Đinh Linh – Thị trấn cỗ quan tài bí ẩn

[Phan Nhiên Hạo dịch từ nguyên bản tiếng Anh “The Town of the Hidden Coffin”]

Châu thổ sông Hồng là một trong những khu vực có mật độ dân số cao nhất thế giới: suốt hàng trăm dặm vuông làng mạc san sát, thị trấn nối tiếp nhau, mỗi mẫu đất hiện hữu (và không hiện hữu) đều được cấy cầy. Lý do đó càng khiến Nội Yên là một chốn kỳ lạ. Nằm ngay trung tâm châu thổ sông Hồng, cách Hà Nội đúng 50 dặm, phố huyện này gần như hoàn toàn bị bỏ hoang. Tôi đi qua Nội Yên một lần, vào tháng Chín hay tháng Mười năm 1998, và không bao giờ còn muốn trở lại.

Rời thị trấn đông đúc, phát đạt Hùng Chấn, vượt qua con sông hẹp hôi thối, tôi kinh ngạc khi lần đầu tiên giáp mặt sự vắng vẻ, hoang phế của đường phố Nội Yên. Toàn bộ những ngôi nhà và cửa hiệu đều đóng cửa. Nhiều ngôi nhà có vẻ bị phá phách và bỏ hoang, không người ở, một hiện tượng chưa từng nghe nói đến ở Việt Nam, nơi thậm chí những lô cốt xây từ thời Pháp cách đây nửa thế kỷ cũng biến thành chỗ cư ngụ. Dấu hiệu sự sống duy nhất ở “phố chợ” Nội Yên là khoảng một tá ăn mày và người bán hàng rong, hầu như chẳng bán gì cả, tụm lại trong bóng râm trước nhà bưu điện không bao giờ mở cửa. Trong số họ, một đứa bé khoảng mười tuổi, cố gắng đuổi theo xe chúng tôi, tay vẫy vẫy nắm vé số. Chúng tôi bỏ nó lại phía sau trong đám bụi mù.

Ra khỏi phố chính, tôi càng kinh ngạc vì vẻ hoang hoá của những cánh đồng. Suốt hàng dặm đường, không hề thấy bóng trâu bò, gà chó, hay chim chóc. Những cánh đồng bỏ mặc cho cỏ và hoa dại, cách vài thước lại có một hố đất đào xới cẩu thả. Hàng trăm hố như vậy. “Chỗ này trước kia là bãi chiến trường à”? tôi hỏi tay tài xế, rồi nhận ra đó là một câu hỏi đần độn, vì suốt đời tôi chưa bao giờ thật sự thấy một bãi chiến trường. “Không”, tay tài xế trả lời ngắn gọn, nhấn ga vọt nhanh. Thấy tôi có vẻ hơi bực, y nhanh chóng nói thêm: “Tôi sẽ kể anh nghe về Nội Yên khi chúng ta tới thị trấn kế tiếp”.

Tối đó, trong bữa ăn và sau khoảng hơn một tá chai bia Hà Nội, hắn giải thích: “Nội Yên bị bỏ hoang cả chục năm nay. Không ai sống ở cái thị trấn bị ếm đó. Có nhiều giải thích, nhưng giải thích thuyết phục nhất, và vì thế có tính sự thật cao nhất, là câu chuyện về một cỗ quan tài rỗng”.

“Quan tài rỗng?!”

“Vâng. Khoảng mười lăm năm trước, một vụ xung đột xảy ra giữa Nội Yên và Hùng Chấn, và người Hùng Chấn đã ếm đất Nội Yên, vì vậy ngày nay không ai sống ở đấy nữa”.

“Xung đột vì chuyện gì”?

“Tôi cũng không rõ, hình như một gã trai Nội Yên hiếp dâm một cô gái Hùng Chấn, hay ai đã làm nhục ai đấy, hay người ta thiếu nợ không trả, mà cũng có thể vì Nội Yên đã thắng Hùng Chấn một trận bóng bằng cách hối lộ trọng tài”.

Sự lờ mờ của nguyên nhân vụ xung đột khiến tôi khá bực mình, nhưng tự nhủ cũng chẳng quan trọng gì. Có quá nhiều lý do, tất cả đều hợp lý, dĩ nhiên, khiến người ta quyết định trả thù nhau.

Gã tài xế nói tiếp: “Khi vụ xung đột giữa hai làng bắt đầu, xảy ra hàng loạt cái chết kỳ lạ ở Nội Yên. Người ta cứ lăn đùng ra chết trong khi đang làm việc. Như tôi đang ngồi trong quán trò chuyện với anh đây, không báo trước gì, cứ thế lăn ra đất chết tốt”.

“Có bao nhiêu cái chết kỳ lạ như thế”?

“Hàng trăm”!

Tôi liếc tay tài xế nghi ngờ. Cùng lắm là bốn năm trường hợp đau tim, động kinh, hay ngộ độc. Sao người mình thích phóng đại thế.

Nói về chuyện ngộ độc thực phẩm, tôi nhớ tối hôm đó đồ ăn cũng thật đáng sợ. Chúng tôi gọi mì, tôi mì hải sản, gã tài xế mì gà. Cô phục vụ mỉm cười vui vẻ, vào bếp, vài phút sau trở ra với hai tô mì giống hệt nhau lõng bõng mấy miếng thịt lợn thiu thái mỏng. Đó là chuyện thường gặp khi du lịch đến những nơi khỉ ho cò gáy: hoặc sẽ được ngạc nhiên với những đặc sản địa phương giá rẻ như cho, hoặc phải trả giá cắt cổ cho những thứ rác rưởi.

Gã tài xế nốc cạn ly bia, bọt dính đầy mép, nói tiếp:”Vâng, hàng trăm người chết mỗi tháng, mỗi ngày có đến chục đám tang, chẳng ai chứng minh được người ta chết vì Hùng Chấn đã bị ếm. Nhưng cũng chẳng có giải thích nào hợp lý hơn. Trước vụ xung đột, chẳng ai chết cả”.

Gã tài xế tạm dừng để tìm một chai bia khác trong thùng nước đá, có lẽ chai thứ tám hay chín:”Người Nội Yên biết là có một vụ ếm, nhưng không biết rõ ếm thế nào, nên không tìm được cách giải. Nhưng rồi có lẽ vì lòng thương hại, cuối cùng có người Hùng Chấn mách là người ta đã chôn một cỗ quan tài rỗng ở Nội Yên. Vì thế mà nhiều người chết. Cỗ quan tài cần xác chết, và chừng nào chưa có một cái xác thật đặt vào đấy, người Nội Yên sẽ tiếp tục lăn ra chết”.

“Thì ra có nhiều hố đào trên đồng là vậy”?

“Vâng, vâng. Người Nội Yên biết là có một cỗ quan tài rỗng trong vùng, nhưng không biết đích xác chỗ nào, nên cứ phải đào xới tung lên”.

Câu chuyện cũng có lý, tôi nghĩ. Ai cũng biết khi ế ẩm, để bán được hàng, chủ nhà hòm thường chui vào ngủ bên trong một cỗ quan tài như để đề nghị một cái chết đến quỷ thần. Rõ ràng cỗ quan tài khi ở trên mặt đất chỉ là cỗ quan tài, nhưng khi được chôn xuống đất nó cần xác chết.

“Thế họ không tìm được cỗ quan tài à”?

“Tất nhiên là không. Thế nên họ mới phải bỏ thị trấn ra đi. Bí quá, người ta thậm chí đã mời một ông sư nổi tiếng tận Hà Nội về tìm cỗ quan tài, nhưng không ăn thua. Ông sư tuyên bố cỗ quan tài lẩn tránh ông ta”.

“Anh bảo ‘lẩn tránh’ nghĩa là sao”?

“Cỗ quan tài di chuyển dưới đất để tránh bị phát hiện”!

“Thế mà tôi cứ tưởng cỗ quan tài mong được phát hiện, để người ta cho nó một cái xác.”

Gã tài xế im lặng vài giây. Có lẽ sau cùng tôi đã bắt bí được hắn, tôi nghĩ. Nhưng gã tài xế nói tiếp:”Anh biết nhé, một cỗ quan tài cũng không khác một ả đàn bà lắm đâu. Nó muốn thân xác đàn ông nhưng lại làm ra vẻ không muốn. Nó không muốn có thai”!

“Ông sư nói thế à”?

“Không, tất nhiên sư thì biết gì về đàn bà. Là tôi suy ra nó phải thế “.

Vâng, một cỗ quan tài giống cái, đóng bằng gỗ rẻ tiền tại nhà, một cách bí mật và vội vã, đã được chôn xuống đất, khao khát cơ thể lạnh lẽo của bất cứ đàn ông, đàn bà hay con trẻ nào, nhưng lại từ chối lời tụng kinh được trả tiền của một thầy tu giả hiệu.

“Nhưng có thể đơn giản là chẳng có cỗ quan tài rỗng nào dưới đất cả”?

“Tất nhiên phải có. Đấy là nguyên nhân khiến người ta chết”.

“Nhưng không phải ai cũng bỏ đi. Chúng ta thấy cả chục người gần nhà bưu điện sáng nay. Sao những người đó vẫn không chết”?

Gã tài xế nhìn tôi với đôi mắt vằn đỏ những tia máu. Lúc này gã đã say khướt và sẽ đâm xe vào chiếc ô tô tải hay gốc cây đầu tiên nào ngay khi chúng tôi lên đường. Tôi biết hắn là tay nát rượu trước khi thuê, nhưng chiếc xe của hắn, một đống sắt vụn Liên Xô, không thể kiếm đâu rẻ hơn được. Có vẻ như chúng tôi sẽ phải chen nhau một chỗ nằm trong cỗ quan tài rỗng tối nay.

“Thưa anh, tôi không hề thấy bóng một người nào ở Nội Yên sáng nay. Thậm chí chó cũng sợ phải sống trên mảnh đất bị ếm đó. Những người đã bỏ đi thậm chí không dám quay lại quá nửa ngày để chăm sóc mồ mả thân nhân. Nếu anh thấy cả chục người hôm nay thì đích thị họ là ma. Mà anh thấy họ đang làm gì?”

“Xin ăn và bán hàng rong”.

“Thế là rõ. Họ phải là ma, bởi vì chẳng ai lại điên đến nỗi đi ăn mày hay bán hàng rong trong một thị trấn bỏ hoang”.

(Trích từ Thư Lạ, tuyển tập truyện ngắn Đinh Linh. Phan Nhiên Hạo dịch. NXB Văn Mới, California, 2007)

Ý kiến

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.