Nguyễn Danh Bằng (sinh 1967) thời gian gần đây được biết đến như một người viết văn, tác giả tập truyện ngắn Phòng Lạ (NXB Đà Nẵng, 2005). Nhưng “nghề chính” của Nguyễn Danh Bằng thật ra là hội họa. Bằng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật ở Sài Gòn năm 1991, sang Mỹ năm 1992 cũng theo học thiết kế đồ họa. Tôi chơi với Bằng và nhóm bạn trường Mỹ thuật cùng thời đã hơn hai mươi năm: những Lã Quý Tùng, Nguyễn Cao Hiệp, Nguyễn Thanh Trúc, Nguyễn Bá Khanh, Trần Trung Dũng… Loại bạn phá phách, ăn ngủ ở nhà của nhau, lang thang khắp ngõ ngách Sài Gòn-Đà Lạt, rồi sang Mỹ. Lúc nào tôi cũng nghĩ về Bằng như một họa sĩ. Nhiều người viết văn xuôi như nhà thơ. Người đầu tiên viết văn xuôi như họa sĩ tôi biết là Nguyễn Danh Bằng: trau chuốt, màu sắc, mơ mộng.
Hội họa là một giấc mơ xa vời đối với người nhập cư. Vẽ chỉ là cách để khỏi quên chính mình, một cách tìm lại “ngôi nhà” nghệ thuật đầu đời. Dù có triễn lãm được hay không, Nguyễn Danh Bằng vẫn vẽ như một họa sĩ chuyên nghiệp: cẩn trọng, tìm tòi, say mê.
Phan Nhiên Hạo
*
Nguyễn Danh Bằng viết về loạt tranh “Nhà”
Khổ tranh: 18’’x24’’ và 36’’x48’’
Chất liệu: sơn dầu trên các-tông
Sáng tác năm 2002
Vài dòng…
Tôi vẽ đợt tranh này cùng thời gian với loạt truyện ngắn trong tập truyện Phòng Lạ và một số bài thơ rải rác khác. Loạt tranh có chủ đề về thời gian bị mất. Nhà theo khái niệm cũ, ở mức độ nào đấy cũng đồng nghĩa với tổ tiên, nguồn gốc, truyền thống. Lúc ấy tôi thấy mình như bị lừa bịp. Tôi nhận ra mình chẳng còn Nhà. Nhưng điều khó là cuộc sống thực tại lại không tạo lên một động lực nào ở bên trong. Tôi nhận ra mình đã được khởi đầu từ trước đấy quá lâu, từ trước khi mình sinh ra. Tôi bới móc những ghi chép của người Pháp về thời kỳ khai phá Đông Dương. Tôi tán dóc với người già đủ thứ chuyện về nông thôn thời kỳ Pháp Thuộc. Tôi bới móc lại nhiều thời kỳ lịch sử xa xưa, dù có gạn bớt ra những phần thêu dệt ồn ào. Tôi tìm thấy tính qui nạp xảy ra suốt quá khứ mà trong đó khái niệm về nhà luôn luôn là khái niệm đổ vỡ. Thế là tôi vẽ cả đợt tranh chỉ có một màu. Đúng hơn nó chẳng hề có màu.







Đúng ra là nó có màu của xi măng. Tuyệt diệu.