Lên xe về Biên Hòa
Chuyện lạ đầu tiên mà tôi chứng kiến là chiếc xe minivan có thể chứa hết mọi người và vùn vụt chạy về Biên Hòa một cách ngon lành. Vợ chồng anh Năm và hai đứa con ở lại Sài Gòn, trong khi tất cả những người khác đều dồn lên xe. Vợ chồng tôi và con Bé Cù được mọi người dành cho hàng ghế đầu đằng sau lưng tài xế. Những người khác chen nhau ở hai hàng ghế phía sau chúng tôi, trong khi anh Chín và anh Bảy ngồi phía trên với tài xế và Minh Hải ngồi bên cạnh tôi. Tổng cộng là mười hai người, từ người lớn tuổi nhất là anh Chín trên sáu mươi tuổi cho đến Bé Cù nhỏ nhất mới có sáu tuổi, chưa kể bốn va-li lớn của chúng tôi chất đằng sau xe. Tôi không thể ngờ chiếc xe có thể chứa hết mọi người. Thế nhưng điều ấy chỉ là một chuyện nhỏ không đáng kể, không còn là chuyện lạ đối với tôi trong những ngày sau đó. Tôi còn thấy nhiều chuyện không thể ngờ khác, đôi khi rất phi thường và đáng thương, trong suốt những ngày hè về Việt Nam của tôi.
Trời vẫn tiếp tục mưa nhẹ, rơi lất phất xuống những con đường hẹp băng qua nhiều khu phố tối tăm phảng phất mùi cống. Hơi gió mát đang lùa vào hai bên cửa sổ và tạt vào má tôi, cho tôi cảm giác dễ chịu giữa những người vừa thân vừa lạ. Tôi có tật ít nói, mà lại hay suy tư nhìn ra ngoài cửa sổ, nên vợ tôi phải đảm nhận công tác xã giao và tiếp tục những mẩu chuyện với các chị trong xe. Đàn ông thường không khéo ngoại giao, và cũng vì gặp người ít nói như tôi, các anh đang quay sang những mẩu chuyện riêng tư. Tôi nghe anh Chín nói chuyện với tài xế về những con đường ra miền Trung, trong khi anh Bảy đang bàn với Út Hải về những chiến thuật “đưa banh” và “chọt banh” qua hàng phòng thủ đang xảy ra trong giải World Cup tại Pháp.
Lâu lắm rồi tôi mới có dịp ngồi trong xe và được nhìn ngắm thả dàn, mà không phải lo chuyện lái xe và đạp thắng cho người qua đường. Hình như người lái xe ở Việt Nam rất ít khi đạp thắng. Tôi thấy tài xế thường xuyên lái xe ở giữa đường và liên tục nhận kèn xe inh ỏi, để cho những chiếc xe gắn máy tránh vào hai bên lề. Ngoài bàn đạp ga xăng và bốn bánh xe, kèn xe có lẽ là bộ phận được sử dụng thường xuyên nhất trên xe. Tôi thấy lúc nào tài xế cũng nhấn kèn “te te”, “te te” như hù dọa những chiếc xe khác đang phóng ở hai bên đường. Tại California, có lẽ một năm tôi không dùng kèn xe nhiều bằng năm phút của anh tài xế trên đường về Biên Hòa đêm hôm ấy.
Tuy đã hơn 1 giờ sáng, tôi vẫn thấy nhiều người xuất hiện lác đác dọc trên đường về Biên Hòa. Họ ngồi chồm hổm bên lề đường, bên cạnh những hàng quán với dăm ba cái ghế nhựa. Có những người đàn ông gầy ốm, ngồi hút thuốc và chăm chú ngó xe chúng tôi. Có những đứa trẻ ngồi một mình ngoài đường, bên cạnh cái bàn gỗ ọp ẹp với vài ba chai xăng bên trên. Các em đội nón che mưa và cũng nhìn theo xe chúng tôi. Một vài phụ nữ ngồi đằng sau những tủ gỗ xiêu vẹo, dán đầy giấy quảng cáo thuốc lá, xăng và bột giặt quần áo. Họ cũng ngước nhìn chiếc xe lố nhố đầu người. Tuy gầy ốm trong những bộ quần áo bẩn nhàu, những người ngồi bên lề đường lại có vẻ rất tỉnh táo khi thấy xe chúng tôi chạy gần đến. Họ dường như không buồn ngủ, mặc dù nửa đêm đã đến từ lâu.
“Đêm khuya mà mấy người này vẫn ở ngoài đường để làm gì vậy cà?” tôi chợt hỏi bâng quơ giữa những mẩu chuyện ở chung quanh.
Tôi không nghe ai trả lời, không biết là vì câu hỏi quá nhỏ hay quá thừa. Đường ban đêm lúc nào cũng có người, có gì đâu mà phải thắc mắc. Ở Nam California, xe cộ vẫn chạy trên những xa lộ suốt đêm, cũng có những người thức trong những tiệm xăng mở cửa 24 trên 24. Ở bên ấy người ta lái xe đêm để đi chơi, đi giao hàng, người ta thức để bán hàng và bán xăng. Còn những người ở đây, trên con đường về Biên Hòa, tôi có cảm tưởng họ không bao giờ ngủ. Trông họ quen thuộc với những con đường, tựa như những cột đèn hoặc những bàn ghế, và tự nhiên tôi không thể tưởng tượng những con đường này thiếu vắng họ. Mỗi khi có người chăm chú nhìn lên chiếc xe đang chạy sát bên lề, tôi thấy có chút long lanh trong đôi mắt họ. Hình như họ đang chờ đợi một điều gì đó, có thể chợt đến vội vã và chợt đi mất hút như vết xe qua đường.
Vợ tôi hỏi một câu, và anh tài xế trả lời rằng anh đang lái đường tắt về Biên Hòa. Qua những lời đối thoại của hai người, tôi được biết tài xế là anh Trung, người từng lái xe đưa gia đình vợ tôi đến phi trường đón nàng trước đây. Anh làm việc với một hãng cho thuê xe tại Biên Hòa, và vì anh ta có quen biết với anh Bảy, gia đình vẫn mướn xe anh mỗi lúc cần đi đâu đó. Những đường nước mưa đang chảy dài xuống kiếng, vừa chảy xuống vừa lao đao như muốn chạy ngược lên phía trên vì tốc độ phóng tới của xe, trong khi quạt kiếng không làm việc. Lòa nhòa đằng sau khung kiếng, tôi tiếp tục thấy những bóng người ngồi lác đác ở hai bên đường. Mùi khai vẫn thoang thoảng bám theo sát chúng tôi.
Từ phi trường Tân Sơn Nhất, chiếc Toyota đã len lỏi qua những con đường quanh co về hướng bắc, từ Quận Tân Bình qua Quận Gò Vấp. Trên Quốc Lộ 1A tôi vẫn thấy lác đác những hình người đứng yên lặng trong bóng tối. Sang đến Quận Thủ Đức xe rẽ trái tiến lên Tỉnh Lộ 1A, vẫn với tiếng còi “te te” và “te te” liên tục như trước. Một người chợt nói cho chúng tôi biết, “Sắp đến sông Đồng Nai rồi kìa.”
Vài phút sau đó xe băng qua Cầu Mới, cũng “te te” tiếng còi trên cầu và bắt đầu tiến vào thị xã Biên Hòa, tôi bỗng cảm thấy nôn nao và nắm tay vợ đang ngồi bên cạnh. Nàng đưa tay vuốt lại mái tóc cho con gái và nựng hai gò má của nó. Dòng sông Đồng Nai đang loáng thoáng đằng sau mặt của hai mẹ con. Nhiều đêm chúng tôi đã từng nghĩ đến lúc này, lúc mà tôi thật sự về đến ngôi nhà trong một ngõ hẻm gần chợ. Tôi nhấp nhỏm và ngoái cổ nhìn ra ngoài cửa sổ. Xe đã băng qua sông. Nhiều cửa tiệm đang đóng cửa im lìm, bên cạnh những bóng tối đen mà tôi loáng thoáng thấy có bóng người.
Xe vừa quẹo vào một con đường tối tôi chợt nghe vợ nói, “Đến chợ Biên Hòa rồi kìa anh.” Biết rằng tôi là người duy nhất trên xe đang còn xa lạ với nơi mình đang đến, một người chị ở đằng sau cũng nói nhỏ, “Sắp tới nhà rồi Đạt.” Lời nhắc đó nghe ngọt ngào vô cùng. Tôi muốn nghe lại một lần nữa. “Sắp tới nhà rồi Đạt.”
Băng qua một ngã ba bùng binh, xe chạy thẳng đến trước một ngõ hẻm và dừng lại bên ngoài ngõ. Một chút ánh sáng giúp tôi nhận ra ngõ hẻm rộng khoảng sáu thước, vừa đủ rộng cho chiếc xe Toyota có thể lách mình vào bên trong. Nhìn vào con hẻm, tôi thấy đường đi hẹp dần lại và biến mất ở một khúc quanh. Từ đường lớn, chúng tôi lục tục đổ bộ vào khu xóm. Những anh chị em và mấy đứa cháu đã giành khiêng những hành lý và không cho chúng tôi được cầm lấy một thứ gì có thể làm nặng tay. Như một đội lính, mọi người đã hăm hở tiến vào ngõ hẻm, vừa nói chuyện rộn ràng và vừa nhắc nhau tránh những vũng nước lớn giữa đường. Trời đã tạnh mưa và để lại những luồng gió mát nhè nhẹ.
Ba người khách chúng tôi đã được hộ tống giữa những tiếng cười nói. Mấy đứa nhỏ đã nhanh chân đua nhau đi ở phía trước. Vừa nhanh nhẩu bước, các em vừa dắt theo Bé Cù như một “chiến lợi phẩm” sắp được khoe với những người ở nhà. Đằng sau vợ chồng tôi là các anh chị đang rảo bước theo và có lúc im lặng như chia sẻ những giây phút hạnh phúc mà chúng tôi đang tận hưởng. Họ mỉm cười với nhau khi thấy tôi nắm tay vợ một cách thân mật và âu yếm. Có lẽ chúng tôi “Mỹ” quá chăng? Thật sự cũng chưa “Mỹ” lắm đâu, vì chúng tôi còn thiếu một nụ hôn ở nơi công cộng. Đi được khoảng một trăm thước chúng tôi đến trước cổng nhà. Tôi thấy vợ đang bấn lên với niềm vui. Nếu đã từng đi đi về về qua cánh cửa này, từ ngày mới bước chập chững nhìn ra ngoài đường cho đến khi rời quê hương, chắc chắn tôi cũng bấn lên trong sự vui mừng như nàng. Tiếng chó sủa om sòm từ bên trong sân cộng với tiếng người reo vui mang đến một cuộc hội ngộ đầy huyên náo tại cổng nhà. Có lẽ dăm ba người hàng xóm nào đó chắc đang mất ngủ, vì màn sum hợp vào 2 giờ sáng của chúng tôi. Nếu đang ngủ trong lúc này, chắc tôi cũng không thể nào có được một giấc mơ đẹp hơn.
Giữa những người đang đứng ở ngoài sân, tôi thấy có hai bà cụ gầy ốm đang đứng yên nhìn chúng tôi. Một bà đang tròn xoe đôi mắt to đằng sau cặp kính lão dày. Bà mặc bộ áo bà ba hàng gấm màu trắng, di chuyển chậm chạp, và qua đôi mắt tròn đen của bà, tôi biết chắc bà là mẹ vợ tôi. Má! Tôi nghe vợ tôi kêu lên và ôm chầm lấy bà. Hai mẹ con mắt đỏ hoe. Má đang đứng yên trong vòng tay của vợ tôi. Tôi tiến đến thật gần và rồi nắm tay má. Bàn tay má gầy xương và mềm. Tôi nói nhỏ cho má nghe, “Chúng con về nhà thăm má.” Có lẽ vì quá xúc động, má không nói nên lời và chỉ khóc nhìn chúng tôi. Bé Cù đang đứng bên cạnh mẹ, được bà ngoại vuốt đầu. Ba người đứng sát bên nhau, và trong một thoáng giây, tôi thấy họ rất giống nhau.
Bà cụ thứ nhì cũng khoảng tám mươi tuổi và lưa thưa tóc bạc. Bà mặc áo bà ba ngắn tay và quần đen, đứng hơi khòm lưng nhưng đôi mắt còn liếc nhìn rất linh động. Bà bỗng nhìn tôi cười và “khoe” hàm răng thưa đang nhai trầu ở một bên. Tôi mỉm cười và nhận ra người này là ai. Má Sáu. Tôi cũng nắm chặt bàn tay của má Sáu. Bàn tay má Sáu gầy xương nhưng rắn chắc hơn tay má. “Con nghe Minh Thủy nói rất nhiều về má Sáu. Hôm nay con mới được gặp má.” Tôi nói nhỏ và hơi ấp úng với má Sáu, y như mới đến nhà bạn gái lần đầu để mời nàng đi ăn kem.
Bà lão nhai trầu bỗng nói, “Tao đâu dè chồng Minh Thủy coi hiền lành quá chừng.” Má Sáu cười tôi, rồi hối tụi tôi, “Mấy đứa vô nhà ăn cơm. Đi xa dìa chắc đói bụng lắm à.” Tuy bụng còn ọc ạch những món ăn lạ trên phi cơ, tôi cũng muốn vô nhà ăn cho má Sáu vui. Lúc bấy giờ tôi chưa biết mời ăn là thói quen đáng mến nhất của má Sáu, và tôi cũng không biết má Sáu có thể xào nấu được các món ăn cho nhiều người vào bất cứ lúc nào trong ngày, kể cả vào nửa đêm như lúc này.
Vào đến trong nhà, đám người lớn tụ tập xuống dưới bếp và ngồi chung quanh hai bàn tròn, trong khi tôi đi theo vợ ra sau nhà để rửa mặt. Đó cũng là đầu tiên tôi thấy lại một lu nước trong hơn hai mươi ba năm. Trong lần cuối cùng tôi có thể đứng trong lu nước và ló cái đầu ướt nhẹp ra ngoài. Lần này tôi đứng xem con gái biểu diễn màn múc nước và chỉ dẫn cho tôi biết nước trong lu này từ đâu ra. Nó đã từng về đây trước tôi và còn nhớ nhiều thứ trong ngôi nhà này. Nó chỉ cho tôi xem một ống nước to bằng ngón tay và được treo lòng thòng bằng dây kẽm chạy quanh tường nhà. Con bé đã trố mắt nhìn khi nghe tôi nói rằng lúc còn bé tôi thường vớt những con lăng quăng trong lu nước và cho cá ăn. Lu nước đã mang đến cho tôi một cơn mát dịu kỳ lạ, khi tôi múc và vốc nước lên mặt. Trong ngôi nhà cũ và chật này, tôi bắt đầu nhận ra nhiều thứ quen thuộc khác, cũng mát dịu và êm đềm như lu nước ở sau nhà. Một chiếc võng đong đưa giữa hai cột nhà. Một giường đi-văng nằm im lìm gần khung cửa sổ. Đôi dép lẹp xẹp trên bàn chân của một người mẹ trong nhà. Và tiếng người cười nói vui nhộn ở dưới bếp như một ngày giỗ ông bà tổ tiên.
Trong lúc tôi còn đứng xớ rớ đằng sau nhà, vừa rửa mặt vừa tìm lại quá khứ, vợ con tôi đã biến mất trong một căn phòng nhỏ dành riêng cho chúng tôi. Bé Cù bỗng thò đầu ra ngoài khung cửa và nhắc tôi mau mau vào thay đồ. Trước khi xuống bếp và tham dự bữa ăn đầu tiên với mọi người, má vợ tôi nhắc chúng tôi đến thắp nhang trước bàn thờ Phật và bàn thờ ông bà trong phòng khách. Lúc khấn vái, tôi cũng thầm tạ ơn những người khuất mặt đã giúp cho chúng tôi được trở về bình an. Cũng may bọn tôi không bị rớt xuống biển và xuất hiện trên màn ảnh computer của đứa con trai lớn. Cũng may vợ chồng tôi chưa bị tốn kém quá nhiều và chưa bị “mấy ông ấy” kiếm chuyện. Và cũng may chúng tôi còn một nơi để trở về trên quê hương.
Thấy chúng tôi vừa khấn vái xong, mọi người dưới bếp đã lao nhao mời gọi tụi tôi vào bàn tiệc. Tuy bếp chỉ rộng khoảng bốn thước ngang và khoảng sáu, bảy thước dọc, khoảng trống còn lại giữa những lò bếp và trạn đựng thức ăn cũng rộng đủ cho hai bàn tròn và dư chỗ ngồi cho ba thành viên mới về. Trên mười người khác trong nhà đã ngồi hoặc đứng chung quanh hai bàn. Vợ con tôi đã mau chóng ngồi vào bàn của phái nữ, trong khi tôi được mọi người “chỉ đạo” ngồi vào ghế “chủ tọa” bên bàn của phái nam. Cạnh ghế trống quan trọng này là anh Chín và anh Bảy, hai vị trưởng thượng nhất trong nhóm đàn ông có mặt.
Tôi có tính nhát và rụt rè ở nơi đông người. Khi thấy mọi người đang chú ý đến mình, tôi càng ngượng ngùng hơn trong lúc tìm cách lách chân vào ghế nằm sát trong tường. Có lẽ vì lúng túng, trong lúc vịn tay vào ghế của anh Chín và trườn tới trước, tôi đạp bừa lên chân anh, khiến cho anh phải rụt chân lại vào trong gầm bàn. Tôi mới ngồi xuống, ngượng ngùng chưa biết phải cầm chén bát ra sao, vợ tôi liền nhắc tôi mang mấy món quà ra tặng các “bạn trai” mới của tôi. Tôi lại đứng dậy, đạp lên chân anh Chín một lần nữa và bước ra ngoài. Đến khi trở lại bàn với một hộp thuốc lá Dunhill, tôi thấy anh Chín đã co chân lại “đề cao cảnh giác” và nghe Việt kiều lúng túng nói “sorry” nho nhỏ trong miệng. Tôi đã cẩn thận cầm hai tay và biếu anh Chín một gói thuốc lá, trước khi biếu những người còn lại trên bàn mỗi người một gói. Nghe nói đàn ông nào ở Việt Nam cũng hút thuốc, vợ chồng tôi đã mua thuốc lá tại phi trường Hán Thành và mang về Biên Hòa. Chúng tôi về quê hương với quá ít quà tặng người thân, và chưa gì chúng tôi đã nhận lại nhiều hơn.
Trong bữa ăn, tuy không đói, tôi cũng không ngờ mình ăn được rất nhiều. Vừa ngồi vào bàn là tôi được má Sáu bưng cho một tô bánh canh nóng hổi. Không có gì ngon miệng bằng húp được nước canh trong, ngọt sau một chuyến đi xa. Lúc ăn thêm miếng giò heo và nuốt những cọng bún trắng trơn tuột, tôi được mọi người cho biết bánh canh là một món nổi tiếng của Biên Hòa. Trước năm 1975, nhiều người Sài Gòn đã tìm đến những quán ăn dọc theo bờ sông Đồng Nai, để thưởng thức món bánh canh, đầu cá hấp tuyệt vời. Tôi đang được ăn bánh canh, với những cọng bún mua từ một lò nấu ở ngay trong con hẻm nghèo này.
Chưa ăn hết bánh canh, tôi được má nhắc tôi ăn thêm món gỏi gà. Những lần ngước mắt lên nhìn chung quanh, tôi đều thấy má Sáu chăm chú nhìn tôi ăn, như chuẩn bị đút thêm cơm cho ông rể mới của nhà này. Cũng có thể má Sáu lo ngại bụng “Mỹ” của tôi không chịu được các thứ lạ miệng. Thật sự thì tôi không ngờ ăn những món nấu ở nhà này lại ngon miệng hơn ăn ở tiệm. Tiếng nói chuyện rộn ràng của mấy anh chị em, tiếng cười nói chuyện mấy đứa cháu, và những ánh mắt mến thương của hai má đã cho chúng tôi một bữa ăn đầu tiên đầy gia vị ấm cúng. Các anh đã mang một chai rượu quí đến bàn và mời tôi cụng ly trong tình huynh đệ. Vợ tôi và chị Sáu cũng nhắp một tí rượu với mấy ông. Tôi đã ăn no và uống say. Tuy rằng chỉ mới bước chân vào nhà chưa đầy một tiếng đồng hồ, tôi đã biết nơi đây cũng sẽ thân quen như nhà của tôi. Trong đêm ngủ đầu tiên ấy, tôi đã không chợp mắt được lâu, không biết vì lạ nhà, chưa quen với giờ mới, hay vì tôi đã nôn nao và chờ đợi những ngày sắp tới, với những hình ảnh, âm thanh và hương vị của một xóm Biên Hòa mà tôi muốn thấm nhập vào các giác quan của mình. Tôi đã thao thức với những giấc mơ thú vị.
Buổi Sáng Đầu Tiên Ở Biên Hòa
Tôi đã dậy thật sớm vào buổi sáng đầu tiên tại Biên Hòa, với ý định đón nhận trọn vẹn những ngày và những đêm Việt Nam mà tôi đã từng ao ước được sống lại. Theo thói quen (không biết tốt hay xấu) từ những ngày ở Mỹ, vừa thức dậy tôi liền tìm một nơi để tắm cho tỉnh táo, và quan trọng hơn nữa là để có được một mái tóc thẳng thớm. Tóc tôi mềm èo, dễ lồi lõm sau một đêm bị nằm ép xuống gối, và nếu không tắm buổi sáng, tôi có thể mang suốt ngày một đầu tóc móp méo như một cái nồi vừa được dùng để đánh nhau. Phòng vệ sinh mới được xây lại sau nhà và có một bồn cầu nhỏ với một lu nước thấp ngang đầu gối. Trong lúc đứng múc những gáo nước lạnh xối lên đầu, tôi nghe có tiếng trẻ con đang ê a đọc bài ở nhà hàng xóm. Có ai đó đang dạy kèm trẻ em trong nhà riêng của họ. Tiếng các em tập đọc vang qua khung cửa sổ nhỏ, đều đặn và mát mẻ như những dòng nước đang lăn xuống người tôi. Tắm xong, tôi xuống bếp và gặp hai mẹ con Bé Cù đang nói chuyện rộn ràng với má và má Sáu.
Sống trong nhà này thường ngày là má Sáu, má, hai mẹ con chị Hai và Mỹ Phụng, con gái nuôi của chị Hai, ba mẹ con chị Sáu và em Minh Hải. Vào buổi sáng đầu tiên đó, chị Sáu, Minh Hải và cháu Mỹ Phụng đã đi làm. Hai đứa con của chị Sáu đã đi học hè. Ở nhà chỉ còn hai bà cụ già, mẹ con chị Hai và ba con chó với ba cái tên rất quê mùa và dễ thương: Đốm, Lu và Luốc.
Thấy tôi bước vào bếp, má Sáu liền hỏi tôi thích ăn gì để má sai thằng Cường chạy đi mua. Tôi lắc đầu, nói rằng trong bếp có cái gì thì tôi ăn cái đó. Má Sáu khen tôi “dễ nuôi”, và chỉ trong vài phút sau đó, má Sáu đã “quậy” cho tôi dĩa trứng chiên ăn với bánh mì và một ly cà phê nóng. Sau bữa ăn đêm hôm trước và món trứng chiên đang ăn trước mặt, tôi nghĩ ai mà có “khó nuôi” cách mấy cũng phải thuần phục trước tài nấu ăn của má Sáu. Ngoại trừ Bé Cù. Trong khi tôi dễ nuôi thì con gái tôi lại rất khó nuôi. Khi còn nằm trong bụng mẹ, nó đã lên cân ào ào và cho đến ngày lọt lòng thì nó là một trong những đứa trẻ nặng cân nhất nhà thương. Thế nhưng cũng kể từ khi chào đời nó kén ăn quá đỗi, đến nỗi giờ đây nó là đứa trẻ nhỏ con nhất trường. Nghe về thành tích khó nuôi của Bé Cù, má Sáu đã trổ tài nấu ăn, và cho đến ngày cuối cùng trước khi rời Biên Hòa, Bé Cù cũng thỏa hiệp với Ngoại Sáu và ăn được dăm ba món, đặc biệt là món cá chiên dòn mặn.
Ba Má, Một Ba
Sau bữa ăn sáng, Bé Cù được bà ngoại rủ lên võng và ngồi nói chuyện trong lòng bà. Tôi và vợ lẩn quẩn ở dưới bếp, hỏi chuyện nhà với má Sáu. Tuy đã ngoài tám mươi tuổi và hơi bị còng lưng, má Sáu còn đi đứng nhanh nhẹn và quán xuyến mọi chuyện ở trong bếp. Má Sáu là người lớn tuổi nhất trong nhà (tôi có nghe má Sáu vừa nhai trầu vừa khoe lớn hơn má đến mấy tuổi). Đây là ngôi nhà có nhiều má nhất mà tôi từng biết đến trong đời. Trong gần mười năm làm rể “viễn liên”, tôi vẫn thường lẫn lộn mỗi khi nhìn hình và nghe vợ nói về má, má Sáu và má Bảy.
Má là người tôi dễ nhớ và dễ nhận ra nhất. Người sanh ra vợ tôi khá gầy và đặc biệt là có đôi mắt to, hiền như mắt gấu cù lần. Má phải đeo kính lão, khiến cho đôi mắt càng to hơn trên khuôn mặt tròn nhỏ của má. Má ít nói và nếu có lên tiếng thì má nói rất nhỏ nhẹ, y như vợ tôi. Có điều là vợ tôi thỉnh thoảng cũng “dữ dằn” với tôi, và nàng thường hờn giận mỗi khi tôi nói “hơi” nặng lời với nàng. Tôi không biết má có bao giờ giận ba hay không. Vào một buổi trưa vắng vẻ, tôi ra ngồi một mình trước nhà và gặp má đang cầm chổi chầm chậm quét dăm ba cái lá ngoài sân.
Thấy tôi nhường chỗ và ngồi qua một ghế đẩu đối diện, má hiểu ý và ngồi trên băng dựa nhìn tôi. Đợi cho đến khi má cầm quạt và bắt đầu phe phẩy cho mát, tôi mới hỏi má có bao giờ giận ba hay không. Má bật cười và ngưng quạt. “Có chớ, mà ít lắm con.” Má vừa nói vừa nhìn vào khoảng không như đang sống lại những giây phút giận hờn đó. “Ba con hiền lắm. Ổng ít nói. Ai muốn làm gì thì làm, ổng không bao giờ nói nặng lời với ai hết trơn. Thiệt tình má cũng không nhớ có giận ba cái gì hông nữa. Ổng hiền quá, ai mà giận được.” Má ngưng một chút như lấy hơi, và rồi lại nói tiếp với giọng yếu hơn, “Đi làm ở Trường Tiền về là ba con chỉ hút thuốc, ngồi đọc nhựt trình hoặc nghe tin tức. Ai muốn làm gì thì làm. Ổng không bao giờ la rầy đứa nào hết.”
Tôi thấy má đã hiền như bụt, mà ba còn hiền hơn má thì nhà này chắc không có ai cần phải đi tu. Ba ít la mắng bảy đứa con, không hẳn vì bảy anh chị em của vợ tôi ngoan hiền như các tì kheo trong chùa. Thật sự ba không phải là người giữ an ninh trật tự trong nhà. Nhiệm vụ này nằm trong tay của cậu Sáu, anh ruột của má. Tôi được biết cậu Sáu là người thông minh, nghiêm nghị, và bản lãnh. Cậu có xe hơi và tài xế riêng trong thời kỳ khai thác gỗ trên Bảo Lộc. Trong khi ba nhỏ con và dễ dãi, cậu Sáu rất lực lưỡng và nghiêm khắc. Mỗi lần kể chuyện về cậu, vợ tôi vẫn nhớ đến những lần bị cậu rầy về nhiều tội, như về trễ hay bắt chước mấy anh lén coi trang ruột của những tờ nhật báo, chỗ có mấy cột tiểu thuyết ly kỳ, giật gân như “Cậu Chó” và “Ma Cà Rồng”. Cậu và má Sáu không có con, và mấy anh chị em của vợ tôi đã xem cậu và má Sáu như cha mẹ ruột của mình. Đó là lý do tại sao má Sáu được gọi là “Má” thay vì “Mợ” đối với mấy anh chị em, và “cậu” là tiếng mà gia đình má vợ tôi dùng để gọi người cha.
Một người khác trong nhà cũng được gọi là “Má”, và người này là má Bảy. Má Bảy là chị ruột của má và sống chung nhà. Chồng của má Bảy đã bị Pháp bắt vì tội kháng chiến, và ông đã chết trong nhà tù khoảng năm 1945. Má Bảy đã ở vậy mấy chục năm trời cho đến khi từ trần vài năm trước đây. Má Bảy có một đứa con gái nhưng đã chết yểu lúc chưa đầy một tuổi. Không bận bịu chuyện bếp núc lẫn con cái, má Bảy là người siêng năng đi chùa và sốt sắng lo Phật sự nhất nhà. Theo lời kể của vợ, có một lần tình cờ đụng đầu một anh Mỹ cao lêu nghêu đang đi vào trong xóm để tìm cô bạn gái, má Bảy đã hết hồn và chắp tay kêu “Mô Phật!” theo phản ứng tự nhiên. Anh Mỹ cũng giựt mình và chắp tay chào lại lời “Mô Phật” ngộ nghĩnh của má Bảy, trước khi nhường lối cho người đàn bà chỉ cao tới xương sườn của anh ta.
Với việc sống chung nhà như trên, trong thời gian trước năm 1975, bảy anh chị em của vợ tôi đã có tổng cộng là ba “Má”, một “Ba” và một “Cậu”. Nếu không được giải thích cặn kẽ về chuyện có nhiều ba má, tôi chắc cũng kinh ngạc khi nghe gia đình này có một “Ba” và ba “Má”. Mô Phật.
Lần đầu khi tôi nghe vợ nhắc đến về các má, tôi tưởng ba là một người chồng đa thê và có lối sống rất lạc hậu. Lúc bấy giờ tôi đang mải mê theo đuổi nàng, thành thử không dám tâm sự với nàng rằng tôi cũng rất tán thành lối sống “lạc hậu” của ba. Sau năm 1975, cậu Sáu qua đời trong khi vợ tôi đang sống ở Pháp. Cho đến bây giờ nàng vẫn buồn vì không có cơ hội được nói xin lỗi với cậu Sáu, về một lần nàng không nghe lời cậu trước khi vượt biển tìm tự do. Má Bảy đã mất một thời gian ngắn sau khi vợ tôi vội vã trở về Biên Hòa và gặp má trên giường bệnh mấy năm trước đây. Ba cũng mất hai năm sau đó. Trước tấm hình của ba rất quen thuộc mà chúng tôi cũng có trên bàn thờ ở Nam California, tôi có cảm tưởng ba đang hiện diện ở đâu đây, phảng phất như mùi nhang trong ngôi nhà cũ kỹ và ấm cúng này. Từ những bức tường cũ mà ba đã vịn bàn tay gầy yếu để đi từ giường bệnh xuống dưới bếp trong những ngày cuối đời, trong bầu không khí ẩm mát thoang thoảng mùi nhang, và tiếng nói của những người đang nói chuyện ở dưới bếp, tôi đã hít thở được sự sống mà ba, má Bảy, cậu Sáu và những người khuất mặt khác đã để lại trong ngôi nhà này. Ngày tôi về đây thì nhà chỉ còn có má và má Sáu.
Mẹ Con Chị Hai
Quanh quẩn thường ngày với hai má là chị Hai và đứa con trai mười sáu tuổi của chị. Chị Hai gần năm mươi lăm tuổi và bị tê liệt nửa người sau một lần bị tai biến mạch máu não trước đây. Bàn tay phải và chân phải của chị không thể hoạt động như bình thường. Chị gầy yếu, rất ít nói vì chỉ phát âm từng tiếng một và hay ngồi nghe chuyện hoặc làm những công việc nhẹ lặt vặt trong nhà. Chị thường mặc một bộ bà ba cũ màu trắng, và mỗi khi nhìn chị đi cà nhắc chung quanh nhà, tôi nghĩ đến một bệnh nhân đang đi tìm bác sĩ trong nhà thương. Ngôi nhà này không có thày thuốc, chỉ có những người thân mang đến cho chị những liều thuốc tình thương mà chị không thể tìm được ở những nơi khác. Chồng của chị vẫn mang đến tình thương cho chị, cho dù anh ít khi có mặt ở nhà. Trước khi có chồng, chị đã chuẩn bị đời mình như một cô giáo già và chấp nhận một đứa con gái nuôi do gia đình mang về. Thế nhưng tình yêu muộn màng đã đến bất ngờ, và cũng từ đó cuộc sống của chị đã thay đổi khắc nghiệt hơn. Sau một thời gian thành hôn với một người đàn ông góa vợ, chị mang thai và bị tai biến mạch máu não. Cháu Cường đã sanh thiếu tháng và bị bệnh chậm khôn từ lúc chào đời, trong khi người mẹ bị liệt bán thân suốt cuộc sống còn lại. Giờ đây cháu Cường đã cao lớn gần bằng tôi và có trí khôn của một đứa trẻ khoảng bảy, tám tuổi. Mỗi buổi chiều anh Hai vẫn ghé đến nhà để thăm hai mẹ con. Có khi anh ngủ lại đêm, và thường thì anh về một căn nhà chật chội với mấy người con riêng của anh.
Tuy yếu đuối, chị Hai cũng giữ chức năng của một người mẹ và thường xuyên chăm sóc Cường, đứa con trai duy nhất của chị. Chị dặn con thay đồ, nhắc con ăn sáng và sai con tìm một cuốn truyện hình nào đó để đọc cho hết thời giờ trong ngày. Trong gần hai tuần lễ ở Biên Hòa, tôi không bao giờ thấy chị Hai bước ra ngoài nhà. Tuy không hỏi, tôi cũng biết là chị ít khi bước ra ngoài bốn bức tường trong nhiều tháng năm. Cũng như mẹ, cháu Cường ít khi rời nhà. Cháu học tại một trường đặc biệt. Trong những ngày tôi về thăm nhà, cháu đang nghỉ hè và thường ngồi ngây người trong một góc bếp.
Trong những ngày hè ngắn ngủi ở nhà, thỉnh thoảng tôi thấy Cường có ra ngoài xóm để mua một vài món vặt cho bà ngoại, như một cái hộp quẹt, một ổ bánh mì hoặc một bao đường nho nhỏ. Trong hầu hết thời gian còn lại, Cường và mẹ thường thay phiên nhau ngồi trong một cái ghế gỗ ở góc bếp. Từ góc nhà tối tăm này, hai mẹ con có thể nhìn theo một dòng ánh sáng chiếu vào từ ngoài phòng khách, và lần theo con đường ánh sáng, ánh mắt của hai mẹ con dừng lại tại bức tường trước nhà. Qua những khung hở trên bức tường, hai mẹ con có thể thấy bóng người qua lại trong xóm. Bức tường bảo vệ hai mẹ con trong ngôi nhà có nhiều tình thương, và tường cũng ngăn chặn tầm mắt họ đến một thế giới bên ngoài.
Một lần thấy Cường đang đăm chiêu nhìn bóng người đang họp chợ bên ngoài bức tường, tôi không biết cháu có biết bên kia bức tường vài trăm thước là con đường Trịnh Hoài Đức đang xôn xao xe cộ qua lại, xa hơn nữa là dòng sông Đồng Nai lấp lánh dưới ánh nắng ban mai, và xa hơn nữa, xa lắm, xa mù khơi bên kia một đại dương mênh mông là nhà của tôi. Tôi ngồi trong bếp và nhìn đứa trẻ đang mặc áo thun trắng cụt tay và quần đùi đen cũ, để hở đôi nách đang tua tủa lông và đôi chân lam nham của một thiếu niên đang trổ mã. Tôi hỏi Cường, “Con biết nhà của dượng Tám ở đâu không?”
“Biết,” Cường nhe răng cười ngây ngô. “Con biết nhà dượng Tám ở bên Mỹ.” Vừa nói Cường đưa một tay chỉ về hướng bức tường. Đôi mắt Cường bỗng trợn ngược và nhìn lên trần nhà, như vừa thấy một con thằn lằn hoặc một cảnh tượng nào đó mà tôi không biết được.
“Con biết Mỹ ở đâu không?” tôi hỏi và nhìn đôi mắt của Cường đang mở to và ngơ ngác.
“Ở bên đó có nhiều người Mỹ, phải không dượng?” Cường bỗng há miệng khoe hàm răng không đều và nhìn tôi cười.
“Nhiều người Mỹ lắm Cường. Có người Việt Nam nữa.” Tôi cảm thấy mừng vì gợi được chuyện với đứa bé rất âm thầm này.
“Ở bển có nhiều xe hơi lắm phải không dượng?” Vừa nói Cường vừa đưa bàn tay lên chỉ trỏ như đang thấy xe chạy.
“Nhiều xe lắm con. Xe chạy thiệt là lẹ trên xa lộ.”
Cường chợt im lặng vài giây, rồi nhìn tôi hỏi với vẻ khẩn cấp và đầy quan tâm, “Ở Mỹ có nhiều máy bay không?”
“Nhiều máy bay lắm. Đi đâu cũng có máy bay. Con thích đi máy bay không?”
Nghe tôi hỏi Cường chỉ há miệng cười, không nói gì. Đôi mắt nó hình như đang vui với điều gì đó ở trong đầu. Cường thôi nhìn tôi và trở lại với dòng ánh sáng dẫn tới bức tường. Rồi Cường bỗng nói một mình, lặp lại những lời đối thoại như đang nói chuyện với tôi ban nãy. “Ở Mỹ có nhiều máy bay. Đi đâu cũng được. Xe chạy trên xa lộ. Ở Mỹ có nhiều người Mỹ. Mà cũng có người Việt Nam nữa. Nhiều máy bay. Thích đi máy bay. Không biết ở bển có thằn lằn không dượng?”
Ở bển không có thằn lằn, cũng không có những thứ mà tôi có thể dành hết cuộc đời còn lại để đi tìm, như một buổi trưa im vắng đứng dưới gốc cây bàng và đợi mẹ đến đón về từ trường mẫu giáo, hay một ngày tắm mưa ồn ào với những đứa bạn trong một xóm nghèo.
(trích Giữa Hai Miền Mưa Nắng. Văn Nghệ phát hành năm 2000, Thư Hương tái bản lần thứ nhất năm 2004, California, Hoa Kỳ)