Hôm kia lục lọi thùng sách cũ, thấy tập thơ “Đêm Mặt Trời Mọc” của Nguyễn Quốc Chánh” mà tôi mang theo lúc rời Việt Nam. Mới đó đã gần hai mươi năm. Bắt đầu cảm thấy sợ thời gian.
“Đêm Mặt Trời Mọc” là tập thơ đầu tay của Nguyễn Quốc Chánh, in năm 1990 bởi nhà xuất bản Trẻ. Bảy năm sau anh in tập thơ thứ hai, “Khí Hậu Đồ Vật”, cũng qua nhà xuất bản này. Chuyện in ấn với nhà nước, về sau Nguyễn Quốc Chánh coi là trò dại của mình:
“Thật ngô nghê khi vừa muốn tự do vừa muốn cơ chế chuyên chính cho phép. Tôi đã hơn hai lần ngu như vậy. Và trớ trêu cả hai lần (tuy nhọc nhằn) nhưng đều được phép.
Mặc dù gọi là xin, nhưng thực ra có gì cho không đâu. Ðúng tên của nó phải gọi là mua và bán. Mua giấy phép và bán quyền được phép in và phát hành. Ðã mua và bán, lẽ ra phải thoải mái. Ðằng này vừa muốn bán vừa sợ mất quyền chuyên chế. Và kẻ mua, vẫn không mua được cái thứ mà đúng ra không nên có trên đời. Ðó là giấp phép ” (lời nói đầu của “Của Căn Cước Ẩn Dụ”, thơ tự in photocopy, 2001)
Thật ra Nguyễn Quốc Chánh hơi tự quá khắt khe. Vào đầu những năm 90, đối với một nhà thơ trẻ ở Sài Gòn, không có cách nào khác để xuất hiện trước bạn đọc ngoài con đường in ấn nhà nước. Internet không tồn tại. Gởi bài ra hải ngoại là việc nguy hiểm, những người như Nguyễn Quốc Chánh và tôi cũng không quen biết ai bên ngoài. Còn tự in photocopy rồi phân phát cho bạn bè sẽ bị công an tóm cổ ngay vì tội “phát tán tài liệu phản động”. Thời gian đó, mặt khác, văn nghệ trong nước bắt đầu có phần dễ thở vì chủ trương “cởi trói”, dù chuyện này chẳng kéo dài được mấy tuần trăng. Nguyễn Quốc Chánh hy vọng những bài thơ của anh, tuy rõ ràng là có giọng điệu chán ghét cái thực tại giả dối, nhưng được thể hiện dưới dạng những tâm trạng hoàn toàn riêng tư, có thể được cho in. Anh đi lo giấp phép, và đúng như anh nói, phải “nhọc nhằn” lắm mới “mua” được. Để rồi đâu chỉ một tháng sau khi ra đời, tập thơ “Đêm Mặt Trời Mọc” đã bị thu hồi.
Hôm nay có lẽ ít người có trong tay “Đêm Mặt Trời Mọc”, tác phẩm đã xác lập giọng điệu thơ của Nguyễn Quốc Chánh, một nhà thơ mà tôi nghĩ, quan trọng nhất của văn chương Sài Gòn từ sau 1975 đến nay.
Hai mươi năm, tôi vẫn còn nhớ như chỉ mới hôm qua những kỷ niệm với Nguyễn Quốc Chánh. Những ngày lang thang bằng xe đạp, những đêm uống rượu tới sáng trong “căn phòng nám phổi” sáu thước vuông của anh ở Sài Gòn, nói với nhau những giấc mơ văn chương lớn dù bụng lép và ngoài kia trời đất rất ngột ngạt. Tôi sẽ kể lại những điều này nay mai, trước khi hai mươi năm nữa lại đến và mọi sự trở nên quá muộn.
Tôi đăng lại vài bài thơ trích từ “Đêm Mặt Trời Mọc”, Nguyễn Quốc Chánh viết trong khoảng 1987-1989.
Phan Nhiên Hạo
6.2009
**
Tôi sinh ở xứ mặt trời
Tôi lớn trong mùa nào cũng thiếu nắng
Tôi nằm ngửa đối mặt vầng trăng
Tôi bị ám bởi bóng râm thằng Cuội
**
Tờ bạc
Có mùi tanh thuốc súng
Và đồng lương
Là xác của chiến tranh
Tôi cầm quá khứ trên tay mỗi tháng
Máu từ đầu dồn hết xuống chân
**
Cõng Quá Khứ
Thế hệ chúng tôi
Cõng trên lưng cái quá khứ
Một hình hài tàn tật của chiến tranh
Thế hệ chúng tôi
Đội trên đầu cái mũ
Bốn ngàn năm nghèo đói không vành
Thế hệ chúng tôi
Giữa thế kỷ loài người mọc cánh
Chúng tôi chẳng có gì ngoài hai bàn chân
Chính điều đó
Làm nên số phận
Thảm họa sau cùng người gánh- nhân dân
**
Dạ Dày
Trong dạ dày em
Chật ních bao tử rỗng tôi
Trong dạ dày tôi
Căng phồng bao tử lép em
Loài cá cảnh có thể bơi trong đó
Các giống lúa có thể thí nghiệm trong đó
Cá ăn sâu rầy cá no
Lúa bám rễ tá tràng lúa trổ
Còn tôi và em vì nuốt lẫn nhau
Nên mỗi ngày một xanh xao
**
Đêm Sài Gòn 1987
Tiếng động cơ hỗn độn ào về từ bờ sông
Tôi ngược chiều âm thanh hớp từng ngụm yên tĩnh
Vẫn thất lạc giữa những vì sao
Giữa những cột đèn
Những người tóc xanh hom hem
Khoảng yên tĩnh vật vờ bệnh hoạn
Đẫm mồ hôi nhiệt đới
Tiếng nhạc vòi vĩnh từ các quán cà phê
Đon đả niềm khoái lạc
Một luồng khí hưng phấn thổi qua giác quan
Những ki-ốt khép kín
Gián cách đêm bằng những cánh cửa sắt
Phía sau cánh cửa xác phù du trôi giữa những vật ế ẩm
Âm thanh đần độn
Tôi ngước nhìn ngôi nhà cao tầng ám khói
Ngôi nhà độc nhất tĩnh mịch
Ngôi nhà tự thiêu
Sự mặc cả còn trong bóng tối
Mọi người đi qua đều ngoái lại nhìn
Và choáng ngợp với khối lặng thinh bí mật
Tôi ngồi xuống ghế
Dòng sông phủ một tấm chăn mỏng
Những con tàu ngủ
Những đứa trẻ bụi đời lát lên lề đường sự hiu quạnh
Người đàn bà ăn đêm quẳng mẩu thuốc đỏ hỏn
Một con chó hoang lon ton trên đường
Một gã đàn ông cỡi lên dục vọng
Rú ga tát vào người đàn bà
Bỏ lại đám khói bơ phờ
Những cặp tình nhân đang nuốt vội bóng tối
Những miếng xương xáo tẩm đầy cô-ca-in
Một tiếng còi hụ dài
Dòng sông trở giấc
Những bắp thịt cuộn sóng
Gió cặm cụi mang theo mùi nhục dục
Người đàn bà ôm ghì cột đèn
Và tiếng động loãng dần
Đêm bắt đầu nhả ra những chiếc bóng tĩnh mịch
**
Tự Do
Em tích trong mắt bầu trời nhiều mây
Em trôi ngoài tiên đoán của nhà dự báo
Em xối xả mưa dầm nhiệt đới
Em ngang nhiên buông ga giới tính
Em tốc độ ngược chiều ánh sáng
Em trần trụi dưới mặt trời vô hạn
Em vượt khỏi biên giới cò con
Em trơ mũi tàu trên cạn
Em vỡ
Tôi là hạt mầm trong tay phù thủy
Tôi bị mùa màng hạn hán đánh rơi
Tôi bị xử chung thân trong cát bụi
Tôi bị giam cầm chín nhừ trong bóng tối
Tôi lãng quên tôi
Dưới áp lực hàm răng mặt trời
Dưới mưa em bạt chiều nhiệt đới
Dưới thời tiết nhập nhòa sáng tối
Tôi vạm vỡ mọc thành tôi
**
Giao Phối
Giao phối
Giao phối
Khi ngực nở bầu trời
Khi hoang mang ban mai sở thú
Khi cường tráng dậy thì nấm mộ
Khi nỗi buồn động cỡn hoan hô
Giao phối
Giao phối
Trên khẩu hiệu vĩ cuồng mệt mỏi
Trên bàn tiệc vuốt mắt từ trần
Trên mưu toan lộng quyền cám dỗ
Trên sương mù trì độn lên meo
Giao phối
Giao phối
Vì trong tôi tít mù nhân loại
Vì trong tôi kháng thể kêu đòi
Tiêm vắcsin vào động mạch
Những giống nòi mặc cảm mồ côi

Chân Phương viết: “Hi vọng là mấy bài thơ do PNH vừa giới
thiệu sẽ giúp người đọc khám phá NQC, dù là hơi muộn!”
Thật ra, người đọc thơ đương đại đều biết Nguyễn Quốc Chánh, nên không cần phải khám phá nữa. Tập thơ Đêm Mặt Trời Mọc này cho người đọc thêm một cơ hội để nhin lại Nguyễn Quốc Chánh năm 1990. Từ đó đến nay, 20 năm, Nguyễn Quốc Chánh đã đi những bước rất dài, rất dũng mãnh. Thơ của Chánh đã vượt qua biên giới Việt để đến với độc giả tiếng Anh, Pháp và Đức. Độc giả có thể đọc tiểu sử và nhiều tác phẩm thơ và văn của Chánh tại trang:
http://www.tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=23
“Thảm họa sau cùng người gánh: nhân dân”
Năm 1990, ngay tại Sài Gòn, Nguyễn Quốc Chánh đã viết một câu thơ như vậy, thì lẫm liệt quá.
Cảm ơn Hạo đã giới thiệu lại tập thơ này.
Hè 1992 qua Toronto thăm nhóm Trăm Con, tôi được Hà Vũ
Trọng tặng tập ĐÊM MẶT TRỜI MỌC, và tôi đã đọc đi đọc lại
nhiều lần những bài thơ độc đáo của Nguyễn Quốc Chánh.
Theo tôi đây là một trong số ít thi phẩm cứu tinh cho đời sống
tinh thần cũng như văn nghệ đã bị phá hoại tàn tệ ở VN trong
những năm tháng ấy. Hi vọng là mấy bài thơ do PNH vừa giới
thiệu sẽ giúp người đọc khám phá NQC, dù là hơi muộn!