Nguyễn Cao Hiệp (sinh 1968) luôn là người đi tìm. Từ thời ở Việt Nam giữa đám bạn bè họa sĩ, Hiệp đã có vẻ đứng ngoài. Tôi còn nhớ Hiệp hiếm khi tham gia vào những câu chuyện có tính lý thuyết. Hiệp học chỉ một thời gian rất ngắn trong trường Mỹ Thuật. Qua Mỹ năm1990, Hiệp đi làm, đi học lại, cũng không chú tâm mấy chuyện trường lớp, dù sau cùng vẫn có bằng về giáo dục mỹ thuật. Nhưng trong đám bạn bè, Hiệp là người có điều kiện đi đây đó, đời sống ít ràng buộc chuyện gia đình, cơm áo. Ngoài hội hoạ, Hiệp theo đuổi nhiều thứ khác nhau vào những thời điểm khác nhau: diễn kịch, thiết kế sân khấu, performance art, thiền, cố vấn tâm lý, dạy vẽ… Hiệp là người đầu tiên và duy nhất làm perfomance art khỏa thân ở Little Sài Gòn. Trong những loại hình nghệ thuật Hiệp làm qua, tuy vậy, đến nay thành công nhất là Circle Painting.
Circle Painting, như gợi ý từ tên gọi, vẽ những vòng tròn. Điểm đặc biệt ở chỗ Circle Painting không phải loại hội họa cá nhân, mà là “nghệ thuật cộng tác” – collaborative art – với sự tham gia của nhiều người. Sự cộng tác không chỉ bao gồm vài hoạ sĩ chuyên nghiệp cùng làm việc trong một project như thường thấy, mà gồm hàng chục, hàng trăm, có khi cả ngàn, và tất cả đều không phải họa sĩ. Circle Paiting là hoạt động nghệ thuật mang tính cộng đồng, không chỉ nhằm tạo ra những bức tranh, mà còn chú trọng đến quá trình sáng tạo có tính tương tác giữa họa sĩ với người tham gia, và đặc biệt giữa những người tham gia.
Trong những buổi vẽ, ngoài việc hướng dẫn sơ qua cách vẽ, Hiệp cũng làm trưởng trò cho những động tác thư giản, giúp mọi người làm quen và trở nên thân ái với nhau. Người tham gia tùy ý vẽ ít hay nhiều, có thể vẽ nét mới, có thể vẽ chồng lên nhau, có thể sử dụng mọi màu sắc và đường nét. Tuy nhiên, tất cả đều chỉ vẽ và trang trí cho những motif hình tròn Hiệp đã phác họa trước. Trong trường hợp buổi vẽ diễn ra ngoài trời, những người qua đường cũng được mời cầm cọ, kể cả các em nhỏ. Sau khi bức tranh được hàng trăm người tham gia vẽ trong một hoặc nhiều ngày như vậy, Hiệp sẽ chỉnh sửa lại lần cuối. Tranh thường được bán gây quỹ cho chính tổ chức đã mời Hiệp đến vẽ.
Với Circle Painting, Nguyễn Cao Hiệp đóng vai người tổ chức và hướng dẫn, có vẻ như người hoạt động cộng đồng hơn là một hoạ sĩ theo khái niệm truyền thống – những người sáng tác độc lập và có thể tuyên bố tác quyền tuyệt đối trên sản phẩm làm ra. Loại tranh cộng tác này mang đậm tính địa phương. Nhìn bức tranh Circle Painting tổ chức ở Indonesia chẳng hạn, thấy khác những tranh vẽ ở California, vì tuy được tổ chức vẽ bởi cùng Nguyễn Cao Hiệp và chỉ vẽ những vòng tròn, chúng là sản phẩm của những người thuộc về những nền văn hoá khác nhau. Loại “nghệ thuật cộng tác” như Circle Painting phản ảnh quan điểm dân tộc học được đề cao bởi G.E. Macus, với niềm tin rằng mỗi người bình thường đều thừa hưởng khả năng sáng tạo những điều có ý nghĩa trong đời sống; bằng cách xác lập mối quan hệ chung góp (partnership) với cộng đồng, nhà dân tộc học hay người nghệ sĩ không phải chỉ là người quan sát và mô tả văn hoá khách quan, mà cũng trở thành một phần của tập thể, có thể tiếp lực cho sự chuyển động của nó. Circle Paiting tạo ra những bức tranh mang màu sắc văn hoá địa phương, đồng thời cũng cung cấp môi trường cho sự tương tác văn hoá của những cá thể trong nền văn hoá đó.
Circle Painting có thể chỉ là một hình thức sinh hoạt tập thể nhắm đến những hiệu quả giáo dục: khơi mở khả năng sáng tạo, thông hiểu, hợp tác… Nhưng Circle Painting cũng có thể được diễn giải bằng những lý thuyết mỹ thuật để trở thành hoạt động nghệ thuật ý niệm tân kỳ. Làm và nói, thậm chí nói nhiều hơn làm, là phương cách của mỹ thuật đương đại. Một cục gạch nếu được diễn giải theo cách nào đó có thể trở thành tác phẩm nghệ thuật, dù gây tranh cãi. Tôi biết Hiệp không phải loại nghệ sĩ của lý thuyết. Qua vài phỏng vấn, thấy Hiệp không chú trọng, thậm chí không đặt ra, những diễn ngôn nghệ thuật. Và điều này khiến người ta có thể phân vân với việc định danh Circle Painting.
Dù sao, nhìn vào hoạt động của Circle Painting, thấy Hiệp thật sự làm được nhiều việc. Hiệp đã tổ chức Circle Paiting ở nhiều quốc gia với tổng cộng hàng ngàn người tham dự; ở Singapore có cả thủ tướng đến vẽ. Những chuyện như vậy, gặp người khác có thể đã được thổi lên tận mây xanh. Nhưng với Hiệp, có vẻ Circle Paiting chỉ là một “trò” mới trên con đường tìm kiếm không ngừng của hoạ sĩ. Đây là “trò” thú vị, và không phải không mới lạ đối với Việt Nam. Những bức tranh của Circle Painting, tôi thấy rất đẹp.
Phan Nhiên Hạo






website: http://www.circlepainting.com/
Tôi xin bổ sung cho phản hồi trên như sau:
Tiếp theo sau Robert Delauney sử dụng mô típ vòng tròn để tạo ngôn ngữ hội họa riêng là các họa sĩ Hoa Kỳ như Stanton Macdonald-Wright, Al Held và Alexander Liberman, những hs. đã đóng góp tài năng làm nên lịch sử nền Hội Họa Hoa Kỳ Thế Kỷ 20.
Dùng mô típ vòng tròn để tạo ra một tiếng nói nghệ thuật cubism riêng bởi Robert Delauney vào những năm đầu của mỹ thuật hiện đai Tây Phương thế kỷ 20. Hình như sau đó một thời gian khá dài, không thấy có thêm ai sử dụng và phát triển khái niệm kết nối này trong hôi họa cho đến khi tôi nhìn thấy một họa sĩ người Mỹ gốc Việt, Nguyễn Việt Hùng bày tranh với các mô típ vòng tròn ở một gallery nhỏ của tuần báo Miniweekly (tiền thân của Vietweekly) nằm trên đường Brookhurst gần khu Little Saigon vào khỏang năm 1999. Nay với Circle painting, Hs. Nguyễn Cao Hiệp đã đi rất xa, anh bước sang nghệ thuật Ý niệm, các giới hạn được hs. kết nối lại từ những vòng tròn khác nhau về tầm cở, về nguồn gốc, về những khác biệt địa -chính trị-văn hóa-chủng tộc để hợp lưu trong tinh thần thân thiện. Tuy nhiên, với những gì Nguyễn Cao Hiệp đang làm vẫn còn ở phía trước nhiều vấn đề gay go thiết yếu.