như trên. Trang 119 – 121
[4] Sơn Nam. Dạo Chơi Tuổi Già. NXB Trẻ, 2006. Trang 91
[5] Như trên. Trang 121.
[6] Như trên. Trang 122.
Tôi (tạm) cho là :
Có hai cách nhìn của chính Nhà văn khi về già!
A :
Ở đó là sự sáng tác, càng về già càng sung mãn, trong cách hành văn và dựng truyện. Họ sẽ thành công!
Tôi đồng ý về quan điểm của ông TNH, là: dường như nhà Văn VN chỉ viết được Hồi ký ở cuối đời, mà phần đầu của nghiệp dĩ, thì cũng chẳng mấy sáng sủa gì!!!
B :
Họ phải nhìn lại chính mình! Có bán đứng bạn bè Văn nghệ, khi nhà Văn ấy không hề thù hằn chính mình ( Tạm gọi: trong một giai đoạn thời thế nhiễu nhương)!
Nếu vậy:
Hãy soi gương chính mình, nếu tự nhận là người cầm bút!
Kết :
Viết: Ai viết mà chả được, khi đã gọi là… nà văn, (dù không hay)!!! Nhưng cái cần nhất : chữ nghĩa nó có cái Hồn của riêng nó. Nó đeo đẳng người cầm viết suốt cuộc đời, nếu họ làm sai, cho đến khi xuống lỗ vẫn còn âm vang ở thế hệ cầm viết nối tiếp!!!
Tác phẩm thành công hay Nhân cách Nhà Văn, cái nào quan trọng hơn, xin các bạn đọc chia sẻ.
Nhất Diệp.