Hoàng Mai Đạt – Giữa Hai Miền Mưa Nắng (3)

Những ngày về Biên Hòa

Như một cơn mưa nhẹ giữa mùa hè nắng cháy tại California, vợ chồng tôi bỗng quyết định về Việt Nam. Đúng hơn là về Biên Hòa, về sông Đồng Nai quê hương của vợ tôi. Hơn hai năm trước đây, chúng tôi cứ chần chừ, nửa muốn về, nửa muốn quên đi cho qua hết một mùa hè ngắn ngủi. Thế rồi vài tháng sau đó cha vợ tôi qua đời, khiến cho tôi rất ân hận kể từ đó cho đến nay. Ba tôi đã tám mươi tuổi. Cầm trong tay những bức hình cuối cùng của ba, tôi không biết làm sao để nắm được bàn tay gầy yếu, để nhìn đôi mắt trũng sâu của một người mà trong dáng đi đủng đỉnh thấp thoáng hình ảnh của vợ tôi, để nghe ba nói chầm chậm về những ngày mưa nắng như ba đã từng nói qua điện thoại với chúng tôi. Ba thích nói về nhiệt độ với những con số rất chính xác, về những nơi đang mưa dầm hay nắng cháy tại Việt Nam. Hình như ba chỉ thích nói về thời tiết và thiên nhiên, có lẽ vì hai đề tài đó gần gũi hơn với ba, và có thể vì ba không còn quan tâm đến những đổi thay chung quanh cuộc sống của một người đã lớn tuổi.

Thế rồi ba đã mất sau một mùa hè đầy chần chừ và ngần ngại của chúng tôi. Chần chừ và ngần ngại vì chúng tôi không có đủ tiền để mua vé máy bay, vì hai đứa chúng tôi không thể nghỉ làm vài ngày để đi xa đến bên kia trái đất, và cũng vì tôi ngại mấy ông công an sẽ kiếm chuyện và kiếm tiền với chúng tôi, như họ đã làm với những bạn bè của tôi từng về và chưa muốn trở lại Việt Nam. Chần chừ rồi suy đi tính lại, cuối cùng chúng tôi cũng gom góp đủ cho một đứa có thể về nhân dịp cúng một trăm ngày. Lúc tiễn vợ và con gái tại phi trường, tôi cảm thấy tiêng tiếc khi nhìn chiếc máy bay khổng lồ chạy từ từ ra ngoài phi đạo. Máy bay này quá lớn, chắc chắn vẫn còn một chỗ nhỏ cho tôi và hai đứa con trai lớn về Biên Hòa. Thế nhưng tôi vẫn ngần ngại, chưa dứt khoát muốn về Việt Nam.

Vợ tôi quê ở Biên Hòa và còn nhiều bà con ở bên ấy để trở về. Còn tôi, tôi không còn ai ở quê Nha Trang. Tôi đã sinh ra tại Nha Trang và nhận nơi ấy làm quê hương, mặc dù cha mẹ tôi cũng chỉ là những lưu dân tạm thời bén rễ ở thành phố đó một thời gian. Tôi không còn ai quen biết ở Nha Trang, vì toàn thể gia đình tôi đã qua đến Hoa Kỳ. Nói là toàn thể cho có vẻ đông đảo, chứ thật sự gia đình tôi chỉ có ba người, gồm mẹ và hai anh em chúng tôi. Ba mẹ con thương nhau, cãi nhau, bực nhau, chán nhau và cũng hiểu nhau nhất, từ ngày còn nằm chung giường ở Nha Trang, qua đảo Guam, sang những ngày mẹ có phòng riêng tại Pennsylvania, cho đến ngày tôi có gia đình riêng tại California.

Thân nhân bên ngoại tôi đã tản mác đến nhiều nơi và không gần gũi với anh em chúng tôi, như những họ hàng bình thường khác. Về phía nội chúng tôi cũng không có ai. Cha tôi đã rời quê ở miền Bắc từ thuở bé. Ông sống tá túc trong một gia đình nuôi nào đó và lang thang một mình xuống miền Nam khi chưa hết tuổi niên thiếu. Sau nhiều năm làm thủy thủ trên những chiếc tàu hàng hải, ông đã gặp mẹ tôi vào một ngày kia tại Khánh Hội, Sài Gòn. Ngày gặp nhau đó chắc là một ngày đẹp trời, êm ả với nhiều cụm mây trắng bay nhè nhẹ trên bầu trời xanh biếc, vì tôi không bao giờ nghe mẹ nói “ngày tao gặp bố mày đứng lấp ló ở ngoài cửa” thì trời đang đổ mưa, giông to gió lớn, hay sét đánh ầm ầm, trời đất quay cuồng theo luân vũ mùa mưa, vân vân. (Tôi đang bị lây bệnh của ba vợ, khi không lại nói qua chuyện thời tiết, chẳng ăn nhập gì đến chuyện bà con bên nội tôi. Nhiệt độ hôm gặp nhau ấy chắc mát mẻ, khoảng 75 độ F hoặc 25 độ C, với gió hiu hiu khoảng 25 cây số một giờ, thổi lên từ hướng biển đông nam.)

Sau vài năm nhập ngũ và được đưa ra miền Trung, cha tôi đã tử trận tại Tuy Hòa vào năm 1965, khi tôi được năm tuổi và đang sống tại Nha Trang. Cha mất trong một trận đánh chắc cũng không có gì quan trọng, vì cho đến nay tôi không nghe ai nói đến trận đánh Tuy Hòa. Tôi có nghe những trận “Tết Mậu Thân”, trận “mùa hè đỏ lửa”, trận “Hạ Lào”, trận “Bình Long, An Lộc”, trận “Điện Biên Phủ”, vân vân, những trận đánh có rất nhiều người chết và vẫn còn được người ta nhắc đi nhắc lại. Thế nhưng tôi chưa bao giờ được nghe đến trận “Tuy Hòa”. Hôm ấy chắc đôi bên đang rình rập nhau ở một bìa rừng, rồi họ bắn sẻ dăm ba phát vào nhau cho vui, cho có chuyện để nói trong một ngày bình thản chiến sự, rồi tình cờ một phát đạn bay trúng vào cha tôi, giúp cho ông được thăng chức trên giấy khai tử, từ binh nhì lên binh nhất.

Cha tôi mất, mang theo tất cả những gì tôi muốn biết về quê hương ở miền Bắc của ông, kể cả những thân nhân mà tôi không được nghe và sẽ không bao giờ được gặp. Tôi chỉ còn nhớ một, hai món quà lưu niệm mà ông đã mang về cho mẹ tôi từ Tân Gia Ba, Đài Loan, những bến tàu xa xăm mà hồi còn bé tôi không biết ở đâu. Những món quà đó anh em tôi cũng để rơi mất, trong lúc chúng tôi mải chen chân với đám người lớn, leo lên một chiếc phà và thoát khỏi bến tàu Sài Gòn vào một ngày cuối tháng Tư. Cha tôi mất khi ông mới có hai mươi tám tuổi, có nghĩa là còn trẻ hơn tôi bây giờ đến trên mười tuổi. Con bé gái sáu tuổi của tôi vẫn thường cười và nói rằng nó không hiểu, mỗi khi nghe tôi nói rằng tôi đang già hơn ông nội của nó. Đối với nó ông nội phải là một người râu tóc bạc trắng, tay chống gậy và ăn nói chậm chạp. Nhiều khi tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại có thể già hơn cha của mình. Không biết thời tiết ở nơi cha đến đang nắng hay mưa.

Tôi ngần ngừ không muốn về Việt Nam, một phần vì tôi không còn ai ở bên ấy để trở về. Phần khác, tôi đã rời Việt Nam quá lâu, từ năm 1975, và đã sống hơn phân nửa đời tại Hoa Kỳ. Có phải tôi cần về Nha Trang để nhìn lại một góc phố, tìm một ngõ hẻm, hay đến những lớp học, kiếm một cửa quán và cũng từng là nhà trong chợ của anh em tôi?

Trên những con đường chung quanh khu chợ Xóm Mới, tôi và mấy đứa bạn đã chạy rong và đếm những ngôi nhà có quan tài nằm giữa nhà. Tiếng khóc trong “mùa hè đỏ lửa” và những ngọn nến lung linh chắc không còn ở những góc phố. Vào những đêm đen có tiếng súng, tôi và lũ bạn trong chợ từng chạy tung ra ngoài đường, để tìm chụp những cánh dù rớt xuống từ những đóm hỏa châu đã cháy sáng. Giành được một cái dù là niềm vui của đám trẻ chúng tôi trong những đêm đen ấy. Rồi ở trường tiểu học Tân Phước, trong một ngày vắng bóng các thày cô, một lũ học sinh vài chục đứa chúng tôi đã kéo nhau vào trốn trong một lớp học, để lắng nghe tiếng súng và thỉnh thoảng nhìn ra ngoài cửa hướng về một bệnh viện nằm ở bên kia đường. Người ta đang bao vây bệnh viện, để bắt một ông bác sĩ chống tham nhũng và đang cố thủ ở bên trong. Vài ngày sau đó, đám con nít chúng tôi được thấy hình ông bác sĩ trên trang nhất của một nhật báo từ Sài Gòn. Ông nhắm mắt và nằm chết với những phát đạn trên người.

Ngồi trong trường trung học Võ Tánh tôi cũng từng nghe tiếng súng, trong những ngày cuối cùng trước khi ba mẹ con chúng tôi ôm vài túi vải hành lý và lên xe đò về Sài Gòn, vào một buổi sáng khi mặt trời chưa ló dạng ở ngoài khơi. Nha Trang có bãi biển xanh vời, với bãi cát trắng chạy vòng như chiếc võng đong đưa giữa mùa hè, và nhiệt độ trong những ngày xa xôi ấy chắc cũng không nóng hơn bây giờ là bao nhiêu. Ngày lên xe đò ấy cũng là ngày tôi để lại một buổi bình minh cuối hè, để lại cha tôi trong một nghĩa trang không có người chăm sóc. Khi tôi về thì trời sẽ mưa hay nắng?

Thêm một mùa hè trôi qua, tôi được xem những bức hình với nấm mộ của ba vợ, nằm đâu đó trên một thửa ruộng xanh ở ngoại ô Biên Hòa. Bên cạnh mộ của ba là một sanh phần được dành sẵn cho má. Mẹ vợ tôi năm nay đã gần tám mươi tuổi. Trong những lần nói chuyện bằng điện thoại, má cũng chỉ có thể nói được dăm ba câu với chúng tôi, trước khi hụt hơi và thở mạnh nhiều hơn nói. Nghĩ tới má và những ngày cuối cùng mà tôi biết cũng không còn là bao lâu, tôi mơ đến ngày tôi sẽ về Việt Nam, về một con hẻm nằm gần chợ Biên Hòa, cách xa khu phố Bolsa của chúng tôi gần tám ngàn dặm đường, tức là đâu đó khoảng mười ba ngàn cây số đường chim bay theo cách nói của cha vợ tôi.

Sau ngày vợ tôi trở lại California cùng hình mộ của ba, thêm một mùa hè trôi qua với chút do dự cho tôi và nhiều lần thầm lặng nhìn nhau của chúng tôi. Vợ chồng tôi đều biết tiền để dành của gia đình cũng chỉ đủ trả tiền nhà thêm một hoặc hai tháng, không đủ cho chúng tôi đi xa ngoài khu phố Bolsa. Thế nhưng mẹ vợ tôi còn đó, tại sao tôi không về thăm bà? Tiền vé thì chúng tôi có thể mượn thẻ tín dụng, trả vài tháng hay vài năm thì cũng hết nợ, đâu có sao, miễn là còn có việc làm. Công việc ở sở cũng sẽ không bị rắc rối thêm trong hai tuần nghỉ phép của tôi. Nghỉ một ngày hay không nghỉ ngày nào thì công việc cũng vẫn bận rộn và lu bu như thường lệ. Hai đứa con trai lớn mười sáu tuổi và mười bốn tuổi thì không muốn về với chúng tôi, vì thứ nhất chúng không mấy thích thú chuyện chịu nóng, thiếu tiện nghi và thức ăn lạ miệng ở Việt Nam, và thứ nhì chúng sẽ có dịp được tự do tung hoành ở nhà, tha hồ gọi điện thoại cho bạn bè mà không sợ bị chúng tôi yêu cầu phải ngưng sau nửa đêm. Còn chuyện có thể bị moi tiền ở Việt Nam thì chúng tôi đành chịu vậy, về bên kia rồi tính tiếp, đến đâu giải quyết đến đó, chần chừ hoài thì sẽ trễ thôi. Mà trễ lần này thì sẽ trễ muôn đời.

Nghĩ như vậy mà tôi sốt ruột và mong đợi được gặp má một lần, ít nhất là một lần trong đời, để được thấy đấng sinh thành của vợ tôi bên ngoài những tấm hình màu mà tôi vẫn thường ngồi xem chung với con. Tôi vẫn thường thắc mắc về tính tình hiền lành của vợ tôi, mà tôi cho rằng những tính này bắt nguồn từ má. Tôi có tật suy nghĩ lẩm cẩm từ thời thiếu niên mới bắt đầu nổi mụn. Mỗi khi thấy phụ nữ nào đi chung với mẹ, nhất là những phụ nữ mà tôi “có cảm tình đặc biệt”, tôi thường quan sát người mẹ để mường tượng người con gái cũng sẽ lớn và già như người mẹ. Nếu thấy bà mẹ mập ù hoặc ốm nhách, tóc lưa thưa vài sợi như cỏ khô mùa hạn hán hoặc tóc bạc bờm xờm như cỏ dại bị ngựa đạp, tôi sẽ nghi ngờ người con gái một ngày kia chắc cũng sẽ giống mẹ, cũng mập ù hoặc ốm nhách, cho dù bây giờ cô đang có đôi mắt nai, với vòng ngực rộng gấp đôi vòng eo.

Chưa gặp được đối tượng tình yêu thì suốt ngày tôi hay nghĩ vớ vẩn như vậy. Đến khi gặp được “nàng” rồi thì bao nhiêu thiên kiến về mẹ con mập ốm của tôi đều bị sét ái tình đánh tan tành. Gặp nàng, tôi bỗng biết làm thơ tình… buồn, thèm nhả khói thuốc bâng khuâng trong công viên đợi chờ, và bị đụng xe móp đầu móp đuôi đến hai lần. Vậy mà tôi vẫn chưa được gặp má vợ khi chúng tôi thành vợ chồng. Tôi biết tôi sẽ đón nhận một niềm vui khôn tả, khi tôi được nắm tay má và nhìn má lần đầu tiên trong đời. Thế nhưng tôi không hề biết bên cạnh má còn có cả một thế giới với những niềm vui khác, với bao nhiêu đổi thay trong chịu đựng và thương yêu, và với những dòng đời đang còn phải ngụp lặn bên trên những đợt sóng khốn khó. Thế giới đó đã bắt đầu hé mở khi tôi quyết định về Việt Nam, về sông Đồng Nai đang hiền hòa trôi quanh những nẻo phố đông người.

Mua Vé Máy Bay

Chuyện mua vé máy bay và làm giấy tờ tôi giao hết cho vợ, vui vẻ như ngày tôi từng chấp nhận “trao hết cuộc đời anh cho em quản lý.” Như hầu hết các bà vợ khác, nàng khéo hơn tôi về nhiều mặt, như tiếp chuyện với người lạ và điều hành ngân sách gia đình. Tôi chỉ giỏi hơn vợ ở chỗ biết giao tiền lương đúng ngày và biết ngồi im cười, không phát ngôn bừa bãi và nói chuyện trật đường xa lộ freeway, trong những lúc vợ chồng tiếp khách. Một lý do khác là vợ tôi đã từng về Việt Nam, và đương nhiên nàng rành chuyện này hơn tôi. Chuyện mua vé diễn ra mau chóng. Trong vòng một tuần lễ, vợ tôi xem báo, dùng thẻ tín dụng (của tôi) và mua xong ba vé máy bay về Việt Nam. Chúng tôi dự định về trong tháng Bảy, và vé đã mua xong trong tháng Tư, để còn kịp hạn giá “discount”.

Trong khi chuyện vé diễn ra êm thắm, vấn đề xin giấy chiếu khán lại bị rắc rối. Chỉ trong vòng hai tuần lễ, chiếu khán cho vợ và con gái tôi được chấp thuận, trong khi Tòa Lãnh Sự lại bác đơn xin chiếu khán của tôi. Họ không cho biết lý do tại sao. Vé đã mua rồi mà không có chiếu khán thì làm sao về Việt Nam bây giờ? Người bán vé cho biết chúng tôi vẫn còn một cơ hội để lấy chiếu khán, nếu chúng tôi chịu đóng một lệ phí cho một “văn phòng bảo trợ” nào đó, “chỉ có vài chục đồng thôi”. Chúng tôi cũng đành phải đóng lệ phí này, và vài tuần sau thì họ chấp thuận chiếu khán cho tôi. Cho đến nay tôi vẫn không biết lệ phí kia đã được dùng cho mục đích gì? Có thể là để mướn công an đi xích-lô theo dõi tôi chăng? Không biết. Kể từ đó cho đến khi rời khỏi Việt Nam, tôi được biết thêm nhiều màn đóng tiền tương tự mà người trong nước gọi là tiền “bồi dưỡng”.

Tại sở làm, khi biết tôi có ý định nghỉ hai tuần liên tiếp, ban quản trị không tán thành cho lắm. Tuy nhiên, họ cũng chấp thuận vì thấy tình trạng tâm thần của tôi đang sa sút đến mức đáng lo ngại. Bình thường thì tôi rất ít nói, mà đến mấy tuần trước khi mùa hè bắt đầu tôi càng ít nói hơn. Tôi thường đi tới đi lui trong phòng làm việc như một con gà đeo kiếng cận, thỉnh thoảng nghiêng đầu và trố mắt nhìn sững, rồi lại cúi mặt như đang tìm những hạt thóc rơi dưới đất. Đến khi chưa thấy có triển vọng được nghỉ hai tuần liên tiếp, tôi càng gia tăng áp lực thêm với họ, và trong những lần chào hỏi xã giao, tôi thường như vô tình nhắc đến chuyện mấy nhân viên lên cơn điên và nổ súng trong sở làm. Ngày nào ở Hoa Kỳ cũng có những chuyện điên như vậy. Có lẽ vì không muốn thấy con gà điên tiếp tục chắp tay sau lưng và làu bàu chuyện nổ súng, cuối cùng họ đã đồng ý cho tôi nghỉ hai tuần lễ.

Vài tuần trước khi lên đường, chúng tôi cũng tổ chức một buổi đi chơi xa vào một cuối tuần. Vợ tôi đề nghị buổi đi chơi xa này, vì nàng lo ngại “nhỡ không may” có chuyện gì xảy ra trong chuyến đi Việt Nam, thì ít nhất toàn gia đình chúng tôi cũng còn có thêm một kỷ niệm vui với nhau. Sự lo ngại của vợ tôi càng gia tăng nhiều hơn, trong lúc chúng tôi lái xe đưa ba đứa con xuống San Diego xem sở thú ngoài trời. Với tính tình còn vô tư, đứa lớn nhất nói rằng nó có thể lên mạng lưới Internet và biết được chuyến bay của chúng tôi đang ở đâu trên thế giới, và hay hơn nữa là nó có thể biết rất sớm trong trường hợp máy bay… bị rớt. Hai vợ chồng tôi trợn mắt nhìn nhau. Tôi không biết nàng nghĩ gì trong lúc đó, riêng tôi, tôi đang tưởng tượng đến một con cá mập đang nhe răng cười và chuẩn bị gặm mấy cái xương gà còm của tôi. Buổi xem thú hôm ấy cũng kém vui cho tôi, nhất là những khi có con thú nhìn tôi và nhe răng cười như muốn gặm xương.

Trong những ngày trước khi về Việt Nam, vợ tôi cũng yêu cầu tôi phải ngưng làm việc ở ngoài vườn, để cho làn da của tôi không bị đen thêm. Nàng cũng bắt tôi phải ăn nhiều hơn trong mỗi bữa cơm, với hy vọng kế hoạch “vỗ béo” của nàng sẽ giúp cho tôi được mập mạp và hồng hào, để cho người nhà ở Việt Nam không thể chê chàng rể Việt kiều 75 gì mà gầy ốm và đen đủi quá tệ, đen gầy không thua gì người trong nước. Đứa con gái của tôi cũng bị mẹ “vỗ béo” và bị cấm ra vườn theo cha. Kế hoạch của nàng không thành công cho lắm. Hai cha con tôi vẫn ốm ròm và ngăm ngăm đen trong ngày chúng tôi bước lên phi cơ tại Los Angeles.

Tuy không đen, vợ tôi cũng ốm vì lo. Vợ tôi có tật mất ngủ mỗi khi chúng tôi sắp đi chơi, xa hoặc gần. Nàng vừa náo nức và vừa lo lắng, cộng với chút lôi thôi và lỉnh kỉnh, khiến cho nàng không thể ngủ yên trong những đêm chúng tôi chuẩn bị đi đâu đó, kể cả đi cắm trại hoặc ra một bãi biển ở gần nhà. Trong suốt tuần lễ chuẩn bị lên đường về Việt Nam, chúng tôi dặn dò kỹ lưỡng hai đứa con trai những gì chúng cần làm trong hai tuần lễ vắng mặt bố mẹ: các con nhớ mang rác ra ngoài lề đường vào chiều thứ Tư, nhớ tưới cây cho mẹ hai lần mỗi tuần, nhớ cho cá ăn giùm bố mỗi ngày một lần, nhớ tự tắm rửa ít nhất là một lần trước khi bố mẹ về, có dùng xà bông thơm và kem thoa nách thêm thì càng tốt. Tôi cũng liệt kê công tác cho hai đứa trên một tờ giấy dán trên cửa tủ lạnh, nơi mà chúng chắc chắn sẽ ghé đến nhiều lần trong ngày. Tôi cũng nhắn nhủ với những thân nhân, nhờ họ đến sống và canh chừng hai đứa “teenage”, cung cấp lương thực và đừng để cho chúng mang bạn bè đến nhà và mở “party”.

Chuẩn Bị Đến Phi Trường

Vì cần phải “tranh thủ” thời giờ, chúng tôi đã mua vé đi sáng ngày thứ Bảy, ngay sau khi tôi bắt đầu được nghỉ làm vào chiều thứ Sáu. Tôi đã mệt đừ vào nửa đêm thứ Sáu, thường xuyên nằm bò bên cạnh bốn cái va-li lớn mà tôi đã phải đóng lại, rồi mở ra nhiều lần để nhét thêm đồ theo lệnh vợ, rồi lại siết dây và khóa chặt, và kéo lê từ phòng ngủ ra ngoài phòng khách. Vào khoảng một giờ sáng khi mà tôi đã gục ngã và mệt mỏi trong giấc ngủ chập chờn, tôi còn nghe vợ lịch kịch mở va-li và nhét thêm đồ vào. Tôi cũng biết vợ đã nằm bên cạnh tôi một thời gian ngắn, trước khi nàng ngồi dậy và tiếp tục loay hoay với những thứ mà nàng sẽ mang về Biên Hòa, kể cả mớ quần áo làm quà cho đám cháu, mấy dây cà-vạt, vớ chân cho mấy anh em, phấn son makeup cho phía phụ nữ, thuốc gội đầu cho con gái và chai dầu cù là cho tôi, người dễ bị cảm cúm và thường xuyên bị bệnh lặt vặt. Vài ngày trước khi lên đường, vợ tôi đã cẩn thận mua một chai thuốc trị tiêu chảy, vì sợ thức ăn và nước uống ở bên ấy có thể làm phiền bao tử tôi.

Tuy thức sớm vào sáng hôm sau, tôi thấy vợ đã tắm rửa xong và đang tìm cách nhét thêm vài bộ quần áo vào va-li. Trách nhiệm của tôi chỉ gồm mấy sổ thông hành, vé máy bay và máy chụp hình. Con rể của một người bạn vong niên đã đến đúng giờ và đưa toàn thể gia đình chúng tôi đến phi trường. Trong chiếc xe minivan chật và không đủ chỗ ngồi, tôi và đứa con trai thứ nhì đã ngồi bệt xuống sàn ở đằng sau xe, bên cạnh những va-li mập ù như mực ống nhồi thịt. Vì không quen ngồi dưới sàn xe và vì thiếu ngủ, tôi cảm thấy chóng mặt trong lúc xe phóng trên xa lộ, và đến khi bước xuống phi trường, mặt mũi tôi xanh lè, bên cạnh cô vợ cũng nhợt nhạt sau một đêm không được ngủ thẳng giấc, vì mải lui cui đóng mở va-li. Chỉ có ba đứa con là tươi vui trong lúc chúng tôi kéo va-li đi loanh quanh phi trường và làm thủ tục ghi danh với hãng máy bay.

Con bé út vui vì được đi chơi xa, đến một nơi mà nó đã quen nhiều người và từng chơi những anh chị lớn hơn nó vài tuổi. Hai thằng trai lớn thì cũng sung sướng, vì đây là lần đầu tiên chúng được tự do tung hoành trong nhà nhiều ngày mà không sợ bị bố mẹ quấy rầy. Tha hồ gọi điện thoại cho bạn bè đến nửa đêm, ăn lặt vặt và xem tivi thoải mái suốt ngày, không sợ bị chúng tôi kiểm soát. Khi được người bạn mang xe đến chở về nhà, hai đứa trai đã vội vàng phóng lên xe và quên không nói gì với bố mẹ. Chúng tôi phải đến sát cửa xe và thò đầu vào, để căn dặn chúng phải nhớ gọi điện thoại về Việt Nam theo giờ giấc mà chúng tôi đã ấn định, cho chúng tôi biết tình hình ở nhà như thế nào. Chúng gật đầu lia lịa và nói “biết rồi, biết rồi” trước những điều nhắc nhở quá nhiều lần của chúng tôi.

Đến khi trở lại phòng đợi lên máy bay, giữa đám đông ồn ào và nô nức, tôi chợt nhớ đến một chuyến đi khác đã xảy ra vài ngày trước đó. Trong chuyến đi nhiều ngày ấy, Tổng Thống Hoa Kỳ cùng với Phu Nhân và con gái viếng thăm Trung Quốc. Trên những bức hình đăng báo được chụp từ Tây An, Bắc Kinh, Thượng Hải cho đến Hồng Kông, cả ba người ấy lúc nào cũng tươi cười, hồng hào, biểu lộ đầy sức sống và có vẻ đang tận hưởng niềm vui của người đi du lịch. Tại phòng đợi của Hàng Không Đại Hàn vào lúc bấy giờ, nếu có ai chụp hình chúng tôi thì hình ảnh có thể cho thấy một gia đình homeless từ Bolsa. Vợ tôi đang dựa đầu vào vai tôi, một chân gác lên hành lý, miệng há, mắt nhắm nghiền và ngủ khò khò sau những đêm thiếu ngủ, trong khi tôi tóc tai bù xù, kiếng cận trễ xuống sống mũi và đang lờ đờ mở chai dầu cù là, xoa xức vài miếng vào mũi và vào trán, cho bớt nhức đầu và chóng mặt. Còn Bé Cù, nó đang ngồi trên hai túi xách trên sàn nhà, canh chừng hành lý giùm bố mẹ. Cũng may con bé có đeo cặp kiếng mát đen và thường xuyên nghiêng đầu mỉm cười nhìn thiên hạ, nên bức hình của chúng tôi cũng bớt… mệt mỏi.

Lên Phi Cơ Về Sài Gòn

Đến giờ soát vé lên phi cơ Korean Air, các nhân viên thường xuyên nói tiếng Đại Hàn và thỉnh thoảng xen vào vài câu tiếng Anh rất ngắn. Chúng tôi chỉ nghe được những chữ đầu “Ladies and Gentlemen” khi họ ngừng nói tiếng Đại Hàn, và rồi những chữ sau bị lạc trong những dòng chữ trôi quá nhanh, lẫn vào tiếng ồn của đám người đang xôn xao chờ lên phi cơ. Sau khi xếp lầm vào một hàng ngắn dành cho giới doanh gia, chúng tôi đi lững thững xuống gần cuối một đuôi hàng dài chạy vòng quanh khu ghế ngồi đợi. Thủ tục soát vé và sổ thông hành diễn ra mau chóng. Chúng tôi bước vào thân máy bay, lục tục theo đoàn người và tìm vào ghế ở khoảng giữa chiếc Boeing. Tôi ngồi ở ghế ngoài cùng, vợ ngồi chính giữa và con gái ngồi sát cửa sổ. Đến khi biết phi cơ bắt đầu di chuyển, tôi bỗng nôn nao và nghĩ tới những gì mình sẽ thấy đầu tiên tại Sài Gòn, nơi mà tôi đã rời xa hai mươi ba năm trước đây. Thấy tôi còn mơ màng nhìn ra ngoài cửa sổ, con gái tôi nhắc bố gài dây an toàn. Nó đã về Việt Nam trước tôi và vẫn thường chứng tỏ nó “lịch lãm” hơn tôi trong vấn đề đi du lịch nước ngoài. Con bé nói rằng lát nữa sẽ có các cô Đại Hàn “đẹp đẹp” đẩy xe và mang thức ăn đến cho “mình”.

Như một đứa trẻ được lên phi cơ lần đầu, tôi nhìn mấy hàng ghế chung quanh, xem thử mặt mũi những người sẽ ngồi chung một không gian với tôi trong vòng mười tám tiếng đồng hồ sắp tới là những người như thế nào. Trước mặt tôi là hai đứa bé Đại Hàn đi cùng với bà mẹ. Tôi ít khi thấy thằng em và thường thấy đứa chị thò đầu lên nhìn xem chúng tôi đang làm gì. Ở hàng ghế bên cạnh tôi và cách một lối đi, những doanh gia đã vội cởi giày và che mặt đằng sau những tờ nhật báo Đại Hàn. Phía ghế sau tôi là hai phụ nữ trẻ tuổi, có lẽ là sinh viên đang về nhà nhân dịp nghỉ hè. Trong khi mọi người lịch kịch cài dây an toàn và nói chuyện riêng với nhau, tôi và dăm ba người khác chăm chú nhìn lên một màn ảnh lớn nằm ở giữa thân phi cơ. Một cô “đẹp đẹp” đang chỉ dẫn cách đeo phao và chụp ống dưỡng khí vào mặt, trong trường hợp phi cơ lâm nạn. Tôi chợt nhớ đến đứa con trai lớn. Không biết giờ này nó đã lên lưới Internet chưa, để xem chừng phi cơ của tôi đang bay hay đang rớt ở đâu?

Chúng tôi lên phi cơ đúng vào ngày lễ Bốn Tháng Bảy của người Hoa Kỳ. Mọi năm vợ chồng chúng tôi vẫn cố gắng tìm kiếm một nơi nào đó cho các con được xem đốt pháo bông trong đêm mừng lễ Độc Lập. Có khi chúng tôi đến một công viên gần nhà, có khi ra ngoài một bãi biển và có khi xuống gần bờ sông trong trung tâm thành phố. Nơi nào cũng huyên náo tiếng người trong lúc chờ đợi, và tiếng reo hò khi pháo bông nổ tung hàng triệu chấm sáng trên bầu trời đen. Nghe hai vợ chồng tôi nhắc đến ngày lễ Độc Lập, Bé Cù chợt ngưng nhìn những chiếc phi cơ bên ngoài khung cửa sổ và hỏi, “Mình bay trên cao chắc sẽ thấy nhiều pháo bông lắm, phải không mẹ?” Vợ tôi vuốt tóc con và trả lời, “Chắc vậy đó con. Chắc đẹp lắm.” Bé Cù chợt hỏi thêm với một sự quan tâm cũng lớn tròn như hai con mắt đen của nó, “Lỡ pháo bông bắn trúng máy bay thì sao hả mẹ? Máy bay có sao hông?” Vợ tôi nói gì đó vào tai con, và rồi hai mẹ con hú hí cười nói với nhau. Tôi cũng thích xem đốt pháo bông. Thế nhưng tiếng nổ lớn của pháo vẫn làm tôi nhớ đến những đêm đạn đại bác pháo kích xuống phi trường Nha Trang. Mặt đất rung chuyển với những tiếng nổ long trời, trong khi ba mẹ con tôi ngồi trong phòng tối và chờ đợi tiếng súng ngưng lặng. Cho đến những ngày cuối cùng trước khi rời Việt Nam, tôi vẫn nghe tiếng đạn đại bác chạy theo chúng tôi từ miền Trung vào đến vùng Khánh Hội ở Sài Gòn. Ký ức thời thơ ấu đã tô đậm đời tôi, với những mảng màu sáng và tối mà nhiều lúc tôi không thể phân biệt được.

Chuyến bay cất cánh từ Los Angeles, bay dọc theo bờ biển California về hướng bắc, đến gần San Francisco phi cơ “quẹo” qua phía tây và băng ngang Thái Bình Dương dài đằng đẵng, xuyên qua Đông Kinh tại Nhật Bản trước khi “quẹo” lên tây bắc và hạ cánh xuống Hán Thành. Tôi biết hành trình này vì tôi thường xuyên nhìn lên màn ảnh. Ngoài những lúc chiếu phim và tin tức, màn ảnh vẫn cho xem phi cơ đang bay đến đâu trong cuộc hành trình, với đầy đủ những con số về tốc độ, cao độ, khoảng cách chiều dài và thời gian, và giờ địa phương. Tôi là một trong số ít người thường chăm chú nhìn mấy chi tiết này trên màn ảnh, trong khi hầu hết những người khác, kể cả vợ con tôi, đều ngủ vùi trong chuyến bay dài. Có người ngủ quá say, đến nỗi đầu nghiêng ra ngoài thành ghế và thò vào lối đi chật hẹp, để cho những cô chiêu đãi viên cao đẹp như hoa hậu tiến đến và nâng đầu họ vào bên trong ghế.

Tôi cũng rán ngủ với hy vọng thích ứng kịp với giờ giấc tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngủ ngồi trên ghế máy bay khó hơn tôi tưởng. Tôi bật ghế hết cỡ ra phía sau và nằm trườn dài với đôi chân thò bên dưới ghế trước mặt. Thế nhưng cứ ngủ gà ngủ gật được mười lăm, hai chục phút thì tôi lại thức giấc. Cũng may là thức ăn lạ của người Đại Hàn rất ngon miệng, như món cơm “pibimbap”. Mỗi người được phát một cái tô và một tờ giấy hướng dẫn, để biết cách trộn đều cơm “pibimbap” với dầu mè, tương ớt và rau chín, ăn chung với một chén canh rong biển. Ngoài giờ ăn “pibimbap” và nhìn đầu người thò ra ngoài thành ghế, tôi đeo kẹp nghe nhạc và bấm những nút bên cạnh thành ghế, để chọn khoảng mười băng tầng nhạc gồm tiếng Anh và tiếng Đại Hàn. Sau nhiều lần nghe nhạc, tôi mới biết nhạc được lập lại trong vòng ba, bốn tiếng đồng hồ.

Một lý do khác cũng khiến cho tôi khó ngủ. Tôi đã nôn nao được thấy lại Việt Nam, nhìn lại thành phố mà tôi đã từng nghe tiếng đạn pháo kích vào những đêm cuối cùng của Sài Gòn, nơi tôi đã chen chân lên bến tàu với đoàn người sợ hãi tiếng súng và rời xa quê hương vào một buổi sáng trên hai mươi ba năm trước đây. Cũng trong những giây phút nôn nao ấy, tôi bỗng cảm thấy hoàn toàn nhẹ nhõm và xa cách California. Trách nhiệm mỗi ngày tại sở làm với những đồng nghiệp quái đản, tiền nhà chưa đủ cho tháng này, xe không có gắn “alarm” dễ bị mất cắp, nhà không có bảo hiểm động đất, những việc đã nhận tiền mà chưa làm xong cho người ta, tất cả đều không còn gây lo lắng cho tôi. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm tôi có lại được thái độ bất cần, thây kệ mọi chuyện, muốn ra sao thì ra, sao cũng được. Có lẽ vì khoảng cách quá xa, nên tôi biết sự lo lắng của mình cũng không thể thay đổi được gì ở California trong những ngày tôi ở Việt Nam.

Có lúc nhìn phi cơ đang bay gần đến Nam Hàn trên màn ảnh, tôi bỗng muốn sống hết kinh nghiệm Việt Nam với tất cả những giác quan của mình. Tôi sẽ không ngủ và sẽ nhìn, sẽ nghe, sẽ nếm, sẽ ngửi và sẽ sờ soạng Việt Nam trong hai tuần lễ. Trước mặt tôi sắp là một Việt Nam mà tôi sẽ được gặp lại sau nhiều năm xa cách. Tôi đã tưởng tượng đến ngày này trong những lần nhìn tuyết rơi bên ngoài cửa sổ tại Pennsylvania, trong lúc tôi lái xe xuyên qua lục địa Hoa Kỳ, từ miền đông đến miền tây để tìm đến cộng đồng người Việt tại Nam California, và trong những lần ngồi với vợ bên này bờ biển và nhìn về bên kia Thái Bình Dương, tưởng tượng mình đang thấy tất cả những hình bóng quen thuộc. Đến lúc phi cơ sắp đáp xuống Hán Thành tôi mới thật sự biết mình còn may mắn, còn thấy lại quê hương mặc dù nơi đó chắc đã có nhiều đổi thay.

Bản thân tôi cũng đã có nhiều thay đổi, thật may mắn. Tôi không còn nhởn nhơ cắp sách ở ngoài đường và lén nhìn một cô bé nào đó đang bán hàng giúp mẹ, để rồi vô tình đạp phải chân người lạ hoặc té nhào vào một mâm cóc ổi đang được bày bán ngoài vỉa hè. Bên cạnh vợ và con gái, tôi không còn thời giờ để nhìn liếc ai ngoài hai nhân vật nữ này. Và cũng bên cạnh vợ và con gái, tôi có thêm một gia đình mà tôi vẫn thường nghe nhắc đến sau những giờ bận bịu với những lo âu hàng ngày. Gia đình bên vợ tôi đông lắm, đến nỗi nhiều lần tôi cứ lẫn lộn người này với người kia, như khi bước vào một lớp học mới với toàn học sinh Nhật, ai cũng giống ai.

Ngồi lâu trong lớp học rồi lần hồi tôi cũng biết ai là má và má Sáu trong gia đình (má mắt to tròn sau cặp mắt kiếng dày, còn má Sáu lúc nào cũng ở trong bếp, để nấu ăn hoặc rầy la ba con chó), anh Năm với anh Bảy khác nhau ở chỗ nào (anh Bảy đen hơn và có nhiều tóc quăn hơn anh Năm), đứa nào là Bảo Phương và đứa nào là Phượng Các (Bảo Phương là con trai, Phượng Các là con gái), ai là Duy Trác, Quỳnh Như, Đoan Hùng, Quốc Dũng, Anh Vũ, Vân Anh (không phải là ca sĩ và càng chắc chắn không phải là một đội đá banh), và Đốm, Lu và Luốc (ba con chó cái và được đặt tên trong lúc trời chạng vạng tối).

Gia đình đông đảo này từng được chỉ đạo bởi một nhóm “lãnh đạo tinh thần” rất hùng hậu, và tính theo vị thế của vợ tôi, nhóm tối cao này gồm có cậu Sáu, má Sáu, má Bảy, ba và má. Giờ đây nhóm “lãnh tụ” chỉ còn có má Sáu và má đã gần tám mươi tuổi. Bên dưới hai lãnh tụ già nua này là một nội các gồm có chị Hai, chị Ba, anh Năm, anh Sáu, anh Bảy, “nàng” Tám vợ tôi, và út Hải. Bên cạnh những bộ trưởng nòng cốt này là những thứ trưởng. Chị Hai có anh Hai, chị Ba có anh Ba, anh Năm có chị Năm, anh Sáu đã mất mấy năm trước đây và còn chị Sáu, anh Bảy có chị Bảy, cô Tám đương nhiên có tôi, và út Hải thì còn đợi một cô nào đó đến cõng đi (chắc phải hai cô mới cõng nổi út, vì út đang có bụng to gấp đôi bụng Ông Địa). Trong gia đình anh chị tôi còn mười đứa cháu gọi tôi bằng “dượng” Tám và một đứa gọi tôi bằng “ông”. Đó là chưa kể ba đứa nhỏ nhà tôi. Tôi xém quên một nhân vật có thể được xem là thủ tướng trong đại gia đình này, và người đó là anh Chín. Người “anh” này thật sự đáng tuổi chú của tôi. Cậu Sáu đã nhận anh Chín làm con nuôi, và vì tình nghĩa này mà anh Chín đã xem gia đình bên vợ tôi như gia đình của chính anh. Ngoài ra còn có Dì Hai bán báo, cũng gần tám mươi tuổi và có thể là người biết nhiều thời sự nhất tại Biên Hòa. Mỗi đời người là một bộ sách dày, và tôi không thể nào kể hết chuyện đời đầy ly kỳ của họ. Tuy thế, đôi khi chỉ cần một vài dòng thôi cũng làm tôi mến thương những người này và cuộc đời thâm trầm của họ.

Tôi đã miên man nghĩ đến gia đình bên vợ trong lúc ngồi chờ đợi chuyến bay chuyển tiếp tại phi trường Hán Thành. Sau một hồi nhìn những người hút thuốc phải chen chúc trong một phòng hút chật chội, tôi theo dõi một trận đá banh World Cup được chiếu lại trên màn ảnh. Có lẽ vì biết Sài Gòn chỉ còn cách chúng tôi có mấy tiếng đồng hồ, tôi đã không thể nhắm mắt ngủ một chốc lát, mặc dù tôi đã nhiều lần ngáp dài có thể nghe được từ hai bên bờ biển Thái Bình Dương. Thấy tôi có vẻ bồn chồn, vợ tôi và con gái đã kéo tôi đi loanh quanh qua những gian hàng bán quà “duty free”. Nhớ đến mấy người công an, tôi mua hai cây thuốc Dunhill miễn thuế. Khi được biết tôi sắp về Việt Nam, một người bạn ở Bolsa đã khuyên tôi nên có sẵn vài gói thuốc lá đắt tiền ở trong túi, để “tặng” mấy anh công an phường trong trường hợp tôi “được” họ mới đến văn phòng để “làm việc”. “Xin biếu các anh vài món quà nhân dịp về thăm quê hương.” Người bạn này khuyên tôi nên nói giông giống như vậy, và nếu may mắn thì sẽ không bị đòi “bồi dưỡng” thêm.

Đến Phi Trường Tân Sơn Nhất

Chúng tôi rời Hán Thành khi trời đã nhá nhem tối, chỉ còn nhận ra những bậc thang lên phi cơ khi đám hành khách được xe chở ra ngoài một bãi rộng mát gió. Hầu hết hành khách là người Việt Nam, với một vài người Đại Hàn, và một phụ nữ Pháp đang bế con và đi cùng với người chồng Việt. Chuyến bay từ Hán Thành về Sài Gòn ồn ào hơn chuyến bay băng qua Thái Bình Dương. Gần ghế chúng tôi có một bà gốc Việt từ New York đang ngồi với đứa con trai trên hai mươi tuổi. Bà nói chuyện rổn rảng với mấy người ngồi ở hàng ghế trước mặt. Bà thường đưa tay lên cao để nhấn mạnh những lời kể về những cửa tiệm của bà tại New York, và cho thấy nhiều vòng vàng đeo lỉnh kỉnh trên cổ tay của bà. Nhờ lời thì thầm của vợ, tôi mới biết người đàn bà đeo vàng này đã sửa mắt, mũi và xâm chân mày. Thỉnh thoảng bà quay qua đứa con và kể tội học dốt của con, và rồi hai mẹ con cười hăng hắc với nhau. Hình như họ cũng là người Trung, gần quê Nha Trang của tôi. Đằng sau hai mẹ con này là hai người đàn ông Đại Hàn to lớn. Họ thường xuyên gọi rượu và cũng cười nói ồn ào bằng ngôn ngữ riêng của họ.

Như trong chuyến trước, lần này tôi cũng thường xuyên theo dõi chiếc phi cơ nhỏ bằng bàn tay đang bay trên màn ảnh có nhiều màu xanh lục. Phi cơ bay chậm rời Nam Hàn và tiến xuống phía nam dọc theo miền duyên hải Trung Hoa. Bầu trời bên ngoài tối đen, bao trùm một khối phi cơ đang bay ù ù đều đặn và mang về những hành lý chất đầy kỷ niệm. Tôi tìm hoài bên ngoài khung kiếng và không thể nhận ra tôi sau hơn hai thập niên phiêu bạt nơi xứ người. Nếu không rời Việt Nam thì giờ đây tôi là người như thế nào? Liệu tôi có thể thoát khỏi một kiếp sống bên một vỉa hè mà tôi đã bắt đầu quen thuộc trong những ngày cuối cùng trước khi rời quê hương?

Tôi xoay trở nhiều lần trong ghế ngồi. Tôi không thể ngờ là chỉ trong vài tiếng đồng hồ nữa thôi là tôi sẽ đặt chân xuống Việt Nam, xuống Sài Gòn tôi biết rất ít mà lại nhớ rất nhiều. Tôi nhìn đồng hồ đeo trên tay. Tôi đã không đổi giờ và vẫn giữ nguyên giờ California, để lúc nào cũng biết “ở bên ấy” đang là mấy giờ. Giờ Bolsa cộng thêm hai tiếng đồng hồ vào mùa hè, ba tiếng vào mùa đông, ngày đổi thành đêm hoặc đêm đổi thành ngày, thì sẽ có giờ Biên Hòa. Tôi nhớ hoài công thức này mỗi khi ngồi nghe vợ nói chuyện điện thoại với những người ở Việt Nam.

Trên màn ảnh, phi cơ đã vượt qua đảo Đài Loan, vịnh Hạ Long và đang ở ngoài khơi miền Trung. Tôi nhớ những đêm đen ở bãi biển Nha Trang, nơi tôi có thể nhìn ra khơi và theo dõi những ánh đèn trôi nổi trên mặt đại dương. Những ngọn đèn trên những thuyền đánh cá mà hồi còn bé tôi vẫn tưởng là một thành phố ở ngoài biển, nơi cha tôi có thể đã ghé qua và một ngày kia tôi sẽ ghé đến. Nhìn ra ngoài cửa sổ phi cơ, tôi nhìn xuống để tìm thành phố đèn và đứa bé đứng trên bãi biển năm nào. Có lẽ gia tài lớn nhất của tôi là những kỷ niệm.

Một số tiếp viên Đại Hàn bỗng tiến đến từng hàng ghế và phân phát cho mọi người những mẫu đơn. Đây là những đơn khai tài sản mang vào Việt Nam và giấy tờ chứng nhận địa chỉ tạm trú trong thời gian ở lại Việt Nam. Ngoài những tiền mặt cần được kê khai, chúng tôi cũng phải ghi rõ tên tuổi, nghề nghiệp và số lần về Việt Nam trước đây. Tôi để cho vợ điền hết mọi thứ, vì nàng vẫn rành hơn tôi về vấn đề giấy tờ. (Thật sự thì tôi rất chán điền các mẫu đơn. Nhiều khi tôi cũng không biết tại sao tôi đã có thể làm việc đến sáu tháng trong sở welfare, nơi tôi từng phải điền vô số hồ sơ, mẫu đơn, giấy tờ lỉnh kỉnh suốt mỗi ngày làm việc, đến nỗi đêm về nằm ngủ mà vẫn còn lo ngại điền thiếu một tờ đơn nào đó cho một người đang nhận trợ cấp. Có lẽ vì việc làm đó mà giờ đây tôi chán ngán giấy tờ chăng?)

Với tiếng người lao xao mỗi lúc một ồn ào hơn, tôi biết phi cơ đang bay gần đến Sài Gòn. Nhiều người đang vươn vai và sửa lại quần áo sau nhiều tiếng đồng hồ dập vùi trong giấc ngủ. Hai hàng người chờ đợi bên ngoài phòng vệ sinh mỗi lúc một dài hơn. Phòng này đã trở thành nơi quan trọng nhất trên phi cơ ngoài phòng lái. Như được bơm thêm sức sống, những người bước vào phòng đã trở ra tươi tỉnh hơn, thơm tho hơn và linh động hơn. Cũng nhờ phòng bơm sức này mà đám người từng bước lên phi cơ trong những bộ đồ sang đẹp nhất tại Los Angeles không phải bước xuống Sài Gòn với bộ đồ xốc xếch nửa trong nửa ngoài, tóc móp méo và mặt mệt mỏi như mới ngủ dậy. Đây không phải là hình ảnh mà tôi muốn gia đình bên vợ thấy tôi tại phi trường. Trong lúc đứng xếp hàng vào phòng, tôi chợt cảm thấy hồi hộp như sắp được gặp người bạn gái lần đầu tiên. Vào đến bên trong, tôi rửa mặt, đánh răng và vuốt lại mái tóc lép xẹp, như chờ đợi một nụ hôn đầu có thể đến bất chợt. Đúng lúc bước ra tôi thấy bà sửa mắt New York đang bước đến và lắc lắc cánh tay có mấy vòng vàng của bà. Tôi làm bộ nhìn ông Đại Hàn và tránh đôi mắt muốn gợi chuyện của bà ta.

Gần 11 giờ đêm, trưa nắng Bolsa đang là đêm đen ở Biên Hòa. Sài Gòn đang chờ đón tôi với những ngọn nến lung linh, thắp sáng một vùng trời xa biệt mù khơi trong ký ức. Không chỉ riêng tôi, nhiều người cũng chợt im lặng và chồm người đến bên cửa sổ để nhìn xuống một Việt Nam trong đêm đen. Trong những năm ở Hoa Kỳ, tôi đã có dịp được đi máy bay đến nhiều nơi. New York, Los Angeles, Chicago, San Francisco, Pittsburgh, San Jose, Omaha, Boston, Stockton, chưa kể những nơi mà phi cơ chỉ đáp qua vài tiếng đồng hồ, cho tôi có dịp được mua vài món kỷ niệm vớ vẩn và mang về nhà cất trên kệ sách.

Vào những đêm khi máy bay đáp xuống thành phố, tôi từng được thấy một vùng trời sáng rực hắt lên từ dưới đất thấp lên đến trời cao. Khi chuyến bay 681Q từ Hán Thành sắp đáp xuống Sài Gòn vào nửa đêm, tôi không được thấy một vùng trời sáng rực như ở Hoa Kỳ. Nhiều đốm sáng lấm chấm trên một vũng tối đen. Phi cơ càng bay gần xuống mặt đất, tôi càng thấy rõ hơn những con đường bị đứt đoạn giữa những khoảng tối và sáng. Tôi chợt cảm thấy nôn nao lạ thường, như muốn mau chóng được đặt chân lên những con đường tranh tối tranh sáng ở bên dưới. Nếu không có dịp may thoát khỏi Việt Nam nhiều năm trước, có lẽ giờ đây tôi cũng đang ngồi đâu đó bên cạnh một cột đèn trên một con đường mờ tối, nhìn lên bầu trời đêm và chợt thấy một vệt sáng phi cơ bay ngang đầu.

Máy bay đang từ từ hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Thoang thoảng trong khí lạnh của phi cơ, tôi chợt ngửi được mùi đất âm ấm của một cơn mưa nhẹ. Đèn bên trong phi cơ đã được tắt. Hình ảnh không trình trên màn ảnh cũng không còn. Trong vài phút nữa đây, những con đường đêm, những ngọn đèn leo lét, những cánh đồng xanh, những con đường bụi mù, và nhất là những người thân, tất cả sẽ đến với chúng tôi từ một giấc mơ quen thuộc, như những hình ảnh trong một đoạn phim ký ức bỗng choáng ngập và bao bọc lấy chúng tôi. Tôi nắm tay vợ trong lúc phi cơ đang lao mạnh xuống phi đạo. Phi cơ gầm gào ù tai và chao đảo lắc lư, như còn ngần ngừ trong lúc vượt qua một cánh cửa thời gian giữa hiện tại và quá khứ.

Đến khi phi cơ ngừng hẳn và bắt đầu lăn bánh vào bãi đậu, mọi người bỗng bật tung dây an toàn và lao nhao tìm hành lý. Ai cũng vội vàng như sợ bị bỏ sót lại trong phi cơ. Chúng tôi ngồi ở gần đằng đuôi. Trong lúc mọi người đang đứng đợi hàng người di chuyển, chúng tôi chúi ba cái đầu vào một khung cửa sổ và nhìn xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Một cơn mưa nhẹ đang rơi lất phất xuống Sài Gòn. El Nino đã mang hạn hán đến bên này trái đất, kéo dài từ mùa xuân cho đến tháng Bảy này. Chúng tôi đã về đúng lúc có mưa. Có lẽ đây là một điềm may. Đang chăm chú nhìn những hạt mưa rơi xuống sân bay, tôi bỗng nghe vợ nói nhỏ vào tai. “Kìa! Công an kia kìa! Anh muốn xem công an như thế nào thì có một ông kia kìa.” Tôi nhìn theo tay vợ và thoáng thấy một người đội nón đứng ở chân cầu thang bên cạnh phi cơ. Còn quá xa, tôi không thể thấy được ông ta là người như thế nào. Người ta lên Bắc Cực để xem gấu trắng, xuống Nam Cực để xem chim cánh cụt, qua Úc Châu để xem gấu cù lần, còn tôi, tôi về Việt Nam để xem công an.

Sài Gòn Dưới Cơn Mưa Trở Về

Đến khi hàng người bắt đầu dãn ra và thưa dần, chúng tôi mới đứng dậy và bước xuống phi cơ. Mặc dù đã nửa đêm và đang có một cơn mưa lấm tấm nhẹ, hơi nóng ùa vào phi cơ đã làm cho tôi toát mồ hôi như ở giữa trưa. Tôi chịu nóng rất dở và sợ những nơi có độ ẩm cao như tại Việt Nam. Tôi bị bệnh toát mồ hôi tay chân từ thuở bé, và đối với những người đồng bệnh, họ đều thông cảm khi nghe tôi nói rằng tôi sợ cầm bút và viết bài trong lúc tay bị rịn mồ hôi. Tay tôi có thể rỉ xuống cả lít nước và làm mục rách những trang giấy. Tôi ngại bắt tay người lạ, vì bàn tay ấy có thể đẫm ướt lẹp nhẹp hoặc lạnh ngắt như miếng thịt mềm sắp đông đá. Khi đợi chuyến bay tại Hán Thành, tôi đã vào phòng vệ sinh và cởi bớt áo lót, chỉ mặc một áo vải mỏng nhẹ mà thôi.

Vậy mà khi bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất, tôi vẫn thấy hực nóng như vừa mở cửa một lò nướng. Nếu không có mưa nhẹ, hơi nóng chắc còn hung bạo hơn rất nhiều. Những giờ ngồi trong máy lạnh đã khiến cho tôi bứt rứt dưới cơn nóng. Thế nhưng đến lúc đứng sững trên bực thang và nhìn chung quanh, tôi chợt cảm thấy có sự quen thuộc kỳ lạ trong hơi nóng đang hà vào mặt mình. Hơi ấm của Sài Gòn trong cơn mưa nhẹ vào nửa đêm làm tôi nhớ đến hơi thở của vợ trong những lần chúng tôi mới hôn nhau. Tôi quay lại nhìn vợ và mỉm cười. Đương nhiên là nàng không biết tôi đang nghĩ ngợi quái đản, và nàng chỉ thúc tôi, “Bố xuống đi, cho con nó xuống chứ.” Nàng chợt hạ giọng và nói thì thầm vào tai tôi, với hơi ấm quen thuộc, “Bộ anh sợ ông công an đang đứng dưới chân thang hả?” Tôi nhún vai và buông một lời “Nà” dài theo thói quen của người Mỹ. Đó cũng là lần chót tôi có thể nói lớn tiếng một cách tự nhiên tại phi trường Tân Sơn Nhất.

Trong gần hai tiếng đồng hồ sau đó, sự im lặng, hoang mang và lo lắng đã bao trùm đoàn người rời phi cơ và tiến vào phòng làm thủ tục nhập cảnh. Đối với tôi, không khí lo âu ấy bắt đầu với ông công an đứng ở chân cầu thang. Khi đặt chân xuống mặt tráng nhựa, tôi đã cố tình quan sát người công an đầu tiên mà tôi thật sự thấy trong đời. Đúng lúc tôi đang mỉm cười xã giao và nhìn cái nón trên đầu, ông công an chợt hất đầu và nói lớn, “Lên xe đi! Lên xe kia kìa!” Thế là chưa kịp nhìn kỹ phù hiệu đỏ trên ve áo của ông ta, tôi vội vàng nắm hai xách tay và cùng vợ con leo lên xe bus đang chật cứng người. Tôi là người chót leo lên xe, và khi quay lại nhìn ông công an lần nữa, tôi thấy ông ta chỉ là một người gầy đen đang chắp tay sau lưng và đứng bên cạnh một chiếc phi cơ lớn. Chỉ là một người canh gác sân bay như tất cả những người khác.

Chuyến xe đã đưa chúng tôi từ chân thang máy bay đến cửa vào văn phòng nhập cảnh. Xe chạy khoảng mười phút đồng hồ, mặc dù hai nơi đây nằm cách nhau không tới một trăm thước. Thay vì cho mọi người đi bộ thẳng từ sân bay vào phòng nhập cảnh mà những người đi chậm nhất như vợ tôi cũng chỉ mất khoảng một phút đồng hồ, họ đã dồn hết hành khách lên hai chiếc xe và cho xe chạy lòng vòng. Sân bay lúc đó chỉ có hai chiếc xe. Trong lúc chạy một đoạn từ đầu này đến đầu kia của bãi đậu, hai chiếc xe đã dừng thắng dăm ba lần để nhường nhau, và tài xế còn liên lạc với nhau bằng máy truyền tin. Giữa những tiếng xè xè tắt mở của máy truyền tin, tôi cố gắng lắng nghe mẩu chuyện của hai tài xế. Thế nhưng họ nói tiếng Bắc rất khó nghe, mặc dù tôi đã cố tình tiến gần đến sau lưng tài xế. Dựa theo những lời nghe được, hình như một trong hai tài xế đang có vợ sắp sanh đứa thứ nhì, và hình như hai tài xế sắp rủ nhau đi xem đá banh World Cup trên truyền hình sau giờ làm việc.

Sân bay Tân Sơn Nhất vào nửa đêm Chủ Nhật hôm ấy chỉ có chuyến bay duy nhất của chúng tôi. Hai chiếc xe đã nối đuôi nhau trong cơn mưa phùn và thả đám hành khách ngay trước cửa phòng nhập cảnh. Xe vừa ngừng mọi người lại chen nhau chạy vào bên trong. Vì có con còn nhỏ, chúng tôi đã đi chậm rãi và đến khi bước vào được bên trong, tôi thấy những hàng người đã dài ngoằng trước những cửa sổ của nhân viên nhập cảnh. Trên những bức tường màu trắng ngà tôi không thấy có trang trí gì, ngoại trừ một tấm biểu ngữ đỏ với mấy chữ vàng mang nội dung “Không Nơi Nào Đẹp Bằng Quê Hương.” Đứng bên dưới tấm biểu ngữ có hai cô tiếp viên phi trường mặc áo dài màu xanh biển nhạt. Ban đầu tôi tưởng hai cô rất mũm mĩm và căng cứng này (hình như nịt ngực wonderbra của Hoa Kỳ đã về đến Việt Nam) đứng đây để chứng tỏ cho đám thanh niên độc thân xa quê nhà đã lâu (và cho cả những người đã có vợ như tôi) được thấy quả thật “không nơi nào đẹp bằng quê hương.” Thế nhưng hai cô “quê hương” này không tươi cười với ai, và đến một hồi sau tôi mới biết họ chỉ đứng để làm việc gì đó, như giúp một số người điền đơn sau khi những người này bị đuổi từ các cửa sổ nhập cảnh.

Khác với sự náo nhiệt tại hai phi trường Los Angeles và Hán Thành mà tôi đã trải qua trong vòng một ngày trước đó, phòng nhập cảnh và quan thuế tại phi trường Tân Sơn Nhất đang im lặng đến kỳ lạ. Ngay cả trẻ con cũng nắm tay cha mẹ và đứng yên, y như chúng cũng cảm được sự lo âu của người lớn. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng hành lý được kéo lê trên sàn nhà, hoặc dăm ba lời xì xầm của vài người ngoại quốc cũng đang xếp hàng. Hầu như tất cả những người Việt khác đều im lặng chờ đợi đến phiên gặp nhân viên soát giấy tờ nhập cảnh. Có đến sáu hoặc bảy cửa sổ đang được mở, cho thấy khuôn mặt và đôi vai của những nhân viên. Liếc nhìn đến cửa sổ đầu tiên, tôi thấy một ông hành khách đang đứng gãi đầu và phân trần điều gì đó với nam nhân viên. Nam nhân viên nhập cảnh này trông còn trẻ và hơi đen. Anh ta không đội nón, và ngoài sự khác biệt này thì tôi thấy anh cũng mặc đồng phục màu xanh lục đậm và mang một khuôn mặt lạnh lùng như người cán bộ ngoài sân bay. Anh ta chợt trỏ tay về hướng bàn gần hai cô “quê hương”, và rồi ông hành khách đã lủi thủi mang một xách tay đến nơi đó.

Trước khi về Việt Nam, tôi đã hỏi những người từng có kinh nghiệm về nước nhiều lần. Họ nói rằng trạm nhập cảnh và hải quan là nơi mà “Việt kiều hồi hương” thường bị làm khó dễ, và nếu biết hối lộ thì hầu hết mọi người vẫn có thể qua được toàn mạng và còn chút đỉnh tiền để tiêu xài. Các nhân viên có thể “khó chịu” với nhiều lý do. Điền thiếu trên mẫu đơn nhập cảnh sẽ bị hạch hỏi là chuyện đương nhiên, mà ngay cả trường hợp ghi một con số không rõ là số 7 hay là số 1 cũng vẫn có thể bị đuổi ra khỏi hàng để điền lại cho đúng. Đó có thể là lý do mà ông khách kể trên đã lủi thủi rời hàng người và tìm đến hai cô “quê hương” mến yêu đang đứng chờ giúp đỡ. Sự giúp đỡ này cũng chưa chắc bảo đảm xong chuyện. Họ có thể tra hỏi nhiều thứ lôi thôi, lỉnh kỉnh, và nếu biết đóng tiền “bồi dưỡng” cho họ liền lập tức thì đỡ mất thời giờ và giảm bớt nhịp tim đập trong ngực.

Theo lời khuyên của người bạn, vợ chồng tôi đã dáo dác tìm nữ nhân viên hải quan, vì họ thường “dễ chịu” hơn so với nam nhân viên, và nếu tôi để vợ nói chuyện với nữ nhân viên thì càng tốt. Phụ nữ với nhau có thể họ sẽ “nhẹ tay” hơn. Trong lúc hai vợ chồng nhìn ngang nhìn dọc, tôi chợt thấy ngay một nữ nhân viên duy nhất trong khung cửa sổ nằm ở gần cuối dãy. Có lẽ người bạn của tôi đã tiết lộ “bí quyết” lọt cổng nhập cảnh ngoài phố Bolsa, vì hàng người đứng trước cửa sổ của nữ nhân viên này dài hơn những hàng hành khách khác. Trong khi vợ nắm tay con đi trước với xấp giấy tờ chiếu khán, sổ thông hành, đơn hộ chiếu, tôi lẽo đẽo đi theo với hai túi xách trong tay. Đến cuối hàng người, vợ tôi liền lấy vài tờ tiền đô trong túi và kẹp vào sổ thông hành, theo đúng lời dặn từ Bolsa. Tôi cũng bắt đầu lo ngại vu vơ.

Thật sự thì tôi không có gì phải lo âu. Tôi không có “thành tích” chống chế độ, không muốn “móc nối” ai, cũng chẳng có ý định làm gì để phá rối trật tự dưới chế độ. Tôi không có kế hoạch rải truyền đơn từ trên phi cơ (quá trễ, phi cơ đã đáp xuống hơn nửa tiếng đồng hồ), cũng không có âm mưu chạy ở truồng ngoài sân bay. (Mấy năm trước đây, một người bạn trẻ của tôi đã đến Hà Nội. Trong lúc chuẩn bị về lại Hoa Kỳ, anh đã bị làm khó dễ sao đó tại phi trường Nội Bài. Tính của anh rất nóng, và cho tới bây giờ thân nhân và bạn bè cũng không hiểu tại sao anh đã cởi hết quần áo và chạy la hét trong phi trường. Anh đã bị bắt giam nhiều ngày, và nhờ thân nhân ở nước ngoài đóng tiền, anh mới được cho lên phi cơ và trở về California với một bộ quần áo trên người). Tôi không có thói quen phô trương cơ thể (thật sự không có gì để khoe) và cũng không thể chạy cởi truồng ở nơi công cộng như người bạn của tôi. Tôi chỉ muốn về thăm quê hương, về “móc nối” với mấy bà cụ già trên dưới tám mươi tuổi trong gia đình vợ tại Biên Hòa. Tôi thương họ, muốn gặp họ ít nhất một lần trong đời, trước khi họ ra đi vĩnh viễn và không thể nhận được những tờ “truyền đơn” đến quá trễ của tôi.

Hàng người “Việt kiều hồi hộp” của chúng tôi di chuyển rất chậm, có thể là vì nữ nhân viên hải quan đang “có vấn đề” với những người phía trước. Trong lúc đứng chờ đợi gần nửa tiếng đồng hồ, nhiều lần tôi đã có ý định muốn đi lòng vòng xem phòng nhập cảnh. Tôi có tật tò mò ở những nơi lạ, thích chắp tay sau lưng đi lẩn thẩn như một ông cụ và xem xét mọi thứ hiện diện trong phòng. Tuy nhiên, tôi cũng lo ngại, không muốn rời hàng người và gây chú ý đến cá nhân tôi. Phòng cũng không có gì nhiều để quan sát hoặc để tìm hiểu, ngoại trừ tấm biểu ngữ đỏ trên cao và hai cô “quê hương” mũm mĩm. Quan sát hai cô này thì được, chứ nếu tìm hiểu họ thì không chừng sẽ có “vấn đề” với công an và với vợ tôi. Tôi thấy hai cô đang nghiêm mặt nói gì đó với những người chưa được qua trạm nhập cảnh. Hàng người lại nhúc nhích, và sắp đến phiên chúng tôi được trực diện cô nhân viên cũng có một khuôn mặt rất lạnh lùng.

Gia đình đứng phía trước chúng tôi gồm hai vợ chồng, đứa con và một bà cụ. Tôi thấy họ lục lọi xấp giấy tờ nhiều lần, như muốn tìm chính xác tờ giấy mà nữ nhân viên muốn xem. Tôi thấy bà cụ và đứa bé được vẫy cho qua trước, trong khi hai vợ chồng phải mất thêm dăm phút trước khi được cô ta cho phép bước qua trạm. Đến phiên chúng tôi, trong lúc vợ trình những giấy tờ mà trong đó tôi biết nàng đã kẹp theo mấy tờ đô-la xanh, tôi bế con gái lên cho cô nhân viên được thấy cả ba chúng tôi. Tôi thấy cô ta nhìn xuống giấy tờ và lẩm bẩm đọc tên của tôi trong lúc đánh tên vào máy điện toán.

“Về Việt Nam lần đầu?” cô ta hỏi và không ngước đầu lên.

“Cô hỏi tôi?” tôi lên tiếng, trong lúc liếc nhìn vợ đang chợt thoáng lo âu. “Vâng, tôi về lần đầu,” tôi nói thêm. Có lẽ cô ta đã thấy những tờ tiền và đã mau chóng đẩy chúng vào nơi kín đáo. Các nhân viên ngồi trong một khung kín, người đứng ngoài chỉ có thể thấy từ vai lên đến đầu họ.

Cô bỗng ngước đầu lên nhìn tôi và nói, “Vào đi! Mau lên!”

Tôi vội bế Bé Cù và bước qua cửa, để lại vợ đang chờ đợi chỉ thị mới của cô nhân viên. Từ đằng sau lưng cô ta, tôi có thể thấy một màn ảnh điện toán với nhiều tập giấy ở chung quanh. Cô đang kẹp, bấm một số giấy tờ có liên hệ đến tôi và con gái. Cô bỗng hỏi vợ tôi về địa chỉ ghi trên tờ giấy, và đến khi nghe lời xác nhận của vợ tôi, cô ngoắc tay và cho vợ tôi vào. Sau khi chúng tôi lọt qua trạm nhập cảnh, phòng chỉ còn dăm ba người từng bị yêu cầu phải điền lại giấy tờ. Hai cô mặc áo dài xanh đã biến mất.

Sau một thời gian yên lặng, không khí trong phòng quan thuế dần dần ồn ào hơn với đám người đứng chung quanh sàn quay giao trả hành lý. Họ nhốn nháo nhận diện hành lý, vội vội vàng vàng chụp kéo mớ va-li, xôn xao nói chuyện với nhau và hì hục đẩy xe chất đầy va-li và thùng giấy dán chằng chịt băng keo. Cũng như lần trước, vợ tôi đang rút ra những tờ tiền và kẹp vào sổ thông hành, trong khi tôi đứng tìm hành lý trên sàn quay. Từ nơi nhận hành lý đến trạm hải quan, nhiều người lại bắt đầu chen nhau đẩy xe và giành chỗ, như sợ người nào chậm chân sẽ bị công an bắt vào phòng làm việc. Chúng tôi đẩy theo và như tại phòng nhập cảnh, lần này tôi cũng nhìn thoáng qua các trạm để tìm một nữ nhân viên. Tôi chỉ thấy toàn là nam nhân viên. Một nam nhân viên đăm chiêu nhìn chúng tôi và ngoắc tay vào trạm của anh ta. Tôi đẩy xe đi theo, trong khi vợ tôi đến đưa giấy tờ cho anh xem. Trong lúc vội vã, tôi thấy anh rút nhanh tờ tiền ra ngoài sổ thông hành và đưa ngay xuống bên dưới mặt bàn. Anh ta đã mau chóng chấp thuận cho chúng tôi được qua. Tuy nhiên, một trục trặc nhỏ đã cản trở chúng tôi vài phút.

Lý do là Tờ Khai Hành Lý có hai mẫu đơn dính kèm nhau. Chúng tôi đã điền sót tờ đơn bên dưới vì tưởng rằng chữ sẽ in qua mẫu thứ nhì như những mẫu đơn mà chúng tôi thường thấy. Có lẽ vì đã được “bồi dưỡng”, anh nhân viên hải quan chỉ đề nghị chúng tôi đứng qua một bên để mau mau điền mẫu đơn bên dưới, và khi nhận lại tờ đơn anh ta cũng chỉ liếc sơ qua và đánh dấu cho chúng tôi được đi nhanh mà không thắc mắc gì thêm. Trong lúc chúng tôi lúi húi điền đơn, anh ta đã xem xét qua loa giấy tờ của một gia đình khác, và đến lúc đó tôi mới hiểu anh đang cần làm việc mau chóng, để có thể nhận được nhiều “bồi dưỡng”. Chuyến bay đêm nay đã có khoảng một trăm hành khách. Nếu nhanh tay, mỗi nhân viên hải quan “sốt sắng” có thể soát giấy tờ của mười người và không chừng kiếm được bồi dưỡng khoảng năm mươi Mỹ kim trong vòng một giờ đồng hồ, cao hơn gấp đôi lương tháng trung bình của một công chức tại Sài Gòn. Trong lúc chờ đợi hành lý được kiểm duyệt qua một máy dò, tôi thấy những nhân viên khác cũng vẫy tay gọi khách vào trạm của họ. Mấy nhân viên này không phải là những người duy nhất đang vẫy tay mời khách. Đằng sau lưng họ là một khoảng trống vắng lặng chạy đến tận một bức tường chắn bằng kiếng. Có cả trăm người đang chen lấn nhau ở đằng sau màn kiếng. Chỉ đến khi bước đến cửa ra ngoài phi trường tôi mới biết những người này là ai.

Từ trạm hải quan đến cửa ra ngoài phi trường, khoảng trống kéo dài chừng ba mươi thước. Tại nơi xét hành lý, tôi có thể nhìn ra phía cửa ra vào và thấy một đám đông đang chen nhau đứng bên ngoài khung kiếng. Chính khung kiếng cao chừng mười thước và dài trên trăm thước này là bức tường chắn giữa đám đông trong nước với thế giới bên ngoài, và giữa họ với chúng tôi. Tôi thấy nhiều khuôn mặt gầy đen giống nhau đang tì sát vào khung kiếng. Hàng trăm đôi mắt của họ đang nhìn thẳng về phía chúng tôi, chờ đợi từng người một trong chúng tôi bước qua cửa phi trường và nhập vào với họ. Miệng họ tranh nhau nói những lời mà chúng tôi chưa nghe được. Trong lúc đẩy xe đến gần khung kiếng, tôi có cảm tưởng đám đông đang nhìn kỹ từng chi tiết trên người mình.

Càng tiến gần đến cửa ra vào, tôi càng nghe rõ hơn tiếng la gọi ồn ào của họ. Đúng lúc nhìn hàng chục khuôn mặt bên ngoài khung kiếng, tôi chợt nhận ra ba khuôn mặt quen thuộc của anh Năm, anh Bảy và Út Hải. Họ không khác những người mà tôi từng thấy trong hình. Ba anh em đang tươi cười nhìn tôi. Tôi liền đưa tay lên vẫy chào và nhe răng cười lại. Họ đang bị đám đông xô đẩy tới lui. Tuy nhiên, mắt tôi đã theo sát và không để cho đám đông đẩy họ ra ngoài tầm mắt. Thật kỳ diệu, tôi vừa có cảm tưởng rất xa lạ đối với ba anh em vợ, mà cũng vừa gần gũi họ vô cùng. Có lẽ vì trong đám đông hỗn độn đang chen nhau ngoài khung cửa, tôi không biết một ai ngoại trừ ba khuôn mặt rạng rỡ cũng đang tươi cười nhìn về phía chúng tôi. Tôi liền chỉ tay cho vợ thấy ba anh em. Vợ tôi bỗng hét lên không ra tiếng trong sung sướng khi thấy các anh, và rồi nàng cuống quít dắt Bé Cù chạy vù ra ngoài, để lại tôi với chiếc xe đẩy chất đầy hành lý. Mớ hành lý hình như cũng mừng rỡ, nghiêng đổ và rớt xuống nhiều lần khiến tôi phải dừng xe để chất chúng lên nhau. Một số hành khách khác đang dồn tới và thúc dục tôi tránh ra cho họ đi.

Nhìn ra ngoài khung cửa rộng không tới hai thước, tôi thấy vợ tôi nắm tay con và biến mất vào trong đám đông, trong khi nhiều khuôn mặt đang chồm tới và chặn lối ra. Những tài xế taxi và người lái xe ôm đang chen nhau đón khách. Nhiều người đã chồm tay tới chụp lấy xe đẩy, trong khi tôi nghe tiếng công an la lớn, “Tránh ra, tránh cho người ta đi!” Thấy tôi cứ lắc đầu lia lịa, đám đông dần dần buông tay ra và không còn chụp lấy xe hoặc hành lý trên xe. Y như cảnh Thánh Moses đang rẽ sóng Hồng Hải, tôi thấy biển người đang tách rời ở đầu xe. Tôi cố đẩy xe tới và đám đông càng tránh ra cho tôi đi. Trong thoáng chốc ngẩn ngơ, tôi chăm chú theo dõi những cánh tay gân guốc và gầy ốm đang buông thả mớ hành lý. Nhìn theo những cánh tay ấy, tôi thấy từng khuôn mặt cháy nắng và lẹp nhẹp mồ hôi đang nhìn lại tôi. Cơn mưa nhẹ đang lất phất qua ánh đèn điện, rơi rớt những hạt nước xuống đầu tóc và lăn dài xuống trán của đám người đứng trước mặt và chung quanh tôi. Cổ áo họ đẫm ướt và nhàu bẩn. Đã một giờ sáng, vậy mà những người này vẫn đứng đây dưới một cơn mưa để tranh giành một mớ khách về thăm quê hương. Có bao nhiêu người sẽ kiếm được một người khách đêm nay? Tôi chợt ngưng lắc đầu từ chối và mỉm cười nhìn họ. Những người này, những người đang đứng dưới cơn mưa và giành giật hành lý cũng là anh em của tôi.

“Anh đi đâu? Đây nè! Đây nè!” nhiều người cùng la lên một lần, làm điếc cả một góc trời và không cho tôi nghe những tiếng gì khác hơn. Anh em của tôi ồn quá! Thấy mà thương!

Nụ cười của tôi đã đưa tôi về thực tế. Thấy tôi cười, một thanh niên đã nhe răng cười lại và chăm chú nhìn thẳng vào mắt tôi.

“Xe em ở đây nè,” thanh niên này vừa la vừa đưa tay chụp lấy xe đẩy. “Anh đi với em!”

“No! No! No!” tôi la lớn bằng tiếng Mỹ theo thói quen, trước khi nhớ ra mình đang ở Sài Gòn và la tiếp, “Có người rồi, có người nhà đón rồi. Làm ơn tránh ra giùm!” Vừa nói tôi vừa đẩy xe tới trước. Thấy tôi từ chối đầy quyết liệt, người thanh niên tiếp tục la lớn với một cặp vợ chồng ở đằng sau lưng tôi. Đúng lúc đó có hai, ba người đàn ông khác lao tới và chụp lấy đống hành lý. Một lần nữa tôi phải hét to lên, “Có người nhà đón rồi! Tránh ra! Tránh ra! Làm ơn tránh ra cái coi!” Tôi bắt đầu nổi quạu với cảnh vô trật tự.

Một người đàn ông đang bị đám đông xô tới trước. Tuy xém té và có thể bị đạp lên người, anh ta vẫn nắm chặt lấy xe của tôi và nói lớn, “Anh Bảy đây Đạt! Anh Bảy đây nè!”

“Trời đất ơi!” tôi nói nhỏ chỉ đủ cho mình nghe, “Sao ảnh giống mấy người tài xế này quá vậy?” Tôi vừa mừng, vừa hết quạu và lại muốn bật cười.

Anh Bảy tóc quăn đang rộng miệng cười với tôi. Tôi chưa kịp nói gì thêm thì anh Năm và Út Hải cũng đang cười bên cạnh anh Bảy, y như tôi đã thấy ba người đằng sau khung kiếng. Đây là lần đầu tiên tôi gặp mặt ba anh em, mà sao tôi thấy họ quen quá, quá quen như đã biết từ lâu. Ba người anh em đã lôi kéo xe hành lý ra ngoài đám đông. Đến lúc đó tôi mới thấy lại vợ con đang đứng với một đám người cười nói rộn ràng. Vợ tôi nói không ra hơi trong sự xúc động, trong khi mấy người chị đang bồng nựng Bé Cù và hỏi han rối rít. Còn nhiều đứa cháu trai và cháu gái đang đứng vây quanh. Có đứa nhỏ nắm tay Dì Tám và chọc ghẹo Bé Cù, trong khi mấy đứa lớn mắc cở và đứng vừa đủ gần để nhìn cuộc hội ngộ. Mưa nhẹ đang tiếp tục rơi lất phất xuống đầu mọi người.

Anh Năm bắt tay tôi, trong khi anh Bảy và Út Hải đang tìm người tài xế lái xe minivan mà các anh đã mướn từ Biên Hòa. Trong lúc đẩy giùm xe hành lý cho tôi, anh Năm nói rằng lâu lắm rồi đêm nay Sài Gòn mới có mưa. Hạn hán El Nino đã kéo dài từ đầu năm cho đến mùa hè. Tôi cũng rất ngạc nhiên là tôi không còn cảm thấy quá nóng như khi vừa bước xuống phi trường, mặc dù mùi không khí ẩm đặc vẫn đè nặng xuống đám đông bên ngoài Tân Sơn Nhất. “Ở bên đó ngày lễ Độc Lập chắc vui lắm hả Đạt?” Trong những lần điện đàm với chúng tôi trước đây, anh Năm vẫn thường hỏi về nhiều thứ bên Hoa Kỳ, từ cuộc nổi loạn của người da đen ở Los Angeles cho đến những trận bão mùa đông ở những tiểu bang miền bắc.

Anh Năm đã được du học tại Hoa Kỳ vào cuối thập niên 60. Đến khi tốt nghiệp và trở về Sài Gòn, anh chỉ được sử dụng kiến thức của mình trong một thời gian ngắn, và sau năm 1975 thì cũng như nhiều gia đình khác, vợ chồng anh Năm đã lao đao qua nhiều nghề sống khác nhau. Họ cũng từng vượt biên hụt và bị ở tù. Chỉ cho đến những năm tháng gần đây, khả năng ngoại ngữ và kiến thức của anh mới được tận dụng trong một số công ty ngoại quốc, và nhờ đó gia đình anh sống dễ thở hơn so với những anh chị em khác trong nhà. Anh là người biết nhiều về tình hình kinh tế bên ngoài Việt Nam, và Hoa Kỳ vẫn là nơi anh nhớ đến nhiều nhất.

Những năm du học tại Iowa đã để lại trong anh nhiều hình ảnh tươi đẹp của xứ người, từ những người bạn sinh viên Mỹ trong trường cho đến những thắng cảnh tại San Francisco, Arizona và New York, vân vân. Không những chỉ mang về quê hương những ấn tượng trong sáng của xứ người, mà hình như anh Năm cũng có thay đổi và trở thành người xứ lạ trong thời gian mới về Việt Nam trước đây. Má Sáu và má vẫn thường kể rằng, “Ngày mới về anh Năm con sao mà nó trắng quá trắng, người thì sạch sẽ, thơm thiệt là thơm, mà cười nói cũng vậy, cũng hồn nhiên vui vẻ lắm kìa. Hồi đó ai mới gặp anh Năm con cũng tưởng nó là Mỹ lai. Mà cũng giống Mỹ lai thiệt. Còn biết nghe nhạc tình nữa chớ.”

Trong lúc bước dưới cơn mưa Sài Gòn, anh Năm vẫn cười nói rộn ràng với chúng tôi. Tóc anh cũng thưa bớt rất nhiều, để lại một vầng trán rộng “tận chân trời” và khiến cho tôi cũng cảm thấy tiếc những năm tháng xuân xanh lao đao của anh. Đứng thập thò gần anh từ nãy giờ là chị Năm, người phúc hậu và hoạt bát bên cạnh người chồng cao lớn và vững chải. Tôi đã được thấy hình chị và được nghe Bé Cù kể lại những kỷ niệm vui với Mợ Năm. Đến khi thấy chị tận mắt, tôi đã vụt thốt lên không kịp suy nghĩ, “Ở bên ngoài trông chị còn đẹp hơn trong hình, không mập như em tưởng.” Chị cười khúc khích và nói lại lời này với những chị khác đang đứng ở chung quanh, làm tôi cũng hơi ngượng, vì mọi người đang chiếu cố đến tôi, chờ đợi tôi nói thêm trong lúc họ quan sát kỹ lưỡng từng hành vi của tôi, một thành viên mới trong gia đình và cũng là một “Việt kiều” vừa về từ Hoa Kỳ.

Đến lúc đó tôi có dịp được biết một số anh chị em đã đến đón chúng tôi vào đêm đầu tiên ấy. Chị Ba, anh chị Năm và hai đứa con; Bảo Phương đã vào đại học và Vân Anh đang học tiểu học. Anh chị Bảy cũng đã đến với hai đứa con, Quốc Dũng học đại học và Quỳnh Như đang học trung học. Chị Sáu đã đến với Phượng Các lớn hơn Bé Cù vài tuổi. Ngoài ra, phái đoàn “dàn chào” này còn có Út Hải và anh Chín, người anh vong niên của gia đình. Đám trẻ cười nói rộn rã và đứng lẫn lộn đằng sau lưng những người lớn. Út Hải và anh Bảy đang đi tìm người lái xe Toyota minivan, trong khi anh Chín đứng hút thuốc gần đó, với một khoảng cách vừa đủ gần để nghe những mẩu chuyện mà cũng vừa đủ xa để không phải tham dự.

“Tụi em ăn gì hông?” chị Năm hỏi hai vợ chồng tôi. Trong gần hai tuần lễ về Biên Hòa sau đó, chị Năm vẫn thường hỏi chúng tôi câu này. Chỉ đến khi biết được tính chị thích ăn vặt, tôi mới dám cương quyết từ chối lời mời mọc ăn uống của chị. Thế nhưng trong những ngày đầu tiên, nhất là lúc đang đứng ở phi trường, tôi chưa can đảm từ chối, nên sau khi nghe chị hỏi hai, ba lần tôi đã vội trả lời, “Em thèm nước lạnh. Uống hoài nước ngọt trên phi cơ nên bây giờ em thèm nước lạnh.” Vừa nghe xong lời này, chị Năm vội sai con trai chạy đi mua cho “dượng Tám” một chai nước suối. Đúng lúc đó tôi thấy chị Sáu cũng đang cầm một chai nước lọc. Chị nhìn tôi ngập ngừng và nói, “Đạt uống nước này đi, nước đun sôi ở nhà chị mang theo nè.” Chai nước được đựng trong một bịch ni-lông mà tôi thấy chị Sáu cầm từ nãy đến giờ. Chị giải thích thêm, “Má sợ tụi em ở nước ngoài về không uống được nước hàng quán, dễ bị đau bụng. Chị mang chai nước này cho tụi em.”

Trong những ngày sống tại Biên Hòa sau đó, lần nào xuống bếp và ăn cơm với mấy má, tôi cũng đưa mắt đến bên cạnh cửa sổ duy nhất ở trong bếp, nơi tôi có thể thấy chai nước lọc quen thuộc đứng bên cạnh hai bình thủy đựng nước sôi, một khay trầu, vài miếng giẻ lau bàn và những nồi niêu lỉnh kỉnh khác của má Sáu. Tôi không phải là người ham chuộng vật chất. Tuy nhiên, có những món vật tầm thường mà tôi lại có thể nhớ hoài chỉ vì một vài tình cảm dính liền với nó. Mỗi lần thấy chai nước lọc ở trong bếp, tôi chợt nhớ đến các anh chị em đã đến đón chúng tôi đêm ấy, nhớ đến sự lo lắng cỏn con mà những người trong nhà dành cho chúng tôi. Tuy chưa biết những ngày sau sẽ ra sao, ngay từ phút đầu tại phi trường Tân Sơn Nhất tôi đã biết những ngày hè ở bên đây sẽ là những ngày mà tôi sẽ trân trọng mang theo về đến bên kia.

Có lẽ vì vui mừng đoàn tụ, đám người nhà cũng như ba kẻ mới về đều đứng nói chuyện huyên thuyên bên dưới những giọt mưa lấm tấm. Mớ hành lý cũng vậy, cũng đang phơi dưới một cơn mưa lạ của Sài Gòn. Một hồi sau anh Bảy và Út Hải mới trở lại và nói chúng tôi phải đi bộ qua những bãi đậu xe, vì xe minivan không được phép lái đến trước cửa vào sân bay. Đám trẻ cười giỡn om sòm và kéo nhau chạy đi trước, trong khi nhóm người lớn chậm rãi đi theo. Chúng tôi băng qua một bãi trống với những cột đèn tỏa ánh sáng yếu ớt. Sau lưng chúng tôi, một bà lão lẽo đẽo chạy theo. Có lẽ nhận diện được bộ vó “Việt kiều hồi hộp” của tôi, bà bám sát bên tôi, lèo nhèo kể lể mãi để xin tiền vì bà có “công” giữ xe cho bọn tôi.

Khi thấy tôi lúng túng với bà lão ăn xin, anh Năm liền đưa cho bà tờ một ngàn đồng và nói bà đừng quấy rầy chúng tôi nữa. Cho đến lúc chúng tôi lên xe và đóng cửa, bà cụ vẫn dí mặt sát vào cửa sổ và xin thêm tiền. Đó cũng là lúc mà tôi bắt đầu để ý đến mùi khai và mùi nước cống chung quanh phi trường. Mùi khai đã đeo đuổi chúng tôi trong suốt hai tuần lễ, khi nặng nề, khi thoang thoảng, cho đến ngày chúng tôi rời Sài Gòn. Trở về Việt Nam cũng như gặp lại một người tình cũ, và đến khi sắp ôm người tình vào lòng thì tôi mới biết nàng đã đái dầm. Có lẽ nàng đã đái dầm từ lâu mà mình không biết, và không chừng mình cũng đã đái dầm trước khi phải bỏ nàng để đi tè ở xứ người. Thôi cũng ôm đại và có khai cỡ nào thì cũng đành chịu. Trước khi bước lên xe, tôi trông thấy hai người đang đứng trong bóng tối ở cuối bãi đậu. Họ mặc đồng phục màu xanh lá mạ, đội nón kết tương tự như người công an mà tôi đã thấy ngoài sân bay. Họ nhìn chúng tôi một hồi, khiến cho tôi cũng ngài ngại mà không muốn nói cho vợ hay. Nàng đang tíu tít với mấy chị. Hai người lạ bỗng leo lên một chiếc xe jeep, và rồi xe của họ biến mất vào bóng tối. Mọi người vẫn nói chuyện rộn ràng, trong khi tôi đã bớt lo và nhìn con gái mình đang nói cười liến thoắng bằng tiếng Việt với đứa chị họ.

(trích Giữa Hai Miền Mưa Nắng. Văn Nghệ phát hành năm 2000, Thư Hương tái bản lần thứ nhất năm 2004, California, Hoa Kỳ)

Ý kiến

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.