Phan Nhiên Hạo – Mùa hè, đọc Đinh Linh, Nguyễn Viện, và Nguyễn Danh Bằng

Mùa hè này, xin giới thiệu đến bạn đọc Việt Mercury hai nhà văn đang được chú ý hiện nay. Một người ở Mỹ: Đinh Linh; một người ở Việt Nam: Nguyễn Viện. Trong bài này, tôi cũng muốn giới thiệu một cây viết hải ngoại mới xuất hiện: Nguyễn Danh Bằng.

Đinh Linh là một trường hợp độc đáo của văn chương người Việt. Đến Hoa Kỳ năm 1975 khi mới 11 tuổi, mặc dù vẫn nói tiếng Việt hoàn hảo, Đinh Linh viết tiếng Anh thoải mái hơn. Khác với phần lớn các nhà văn Mỹ gốcViệt khác, truyện của Đinh Linh đầy ắp hiện thực đương đại Việt Nam. Đinh Linh đã quay lại sống ở Sài gòn hơn hai năm, trong một con hẻm quận 8, đời sống bình dị như một nhà văn nội địa. Tính chất đa văn hóa và kinh nghiệm lưỡng cư giúp Đinh Linh quan sát hiện thực Việt Nam vừa với con mắt người bên ngoài, vừa với sự hiểu biết sâu sắc của người trong cuộc.

Đọc Đinh Linh, luôn thú vị vì những chi tiết “mới lạ” của hiện thực Việt Nam, những chi tiết mà con mắt người trong nước thường bỏ qua. Anh có thể khiến ta cười về thói quen ăn uống nhả xương xuống sàn nhà của người Việt, chuyện lấy chồng Đài Loan, khung cảnh lạ lẫm và nhếch nhác của những tỉnh lỵ… Đinh Linh không ngây thơ phán xét Việt Nam từ những hiện tượng bề mặt như một số “Tây ba lô”, những kẻ cho đây là “xứ sở tự do nhất thế giới”, “muốn gì được nấy” (Nhạc tây). Cái đời sống hào nhoáng trên vài đường phố chính Sài Gòn mà người ngoại quốc có thể lầm tưởng là biểu hiện của “hội nhập”, trong cái nhìn của Đinh Linh, cũng như những người Việt hiểu biết khác, phần lớn chỉ là trò trưởng giả kệch cỡm. Trong “Cảnh đẹp Cali”, chúng ta nhận ra khuôn mặt điển hình của một kẻ học đòi như vậy. Một kẻ học tiếng Anh lõm bõm, mặc quần jeans hiệu“nhái”, ngồi trong bar giành cho bọn ngoại quốc và buôn lậu, uống Heineken, vừa tò mò vừa khinh thị trước món pizza. Rốt cuộc, sau khi tiêu gần hết tháng lương vào những chai bia ngoại, hắn nhận ra đôi giày mới mua đã bị thằng bé đánh giầy cuỗm từ lúc nào. Trong truyện, Đinh Linh cũng không quên cho ta thấy cái thế giới bên ngoài cửa kính bar máy lạnh, nơi một người ăn mày đang trườn đi trên chiếc xe tự chế. Nhân vật Lài trong “Saigon Pull” không chỉ xuất hiện như một cô gái đi khách với người ngoại quốc, cô còn được mô tả trong quan hệ với gia đình, với cái ước mơ “mở một tiệm uốn tóc”. Lài cảm thấy bối rối về bố cô, một thương binh cụt nửa người và không ngừng huênh hoang về quá khứ đánh Mỹ hào hùng. Lài không hiểu tại sao người ta phải bỏ công đánh Mỹ, những kẻ rủng rỉnh tiền bạc trên đường phố Hà Nội và giờ đây là khách hàng của cô. Lài không “exotic” như Phượng của “Người Mỹ trầm lặng”, cũng không phơi phới tương lai như những nhân vật “a còng” của các nhà làm phim trong nước. Trong cái nhìn vừa “ngoại quốc” vừa Việt Nam của Đinh Linh, Lài là một hình mẫu rất thực của những thiếu nữ đang tìm cách ngoi lên, thường khi bằng những phương cách bi đát, trong cái bối cảnh toàn cầu hóa ở những nước nghèo.

Điểm đặc biệt thú vị trong văn chương Đinh Linh là một cảm quan hài hước rất rõ. Nếu nói như Franklin Roosevel, hai phẩm chất tuyệt diệu mà dân Mỹ sở hữu là cảm quan hài hước và đầu óc hài hòa về tỉ lệ, thì rõ ràng Đinh Linh đã hấp thụ được từ văn hóa Mỹ phẩm chất thứ nhất. Truyện của Đinh Linh làm người đọc cười vì những câu đối thoại tinh quái, như kiểu của tay lái xe trong “Thị trấn của cỗ quan tài bí ẩn”, hay như của ông Trương trong “Saigon Pull”, kẻ chưa bao giờ bước chân ra khỏi Hà Nội nhưng ba hoa rằng Hà Nội ngày càng giống New York. Thường Đinh Linh đi xa hơn sự hài hước bề mặt ngôn ngữ. Tính khôi hài trong truyện của Đinh Linh thể hiện ở khả năng chỉ ra được bản chất “dỏm”, “trái khoáy” của hiện thực Việt Nam. Trong “Tên tù và cuốn tự điển”, tên tù đã trải qua cả đời trong xà lim để học tiếng Anh từ một cuốn từ điển cũ. Nhưng vì không được ai dạy cho những từ căn bản lúc bắt đầu, hắn phải dùng những từ không biết này để định nghĩa những từ không biết khác. Sự sai lầm dây chuyền rốt cuộc dẫn hắn đến việc sở hữu một thứ tiếng Anh hoàn toàn vô nghĩa, đến nỗi sau nhiều năm miệt mài “học tập”, hắn thậm chí không biết rằng từ “prisoner”(người tù) là một từ mô tả chính thân phận hắn. Đinh Linh đem đến những phát hiện mới về một hiện thực mà ta tưởng đã biết rõ. Lối viết hài hước nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, cái nhìn vừa “xa lạ” vừa trong cuộc của Đinh Linh khiến truyện của anh độc đáo. Vị thế đa văn hóa của Đinh Linh là một vị thế vừa khó khăn vừa rất thú vị.

Nếu Đinh Linh là người am hiểu hiện thực Việt Nam nhưng quan sát nó từ vị thế bên ngoài, Nguyễn Viện là người hoàn toàn trong cuộc. Tình thế của Nguyễn Viện vừa là phải lặn ngụp trong hiện thực đó, vừa phải phản ứng lại nó, để khỏi chết chìm. Nhân vật trong tác phẩm Nguyễn Viện là những kẻ sành đời, am tường luật chơi của cái xã hội ngoắt ngoéo. Nhưng họ, đặc biệt nhân vật xưng tôi, cũng là kẻ có khả năng phản tỉnh, tự ý thức và cười nhạo về chính những trò “đểu” mà hắn đang chơi một cách điệu nghệ. Truyện của Nguyễn Viện có thể khiến một số người không cảm thấy thoải mái. Nhưng với những người có thể nhìn thẳng vào xã hội Việt Nam hôm nay, đọc Nguyễn Viện, thấy chính xác. Đây là một xã hội nơi những giá trị tinh thần gần như không còn đáng một xu nhưng người ta vẫn tiếp tục uốn éo, điệu bộ, hệt như những người đàn bà đỏng đảnh. Cách “lột truồng” bạo liệt các nhân vật nữ của Nguyễn Viện khiến có người cho rằng anh quá “macho”. Điều này có thể đúng. Nhưng tôi nghĩ, tính “macho” của văn chương Nguyễn Viện chỉ là một biểu hiện phản kháng trước sự trí trá của hiện thực. Khi người ta quá mệt mỏi với những trò lờn vờn, người ta chỉ muốn “miệng nói tay ấn, thế thôi” (Thần kim quy chưa chết).

Nguyễn Viện cũng là nhà văn trong nước đầu tiên nhìn lại biến cố 1975 từ góc độ một người miền Nam “được giải phóng”. Người kể chuyện trong tiểu thuyết “Thời của những tiên tri giả” là một bà mẹ có chồng và con trai lớn tập kết, nhưng con trai kế của bà, người mà bà yêu thương nhất, lại là sĩ quan miền Nam. Cùng với hai em gái, người con trai kế đã chẳng lấy gì làm hồ hởi khi gặp lại những người tập kết: “các con tôi không vui lắm khi gặp lại người thân, những ý nghĩ khác biệt làm xa cách thêm cái khoảng cách thời gian và không gian”. Người đàn ông tập kết cũng đã có vợ khác. Nguyễn Viện viết về động cơ tập kết của ông ta như sau: “chồng tôi tập kết ngày ấy có phần của ước muốn vượt thoát khỏi mặc cảm với gia đình vợ. Ngọn cờ vô sản làm cho những người nghèo khổ hả dạ, nhưng chồng tôi chẳng bao giờ hết tổn thương về sự nghèo khổ ấy”. Đây cũng là lần đầu tiên sau 1975, một nhà văn trong nước đã khắc họa nhân vật sĩ quan miền Nam như những con người có nhân cách và đời sống nội tâm. Trong tiểu thuyết của Nguyễn Viện, những người lính này không còn là “tên ngụy miệng bịt răng vàng” hung dữ, hay tay phản chiến chỉ chờ dịp để “quay về” với cách mạng. Cái nhìn về chiến tranh như trên của Nguyễn Viện rõ ràng đi xa khỏi quan điểm chính thống. Và điều này giải thích vì sao “Thời của những tiên tri giả” đã bị thu hồi ngay sau khi được in ra trong nước. Một cuốn sách “có vấn đề” như vậy lẽ ra nên được bàn cãi ở Việt Nam thay vì những cuốn sách “tân kỳ” một cách rất nhà quê và hoàn toàn vô thưởng vô phạt.

Văn của Nguyễn Viện mạnh mẽ, trôi chảy, lôi cuốn, đã đọc là hầu như không dừng lại được. Ngôn ngữ Nguyễn Viện thoát được ảnh hưởng của các từ ngữ hành chính-chính trị sử dụng lan tràn trong văn chương ở miền Nam sau 1975. Nguyễn Viện là một trong vài người viết hiếm hoi có khả năng nhìn thẳng vào thực trạng tinh thần xã hội Việt nam hôm nay một cách thấu đáo và không thỏa hiệp. Tuy vậy, có vẻ như các truyện của anh đang tự lập lại.

Bên cạnh Đinh Linh và Nguyễn Viện, hai nhà văn đã có chiều dày tác phẩm, Nguyễn Danh Bằng là một khuôn mặt mới. Nguyễn Danh Bằng chỉ bắt đầu viết gần đây. Khác với Đinh Linh, Nguyễn Danh Bằng đến Mỹ vào độ tuổi trưởng thành, sau khi vừa học xong Đại Học Mỹ Thuật ở Sài Gòn. Anh không Mỹ như Đinh Linh. Nhưng cũng không như Nguyễn Viện, Nguyễn Danh Bằng có sự chọn lựa của một người bên ngoài. Truyện của Nguyễn Danh Bằng tập trung vào kinh nghiệm hội nhập trên đất Mỹ. Ngay cả khi lấy bối cảnh Việt Nam, như trong “Hội An”, Nguyễn Danh Bằng cũng nhìn sự vật từ góc độ một Việt kiều. Chúng ta có những nhà văn đến Mỹ vào lúc còn rất nhỏ như Đinh Linh. Chúng ta có nhiều nhà văn đến Mỹ vào lứa tuổi mà sự hội nhập gần như không thể. Nguyễn Danh Bằng thuộc thế hệ ở giữa. Có một số nhà văn hải ngoại (viết tiếng Việt) cố gắng mô tả kinh nghiệm hội nhập của họ. Nhưng thường những mô tả này chỉ dừng lại ở việc trình diễn “tình hữu nghị” bề mặt với người bản xứ hơn là cho thấy xung động văn hóa nội tâm. Nếu Nguyễn Danh Bằng có thể mô tả kinh nghiệm hội nhập của anh một cách tự tin hơn, chân thành hơn, anh sẽ làm một đóng góp thú vị cho văn chương hải ngoại. Đọc Nguyễn Danh Bằng, người đọc ngạc nhiên bởi vẻ đẹp của các chi tiết, sự chính xác của hình ảnh, và đặc biệt bởi không khí thơ mộng bao trùm lên tất cả. Truyện của Nguyễn Danh Bằng thường không có cốt truyện rõ ràng. Chúng gần như tùy bút, ghi chép tản mạn. Bút pháp này đặc sắc, nhưng cũng cần được thực hành với sự kiềm chế, nếu không, người viết dễ rơi vào làm dáng. Nguyễn Danh Bằng là người viết có sự hiểu biết về cả hai nền văn hóa Việt-Mỹ và sự tinh tế của một họa sĩ. Anh lại còn khá trẻ. Nguyễn Danh Bằng có những điều kiện để đi xa hơn.

Mùa hè này, tôi muốn đọc ba nhà văn từ những góc cạnh hiện thực như vậy: một nhà văn đến Mỹ khi còn rất nhỏ, một nhà văn sống trong nước, và một nhà văn đang đối mặt với những vấn đề văn hóa hội nhập.

(Bài đã đăng trên báo Viet Mercury, mùa hè năm 2004)

1 bình luận về “Phan Nhiên Hạo – Mùa hè, đọc Đinh Linh, Nguyễn Viện, và Nguyễn Danh Bằng

  1. hieutn1979 1 Tháng Sáu 2009 / 9:09 sáng

    Chào anh Phan Nhiên Hạo,
    Rất vui khi gặp lại anh trên WordPress.
    Chúc anh luôn mạnh khỏe và dồi dào sức sáng tạo.

Ý kiến

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.